Góc nhìn văn hóa về vụ án "Chuyến bay giải cứu": Cơ chế "xin – cho", cái gốc “đẻ” ra tham nhũng

Xuân Vũ (tổng hợp)

21/07/2023 15:09

Theo dõi trên

TAND TP Hà Nội đang tiến hành phiên tòa xét xử 54 bị cáo trong vụ chuyến bay giải cứu. Kết luận điều tra vụ án cho thấy, trong đợt dịch COVID-19 diễn biến phức tạp trên toàn cầu, các cơ quan chức năng đã cấp phép và tổ chức trên 1.000 chuyến bay, đưa hơn 200.000 người dân từ 62 quốc gia, vùng lãnh thổ về nước.

Việc tổ chức các chuyến bay cứu hộ này nhận được sự đánh giá cao của cộng đồng quốc tế và sự ủng hộ của đồng bào trong và ngoài nước, ghi dấu ấn ngoại giao của Việt Nam trên trường quốc tế, thể hiện tính nhân đạo của Đảng, Nhà nước.

Tuy nhiên, quá trình triển khai thực hiện đã có sự chồng chéo, không rõ ràng về thẩm quyền. Từ đó, một số cá nhân có chức vụ ở các bộ, ngành đã gây khó khăn, nhũng nhiễu, làm khó doanh nghiệp trong tổ chức các chuyến bay giải cứu.

b2agiai-cuu-21723g-1689926843.jpg

Quang cảnh phiên toà xét xử vụ án "Chuyên bay giải cứu. Ảnh: TTXVN

 

Khai trước toà, có bị cáo là từng là lãnh đạo doanh nghiệp cho biết, trong quá trình xin cấp phép các chuyến bay đưa công dân Việt Nam về nước thời điểm dịch Covid-19 bùng phát thường bị các cán bộ liên quan gây khó dễ, “cứ ngày mai bay thì hôm nay mới được cấp phép" và " không cấp phép nếu chưa đưa tiền”.

Rõ ràng, cơ chế xin - cho, nhũng nhiễu, không  minh bạch đã buộc doanh nghiệp phải nâng giá vé máy bay và các chi phí phát sinh khác để “bôi trơn”, đưa hối lộ...Thông qua đó hình thành "liên minh lợi ích" tại một số bộ ngành, khi mà cán bộ từ chuyên viên lên đến lãnh đạo cấp cục, vụ, thậm chí cả thứ trưởng cũng nhận hối lộ.

Trong phần tranh luận ngày 21/7, một số Luật sư và bị cáo cho rằng: Hành vi đưa - nhận tiền của các bị cáo không có sự hứa hẹn, thỏa thuận, đòi hỏi mà đưa - nhận tiền là tự nguyện “Cảm ơn”; hành vi đưa - nhận tiền là “Vô ý” như các bị cáo Phạm Trung Kiên, Nguyễn Thị Hương Lan (cựu Cục trưởng Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao), Nguyễn Quang Linh (cựu Trợ lý Phó Thủ tướng)…

Về ý kiến trên, đại diện Viện Kiểm sát nêu quan điểm: Trong vụ án này, các bị cáo nhận hối lộ là người có chức vụ quyền hạn (được giao thực hiện nhiệm vụ, công vụ nhất định và có quyền hạn nhất định trong khi thực hiện nhiệm vụ, công vụ đó) đã lợi dụng chức vụ quyền hạn được giao, trực tiếp hoặc qua trung gian nhận tiền của người đưa hối lộ là đại diện các doanh nghiệp để làm một việc là tạo điều kiện cho các doanh nghiệp được cấp phép các chuyến bay đưa công dân Việt Nam từ nước ngoài về nước trong thời gian dịch COVID-19 theo yêu cầu của người đưa tiền.

Mặt khác, hành vi đưa - nhận tiền của các bị cáo được diễn ra xuyên suốt trong một thời gian dài, giai đoạn từ đầu năm 2020 đến tháng 1/2022. Đây là giai đoạn Chính phủ có văn bản tạm thời ngừng cấp phép các chuyến bay thương mại do dịch COVID-19. Do đó, các doanh nghiệp phải làm thủ tục xin cấp phép các chuyến bay để đưa công dân Việt Nam từ nước ngoài về nước. Trước đó, phần lớn các bị cáo đưa - nhận hối lộ không quen biết nhau, không có mối quan hệ công việc, làm ăn hay góp vốn kinh doanh gì với nhau, không thể có những món quà “Cảm ơn” có giá trị rất lớn và bất thường “tiền tỷ” nếu như không làm việc gì đó theo yêu cầu của người đưa tiền. Việc hứa hẹn giữa người đưa hối lộ và người nhận hối lộ là “Ngầm định”, mặc định, được xác định là “Cơ chế” theo lời khai của các cá nhân đại diện doanh nghiệp và các tài liệu có trong hồ sơ vụ án.

Thêm vào đó, các bị cáo đưa - nhận hối lộ đều là những người có đủ năng lực trách nhiệm hình sự, có đủ khả năng nhận thức và điều khiển hành vi của mình, biết rõ hành vi đưa - nhận hối lộ là vi phạm pháp luật, bị pháp luật nghiêm cấm. Nhưng vì mong muốn đạt được mục đích của mình, họ đã thực hiện hành vi phạm tội là “cố ý” chứ không phải “vô ý”.

Hành vi của các bị cáo nhận hối lộ đã gián tiếp buộc cho doanh nghiệp đưa hối lộ phải nâng cao giá vé máy bay và các chi phí khác để bù đắp vào việc “bôi trơn” của doanh nghiệp. Người phải chịu thiệt thòi ở đây là những công dân Việt Nam ở nước ngoài đang gặp rất nhiều khó khăn trong giai đoạn dịch COVID-19 bùng phát mong muốn được về nước.

Công tố viên nhấn mạnh, trong khi Đảng, Nhà nước ta quyết liệt chỉ đạo các cơ quan, tìm mọi cách để đưa công dân về nước tránh dịch với phương châm “không bỏ ai lại phía sau”, các bị cáo lại có hành động trục lợi chính sách đúng đắn, nhân đạo của Nhà nước, tạo ra cơ chế “xin - cho”, tạo ra “liên minh lợi ích” để kiếm tiền trong sự khó khăn cùng cực của người dân. Đây là một hình thức tham nhũng rất nguy hiểm, trực tiếp xâm phạm hoạt động đúng đắn của các cơ quan Nhà nước, làm mất niềm tin của quần chúng nhân dân trong và ngoài nước. Do vậy, việc Viện Kiểm sát truy tố các bị cáo về tội “Đưa hối lộ”, “Nhận hối lộ” như cáo trạng đã kết luận là có căn cứ, đúng pháp luật.

Theo Tiến sĩ Võ Đại Lược – nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế và Chính trị thế giới (Viện hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam), cái gốc của tham nhũng hiện nay bắt nguồn từ cơ chế xin - cho. Nếu cơ chế này vẫn còn thì chống tham nhũng vẫn khó khăn.

Bản chất của cơ chế xin-cho là đặc quyền, đặc lợi, tạo ra sự bất công, bất bình đẳng trong xã hội. Khi quyền lực, lợi ích tập trung vào một nơi thì nơi đó có quyền “cho” và những nơi khác muốn có quyền lợi thì nhất thiết phải đi “xin”; muốn xin được thì phải khéo léo, thậm chí phải chạy vạy, lót tay, “bôi trơn” thì mới được giải quyết công việc một cách thuận lợi.

Nhìn vào các đại án kinh tế, tham nhũng lớn kéo theo hàng chục quan chức, cán bộ quản lý doanh nghiệp Nhà nước bị kỷ luật, bị xử lý hình sự trong những năm gần đây, ông Võ Đại Lược cho rằng, một phần nguyên nhân bắt nguồn sâu xa từ việc quản lý, vận hành các hoạt động kinh tế - xã hội chưa thoát khỏi cơ chế xin-cho. Chúng ta bắt tham nhũng rất mạnh, nhưng cơ chế xin – cho, cái gốc “đẻ” ra tham nhũng lại chưa thay đổi nên việc chúng ta làm vừa qua mới chỉ giải quyết hệ quả chứ không phải giải quyết nguồn gốc

Đề cập đến các vụ án tham nhũng, kinh tế đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, trao đổi với báo chí, Tiến sĩ Nguyễn Đình Quyền - nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu lập pháp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, khi quyền lực Nhà nước gắn với nhóm lợi ích thì hậu quả “sẽ rất kinh khủng”. Bởi đằng sau các quyết định, dự án vẫn lẩn khuất đâu đó hành vi tiêu cực của các nhóm lợi ích, của doanh nghiệp sân sau. Do đó, ngoài vấn đề kiểm soát chặt chẽ quyền lực, giải pháp mấu chốt là phải xóa cơ chế "xin – cho" trong quản lý Nhà nước vì đây vốn là cái gốc “đẻ” ra tham nhũng.

Bạn đang đọc bài viết "Góc nhìn văn hóa về vụ án "Chuyến bay giải cứu": Cơ chế "xin – cho", cái gốc “đẻ” ra tham nhũng" tại chuyên mục Diễn đàn. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn