Giã từ - Tiểu thuyết của Phạm Việt Long - Chương một - Nhà cách mạng Ba mươi

Phạm Việt Long

01/08/2021 11:36

Theo dõi trên

Với hơn 400 trang sách, Giã từ là một tiểu thuyết có dung lượng khá lớn. Cuốn sách cho thấy một giai đoạn chuyển tiếp, tranh chấp quyết liệt giữa cái cũ và cái mới, giữa cái tốt đẹp và cái xấu xa, giữa bảo thủ, trì trệ và cách tân, năng động, giữa đạo đức trong sáng và thói vụ lợi, tham lam, quỷ quyệt. Ðây là một trong 51 cuốn tiểu thuyết đã lọt vào vòng chung khảo cuộc thi tiểu thuyết của Hội Nhà văn Việt Nam.

bia-gia-tu-1627524038.jpg

Chương một

NHỮNG HÌNH HÀI ĐEN ĐỎ

 

Nhà cách mạng Ba mươi

 

Sau khi miền Nam được hoàn toàn giải phóng, nước Việt chúng ta có một khái niệm mới: những nhà cách mạng Ba mươi. Khái niệm này dùng để chỉ những người tham gia cách mạng vào dịp giải phóng miền Nam - ba mươi tháng tư năm bảy lăm. Trước đó, có thể họ là sinh viên, học sinh, hoặc là người đạp xích lô, chạy xe lam, hoặc là những người vô gia cư vô nghề nghiệp, thậm chí là kẻ tội phạm... Nói chung, trước khi lực lượng cách mạng vào giải phóng địa phương khỏi ách thống trị của chính quyền nguỵ, họ chưa biết cách mạng là gì. Khi cách mạng vào, họ hăng hái dẫn đường, chở xe, hoặc cầm đàn chạy theo cổ vũ... Sự nghiệp cách mạng mở ra, cần cán bộ, họ nghiễm nhiên được kết nạp vào đội ngũ những người cách mạng. Họ vào Ban Quân quản, rồi dần dần được biên chế vào bộ máy chính quyền từ cơ sở đến huyện, thị, tỉnh, thành. Đó là lực lượng khá phức tạp. Có những người thành phần cơ bản, thực lòng đi theo cách mạng, có những đóng góp tích cực cho đất nước. Nhưng cũng có những người tuy thực bụng, mà dốt nát, tả khuynh, đã cư xử thô bạo với quần chúng, với lực lượng tề nguỵ bị quản thúc tại địa phương, làm mất uy tín của cách mạng, làm suy giảm lòng tin của quần chúng với lãnh đạo. Có rất ít kẻ vốn có nợ máu với nhân dân, nhưng ẩn mình kỹ, che đậy được quá khứ, cũng luồn lỏi được vào bộ máy chính quyền cách mạng, trong đó có kẻ luồn sâu, leo cao. Lại có những kẻ cơ hội. Họ thực sự không giác ngộ cách mạng, chỉ chạy theo lực lượng giải phóng như bèo bọt trôi theo dòng nước, rồi họ nắm lấy cơ hội nhảy vào những vị trí quan trọng trong bộ máy nhà nước. Từ đó, họ tiến thân khá nhanh...

Lý Ngồ Ngộ là một nhà cách mạng Ba mươi cơ hội. Khi đoàn quân Giải phóng ập vào thành phố, Lý Ngồ Ngộ đang là học sinh. Biết đàn hát, cậu học sinh này hồ hởi ôm đàn đi theo các chiến sĩ giải phóng. Cậu ta thuộc và trình diễn rất nhanh những bài ca cách mạng, như Mỗi bước ta đi, Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng, Giải phóng miền Nam...Trong các cuộc họp dân phố, Lý Ngồ Ngộ ôm đàn, hát vang trời bằng cái giọng rền như sấm, được hoan nghênh nhiệt liệt. Dần dần, cuộc sống ổn định, chính quyền tập trung vào chỉ đạo xây dựng kinh tế, văn hoá. Thành phố thành lập Công ty Tri thức để vừa làm kinh tế, vừa đưa văn hoá đến với nhân dân. Một ông cậu của Ngộ tập kết về làm ở Tổ chức thành phố, đã bố trí Ngộ làm nhân viên kinh doanh lưu động. Việc này quá hợp với Ngộ. Sức vóc bề bề, ăn to nói lớn, đàn mạnh hát vang, tha hồ hô hào tuyên truyền, thu hút quần chúng đến để bán hàng. Phải nói, Lý Ngồ Ngộ rất xốc vác trong công tác. Những chuyến hàng dã ngoại lang thang khắp vùng nội ngoại thành Sài Gòn, về tuốt các tỉnh miền Đông, miền Tây, đều có mặt và giọng hát Lý Ngồ Ngộ. Anh ta không quản mưa dầm nắng lửa, cứ bám theo xe, theo hàng mà phục vụ quần chúng. Điểm yếu của Lý Ngồ Ngộ là học hành dở dang. Nhà ở nông thôn, bị bom đạn chà xát quá, chịu không nổi, chạy dạt lên thành phố được mấy năm nay, Ngộ không có điều kiện học hành đầy đủ. Bù lại, là sự lanh lợi pha chút láu cá và một ý tưởng nhất quán về con đường tiến thân. Là con người có hoàn cảnh sống phức tạp cho nên Lý Ngồ Ngộ cũng có tính cách pha tạp. Suốt tuổi thơ sống ở nông thôn, học hành bập bõm, cậu ta khá ngờ nghệch trong kiến thức, trong cách ứng xử - nói một cách thông tục, Lý Ngồ Ngộ quê một cục. Lớn lên, sống ở đô thành phồn hoa dưới thời Mỹ - Nguỵ, cậu ta học đòi kiểu cách chơi bời và học cả thủ đoạn thương trường. Biết đàn hát, cậu ta tưởng mình là nghệ sĩ thứ thiệt, nên sống khá phóng túng. Tuổi thanh niên đầu đời cắm rễ trong một xã hội thuộc địa chịu ảnh hưởng của lối sống thị trường, khiến cho Lý Ngồ Ngộ có thói quen đua chen, kèn cựa và tính toán thiệt hơn. Trưởng thành vào thời bao cấp, lại vào giai đoạn khó khăn nhất về kinh tế, khi nhân dân phải ăn bo bo thay gạo, Lý Ngồ Ngộ không hề tiếp thu được chút nào nếp sống tốt đẹp của những người cán bộ cách mạng, mà phát huy cao độ cách thức sống khôn lỏi lợi thân để vượt qua thử thách của giai đoạn trước đổi mới. Hoạt động nhiệt tình thì có, nhưng cậu ta không vô tư như những người bạn cùng trang lứa trong Công ty, mà luôn luôn tìm cách khoe mẽ, làm cho mình trở nên nổi bật trước mắt mọi người. Hơn nữa, ông cậu ở Tổ chức Thành phố là điểm tựa vững chắc cho cậu vượt lên. Cứ thế, Lý Ngồ Ngộ đứng vững ở vị trí nhân viên, rồi lên phó phòng, trưởng phòng một cách nhẹ nhõm.

Trong một lần ra miền Bắc tham quan và học tập, Lý Ngồ Ngộ làm quen với một cô gái Hà Nội chính hiệu có tên là Bích Ngà. Cô có khuôn mặt tròn, đôi mắt to, đượm buồn. Giọng nói nhẹ nhàng của cô gái Thủ đô làm xao lòng chàng trai phương Nam. Nhưng, cái thứ làm cho Ngộ xúc động mạnh mẽ lại là bản lý lịch đẹp đẽ của Ngà: cô là con ông Cục trưởng Cục quản lý Tri Thức. Có nghĩa là Công ty Tri thức của Ngộ nằm dưới quyền quản lý nhà nước của ông già này. Con người Ngà và ông bố oai quyền của Ngà tạo nên sức hút mạnh mẽ khiến Ngộ lao vào như thanh sắt bị nam châm hút. Láu cá, có chút khiếu văn thơ, chàng thanh niên Nam Bộ chắp ghép mấy câu thơ học lỏm được trên báo thành bài thơ tình tặng Ngà. Cô gái ngất ngây như ong say mật (làm ra vẻ say thôi, vì vốn có học, Ngà nhận ra ngay cái chất đầu Ngô mình Sở của bài thơ). Thư đi thư về, gặp qua gặp lại trong những chuyến công tác, họ trở nên gắn bó.

Một hôm ra miền Bắc nhận chỉ tiêu hàng hoá, Ngộ hăm hở tới nhà Ngà. Bấm chuông, chờ mãi, Ngộ mới thấy một phụ nữ dáng vẻ quê mùa ra mở cửa. Chưa đợi Ngộ hỏi, bà ta đã nói: "Nhà đi vắng cả rồi!". Ngộ hỏi trống không: "Đi đâu hết vậy?". Người đàn bà trả lời: "Đi bệnh viện ạ!". Ngộ lại hỏi độp một câu: "Đi bệnh viện làm gì?". Người đàn bà mở miệng định nói, nhưng như chợt nhớ ra điều gì, lại thôi. Thấy Ngộ cứ dậm chân, vuốt mặt vẻ bồn chồn, người đàn bà nói: "Chiều nay chú đến sẽ có người ở nhà!". Ngay chiều tối hôm ấy, Ngộ tới nhà Ngà. Lúc này, ông bà Cục trưởng đang ngồi bên bộ xa lông, vẻ mặt rầu rĩ. Thấy Ngộ, ông bà nhanh chóng chuyển thái độ, tươi cười như không có chuyện gì xảy ra. Ngộ hỏi: "Thưa bác,  thế gia đình đi bệnh viện vì chuyện gì đấy ạ?". (Ngộ có biệt tài thay đổi cách giao tiếp. Với người có thế lực, anh ta một phép lễ độ. Nhưng với những người thấp cổ bé họng, anh ta rất hách dịch). Ông Cục trưởng chưa kịp mở miệng thì bà Cục trưởng đã gạt phắt: "Đâu, có đi bệnh viện nào đâu. Chúng tôi bận chút việc trên phố thôi mà!". Ngộ lại hỏi: "Thưa bác, em Ngà đâu ạ?'. Bà Cục trưởng trả lời thay chồng: "Em nó về quê có việc. Tiếc quá, lần khác anh đến chơi vậy!". Vốn ranh ma, Lý Ngồ Ngộ cảm thấy có chuyện gì đó uẩn khúc ở gia đình Ngà. Hôm sau, vào lúc ông bà Cục trưởng đã đi làm, Ngộ lại đến nhà Ngà, trong tay cầm một bịch bánh bao. Lần này, anh ta ngọt ngào với người đàn bà quê mùa: "Dì ơi, dì ăn bánh đi, rồi nói chuyện với con. Con là anh họ em Ngà, gì đừng ngại!". Lúc này, lương thực, thực phẩm đang rất khó khăn, chiếc bánh bao nhân thịt là một món quà quý. Người đàn bà cầm chiếc bánh bao, nhìn Ngộ với đôi mắt hàm ơn. Ngộ ngồi rỉ rả hỏi chuyện. Người đàn bà thật thà nói: "Tôi ở quê, mới ra vì gia đình nhờ trông nom em Ngà một thời gian". Ngộ bắt nọn: "Em Ngà phải đi bệnh viện, lúc này chắc còn yếu lắm?". Người đàn bà quên cả lời dặn của gia đình, chép miệng: "Vâng, yếu lắm anh ạ. Khổ, bỏ cái thai cũng như bỏ một con người,  khoẻ làm sao được!". Ngộ giật nẩy mình, nhưng trấn tĩnh được ngay, bốc tiếp một cái bánh bao đưa cho người đàn bà: "Ấy, dì ăn đi, bánh còn nhiều lắm!". Rồi, Ngộ cáo lui. Chẳng khó khăn gì, Ngộ tìm hiểu tình hình và được biết một sự thật bẽ bàng: Thời gian lao động ở bên Đức, Ngà đã chung sống như vợ chồng với một chàng trai xứ Nghệ, nhưng về nước một thời gian rồi thì đường ai nấy đi, riêng Ngà phải ôm một khối tình ngày một lớn... Cái hôm mà bà Cục trưởng bảo rằng em nó về quê ấy, chính là hôm Ngà vào Viện C Trung ương nhờ ông bác sĩ quen làm cho tan biến khối tình trong cơ thể mình đi... Hiểu rõ ngọn ngành, sau giây phút choáng váng, Ngộ hồi tưởng lại mối quan hệ ban đầu với Ngà mà cay cú. Cay nhất là cái việc Ngộ mắc lỡm cô gái Hà thành dịu ngọt này. Vốn ham nhục dục, khi vừa được Ngà nhận lời yêu, Ngộ băm bổ định bụp liền, nào ngờ bị bàn tay êm ái của Ngà ngăn lại: "Để dành nào anh! Đợi đến khi thành vợ thành chồng cho nó đàng hoàng!". Giật thột vì sợ cô gái con nhà gia giáo này coi là kẻ thô bạo, Ngộ đành nuốt nước miếng nhịn thèm. Rồi, trong suốt quá trình yêu đương, xa nhau cả mấy ngàn cây số, mấy tháng mới gặp nhau một lần, nhưng khi tình tự, Ngà cũng chỉ cho cầm tay, thơm lên má. Ngộ càng tưởng rằng đây là một đoá trà mi trinh trắng mới hé nụ. Ngờ đâu, cái đoá trà mi kiều diễm ấy đã bị con ong cái bướm tuôn mòn đường đi lối về. Cay cú như thế, nhưng Ngộ vẫn đủ tỉnh táo để xác định lại phương hướng chiến lược. Cậu ta tự nhủ:: "Dù thế nào, cũng phải trở thành con rể ông Cục trưởng. Con đường tiến thân đang rộng mở trước mắt. Mà, đàn bà con gái, cũng đã qua tay mình biết bao nhiêu người rồi, có gì là quan trọng đâu. Cộng trừ qua lại, mình vẫn có lời...". Thế là, tối hôm sau, Ngộ lại đến nhà Ngà, tươi cười như không có chuyện gì xảy ra. Cậu ta trịnh trọng nâng hai tay một gói quà, lễ độ nói: "Dạ thưa hai bác, sớm mai con phải về trong đó. Con gửi cho em Ngà bộ áo dài và tập thơ của con vừa xuất bản tặng Ngà!". Ông bà Cục trưởng lấy làm cảm động: "Anh chu đáo quá. Em nó về, tôi sẽ chuyển quà và nhắc nó liên lạc với anh!". Bà Cục trưởng vừa dứt lời thì có một tiếng ho phía buồng của Ngà. Ông bà Cục trưởng giật bắn mình, vẻ lúng túng. Ngộ thản nhiên như không, xin phép ra về. Bà Cục trưởng cẩn thận dặn: "Đợt này em Ngà bận về quê sáu tháng. Anh em chịu khó xa nhau một thời gian. Anh thông cảm nhé!". Ra khỏi cổng, Ngộ lầm bầm: Quê gì mà quê. Người Hà Nội chính gốc, đang ở Hà Nội thì về quê nào...

Trên đường trở lại miền Nam, ký ức chợt bừng dậy trong Ngộ, mà nổi bật là hình ảnh một cô gái Sài gòn có dáng người thon thả và một giọng hát ngọt ngào. Hồi ấy, Sài gòn đang là "Hòn ngọc Viễn đông". Cái đô thành hoa lệ này như muốn nuốt chửng cậu bé miệt vườn từ huyện Ô Môn thuộc Tây Đô mới lên. Sống nhờ nhà người chú, vừa đi học vừa đánh đàn ở mấy quán cà phê kiếm thêm tiền, Ngộ nhanh chóng bị cuốn hút vào vòng quay của cuộc sống đô thị. Vốn tối dạ, Ngộ học hành vất vả, chẳng đâu vào đâu. Bù lại, là ngón đàn khá tinh xảo được ông chú truyền dạy từ hồi Ngộ còn thiếu niên. Cậu ta có thể độc tấu ngon lành các bản nhạc Tây, ta, có thể đệm cho bất kỳ người hát nào theo bất kỳ giọng điệu nào, không cần tập dợt trước. Cái tài lẻ này giúp Ngộ nhanh chóng hoà nhập vào cuộc sống đô thị và kiếm cũng được khá nhiều tiền. Cậu ta sẵn sàng xách đàn tới phục vụ bất cứ nơi nào, miễn là được trả cát sê thoả đáng. Có dạo, cậu ta quần suốt một tháng ở các câu lạc bộ lính Cộng Hoà, vừa độc tấu những bản tình ca cổ điển thế giới, vừa đệm cho các nữ chiến binh Phượng Hoàng ca những bài chống Cộng. Sau mỗi buổi phục vụ, ngoài tiền, Ngộ còn đem về nhà lổn nhổn những lon đồ hộp Mỹ. Một hôm, trời đã về khuya, Ngộ xách đàn lang thang trên phố thì nghe một giọng hát của một thiếu nữ vẳng lên từ trường Lê Quý Đôn. Tiếng hát ngọt ngào của cô gái lạ dẫn dắt Ngộ men theo tường rồi đi qua cổng lúc nào không hay. Bước chân cứ theo giọng hát đưa Ngộ tới trước một lớp học. Tại đó, có chừng hai chục nam nữ học sinh đang quây quần trong không khí văn nghệ khá lạ lẫm đối với Ngộ. Bởi vì, nơi này không cất lên những giọng ca não nề của lối hát nhạc vàng thường thấy tại các quán cà phê, cũng không rộn lên tiếng hát hùng hổ với những bài hát chống Cộng, ca ngợi đời lính chiến như ở các câu lạc bộ lính Cộng Hoà, mà vang lên giai điệu thiết tha, trong sáng với lời ca đẹp lạ lùng: "Nếu là hoa, tôi sẽ là một đoá hướng dương. Nếu là chim, tôi sẽ là loài bồ câu trắng. Nêu là mây, tôi sẽ là một vầng mây ấm. Là người, tôi xin chết cho quê hương...". Từ ngoài cửa sổ nhìn vào, Ngộ nhận thấy rõ đó là những học sinh nghèo - quần áo cũ kỹ, dáng người lam lũ. Đôi mắt sáng ngời của họ chăm chăm nhìn vào cô gái. Cô có dáng người mảnh mai, tóc dài, da ngăm ngăm, gương mặt sáng sủa, duyên dáng. Cô vẫn hát, say mê, đắm đuối, không để ý đến Ngộ đang lặng nhìn mình. Máu nghệ sĩ nổi lên, Ngộ mở bao đàn và nhẹ nhàng lướt những ngón tay của mình trên sáu sợi dây, tạo nên những chùm hợp âm hoà vào giọng hát... Sau một phút lặng đi, tốp học sinh ồ lên, nhìn ra cửa sổ. Cô gái ngừng hát và đưa đôi mắt đen láy nhìn thẳng vào Ngộ. Ánh mắt như luồng điện cực mạnh chạm vào ánh mắt Ngộ, khiến Ngộ rùng mình. "Anh Hai, anh vô hát cùng tụi em!". Cả tốp nhao nhao mời chào. Thế là Ngộ hoà nhập dễ dàng với tốp học sinh nghèo trường Lê Quý Đôn, thỉnh thoảng lại ôm đàn tới đệm cho cả nhóm hát những bài ca yêu nước, thương nòi và đặc biệt là đệm cho cô gái đô thành có cái tên rất quê Tư Lành hát những bài ca phản chiến. Họ đang tập dợt để tham gia đợt xuống đường của học sinh sinh viên Sài Gòn hát cho đồng bào tôi nghe, đòi vãn hồi hoà bình. Nghệ thuật là một bà mối mát tay, đã nhanh chóng kéo Tư Lành vào vòng tay tình ái của Lý Ngộ Ngộ. Ngộ càng thường xuyên đến đệm đàn cho nhóm học sinh Lê Quý Đôn hơn để có điều kiện gần gũi, tình tự với Tư Lành. Hôm ấy, tập dợt xong thì đã khuya, Ngộ và Tư Lành đi bộ trên con đường Mạc Đĩnh Chi để về nhà Tư Lành. Trời đang yên ả, bỗng gió thổi thốc lên và nước mưa tuôn xuống ào ào. Ngộ nắm tay Lành, kéo chạy vào nghĩa trang Mạc Đĩnh Chi. Đây là khu nghĩa trang lớn, nằm giữa lòng Sài Gòn, là nơi yên nghỉ của những bậc quyền quý, được xây cất rất đàng hoàng. Hai người nhanh chân tạt vào dưới mái che của một ngôi mộ lớn như một mái nhà. Trời mưa sầm sập. Hai người quấn chặt vào nhau. Và cuộc đời con gái đã chấm hết với Tư Lành từ đấy. Một tuần sau thì diễn ra cuộc xuống đường quy mô lớn của học sinh sinh viên Sài gòn đòi vãn hồi hoà bình. Ngộ hăng hái ôm đàn ghi ta cùng Tư Lành và tốp học sinh Lê Quý Đôn xuống đường hát vang những bài ca phản chiến. "Không, không thể sống chần chờ hay trông đợi. Tương lai hồng ta phải nắm về ta. Không, không thể nén hờn căm và uất hận. Sống là đây và chết cũng là đây...", "Dậy mà đi! Dậy mà đi hỡi đồng bào ơi!"... Bài ca hào hùng đang vang lên thì bị chặn lại bởi một loạt đạn liên thanh. Rồi lựu đạn hơi cay. Rồi dùi cui... Tất cả nháo nhào dưới những ngón đòn của cảnh sát dã chiến. Ngộ vội quăng đàn, nhanh chân rời xa đám hỗn loạn. Ngoái nhìn lại, Ngộ thấy Tư Lành đang lăn lộn dưới đất, chịu đựng những cú đòn dùi cui đang phang xuống tới tấp. Sợ hết hồn, Ngộ không dám quay lại cứu Tư Lành, mà chạy thẳng một mạch về nhà. Trận hỗn chiến làm cho Ngộ tởn đến từng tế bào. Bởi vậy, dù có nhớ nhung Tư Lành, Ngộ vẫn lánh xa ngôi trường có cô gái mảnh mai và các bạn học sinh nghèo hát những bài ca phản chiến. Đôi lúc nhớ tới trái ngọt mới hái được trong trận mưa rào vừa qua, Ngộ chộn rộn trong lòng, định đi tìm Tư Lành. Nhưng, cứ nghĩ tới lựu đạn hơi cay, dùi cui, những trận đòn hỗn loạn, sợ Tư Lành lại lôi kéo mình vào những vụ xuống đường đáng sợ, Ngộ lại rùng mình, run gối, không bước nổi ra khỏi nhà. Phải mất gần hai tuần lễ, Ngộ mới hoàn hồn. Cậu ta lại xách đàn tới các quán cà phê, các câu lạc bộ lính Cộng hoà kiếm chác, như không có chuyện gì xảy ra. Hình ảnh Tư Lành mau chóng lùi vào quá khứ... Vậy mà không hiểu tại sao, vào lúc mà Ngộ tê tái trước sự thật bẽ bàng về vị hôn thê của mình, thì hình ảnh cô gái Nam Bộ đằm thắm ấy lại hiện lên, đôi mắt đen láy cứ nhìn chăm chắm, như trách móc và cũng như giễu cợt, còn giọng hát ngọt ngào của cô cứ ngân vang, dìu dặt như vỗ về, như níu kéo...

Chín tháng sau, Lý Ngồ Ngộ trở thành chú rể trong một đám cưới khá sang trọng vào cái thời buổi kinh tế khó khăn, do ông bố vợ lo cho, có khá đông người dự. Lý Ngồ Ngộ vui mừng về đám cưới thì ít, mà sung sướng nhiều hơn về đáp số cuộc đời đã được công bố ngay sau tuần trăng mật ít lâu: do sự tác động của ông bố vợ, Ngộ được điều lên làm Giám đốc Công ty Miền Nam của Tập đoàn Tri thức. Thế là, thoắt một cái, Ngộ trở thành vua một vùng. Người ta nói đàn bà làm quan tắt, thực ra, cũng khối anh đàn ông bỗng chốc lên quan nhờ bám gấu quần đàn bà!

Những người xây dựng sự nghiệp bằng chính năng lực của mình thường rất tự tin. Họ ngẩng cao đầu đi trong cuộc sống với thái độ khiêm nhường và họ thường dám hy sinh vì sự nghiệp. Họ rất quý trọng những người có tài và biết sử dụng người tài. Còn những người đi tắt, thiếu năng lực, nhưng nhờ dựa dẫm mà thăng quan tiến chức, thường rất thiếu tự tin, không có bản lĩnh và hay đố kỵ. Tự đáy lòng, họ biết mình là ai. Nhưng trên bề mặt, họ muốn mọi người nhìn mình như một con người tài ba, oai quyền. Chính vì vậy, họ hay ra oai, hay tô vẽ bản thân, tạo ra vỏ bọc vững chắc để che giấu cái phẩm giá còm cõi của họ. Đứng đầu một Công ty, Công ty đó lại hoạt động biệt lập ở phương Nam cách Tập đoàn vài ngàn cây số, Lý Ngồ Ngộ đặt ách thống trị lên toàn đơn vị. Câu nói cửa miệng của cậu ta là: "Tôi nói con trâu là con bò thì các người cũng phải nói con trâu là con bò! Ai nói trái, tôi cho nghỉ việc!". Không biết mọi người có chịu nhìn trâu thành bò hay không, nhưng trong công việc, bộ máy của Công ty phải răm rắp tuân theo lệnh của Lý Ngồ Ngộ. Dứt khoát Công ty phải có hai sổ. Dứt khoát Công ty phải dành ra một khoản tiền cho Giám đốc chi dùng trong tiếp khách, tuyên truyền. Số tiền ấy, kế toán phải tự biến báo để quyết toán (theo kiểu nói trâu thành bò). Miễn bàn. Miễn góp ý. Lý Ngồ Ngộ tự đào tạo cho mình một số đệ tử trung thành. Dễ thôi, đào tạo bằng quyền lợi. Cho đi sát sếp. Cho thêm tiền hàng tháng. Cho dính vào chuyện em út. Tiền không phải từ túi Giám đốc, mà từ két Công ty chi ra. Các đệ tử này phải nghe ngóng dư luận để biết ai chống đối thì mật báo kịp thời cho Giám đốc xử lý. Đệ tử cũng có trách nhiệm tìm các biện pháp rút tiền trong quỹ cơ quan ra cho sếp tiêu xài và tìm cách quyết toán cho khéo, không để cơ quan thuế xuất toán. Hơn nữa, đệ tử phải biết tổ chức mạng lưới mua bán hàng riêng cho sếp, trong đó có việc xuất tiền cơ quan mua những loại sách mà sếp tự tổ chức "liên kết" xuất bản, lấy danh nghĩa cơ quan mà xuất, nhập hàng, lời bao nhiêu sếp hưởng, lỗ lã đã có cơ quan lo.Tất cả mọi người trong Công ty đều răm rắp tuân thủ Giám đốc. Riêng có mỗi một thằng oắt con Minh Thành, Trưởng Phòng Kinh doanh, là hỗn hào, không chịu khép mình vào khuôn phép. Lý Ngồ Ngộ cay cú vô cùng. Hừ, thằng này dám qua mặt tao à? Lại dám tự động nhập hàng, xuất hàng, không chịu lấy hàng theo hệ thống của tao à? Lại dám liên kết tạo ra sản phẩm, ăn từ gốc đến ngọn à? Tao đã cho phép đâu. Tao có quyền lợi gì trong đó? Đặc tính của Ngộ là chấp vặt và thù dai. Chỉ một chuyện cỏn con làm trái ý anh ta, là anh ta nhớ cả đời, không những vậy còn tìm cách trừng trị. Có lần Ngộ cùng chị Tổng Giám đốc đi công tác địa phương. Tối đó, Giám đốc Công ty Hoa Thanh lên thăm đoàn, sơ ý không ghé vào chào riêng Ngộ, thế mà Ngộ nhớ như in họ tên kẻ vô lễ, ngày giờ, địa điểm bị xúc phạm để sau này trừng trị. Chuyện đó chúng ta sẽ biết vào đoạn sau. Còn bây giờ là đoạn Ngộ tìm cách trừng phạt Minh Thành. Món võ đầu tiên là tung khuyết điểm của Minh Thành lên báo. Sau một bữa nhậu bí tỷ ở nhà hàng Tiên Nữ, mấy tay phóng viên có ngay tư liệu và ảnh về Minh Thành. Hôm sau, mấy tờ báo đồng loạt đăng bài và ảnh nói về chuyện Minh Thành nhân danh cơ quan nhà nước móc nối với tư nhân buôn bán lòng vòng, khiến Công ty tổn thất mấy trăm triệu đồng. Trong buổi giao ban sáng hôm đó, Lý Ngồ Ngộ tay cầm ba bốn tờ báo, ngồi vào chỗ rồi xoè cả ra mặt bàn, cao giọng phê phán Minh Thành. Vốn thẳng tính và tự tin, mặc dù bị vu cáo, Minh Thành không thèm phân bua, viết ngay đơn xin thôi việc, lẳng lặng đưa cho Ngộ rồi hiên ngang bước ra khỏi phòng họp. Lý Ngồ Ngộ hả hê chấp nhận và công bố với cơ quan: "Tôi vốn tính nghiêm khắc, một lòng một dạ vì Nhà nước, vì Công ty, ai không chịu nổi thì cứ rút dù!". Ngày hôm sau, Lý Ngồ Ngộ thấy phòng Kinh doanh không một bóng người. Cô trưởng phòng Hành chính - Tổ chức mặt cắt không còn hạt máu chạy đến: "Dạ thưa... Giám đốc... Cả Phòng này theo anh Thành đi rồi ạ!". Mặt hằm hằm làm cho cặp môi dày của Ngộ bành ra, anh ta lạnh lùng: "Làm thủ tục cho thôi việc toàn bộ. Ra thì dễ, nhưng vào mới khó!".  Những người đã ra đi đâu có cần quay lại dưới ách thống trị của Ngộ. Họ cùng Minh Thành lập nên một Công ty trực thuộc quân đội, làm ăn rất có uy tín và phát đạt. Sau này, chúng ta sẽ gặp lại Minh Thành trong cuộc chiến thương trường với Lý Ngồ Ngộ, mà Minh Thành là người chiến thắng.

Nói mạnh vậy, nhưng trong lòng, Lý Ngồ Ngộ thấy run lên nỗi sợ hãi về sức mạnh của quần chúng. Rồi một ngày nào đó, sức mạnh ấy liệu có tập trung vào lật đổ ta không? Vậy, ta phải dựng lá chắn trước. Lá chắn đầu tiên phải là sổ sách kế toán. Sổ sách lúc nào cũng phải đẹp. Kế toán trưởng phải biết biến báo cập nhật, không để lộ ra những khoản thu chi bất hợp pháp. Có những khoản chi khó quyết toán, thì làm bài treo - cứ treo lơ lửng trong sổ, chưa vội quyết toán, hoặc làm bài lẩn - quyết toán vào các khoản chi khác. Rồi phải quan hệ chặt chẽ với các cơ quan của Bộ, của Thành phố. Tiếp đến là phải dùng dư luận làm lá chắn mềm. Trước hết, báo chí đừng bao giờ nói xấu ta. Sau đó, báo chí phải ngợi ca ta. Ngợi ca dưới nhiều hình, nhiều vẻ. Ngợi ca đều đặn, rải ra trong suốt cuộc đời. Nói về mối quan hệ với báo chí thì Lý Ngồ Ngộ có biệt tài. Ngay trong thời Nguỵ, Lý Ngồ Ngộ đã thấy vai trò mạnh mẽ của báo chí. Hồi ấy, mấy tờ báo đối lập đã cổ vũ quần chúng xuống đường chống lại luật thuế giá trị gia tăng, làm cho chính quyền nguỵ lao đao khốn đốn. Cho nên, Lý Ngồ Ngộ là người rất sớm tạo nên mối quan hệ mật thiết với những cơ quan báo chí trung ương và địa phương đóng trên địa bàn thành phố. Cũng chẳng khó khăn gì trong mối quan hệ ấy. Bây giờ, cánh nhà báo có nhiều chiêu kiếm tiền, ta hứng chiêu nào chả được. Có chiêu quảng cáo khá thịnh hành - doanh nghiệp cứ quẳng ra vài chục triệu đến trăm triệu cho tờ báo có uy lực, thế là được lên hương trong dư luận với những trang quảng cáo mùi mẫn. Được lên mặt báo là vinh dự, nhưng quan trọng hơn, là chính những món quảng cáo đó tạo nên mối quan hệ bền chặt giữa báo chí và doanh nghiệp, tha hồ an toàn, khỏi bị chọc ngoáy. Bên cạnh chiêu thuê quảng cáo như vậy, Lý Ngồ Ngộ còn có những chiêu thức riêng. Nếu Tổng Biên tập báo nào muốn tập hợp những bài báo của mình in thành sách, thì Lý Ngồ Ngộ ô kê liền - nhập hết vào kho, thanh toán sòng phẳng, để rồi sau này... thanh lý.  Phóng viên nào có tập truyện, tập bài báo, tập thơ, tập nhạc... khó bán, cứ đưa cho Lý Ngồ Ngộ là được nhập kho và thanh toán nhanh chóng. Nhiều khi, để tỏ ra rộng rãi với cánh nhà báo, Lý Ngồ Ngộ rút ví xỉa ra một vài triệu cho phóng viên này, biên tập viên nọ một cách vô tư (sau đó sẽ yêu cầu Tài vụ Công ty thanh toán lại). Rồi những bữa nhậu thường nhật (Có lần anh em phát hiện Lý Ngồ Ngộ thanh toán tiền tiếp khách với tám hoá đơn trong cùng một ngày ở tại cùng một nhà hàng. Mọi người thì thào với nhau: trừ giờ ngủ tám tiếng, thì bình quân cứ hai giờ Giám đốc đãi khách một bữa nhậu oách xì quách tại cùng một nhà hàng. Thì thầm với nhau thôi, không ai dám hé răng thắc mắc). Với một vài tờ báo lớn, Lý Ngồ Ngộ còn đầu tư sâu hơn: thầu hẳn một trang dành nói riêng về Công ty mình. Trên các trang báo đó, thường in "tác phẩm" của Lý Ngồ Ngộ và những bài viết tâng bốc cậu ta. Có bài, phóng viên ca ngợi hết lời một doanh nhân tâm tài. Có bài, phóng viên đưa lên tận mây xanh thành tích của Công ty Miền Nam dưới sự lãnh đạo tài giỏi của Giám đốc Lý Ngồ Ngộ. Có bài phân tích tỷ mỉ những lời hay, ý đẹp trong "tác phẩm" của Lý Ngồ Ngộ, kiểu như "Việt Nam tiến dọt lên cao/ Có công đóng góp của bao nhiêu người". Câu này được bình là mang tính quần chúng sâu sắc, phù hợp với quan điểm của Đảng về nền văn học nghệ thuật dân tộc, khoa học, đại chúng. Nghĩ mình là vĩ nhân, Lý Ngồ Ngộ cuồng lên, thỉnh thoảng lại bật ra những câu "danh ngôn" để dạy đời. Không biết vì vô tình hay cố ý mà Lý Ngồ Ngộ đạo cả thơ của Tố Hữu, biến hoá thành danh ngôn của mình. Tố Hữu viết: "Người yêu người sống để yêu nhau!", thì danh ngôn của Lý Ngồ Ngộ là: "Chúng ta sống để nói lời yêu nhau". Thế mà tờ báo Vĩ Thanh lại tâng bốc rằng đó là triết lý sống đậm tính nhân văn của một doanh nhân - nhà thơ! Càng thêm phởn chí, Lý Ngồ Ngộ lấy tiền của Công ty thuê người viết danh ngôn của mình theo kiểu Thư pháp Việt rồi in hàng vạn bản truyền bá trong xã hội. Chẳng là Lý Ngồ Ngộ thấy dân Việt ngày nay thích biến lối viết thư pháp của người Trung Hoa thành kiểu thư pháp mang bản sắc Việt, thường trích những câu thơ hay viết lên giấy, lên đá, lên vải... để vừa làm vật trang trí, vừa làm một thứ kinh nhật tụng răn dạy đời. Lý Ngồ Ngộ thèm đến rỏ rãi vị trí của nữ sĩ Tôn Nữ Hỷ Khương đối với thư pháp Việt. Thơ của bà được trích dẫn rất nhiều, được viết thành không biết bao nhiêu thể thi pháp Việt và phát hành đi khắp các phương trời, kể cả ngoài biên giới Việt Nam. Câu thơ của Hỷ Khương được trích nhiều nhất là: "Còn gặp nhau thì hãy cứ vui/ Chuyện đời như nước chảy hoa trôi/ Lợi danh như bóng mây chìm nổi/ Chỉ có tình thương để lại đời". Lý Ngồ Ngộ có biết đâu rằng quần chúng tinh lắm, họ biết đâu là của thật, đâu là của giả, cho nên thơ của nữ sĩ Hỷ Khương tuy không cánh mà bay đi biết bao vùng quê, đến với biết bao tấm lòng ngưỡng mộ. Còn với "thơ" Lý Ngồ Ngộ, họ nhận ra ngay đó là đồ rởm, họ thấy rõ thơ Tố Hữu đã bị đánh cắp và bóp méo như thế nào. Với Tố Hữu, tình yêu giữa con người và con người được xem như là bản chất, như là mục đích (sống để yêu nhau). Khi bị Lý Ngồ Ngộ đạo rồi phù phép thành danh ngôn của mình, thêm hai từ nói lời vào, tình yêu giữa con người với con người đã trở thành phương tiện, thành thứ giả dối, chót lưỡi đầu môi (sống để nói lời yêu nhau). Vì thế, chẳng ai thèm mua thứ danh ngôn rởm đó, và đến tận bây giờ, chúng vẫn nằm chất đống trong kho, trở thành gánh nặng cho Công ty Miền Nam khi chuẩn bị tiến hành đổi mới. Vân vân. Không ai có thể thống kê được đầy đủ những bài báo bốc thối và những chiêu thức đánh bóng của Lý Ngồ Ngộ...

 

Bạn đang đọc bài viết "Giã từ - Tiểu thuyết của Phạm Việt Long - Chương một - Nhà cách mạng Ba mươi" tại chuyên mục Văn hóa - Xã hội. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn