"Không thể mồ côi" (Kỳ 16): HẠNH PHÚC GIA ĐÌNH ĐỔ VỠ VÀ "GIẶC NỘI XÂM"

Đào Minh Vân (kể). Đặng Vương Hưng (chấp bút)

29/12/2021 11:25

Theo dõi trên

Thời gian ở Mockva đã cho tôi bao tình bạn mới như Ngọc Liên, Tạ Thanh, Trung Chiến (sau là Ủy viên TW Đảng, Bộ trưởng Bộ Y tế), Ngọc Trinh, Huỳnh Tấn Mẫn, Huỳnh Tấn Kiệt…

chuyqudvh-1640751822.jpg
Kỷ niệm đáng nhớ của 4 chị em họ Đào. Từ trái qua: Minh Hồng, Bích Thu, Minh Ngọc (1952 - 2012) và Minh Vân (ảnh chụp tại TP. Hồ Chí Minh năm 2010).

 

Tuy học ở học viện khác nhau, nghề khác nhau nhưng ở xa Tổ quốc, chúng tôi đã gắn kết lại với nhau cho đến tận bây giờ và là những người bạn thân nhất. Trung Chiến vui tính hòa đồng chia sẻ; Ngọc Liên con người đơn giản chân thật, nhưng là người bạn sâu sắc. Ngọc Trinh tiến sĩ hiền lành chịu đựng thủy chung. Tạ Thanh sôi nổi ồn ào nhưng nhiệt tình.

Những lúc tôi đau khổ, cùng cực và mất tinh thần nhất, Trung Chiến đã nhiều lần động viên tôi: “Mày không được gục ngã, phải ráng lên mà sống để mà còn nuôi con. Mày có làm sao thì ba đứa nhỏ của mày biết dựa vào đâu?” Có lẽ cũng nhờ những lời nói chí tình như thế của bạn bè, mà tôi đã có thêm nghị lực, ý chí, để tồn tại được cho tới hôm nay!

Ngoài ra có một số bạn học đại học cũ sang học ở các học viện khác nhau, lâu lâu chúng tôi gặp nhau, đó là một buổi kể lại đủ tính xấu của nhau thời tuổi trẻ và càng củng cố cho tình bạn vô tư trong sáng thời sinh viên. Nhờ có vậy mà tôi đã qua được những năm học trong tâm trạng rối bời.

Trước ngày về ba tháng tôi cũng có viết thư về cho chồng tôi: “Chuyện của chúng ta đã rõ. Tôi chỉ yêu cầu ngày tôi về làm ơn đưa các con tôi ra đón mẹ tại sân bay.” Trái tim người mẹ như tôi luôn trông đợi ngày về gặp các con mình. Vậy mà, khi máy bay hạ cánh chỉ có mình tôi là không có ai đón. Trong khi anh Hai Thảo, anh Tám Triết, anh Năm Nục thì có gia đình đầy đủ.

Nỗi đau cào xé ruột gan, nhưng cũng vì vậy mà tôi hiểu con đường đi của tôi đã rõ ràng, tương lai của tôi sẽ chỉ là có bốn mẹ con với nhau. Lúc đó, tôi không hề để rơi một giọt nước mắt. Tôi cũng không hiểu tại sao mình có thể lại cứng rắn được như thế. Tôi tự nhủ với lòng là không hối tiếc khi chia tay một người chồng có học, nhưng lại xử sự như một kẻ vô học.

Trên đường về, chú tài xế cơ quan tên là Bảy Thất ra đón tôi. Chú nói:

- Cô Sáu (gọi theo chồng tôi là Sáu Tính) về kỳ này chắc giải quyết chuyện nhà đi. Tôi hàng tháng mang lương của cô ra nhà, đều gặp bồ lớn, bồ nhỏ của ông Sáu đấy…

Về đến nhà, tôi thấy cửa khóa kín. Anh Ba Sinh, chị Tư cạnh nhà chạy sang nói rằng: “Nghe tin cô về, cách nay ba ngày họ dọn đi rồi, mang theo cả ba đứa nhỏ, có gởi chìa khóa lại đây.”.

Tôi trở thành kẻ sắt đá, trả lời “Em biết rồi ạ”.

Hàng xóm mở cửa hộ tôi. Tôi đứng giữa nhà, thấy hiện ra cảnh nhà cửa tan hoang: Đồng hồ điện, đồng hồ nước đều bị phá hỏng. Hai cặp vợ chồng hàng xóm và chú Bảy Thất tài xế lớn hơn tôi tuổi cũng xúm lại dọn nhà giúp tôi.

Trời ơi! Làm sao có thể khóc được đây? Tôi chỉ còn hi vọng rằng, những người tình của chồng sẽ không thể chấp nhận mà nuôi các con tôi được. Nhất định họ sẽ trả các con tôi lại mà thôi. Lúc đó, niềm tin của một người mẹ mạnh hơn bất kỳ sức mạnh nào trong lòng.

Mấy ngày sau đó hai nhà hàng xóm kể cho tôi nghe đủ thứ chuyện. Họ cưu mang tôi, giúp tôi cơm nước, còn tôi thì nghe nhưng trong lòng không nhập tâm một điều gì cả. Tôi đanh lại như thép đã được tôi, trong óc tôi chỉ còn lại một suy nghĩ duy nhất là phải làm gì khi các con tôi quay trở lại? Làm gì để mấy mẹ con có thể sống trong tương lai?

Các bạn tôi đến xúm xít quanh tôi. Sự chia sẻ của anh em, bạn bè lúc này thật quý giá không thể nào kẻ xiết. Tôi nhớ mãi lời Trung Chiến động viên khi thấy tôi rơi vào hoàn cảnh như thế: Vân ơi! Phải sống! Phải đứng lên đi. Chính mày phải tự đứng vững mà nuôi các con. Chứ bọn tao chỉ sẵn sàng bên cạnh khi mày đau ốm bệnh tật. Còn nuôi con thì chỉ có mày…

Bốn ngày sau, khi tôi đi trình diện Ban Tổ chức Thành ủy về, tôi thấy Đào đứng ở cửa nhà anh Ba Sinh. Tôi nhào tới ôm con. Đào khóc, tôi không khóc được vì trong lòng tôi chỉ còn là lòng căm phẫn. Khoảng ba ngày sau chồng tôi lại đem trả “Minh Còi”, cũng kiểu gởi cho nhà hàng xóm. Hơn 10 ngày sau thì trả lại Mai Móm. Như vậy, bốn mẹ con tôi đã sum họp, trái tim người mẹ đã đúng! Trái tim người mẹ đã thắng tất cả sự hèn mọn… Và vì thế, trái tim tôi cũng trở nên sắt đá.

Tôi ngồi viết ra một bản dự kiến ngay những công việc mình sẽ phải làm: Đầu thiên là phải chuyển nhà, vì tôi không muốn các con tôi nhớ lại những kỷ niệm buồn ở nhà này nữa. Tiếp theo là phải ra ngay tòa ly dị, để cho bốn mẹ con không bị ảnh hưởng cuộc sống mới. Tôi cũng phải tìm trường cho các con đi học lại ngay… Dù cho có muốn khóc thì tôi cũng không thể khóc. Tôi thậm chí không có thời gian để khóc. Các bạn tôi cũng không cho tôi được ngồi khóc lóc…

Đợt đó, tất cả những người đi học về đều được bổ nhiệm vào những chức vụ quan trọng. Tôi được phân công về làm Phó giám đốc Xí nghiệp Đông lạnh. Hồi đó, đây là Xí nghiệp loại I của Thành phố loại I… Tôi được phân công phụ trách công tác Kế hoạch Kinh doanh và kiêm phụ trách Đoàn thể của Xí nghiệp.

Trước khi nhận nhiệm vụ, tôi cũng được Ban Tổ chức cho biết Giám đốc và Phó giám đốc đang ở xí nghiệp là hai cậu cháu ruột. Cả hai người đều tham gia kháng chiến 9 năm chống Pháp. Sau 1954 bỏ ra thành làm kinh doanh, do đó cả hai đều quen biết rất nhiều các chú bác đã tham gia kháng chiến hồi 9 năm. Về tuổi đời cả hai đều hơn tôi cả 20 tuổi. Theo phong tục Miền Nam thì tôi phải gọi bằng chú. Đảng viên ở đó không nhiều vì bị hạn chế về chuyên môn.

Chủ nhật, sau khi nhận quyết định công việc, tôi đưa các con lên thăm chú Bảy Dự. Tôi ngồi ngồi tâm sự với chú tất cả như một người con. Chuyện riêng tư, chuyện tính dời nhà, chuyện xin ý kiến chú trong công việc vừa được phân công. Chú nói với tôi:

Đầu tiên là phải giải quyết cho dứt điểm chuyện gia đình để còn tập trung cho làm việc và nuôi con. Chú tin cháu sẽ làm được tốt. Cố gắng cháu nhé, không được đầu hàng.

Chú Bảy Dự còn đưa tôi qua chào bác Mười Cúc (tức Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh), rồi dặn tôi nhớ qua thăm chú Năm Xuân để chú có lời khuyên nhủ khi làm việc với ông Mười Hưng. Những ngày sau đó anh Bảy Thuận (sau là Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh), lo cho tôi trả lại căn nhà mặt tiền đường ba tháng hai và nhận căn nhà mới ở khu cư xá Lữ Gia. Anh giúp tôi mọi thủ tục như nhập hộ khẩu và chuyển trường cho các con tôi.

*

Ngày ra tòa ly dị, sáng đó tôi có nói với chú Bảy Thất tài xế của tôi là hôm nay tôi ra tòa ly dị, làm ơn đây là chuyện riêng, chú ngồi chờ ở dưới xin đừng có nhiều chuyện. Chú đồng ý.

Trên tòa hai bên đều lịch sự, tôi không kể lể và chồng tôi cũng tự nhận chuyện như vậy là lỗi của ông ta gây ra. Nay đã đi quá đà, không còn đường quay lại nữa. Thực ra, nếu ông ta có đề nghị quay lại, tôi cũng sẽ phản đối. Vì tôi đã quá mệt mỏi, quá chán chường…

Chỉ có tranh chấp về nuôi con là hơi căng thẳng, vì ông ta đòi giữ lại bé Mai. Tôi không đồng ý chia lìa chị em các cháu. Tòa đồng ý với quan điểm của tôi với lý do chưa bé nào quá 16 tuổi, cho đến ngày đến tuổi trưởng thành thì tùy các cháu lựa chọn.

Sau một hồi tranh cãi, thì ông ta cũng chấp nhận với lý do đúng là ở với mẹ các cháu có tương lai hơn. Công việc làm ăn của mẹ các cháu ổn định, gia đình lại có thế lực (câu này là ông ta nói ra để chứng minh mình thân cô thế cô). Tôi không thèm trả lời lại câu đó do quá khinh bỉ. Nhà thì ông ta không thể tranh chấp được, bởi là tiêu chuẩn của tôi được Nhà nước cấp cho.

Tòa hẹn để hòa giải thêm vài tháng. Ông ta chỉ nói một câu cho xin lỗi, cho hỏi thăm mấy đứa nhỏ. Tôi không trả lời gì vì tôi không hề nuối tiếc gì nữa. Trong lòng tôi chỉ có một ý nghĩ duy nhất là làm sao để đảm bảo cuộc sống tương lai của các con tôi.

Bước ra khỏi cửa tòa, tôi thấy chú tài xế của tôi đang đánh nhau với một người đàn bà. Hai bên mắng nhiếc nhau thậm tệ. Tôi hỏi chú, chú kể lại:

- Cô gái đó nó khoe là hôm nay nó đưa bồ nó đến ly dị bà Giám đốc để lấy nó.

Chú Bảy Thất lúc đó đang ngồi chờ tôi ở quán nước trước tòa, nghe thế liền nổi khùng lên. Kết quả là hai bên lời qua tiếng lại dẫn đến xô xát. Không hiểu sao, lúc đó tôi lại bình tĩnh lạ kỳ. Tôi chỉ bảo chú sai rồi, mặc kệ người ta, rồi kêu chú lên xe đi. Lúc đó ông ta cũng xuống tới và chắc xấu hổ quá vì bà con xúm lại xem rất đông. Tôi chỉ nghe ông ta nói với cô kia là lên xe đi. Họ chở nhau bằng xe vespa, tôi chả quan tâm điều gì cả. Trên xe chú tài xế của tôi vì thương tôi nên cứ an ủi:

- Nếu cô Sáu muốn, tôi sẽ cho con nhỏ cướp chồng người ta một trận. Tôi chỉ nói, thôi chuyện xong rồi chú Bảy đừng làm gì, có ích gì đâu.

Ngày tôi dọn nhà, vì chỉ có bốn mẹ con nên các bạn của tôi toàn Tổng giám đốc, Giám đốc… Trong số đó, có các anh chị: Tám Triết, Năm Nục, Huỳnh Tấn Mẫn, Ngọc Liên, Huyền Trâm… Lại có cả Trần Thị Trung Chiến (sau này là Bộ trưởng) đến phụ dọn.

Hàng xóm cứ nói:

- Ủa sao toàn người nổi tiếng có tên tuổi trên báo đến phụ giúp vậy?

Tôi chỉ bảo:

- Các anh em, bạn bè thấy hoàn cảnh vậy nên xúm vào giúp thôi.

Chờ giấy của tòa lâu quá, tôi sốt cả ruột lại lên làm phiền anh Bảy Thuận giúp đỡ cho tòa ra quyết định ngay; vì giấy tờ của tôi quá đầy đủ, có hàng xóm xác nhận, có chính quyền phường xác nhận tình trạng hôn nhân rồi. Anh lại còn giúp tôi mua được một chiếc xe Honda hóa giá. Những ân tình đó làm sao trả hết, kể cả sau này anh Bảy Thuận đã là Phó chủ tịch Thành phố, nhưng với tôi Thuận vẫn thương yêu như người chị.

Tôi nhận nhiệm vụ công tác đầy phấn khởi, thứ nhất đã giải quyết được chuyện gia đình. Những lúc tôi bận đi công tác, ngày nghỉ tôi làm ca, theo nhà máy trực lãnh đạo, thì các con tôi đều đưa về gởi nhà anh chị Mười Lù. Bác Mười rất thương các cháu. Các con của bác Mười là Đào, Hạnh, Sơn cũng quý lũ nhỏ nhà tôi. Vì nhà bác Mười nằm trong khuôn viên nhà ông Năm Xuân (tức Đại tướng Mai Chí Thọ), nên các cháu cũng được các cô, các chú con ông coi như trẻ con trong nhà. Ông Năm Xuân cứ bắt tụi nhỏ gọi mình bằng “Ông ngoại”.

*

Thời gian cứ trôi đi. Tôi vẫn biết ít nhiều mình vẫn còn có sức lôi cuốn đàn ông, nhưng khi có người đặt vấn đề tình yêu và hôn nhân, tôi đều từ chối. Vì trong tôi bấy giờ chỉ nghĩ làm sao lo được cuộc sống cho bốn mẹ con có tương lai?

Tôi lại phải học từ đầu cũng giống khi ở nhà máy giày. Tôi từng phải học thế nào keo là Ltech, viền giày, đế giày, mũi, gót giày, lơ giày, thân giày, các loại cỡ giày từ trẻ em đến người lớn, hiểu thế nào là cách đúc để làm lỗ chỗ xỏ dây giày...

Thì ở đây tôi lại học cách phân loại các loại hải sản từng loại, tôm sú, tôm càng, tôm mủ ni, cua xanh, cua gạch, cua huynh đệ, cá chim trắng, chim đen các lọai sò điệp, sò lông, cá cơm, cá trích… Tôi học nhận diện ra một cách lý thú. Và những chuyến đi công tác liên tục ở những vùng nguyên liệu như Nha Trang, Phú Quý, An Giang, Vũng Tàu, Phú Quốc… Rôi học được nhiều từ thực tế và cũng học hỏi được nhiều điều thú vị từ những chuyến đi đó.

Lâu lâu tôi lại gặp những người bạn cũ trước đây, giờ đã có địa vị ở những địa phương khác nhau. Bạn bè mừng rỡ, tinh thần vô tư và tôi luôn được các bạn giúp đỡ nhiệt tình. Đến bây giờ thì tôi hiểu do mình sống “ruột để ngoài da,” không bon chen, không kén cựa nên dễ sống và luôn có được tình bạn gắn bó lâu dài…

Trong chi bộ đảng, tôi được bầu làm Bí thư, các em cộng sự như Hồng Minh, Chiến, Huỳnh Ánh, rất giỏi và bản thân các em cũng là một tấm gương sáng ngược lại cho tôi học tập. Ông Mười Hưng, Giám đốc là một người vừa khéo vừa khôn. Còn ông Phó giám đốc kinh doanh thì lại rất giỏi hai ngoại ngữ Anh và Pháp. Một Phó giám đốc nữa được bổ sung sau này từ Thành ủy là bộ đội chuyển ngành, nên chỉ nói chính trị thì giỏi, những việc khác là thuộc loại a dua không ý thức.

Khi tôi mới về, nhà máy mỗi năm chỉ nhập xuất hơn 5 triệu USD. Thời gian sau, nhà máy đã có nguồn đối lưu cao, doanh thu trên 30 triệu USD. Do đó lương cũng tương đối cao. Vì là làm trong ngành thủy sản nên ngoài lương, thỉnh thoảng anh chị em cũng được chia thêm phần đầu thừa đuôi thẹo của cá tôm dùng làm thực phẩm thêm cho những bữa ăn ở nhà… Lâu lâu, lại được chia thịt heo do công ty có trại chăn nuôi bằng phụ phẩm dư từ cá tôm xuất khẩu. Tôi cũng là người giúp đỡ nhiều cho các chuyên gia Úc lần đầu vào mua, hướng dẫn cách làm cá phi lê của Việt Nam xuất đi Úc…

Nhà máy của chúng tôi được khen thưởng liên tục, vì hiệu quả kinh doanh tốt, đồng thời đảm bảo được đời sống cho công nhân. Theo tôi, đó là mặt bề nổi bên ngoài. Mặc dù doanh thu từ 5 triệu USD tăng lên 30 triệu USD, nhưng có một câu nói của em Hồng Minh làm cho tôi suy nghĩ: “Chị nghiên cứu xem tại sao càng sản xuất có năng xuất cao thì khi hoạch toán lại càng bị lỗ”… Lúc đó mọi người ít để ý đến vấn đề này, chỉ tập trung vào việc có hàng xuất đi là có hàng đối lưu về.

Tôi bắt đầu xem xét vấn đề một cách nghiêm chỉnh, vì câu nói của đồng chí đảng viên sinh hoạt trong một Chi bộ lại là Trưởng Phòng Kế hoạch rất quan trọng. Và tôi đã tìm ra, cứ lô hàng nào đi qua các công ty của Sing (là công ty Thái Xích Long hoặc công ty Buôn Ho Hồng Kông hoặc một Công ty của Úc thì sau đó đều có bản Fax gửi lại xin giảm giá từ 20 đến 30% giá xuất… Và thường được ông Ba báo cáo xin ông Mười giám đốc đồng ý cho giảm khoảng 20%...). Quy trình cứ lặp đi, lặp lại như thế đã từ nhiều năm.

Tôi và Minh phát hiện ra nhiều sự việc bất bình thường khác nữa: như tiền đem đầu tư ở các bè cá An Giang, Cần Thơ, để nhận hàng nguyên liệu về và trả lại là hàng đối lưu như xe Honda, phân bón, hạt nhựa các loại xi măng... Đó là những mặt hàng cao cấp, vì hồi ấy hàng hóa rất hiếm. Sau đó những mặt hàng chiến lược luôn được điều tiết cho các nơi sẽ giao nguồn nhiên liệu mà hàng đó sẽ là hàng xuất đi cho các công ty trên, với tỉ lệ có các ưu đãi đặc biệt… Và đa phần hàng đối lưu đã gây thua lỗ cho nhà máy.

Đem thắc mắc đó nói chuyện và trao đổi với Phó giám đốc cũng là đảng viên thì được ông ta dội ngay cho một câu: “Cô đừng có làm mất uy tín nhà máy đang uy tín đứng đầu thành phố”. Hoặc: “Cô không có đủ bằng chứng thì đừng có quy oan cho ông Mười và ông Ba…”

Tôi lên Tổng Công ty gặp một số người khác ở ban lãnh đạo Tổng giám đốc nói chuyện. Đa phần đều nói ông Mười là người có uy tín nên họ nói phải xem lại.

Chỉ có một người là chú Ba Châu (sau là Tổng Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam – Chức vụ như Thống đốc bây giờ) lúc đó là Phó Tổng giám đốc đã tin tôi. Chú có hướng dẫn tôi một cách tỉ mỉ, làm sao để khớp số liệu, làm sao để chứng minh có sức thuyết phục. Và chú bảo đây là một cách đào hối có kỹ thuật, có tính toán kỹ lưỡng, ta chưa có điều kiện xác minh, vì Việt Nam đang bị cấm vận ở bên ngoài… Chú cứ dặn đi dặn lại: “Cháu phải cẩn thận kẻo chúng trả thù.” .

Sau một thời gian, một hôm chú gọi lên và cho biết:

- Cháu đã phát hiện đúng!

Đúng lúc đó, tự nhiên ở đâu không biết lại có hồ sơ gởi về đề để cử ông Mười Giám đốc được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động. Tôi lại chạy lên chú Ba Châu, chú bảo để chú lo. Sau này tôi mới biết chú là đầu mối tình báo kinh tế của ta suốt thời gian chống Mỹ, công khai hoạt động trong lòng địch.

Ông Mười gọi tôi lên hỏi: “Nghe nói cháu phát hiện ra một số vấn đề,” Tôi chỉ trả lời có nhiều hiện tượng kỳ lạ. Ông bảo: “Cháu giỏi thật đấy”. Rồi ông ta tìm đến các mối quan hệ cũ từ thời kháng chiến chống Pháp để chứng minh ông ta trong sáng và tôi sai.

Liên tiếp các chú Bảy Dự, chú Ba Hương (tức Thượng tướng Lâm Văn Thê, từng là Thứ trưởng Bộ Công an) cho người gọi tôi lên cứ dặn đi dặn lại: “Đây là cuộc chiến đấu trong thời bình, nên con phải hết sức cẩn thận…”. Rồi chú Năm Xuân cũng gọi tôi đến và hỏi. Ồng dặn tôi phải hết sức cảnh giác vì ông Mười được nhiều người ủng hộ…

Lúc đó tôi mới nhớ lại, nếu trong công việc làm ăn có trục trặc hoặc lấn cấn văn bản chỉ thị hiện hành nào cần tháo gỡ, thì ông Mười cũng bảo: “Cháu để đấy, bác đi một đường gươm là xong ngay ấy mà”. Và sự việc sau đó xảy ra đúng là như vậy. Sau một “đường gươm” của ông Mười mọi việc lại đâu vào đấy.

Thời gian này, tôi cũng được đi theo đoàn của thành phố đi tham quan học hỏi ở Singapore, Thái Lan... Khi đó ở trong Văn phòng công ty có tin đồn là tôi đang gây rối, không muốn để cho ông Mười, ông Ba kinh doanh…

Thời gian đó tôi còn được đi Úc tham quan, đoàn đi có 5 người, tới Úc tôi thấy phong cảnh gần giống Tiệp Khắc và Liên Xô. Thời tiết rất đẹp.

Người chuyên gia sang nhà máy giúp đỡ kỹ thuật làm cá phi lê có một sở thích là chạy mô tô. Một lần ông ta hỏi tôi: “Bà có dám ngồi sau lưng không? Nếu dám tôi chở bà đi thử một kilomet?”. Tôi đồng ý, và được ông ta chở đi thử trước mặt mọi người. Người đàn ông này còn trẻ, thua tôi tới 8 tuổi. Ông là Giám đốc một công ty và có nhờ tôi giúp ông làm việc ở Việt Nam. Ông cho biết tính cách không ổn định và hơi lười biếng. Tôi gật đầu một cách lịch sự.

Sau đó, chẳng hiểu từ đâu, có một lá thư viết bằng tiếng Anh được dịch ra, đại ý là tôi đòi cặp bồ với ông người Úc đó. Nếu không đồng ý, tôi sẽ không cho xuất hàng đi Úc… Lá thư này gởi cho Tổ chức và Thành ủy. Ngoài ra, lá thư này còn vu khống tôi thường lên khách sạn ngủ với khách… Yêu cầu tổ chức xử lý tôi… Thư đó được xầm xì to nhỏ làm tôi rất khổ tâm.

Chú Bảy Dự và chú Ba Hương kêu tôi lên. Các chú khẳng định đã xác minh vụ lên khách sạn ngủ với khách là không thể có. Vì lúc đó quy định của Việt Nam không cho bất cứ ai là người Việt được lên phòng của khách, nhất là khách sạn REX, nằm ngay trước Ủy ban. Còn những vấn đề sau, các chú nói đây là một sự cố tình bôi nhọ danh dự của tôi. Các chú dặn: “Con cần bình tĩnh và sáng suốt để chiến đấu”.

May mắn cho tôi, trong khi tôi đang rối loạn đầu óc, thì em Hồng và chồng em là Thanh lại tốt nghiệp đại học ở Liên Xô về nước. Em về ở với tôi, tuy chị nghèo nhưng mà hai chị em đùm bọc. Em và chồng em lúc đó đang chờ phân công công tác, do đó Hồng có thể quán xuyến gia đình, chăm lo ba cháu nhỏ và dạy các cháu học… Tôi thật sự biết ơn hai em Hồng và Thanh trong những ngày sóng gió đó…

(Còn nữa)

______

Rút từ bộ sách CHUYỆN ĐỜI TÔI ngàn trang khổ lớn, do Đặng Vương Hưng chủ biên, dự kiến sẽ xuất bản quý II năm 2022. Ai có tự truyện muốn tham gia, hoặc đăng ký sở hữu bộ sách, xin để lại tin nhắn và số điện thoại.

Theo Trái tim người lính

Bạn đang đọc bài viết ""Không thể mồ côi" (Kỳ 16): HẠNH PHÚC GIA ĐÌNH ĐỔ VỠ VÀ "GIẶC NỘI XÂM"" tại chuyên mục Văn hóa - Xã hội. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn