“Làm Dâu” - Tiểu thuyết phi hư cấu của Duyên Phùng - Sức hấp dẫn của sự thật

Vũ Xuân Bân

21/10/2023 21:58

Theo dõi trên

Tôi vừa được Nguyễn Văn Nọi bạn văn trên trang fb CHUYỆN LÀNG QUÊ tặng tập tiểu thuyết LÀM DÂU của tác giả Duyên Phùng, gồm 31 chương, dày 304 trang, do NXB Hội Nhà văn mới ấn hành.

Như thường lệ, theo thói quen, tôi vẫn bố trí ngày đọc từ 2 đến 3 chương tiểu thuyết LÀM DÂU và đến hôm qua vừa đọc xong. Tôi liền nhắn tin cho Nguyễn Văn Nọi là đã đọc xong tiểu thuyết LÀM DÂU. Nọi nhắn tin lại, hỏi “Anh thấy giọng văn của Duyên Phùng có là không ? Tôi liền trả lời: “Lạ thì không lạ. Vẫn còn phảng phất giọng văn học trò. Nhưng tác giả là người dân tộc thiểu số mới học lớp 12 trải qua sóng gió, không có điều kiện học hành tiếp mà trực tiếp  trải nghiệm cuộc đời viết được như vậy thuộc diện có năng khiếu văn hoc”. Nguyễn Văn Nọi nhắn tin tiếp; “Cảm ơn nhận xét của anh, Duyên Phùng gõ ĐT cả tập truyện LÀM DÂU  đấy anh”.

b1a-noi-1697900083.jpg
 

Duyên Phùng tên thật là Phùng Thị Duyên, là người con gái dân tộc Thái  sinh năm 1975, không nói rõ quê quán nhưng qua những địa danh trong tiểu thuyết LÀM DÂU thì hình như ở Sơn La và  hiện đang sinh sống tại Lào Cai. Duyên Phùng từng đoạt giải Ba cuộc thi viết chủ đề Mùa Xuân do “Tản văn hay” tổ chức, được trao giải Ba với bài “Tết Bản Xưa”. “Làm dâu” là tiểu thuyết đầu tay của Duyên Phùng. Truyện kể về cuộc đời làm dâu của mình, của Bu và của Êm (tiếng Thái có nghĩa là Mẹ) mình.

Còn nhớ, có một thời kỳ ở nước ta, sách hư cấu (fiction) được nhiều độc giả chọn lựa với các thể loại như truyện ngắn, tiểu thuyết hành động, trinh thám, viễn tưởng, lãng mạn, kinh dị… Dòng sách này là sản phẩm của trí tưởng tượng, các nhân vật, thông tin, sự kiện đã qua nhào nặn, thêm thắt hoặc hoàn toàn không có thật đã từng khá phổ biến, chiếm tỉ lệ lớn trong ngành xuất bản.

Tuy nhiên, trước những biến chuyển nhanh chóng của thế giới, đặc biệt gần đây là tác động của đại dịch Covid-19, ngoài sách văn chương, độc giả hiện nay còn có nhu cầu tìm hiểu thực tế, học hỏi, trang bị kiến thức áp dụng trong cuộc sống. Bởi vậy, sách phi hư cấu đang được quan tâm và có sự tăng trưởng mạnh mẽ.

Có thể thấy, trong thời đại thông tin và toàn cầu hóa, sách phi hư cấu, nhất là tiểu thuyết tư liệu có nội dung dựa trên những sự kiện, câu chuyện viết về người thật, việc thật có tính thời sự, trung thành với hiện thực đến mức cao nhất, hoặc những nghiên cứu khoa học có thể xác thực đã cuốn hút bạn đọc nhiều hơn. Sức hấp dẫn mà dòng sách này đem lại chính là sức hấp dẫn của sự thật, tri thức về các lĩnh vực mà nó đem lại cho độc giả.

LÀM DÂU là một câu chuyện buồn nhiều hơn vui của Duyên Phùng chính là dạng tiểu thuyết phi hư cấu, tả thực nhân vật gọi là May là cuộc đời thật của tác giả, có sức hấp dẫn, được bạn đọc mến mộ là vậy. Đề tài “làm dâu” không mới, mà lâu nay thường hay đề cập đến là “mâu thuẫn mẹ chồng - nàng dâu” chính là vấn đề muôn thuở, rất nhiều gia đình phải đối mặt dù ở bất cứ thời đại nào, nếu không hoá giải được sẽ dẫn đến đổ vỡ, tan nát gia đình. Nhưng suốt 31 chương của tiểu thuyết LÀM DÂU của Duyên Phùng là những câu chuyện cảm động, ở đó có những niềm đau, nỗi buồn, những giọt nước mắt bởi những điều không trọn vẹn. Số phận và cuộc đời của May được chính nhân vật kể lại một cách tỉ mỉ, chi tiết với tất cả những gì đã xảy ra với bản thân. Từ lúc về làm dâu cho đến khi sinh con, ra ở riêng đến lúc con đã trưởng thành... với bao thăng trầm, tổn thương và cả những thua thiệt trong cuộc sống thường nhật của người phụ nữ.

Dù rơi vào trạng huống éo le nhưng May “ở hiền gặp lành”, đã may mắn có được mẹ chồng, được gọi là “Bu” hiền lành, tốt bụng mà tác giả thầm cảm ơn vạn lần: Bu đã sống bằng tình thương, Bu đã thương May như con gái mình, ngày May về làm dâu, bà mẹ chồng đã nói nhẹ nhàng  “Bu xem cô như con” và quả thế !  Hình ảnh “Bu” của May có thể nói là nét đẹp văn hoá, khá điển hình cho sự chịu thương, chịu khó, “thương người như thể thương thân”, “tắt lửa tối đèn có nhau”, sống  nhân hậu của phụ nữ đồng bằng Bắc Bộ. “Bu” của May cũng rất lận đận về đường chồng con nhưng luôn biết nhường nhịn, bao dung, nhân ái, tích đức cho con cháu, là chỗ dựa vững chắc cho May vượt qua sóng gió cuộc đời, giữ được tổ ấm gia đình “Bu” cũng như gia đình May không bị đổ vỡ. Đọc  tiểu thuyết LÀM DÂU thấy tác giả vẫn còn gian truân, biết vượt qua mọi khó khăn với những kiếp người thơm thảo để đến bến bờ hạnh phúc.

Ngôn ngữ trong LÀM DÂU của Duyên Phùng rất giản dị, trong sáng, khéo léo kết hợp sử dụng nhiều ca dao, tục ngữ, thành ngữ mang tính triết luận cuộc sống thông qua nhân vật “Bu” (mẹ chồng). Khi miêu tả tác giả dùng nhiều lớp từ so sánh, nghệ thuật nhân hoá, thấm đượm bản sắc văn hoá vùng cao Tây Bắc và đồng bằng Bắc Bộ.

Thật tiếc cho một tài năng văn học như Duyên Phùng lại không có cơ hội được đào tạo chuyên ngành Ngữ văn ở một trường đại học nào đó. Tuy không được đến trường học như mong muốn nhưng trải qua sóng gió cuộc đời, đáng mừng tài năng đó không bị thui chột mà giống như “Vàng thật không sợ thử lửa. Kim cương càng mài càng sáng”. Có lẽ cũng nhờ những cái không may đó của Duyên Phùng được rèn giũa trong gian khó của cuộc đời mà chúng ta được đọc một tiểu thuyết độc đáo “chân quê”, tả thực hấp dẫn.

Tiểu thuyết LÀM DÂU của Duyên Phùng kết thúc mở, với những day dứt, xót xa, đặt ra bao nhiêu câu hỏi và gợi lên trong lòng bạn đọc về giá trị nhân văn của cuộc sống bao dung, nhân ái, thấm đẫm tình mẫu tử, một tình cảm mẫu mực  khi đọc ai cũng yêu thích.

V.X.B

Bạn đang đọc bài viết "“Làm Dâu” - Tiểu thuyết phi hư cấu của Duyên Phùng - Sức hấp dẫn của sự thật" tại chuyên mục Văn hóa - Xã hội. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn