Một thoáng trung du

Tản văn của Phạm Thị Phương Thảo

09/06/2022 14:59

Theo dõi trên

Trung du nằm phơi mình trong cái nắng chói chang của tháng sáu. Những dải đồi ngút xanh, những ruộng lúa thơm đã chớm sắc vàng. Thấp thoáng bóng những cây cọ xanh đang xoè ô che nắng. Trung du là miền đất thiêng liêng và kỳ vĩ của miền Đất Tổ Vua Hùng ! Nhớ mỗi dịp ta được ghé qua thăm ĐỀN HÙNG, thăm Đền Mẫu Âu Cơ, lại cũng có khi chỉ là đi qua, không đủ thời gian dừng lại, chỉ vừa kịp check in.

 

tranh-trung-du-1654761206.jpg
Tranh Trung du của Phạm Thị Phương Thảo

 

Trung du là vùng văn hoá Việt giàu bản sắc cội nguồn được mang tên Văn Lang. Nơi cội nguồn của dân tộc Việt, đất nước Việt Nam. Đi qua cây cầu mới được mang tên Văn Lang vào lúc chiều tà thật là ấn tượng. Mỗi tên đất, tên núi, tên sông đều trở thành huyên thoại. Trung du là vùng đất thiêng khi hội tụ dòng chảy của ba con sông ở Việt Tri : Sông Đà, sông Thao và sông Lô. Cái tên Bạch Hạc - Hạc Trì (Nơi ngã ba sông) còn ghi bao dấu ấn trong dòng chảy không ngừng của lịch sử. Những dòng chảy ấy đã được hội tụ khi đổ vào sông Cái (sông Hồng) và tạo nên dòng chảy lớn, khi lòng sông Mẹ chan chứa, mênh mang phù sa. Một miền văn hoá châu thổ nơi đồng bằng Bắc Bộ đã có từ lâu đời và luôn căng mẩy sức sống, mãnh liệt, phồn sinh!

Trung du xưa luôn vang ngân trong ta giai điệu tha thiết trong ca khúc “Quê Em" nổi tiếng trong những ngày kháng chiến chống Pháp của nhạc sĩ Nguyễn Đức Toàn. Nhớ sao những tháng năm lịch sử, quang cảnh xưa “Dâu bờ xanh thắm / nong tằm chín lứa tơ / Không tay người chăm bón…và những ngày “giặc tràn lên đốt phá / Anh về quê cũ/ đi diệt thu giữ quê/ Lòng dân đón anh về …”. Trung du vẫn mướt mát xanh trong tôi với những đồi chè, nương sắn tự năm nào. Những ngọn đồi đất đỏ nằm xoã đêm tóc gió! Những vạt lau nở trắng xóa  cõi người, trong những cõi mơ! Tiếng mẹ hát ru nắng ấu thơ…

 

 

Nhớ mãi một nhà ga xe lửa miền đồi núi trung du có cái tên nghe là lạ- Ga Vũ Ẻn! Rồi tiếp đến ga Ấm Thượng, không biết có phải cái tên ấy muốn mời gọi người ta, rằng càng ngược lên miền núi cao phía Bắc càng thấy ấm áp, nồng nàn hơn chăng? Nhớ tên ga ấy mỗi khi ta có dịp lên tàu đi từ Hà Nội lên Lào Cai. Nhớ miền trung du trập trùng đồi núi vùn vụt trôi qua ô cửa những đoàn tàu. Ngày ấy ta phải trèo lên những đoàn tàu chở hàng để kịp trở về nhà. Tàu đi qua  ga lớn Yên Bái, rồi đến Lào Cai. Đứng chen chúc suốt cả ngày trời trong những toa tàu chợ khá hôi hám và luôn bị ám ảnh bởi mùi hôi của lợn, gà, khoai, sắn… Đó là thời kỳ đất nước ta đầy rẫy gian khó vào cuối những năm bảy mươi. Thế mà ta vẫn cứ say sưa ngắm phong cảnh, cái ngày đầy gian khó ấy rồi cũng qua. Khi ấy ta còn là một cô Sơn nữ, một sinh viên mới ngơ ngác từ miền biên viễn nơi núi cao mây trắng đi xuống núi !

Trung du bây giờ đã là một miền quê đẹp đẽ, phóng khoáng với non xanh nước biếc. Núi đồi thoai thoải, dòng sông xanh, những nương sắn, đồi chè, đồng ruộng tốt tươi và những khu vườn hoa trái với cây cối trù phú. Màu của những rừng cọ lộng lẫy hơn dưới nét cọ tài hoa và cây lá mướt xanh ánh lên trong nắng chiều. Nắng vẫn óng lên sắc màu liêu trai trong nhiều bức tranh vẽ của người Họa sĩ tài danh Đỗ Ngọc Dũng và những người con trung du tài hoa khác. Họ được lớn lên từ miền đất mẹ, được uống nước sông quê và đã tri ân quê hương bằng việc phát huy bản sắc văn hóa miền Đất Tổ. Họ tìm cách lưu giữ, lan tỏa những nét đẹp ấn tượng của miền trung du đi muôn nơi!

Vẻ đẹp của miền trung du Việt Nam đã từng mở ra nhiều giấc mơ nghệ thuật. Vẻ đẹp ấy từng được hiện lên trong nhiều trang viết hay và lan tỏa khắp nơi. Có nhiều tác phẩm hay đã bước ta ra với thế giới trong các tác phẩm VHNT có giá trị. Đó là chất sống mãnh liệt của những người con lớn lên từ vùng quê nơi ngã ba sông:

 

“Khi nhớ biển, ra ngã ba sông

Sóng sánh rượu, mênh mong trời nước

Khi nhớ em, theo triền đê tím ngược

Sẽ một ngày ngân ngấn sông Thao"

 

(Ngược sông Thao - Ngô Kim Đỉnh)

 

Trung du là niềm tự hào trong sự phát triển và đổi mới không ngừng, đặc biệt khi thành phố Việt Tri vừa bước sang tuổi sáu mươi vào tháng sáu! (Tháng 6/1962- tháng 6/2022). Những cái tên Hạ Hòa, Đoan Hùng, Thanh Thủy, Cẩm Khê, Tam Nông…luôn gợi nhắc nhớ về những vùng đất gian khó ta đã từng đi qua.  Một miền đất mang nhiều di tích lịch sử và văn hoá với nhiều đền, đình, chùa chiền nổi tiếng và các di tích lịch sử giá trị về khảo cổ học, có những lễ hội đặc sắc về tín ngưỡng và các giá trị văn hoá phi vật thể. Trung du mãi là miền đất thiêng của những di sản văn hoá về người Việt cổ!

 Trung du còn là những điệu hát xoan, hát ghẹo cùng tiếng trống quân náo nức vang vọng về. Trung du là nụ cười thương mến của bao bạn bè, những câu chuyện văn chương thú vị ven dòng sông Đà. Những con người được sinh ra, lớn lên ở nơi ngã ba sông, họ giàu cá tính, họ biết lội ngược dòng để chiến thắng số phận và thậm chí còn vượt qua cái chết!

Trung du là vùng quê ấn tượng khi ta vừa đặt chân đến với vùng đất Lâm Thao hôm nay. Vui khi được ở giữa cánh đồng đầy gió cùng bạn bè và ngắm nhìn những ánh hoàng hôn chiều đang chín đỏ! Trung du gợi nhớ những câu thơ của các thi sĩ tài hoa và bạn bè, những người mà ta cứ ngỡ đã già mà thực ra họ còn rất trẻ!

Trung du trong ta luôn là miền đất nhớ. Rừng cọ, đồi chè xưa vẫn tỏa rợp hôm nay. Tiếng hát xoan trong chiều và ánh mắt còn say. Dòng sông Đà lấp loáng nắng chiều nay. Núi Tản bên kia sông in soi bóng từng ngày. Trung du ai vẫn ngát xanh hồn ta ? Phút bất ngờ người tới không hẹn trước. Tạm chia xa trung du Đất Tổ. Bước chân ai lặng lẽ rời đi trong niềm thương nỗi nhớ?

 

Hà Nội ngày 7/6/2022 – PTPT - Khi thành phố Việt Tri vừa sang tuổi sáu mươi - tháng 6/2022.

 

 

Bạn đang đọc bài viết "Một thoáng trung du" tại chuyên mục Văn hóa - Xã hội. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn