"Không thể mồ côi" (Kỳ 19): ĐƯỢC BÁC MƯỜI CÚC TẶNG QUÀ VÀ HỎI CHUYỆN “LÀM ĂN VỚI NƯỚC NGOÀI”

Đào Minh Vân (kể). Đặng Vương Hưng (chấp bút)

01/01/2022 10:00

Theo dõi trên

Một hôm chú Bảy Dự tìm đến và nói với tôi: “Con đi với chú đến bác Mười Cúc - tức Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh (1915 – 1998) tên thật là Nguyễn Văn Cúc, còn gọi là Mười Cúc - có việc cần”.

Lần nào cũng thế, với tôi bác Mười Cúc rất tình cảm, luôn nhỏ nhẹ, dịu dàng và lắng nghe. Tôi cứ nghĩ Bình và Hoa hai con gái sướng thật vì có người cha đôn hậu như vậy, mà ngay cả dì Bảy Huệ vợ bác Mười cũng đôn hậu dịu dàng, nhẹ nhàng thân ái. Dì luôn coi con của liệt sĩ như con cháu trong nhà, thất ấm áp.

Khi còn công tác tại Thành phố Hồ Chí Minh, thỉnh thoảng bác Mười vẫn cho bảo vệ gọi tôi lên gặp bác ân cần hỏi thăm đủ thứ chuyện chung, chuyện riêng. Khi bác đã ra Hà Nội, bác cho thư ký gọi tôi ra vài lần nữa, vì nhiều lý do: Một là bác muốn nghe trực tiếp một người đã đang làm thuê cho công ty nước ngoài nói cụ thể những khó khăn và thuận lợi gì, liên quan đến chính sách của Đảng và Nhà nước; Lý do thứ hai là, bác thường xuyên quan tâm đến đời sống, công ăn việc làm của đứa con người đồng đội cũ.

chuyddvh1-1641005778.jpg
 Tấm ảnh di vật của anh hùng liệt sĩ Đào Phúc Lộc, do Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh trao lại cho gia đình tác giả Minh Vân, được trang trọng in trên bìa 4 cuốn sách "Không thể mồ côi" tái bản năm 2017.

 

Bác Mười đã để lại trong lòng tôi một kỷ niệm không bao giờ quên: Khi tôi báo cáo rằng hộ chiếu của tôi đã bị người ta tạm giữ, vì ganh ghét và ấu trĩ; nên vô hình chung tôi đã bị cấm xuất cảnh ra nước ngoài… Bác Mười đã trực tiếp điện cho cơ quan chuyên môn, yêu cầu giải quyết ngay việc cấp lại hộ chiếu mới cho tôi.

Bác ân cần động viên tôi: “Đi làm giám đốc thuê cũng là một nghề mới cho đất nước, giải quyết lao động tại chỗ có kỹ năng cao. Bác nghĩ nên mở ra một nghề mới. Đảng và Nhà nước ta cần nghiên cứu chính sách cho phù hợp với quy luật thế giới”. Tôi nhẹ cả người, khi nghe người đang giữ trọng trách cao nhất của Đảng nói vậy, sau biết bao tin đồn lùm xùm, vì tôi đi làm cho công ty nước ngoài, tôi biết ơn bác vô cùng.

Có một lần, bất ngờ bác Mười Cúc cho gọi tôi ra Hà Nội để “trao một món quà đặc biệt”. Tôi rất hồi hộp không hiểu món quà ấy là gì? Nên sắp xếp công việc ra Thủ đô ngay. Thấy tôi, bác Mười có vẻ xúc động khác thường: “Con ngồi xuống đây. Bác đang giữ một kỷ vật thiêng liêng của ba con, muốn trực tiếp trao lại cho con…

Tôi nghe vậy, mà bàng hoàng cả người. Bác Mười chậm rãi kể:

- Ba con đã sống, chiến đấu với bác suốt hai cuộc kháng chiến của Nam Bộ. Năm 1965 là lúc chiến tranh leo thang của Mỹ vào nước ta dữ dội, trong một lần về căn cứ Trung ương Cục họp, ba con có đem theo bức ảnh này gửi bác và nói: “Em hay ra vào vùng ven và nội thành, do đó không thể giữ bức ảnh con gái em ngồi trong lòng ông cụ được, nên quyết định đem gởi anh Mười giữ hộ cho chắc. Nếu sau này em không về được, nhờ anh Mười chuyển lại bức hình cho cháu”. Hồi đó, bác đã mắng ba con là gở mồm. Vậy mà không ngờ…

Bác Mười cầm một cuốn sổ đã cũ, lật vài trang, lấy ra một bức hình đen trắng đã ố vàng và đưa cho tôi… Trời ơi! Tôi thật sự ngạc nhiên: Đó chính là bức ảnh mà tôi và các bạn ở Trường thiếu nhi Quốc Tế ở Tiệp Khắc được đón Bác Hồ đến thăm từ năm 1957. Tôi vinh dự được ngồi trong lòng Bác Hồ… Bản thân tôi cũng chưa một lần được nhìn thấy bức ảnh này.

Bác Mười Cúc kể tiếp:

- Bác đã giữ bức ảnh đó từ năm 1965. Rất nhiều người đã được xem và bức ảnh đã góp phần động viên nhiều anh em cán bộ cách mạng ở Miền Nam có con đang gởi ra Miền Bắc học tập yên tâm hơn. Vì con của Năm Thu được ngồi trong lòng ông cụ, tức là con mình cũng được Đảng và Nhà nước chăm sóc như vậy. Qua bao bom đạn, ác liệt của chiến trường, bao lần di duyển cơ quan đơn vị, đã có lúc bác tưởng bức hình này đã thất lạc… Nhưng rồi lại tìm thấy.

Vậy là bác đã làm tròn lời nhắn gửi của ba con. Giờ nó không chỉ là kỷ vật, mà còn là di vật thiêng liêng của người đã hi sinh. Cháu hãy giữ gìn bức hình cẩn trọng, để sống và làm việc xứng đáng hơn. Dù khó khăn, gian khổ tới đâu cũng không được nản trí. Hãy tự cứu lấy mình trước khi trời cứu!

Tôi hiểu điều bác Mười căn dặn: Làm gì thì làm, cũng không bao giờ được phản lại con đường mà bác và cha tôi đã chọn. Phải biết tự lực cánh sinh… Bác Mười còn nói: Vì cha cháu đã từng làm thầy, nên cháu mới có tấm hình quý giá này. Nhớ là đừng bao giờ được đốt sách!

Đó cũng cũng chính là thời gian bác Mười Cúc viết loạt bài báo nổi tiếng “Những việc cần làm ngay” với bút danh NVL. Tôi rất ngạc nhiên, vì ở cương vị như bác, bận trăm công ngàn việc lớn, mà có rất nhiều chi tiết trong câu chuyện của hai bác cháu, đã được đưa vào những bài báo. Thì ra, bác Mười luôn lắng nghe và thấu hiểu những gì tôi đã trải qua, nhất là những va vấp, khó khăn và cả thuận lợi khi làm thuê cho nước ngoài, không bỏ sót một chi tiết nào, dù nhỏ nhất.

Cảm ơn bác Mười Cúc vì tình cảm mà bác đã dành cho gia đình tôi. Cảm ơn bác đã cất giữ tấm ảnh quý mà ba tôi để lại. Cảm ơn bác vì những lời bác đã dạy bảo thay cho ba tôi. Nếu ba tôi còn sống trở về, nhất định ông cũng sẽ nói với con cháu như vậy…

*

Bây giờ, sau nhiều năm vật lộn lo toan cho cuộc sống, cũng có cả sự may mắn đến với mình, cùng với sự hỗ trợ nhiệt tình của những người bạn tốt. Mẹ con tôi đã có một đời sống sung túc, nhà cửa đàng hoàng, các con tôi không phải ở trong tình trạng nơm nớp lo sợ cuộc sống không ổn định.

Nhưng, tôi sợ các con tôi và các cháu tôi đến một lúc nào đó sẽ quên đi rằng: “Mọi thứ ta đạt được đều có giá của nó cả”. Nếu anh không tích cực tạo dựng cuộc sống của chính mình, thì anh sẽ không có cuộc sống được như ý muốn. Tôi muốn các con luôn nhớ câu ông Nguyễn Văn Linh đã dạy: “Hãy tự cứu lấy mình trước khi trời cứu!”

Tôi cũng hay nhắc lại cho các con nhớ thời kỳ đầy khó khăn của tôi và các con. Đó là thời gian Mai bị bệnh thận, cứ vài ba hôm lại sưng cả người. Minh thì luôn nôn mửa do bệnh suyễn di truyền, ăn bất cứ thứ gì cũng ói ra bằng hết… Lúc đó, cháu chỉ ăn được cơm và trứng luộc. Nhưng mẹ thì chỉ có đủ tiền để mua một quả trứng mỗi ngày, vì thế phải cắt làm đôi chia cho Minh ăn cơm đủ hai bữa. Dù Minh có đòi ăn thêm cũng không có.

Mai cũng không có sữa uống, nên mỗi lần đòi mẹ lại pha nước đường đen cho uống. Còn Đào thì là chị cả nên thiệt thòi đủ thứ, cái gì cũng phải nhường cho hai em. Những lúc như vậy mẹ con tôi chịu đựng mà không cho ai biết. Chỉ có bốn mẹ con biết với nhau, kể cả dì Hồng là người gần gũi các cháu cũng không biết cảnh đó.

Tấm ảnh tôi vinh dự được ngồi trong lòng Bác Hồ với tôi như một báu vật. Nó đã giúp tôi thêm sức mạnh và nghị lực để vượt qua những khó khăn nhất, kẻ cả những trận đấu mang tính sinh tử của số phận.

Điều may mắn nhất là, cả bốn mẹ con tôi đã cùng nhau vượt qua một chặng đường dài khốn khó. Và tôi, người mẹ với một ý chí đổi đời cho chính mình và các con đã dần dần thực hiện được. Đang ở thời kỳ sung sức để làm việc, mọi việc bắt đầu đi vào quỹ đạo, mối quan hệ tốt đẹp với những con người tốt, thì tôi lại bị trời thử sức nhiều lần nữa…

*

Lần đó, tôi đang ở Singapore, tôi cảm thấy ngực bên trái của mình nằng nặng, rất khó chịu và đau. Tôi nhờ cô Lena đưa đi khám. Bệnh viện Elizabet phát hiện ở vú trái có u, cục u nằm đè lên dây thần kinh vùng đó nên nếu để nó càng phát triển thì tôi càng đau hơn. Họ khám xong và quyết định mổ, tôi đồng ý.

Lúc thấy tôi khóc, bác sĩ hỏi:

- Có sợ không?

Tôi trả lời:

- Có.

- Tại sao?

- Sợ chết không ai nuôi con.

Người bác sĩ trấn an tôi:

- Bà yên tâm, đây là bệnh viện lớn nhất ở Singapore. Các bác sĩ đều giỏi, máy móc kỹ thuật đầy đủ, mọi việc sẽ ổn thôi mà.

Tôi vào phòng mổ, sau một tuần thì ra viện và trở về Việt Nam. Lúc này mọi người mới biết tôi vừa mổ về. Kể ra tôi cũng liều thật, một thân một mình, có gì xảy ra thì sao?

Một lần, tôi cảm thấy trong ruột gan tôi có gì đó bất bình thường. Tôi gọi cho Trung Chiến, lúc này đã là Thứ trưởng Bộ y tế… Chiến quay về Hồ Chí Minh ngay và đưa tôi đến Giáo sư Nguyễn Văn Hối - Hiệu trưởng trường Đại học Y khoa Hồ Chí Minh.

Bác sĩ khám, kết quả là tôi bị khối u ở buồng trứng và dạ con. Tôi lại phải chịu thêm một cuộc đại phẫu cắt bỏ toàn bộ những gì liện quan đến bộ phận cơ thể phụ nữ.

Lần thứ ba, tôi thấy mình đi tiêu ra máu hoài. Lần này, giáo sư Hối kết luận tôi phải mổ trĩ.

Lần thứ tư, tôi thấy đau quặn thắt vùng bụng. Tôi cũng đến Giáo sư Hối. Và lần này tôi phải lên bàn phẫu thuật cắt túi mật.

Lần thứ năm là những cuộc mổ đúp…

Lúc này, tôi đã có cháu ngoại là bé “Súp Lơ”. Khi hai bà cháu chơi đùa với nhau, Cháu chạy nhảy trên giường, còn bà nằm dưới đất. Khi cháu nhảy từ trên gường xuống thì gót chân đạp thẳng vào mắt của bà. Vài ngày sau, tôi phát hiện mắt phải không nhìn rõ, đi khám bị rách võng mạc. Lại phải mổ mắt tại bệnh viện mắt. Bác sĩ mổ xong tôi thấy không có kết quả… Sau một tháng bác sĩ khám lại gợi ý cho tôi rằng, nếu có điều kiện đi Singapore mổ lại.

Ở bệnh viện Singapore, họ nói nếu mổ từ đầu khả năng cứu được là 80%, nhưng nay đã qua lần mổ rồi, nên khả năng cứu chỉ còn 10%. Mổ xong con mắt chỉ còn thấy lờ mờ, thị lực chỉ còn 2/10 mắt phải.

Bẵng đi nhiều năm, các con tôi đã mừng vì nghĩ mẹ không còn cái gì để mổ nữa, thì lại đến cái chân bị viêm tắc tĩnh mạch. Tôi không thể đi lại được vì quá đau nhức. Lần này, tôi mổ ở bệnh viện Pháp - Việt, vào tháng 8 năm 2009. Các con tôi lo cho mẹ tất cả.

Lần sinh nhật vừa qua của tôi, các con cùng nhau mua cho mẹ thẻ bảo hiểm sức khỏe y tế quốc tế, đó là món quà tặng mừng mẹ sinh nhật. Vì thế, khi mổ, tôi đã được thanh toán mọi chi phí…

Mẹ muốn nói lời cảm ơn các con. Mẹ cảm nhận được phần hậu vận của đời mẹ thật đẹp, được các con các cháu quây quần trong niềm hạnh phúc thương yêu.

Mẹ nhớ câu nói đùa của Hanh khi vào thăm mẹ: “Bà già lại quậy mổ rồi, đại tướng chỉ có 4 sao, còn mẹ mổ đến lần thứ 6 không biết là đại gì nữa đây?”. Các con có biết rằng chính mẹ cũng không hiểu được tại sao, qua bao lần mổ với thuốc mê mà trí nhớ của mẹ vẫn còn rất tốt… Có lẽ ông bà lại phù hộ cho mẹ. Đôi lúc, mẹ cũng tủi thân, tự hỏi mình sao không hay ốm đau những bệnh tật lặt vặt, mà hễ bệnh là phải mổ ngay?

Lần mổ thứ sáu này của mẹ, mẹ biết các con buồn và lo lắng lắm. Nên nhiều lúc sau khi mổ, có đau nhiều mẹ cũng giấu bớt đi, để các con bớt lo lắng cho mẹ. Mẹ biết, bây giờ ngoài mẹ ra, các con còn công việc, còn gia đình riêng phải lo lắng và chăm sóc nữa.

Mẹ lúc nào cũng nhớ câu nói của Hanh: “Mẹ ráng lên nhé, cần gì mẹ cứ nói tụi con lo cho mẹ.” Mẹ nhớ câu của Ngọc: “Để con hỏi các bác sĩ giỏi xem cách chữa nào tốt nhất, để mẹ yên tâm nhé!”. Còn John khi vào thăm mẹ, câu hỏi: “Mẹ ơi, mẹ có ổn không? Mẹ đừng lo lắng nhiều. Nếu cần bế mẹ con sẽ bế mẹ đi.”

Đây là hậu vận tốt đẹp của đời mẹ. Mẹ có ba người con rể đã cư xử với mẹ như con ruột. Mẹ cảm ơn các con trai và con gái của mẹ! Mẹ còn nhớ, khi mẹ đã được chuyển vào phòng cách ly chuẩn bị mổ, lúc đó chỉ có Hanh. Mẹ đã được thay quần áo vô trùng rồi mà còn nói với Hanh: “Con cõng mẹ trốn đi để khỏi mổ”.

Các con có biết không? Lần đó, trong lúc các nhân viên y tế chuẩn bị làm vệ sinh để vào thuốc mê. Ngay lúc đó, dì Thu các con đã chạy thẳng vào phòng chờ mổ, đưa ra 4 quyển sổ chứng nhận nhóm máu của cả nhà dì Thu và nói với mẹ: “Chị ơi, chị cố lên nhé. Đây là kết quả nhóm máu của cả nhà em, nếu chị cần truyền máu thì đã có sẵn sàng rồi”.

Mẹ thật cảm động. Lúc đó, tình máu mủ, ruột thịt cao hơn tất cả. Còn dì Hồng cũng chờ đợi ở bên ngoài với các con suốt cả mấy tiếng liền. Nghe kể lại dì khóc nhiều lắm. Mẹ cảm ơn tình máu mủ của hai dì Thu và Hồng trong lần mổ đấy… Mẹ nghe kể lại, sau khi mổ quá 5 tiếng, mọi người đưa ra một khay vật phẩm đã cắt bỏ cho gia đình xem. Các con không ai dám xem vì sợ, chỉ có bà ngoại Hường là dám cầm khay lên để xem. Còn dì Hồng thì thương chị quá mà khóc.

Mẹ muốn nhắc các con điều này: Là có đôi khi trong đời sống hàng ngày, công việc luôn cuốn hút mọi người phải đi theo guồng quay đến chóng mặt của công việc và hàng trăm thứ khác. Cũng có khi vì vô tình hay vì hoàn cảnh mà con người thường có những bất đồng, hoặc làm phật lòng nhau. Nhưng khi cận kề với nguy hiểm thì con người ta lại quay trở về với chính máu mủ của mình.

Ngày 20 tháng 11 năm 2011, lần thứ bảy tôi phải lên bàn mổ vì một tai nạn giao thông hi hữu và bất ngờ: Khi tôi đang đứng trên vỉa hè cùng mấy đứa cháu ngoại, thì bị một chiếc xe tay ga lao lên đâm thẳng vào người. Tôi bị ngã gãy xương hàm, hở ra ngoài làm ba đoạn. Sau hai mổ, tôi phải ngồi xe lăn tới sáu tháng. Rồi tiếp đó là sáu tháng nữa chống nạng tập đi… Đau đớn đến chảy nước mắt, tưởng chừng không thể hồi phục nổi.

Nhưng nhờ có tấm hình Bác Hồ bế tôi hồi nhỏ, nhờ vong linh của cha và mẹ bên cạnh động viên… Tôi đã thêm nghị lực để vượt qua và chiến thắng chính mình. Cuối cùng, tôi đã đi lại được như người bình thường. Người bác sĩ mổ cho tôi cũng phải ngạc nhiên thốt lên: Cô quá kiên cường! Khỏi phải nói các con và cháu của tôi mừng như thế nào khi tôi đã bình phục.

(Còn nữa)

______

Rút từ bộ sách CHUYỆN ĐỜI TÔI ngàn trang khổ lớn, do Đặng Vương Hưng chủ biên, dự kiến sẽ xuất bản quý II năm 2022. Ai có tự truyện muốn tham gia, hoặc đăng ký sở hữu bộ sách, xin để lại tin nhắn và số điện thoại.