Ngoại giao văn hóa thông qua ngôn ngữ của Tây Ban Nha và bài học kinh nghiệm đối với Việt Nam

Nguyễn Thị Tuyết Giang

13/04/2023 20:45

Theo dõi trên

Lịch sử cận đại chứng kiến sự vươn lên, phát triển mạnh mẽ của Tây Ban Nha như một cường quốc hàng hải cũng như cường quốc quân sự.

Với sự phát triển mang tính sâu sắc từ hàng trăm năm trước như thế, văn hóa Tây Ban Nha phát triển cũng hết sức đa dạng, độc đáo và đậm đà bản sắc dân tộc, trong đó có ẩm thực, di sản, âm nhạc, lễ hội, bóng đá… và đặc biệt là ngôn ngữ. Một trong những mục đích của Ngoại giao văn hóa là tăng cường sự hiểu biết chung giữa các dân tộc, theo đó, giao tiếp là nền tảng để bắt đầu quá trình thực hiện ngoại giao văn hóa, mà giao tiếp lại dựa vào ngôn ngữ. Vì thế, không thể nào phủ nhận vai trò của ngôn ngữ trong việc thúc đẩy ngoại giao văn hóa. Bài viết nêu một số khái niệm chung và chiến lược ngoại giao văn hóa thông qua ngôn ngữ của đất nước Tây Ban Nha, từ đó rút ra những bài học kinh nghiệm cho Việt Nam, nhằm thúc đẩy vai trò tích cực của ngoại giao văn hóa đối với sự phát triển của đất nước ta, đặc biệt là thông qua ngôn ngữ.

1. Tiềm năng của tiếng Tây Ban Nha trong Ngoại giao văn hóa Tây Ban Nha

Hiện nay, trên thế giới có hơn 500 triệu người nói tiếng Tây Ban Nha, trong đó có hơn 400 triệu người sử dụng tiếng Tây Ban Nha như tiếng mẹ đẻ. Không chỉ được sử dụng như ngôn ngữ chính thức tại Tây Ban Nha và Mê-xi-cô, tiếng Tây Ban Nha còn là ngôn ngữ chính thống tại hơn 20 quốc gia khác, trải dài trên khắp miền Nam, Trung và Bắc Mỹ, châu Âu và Châu Phi (ví dụ:  Cuba, Chi-lê, Ni-ca-ra-gua, Argentina, Colombia…)[1]. Sỡ dĩ, trong thời kỳ khai sáng thế giới, các nhà thám hiểm Tây Ban Nha đã tìm ra được nhiều vùng đất mới. Lúc bấy giờ, Tây Ban Nha là một cường quốc về quân sự và hàng hải. Việc tìm kiếm ra những vùng đất mới mở đường cho sự xâm lược của đế chế Tây Ban Nha. Hệ thống thuộc địa của Tây Ban Nha trải rộng khắp Trung Mỹ, Nam Mỹ, Mê-xi-cô, phần lớn miền Nam Hoa Kỳ, Philippines, bán đảo Iberia, miền nam Ý, đảo Sicilia và một số vùng mà ngày nay thuộc các quốc gia ở châu Âu như Đức, Bỉ, Hà Lan và Luxembourg. Sở hữu hệ thống thuộc địa rộng lớn như thế cũng chính là lý do giải thích tại sao Tây Ban Nha là ngôn ngữ được nói nhiều thứ 03 trên thế giới sau Tiếng Anh và Tiếng Trung.

Với số lượng lớn người sử dụng tiếng Tây Ban Nha như thế, đây cũng là ngôn ngữ chính thống được sử dụng trong Liên hợp quốc. Ngày nay, việc giảng dạy và học tập Tiếng Tây Ban Nha đã trở nên phổ biến, đáng kể là ở các nước Châu Á, điều đó cũng phần nào chứng minh tầm quan trọng của tiếng Tây Ban Nha trong thị trường kinh tế toàn cầu. Với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ số, trong những năm trở lại đây, ngôn ngữ Tây Ban Nha được sử dụng trên Internet tăng 800% và cũng là ngôn ngữ được sử dụng nhiều thứ ba trên Internet sau Tiếng Anh và Tiếng Trung Quốc. [2]

Theo như dự báo thì hiện tại có khoảng 24 triệu học sinh, sinh viên học Tiếng Tây Ban[3] như ngoại ngữ nước ngoài và trong vài năm nữa thôi, 10% dân số thế giới sẽ hiểu ngôn ngữ này (trong khi đó con số hiện nay là 6%).

Với thực tế như vậy, phần nào chứng tỏ được sự hấp dẫn của ngôn ngữ Tây Ban Nha cũng như di sản lâu đời của ngôn ngữ này, tầm quan trọng và sự phát triển của nó trong thế giới ngày nay. Ngôn ngữ và văn hóa là hai phạm trù đan xen nhau, như nhà nhân chủng học Hoa Kỳ Alfred L. Krober đã từng nói: “Nền văn hóa bắt đầu từ khi ngôn ngữ của một dân tộc xuất hiện, và từ đó sự phát triển của một trong hai yếu tố sẽ dẫn dắt cái còn lại phát triển.[4]” Ngôn ngữ bám sâu vào văn hóa, văn hóa phát triển thì ngôn ngữ cũng phát triển và ngược lại. Kết luận lại, với tiềm năng và thế mạnh của tiếng Tây Ban Nha, ngôn ngữ này đóng một vai trò vô cùng quan trọng trong việc triển khai, thực hiện NGVH của đất nước này.

2. Ngôn ngữ Tây Ban Nha vươn ra thế giới và ngoại giao văn hóa thông qua ngôn ngữ

Manh nha nhận thức được tầm quan trọng của ngôn ngữ Tây Ban Nha trong việc xây dựng hình ảnh quốc gia, gia tăng vị thế và sức ảnh hưởng trên trường quốc tế từ sớm, có thể nói Tây Ban Nha là một trong những quốc gia trên thế giới đi tiên phong trong việc quảng bá ngôn ngữ ra thế giới có chủ đích, quá trình này có thể bắt đầu được thực hiện từ thế kỷ XVIII với sự thành lập của Học viện Hoàng gia Tây Ban Nha vào năm 1713.

Ngôn ngữ Tây Ban Nha vươn ra thế giới nhờ vào sự thành lập các cơ sở củng cố, giữ gìn và góp phần quảng bá ngôn ngữ Tây Ban Nha.

Một là RAE - Real Academia Española: Học viện Hoàng gia Tây Ban Nha

RAE - Real Academia Española (hay còn được gọi là Royal Spanish Academy - Học viện Hoàng gia Tây Ban Nha) ra đời vào năm 1973, theo mô hình của Học viện văn hóa Ý (Academy of the Chaff - Italian literary academy) và Học viện Pháp ngữ (L'Académie française - The French Academy). RAE về cơ bản có nhiệm vụ là kiểm soát và tham gia vào quá trình tiêu chuẩn hóa ngôn ngữ Tây Ban Nha. Trong quá trình phát triển, từ sớm, học viện này đã xuất bản những tài liệu về ngôn ngữ Tây Ban Nha mà sau này vẫn được xem là tiêu chuẩn trong suốt thể kỷ XIX và XX như là Diccionario de autoridades (1726–1739) - từ điển, Ortographia (1741) - tài liệu chính tả,  và Gramática de la lengua castellana (1771) - tài liệu về ngữ pháp. Và cho đến ngày nay, RAE là một trong những cơ quan hàng đầu về ngôn ngữ.

Hai là ASALE - Asociación de Academias de la Lengua Española: Hiệp hội các học viện ngoại ngữ Tây Ban Nha

Việc thành lập các học viện liên kết với nhau tại các nước nói tiếng Tây Ban Nha bắt đầu từ những năm 1870 như một phần của phong trào thúc đẩy, làm sâu sắc về văn hóa giữa các dân tộc nói tiếng Tây Ban Nha, cuối cùng đã dẫn đến việc thành lập ASALE - Asociación de Academias de la Lengua Española (Association of Academies of the Spanish Language - Hiệp hội các học viện ngoại ngữ Tây Ban Nha) vào năm 1951. Cơ quan giúp thúc đẩy sự hợp tác giữa các học viện và thể chế hóa các hoạt động về ngôn ngữ chung mà ngày nay được biết đến là chính sách ngôn ngữ Pan-Hispanic mới. Pan-Hispanism được xem là một phong trào ở Nam và Trung Mỹ để giúp làm sâu sắc thêm về văn hóa giữa các nước nói tiếng Tây Ban Nha. Theo RAE và ASALE, chính sách ngôn ngữ này đã góp phần thúc đẩy sự thống nhất, bao hàm các đặc tính nổi trội của ngôn ngữ Tây Nha, vượt qua rào cản về mặt địa lý để củng cố cộng đồng Ibero-Mỹ.

Nhận thấy được vai trò chính trị của các học viện, quyền tác giả đã được hình thành trong các ấn phẩm kể từ phiên bản Ortographia (1999). Theo thời gian, RAE và ASALE cũng xuất bản thêm các tài liệu mới về tiếng Tây Ban Nha như Nueva gramática de la lengua española (2009), Manual de lavnueva gramática (2010) và Nueva gramática básica (2011).

Qua đây thấy được, những cơ quan trên được thành lập với sứ mệnh bảo vệ và truyền bá tiếng Tây Ban Nha khắp thế giới. Sự cập nhật mới và thay đổi các tài liệu tiếng Tây Ban Nha của các học giả góp phần thúc đẩy hình ảnh một ngôn ngữ mang tính hiện đại và cởi mở. Hơn nữa, ở đây, có thể nhận thấy, trước khi bắt đầu truyền bá ngôn ngữ này ra thế giới chung, thì từ buổi đầu, quốc gia này trước hết  củng cố vị thế, sự ổn định tiếng Tây Ban Nha ở những quốc gia ngoài Tây Ban Nha nhưng vẫn nói thứ ngôn ngữ này. Như vậy, đã từ lâu trong quá khứ, Tây Ban Nha đã xem ngôn ngữ như một công cụ để quảng bá hình ảnh quốc gia và gắn kết các cộng đồng lại với nhau, mà cụ thể ở đây là các nước nói tiếng Tây Ban Nha và cộng đồng Ibero-Mỹ. Đây chính là một tiền đề vững chắc mà Tây Ban Nha tạo nên để bây giờ có thể truyền bá ngôn ngữ này rộng rãi đến thế giới, mà đặc biệt trong bối cảnh toàn cầu hóa cùng với sự phát triển của Internet, công nghệ thông tin càng tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho Tây Ban Nha thực hiện ngoại giao văn hóa qua ngôn ngữ.

Ba là The Instituto Cervantes: Viện Cervantes

Ngoài RAE và ASALE vừa được nhắc đến ở trên, một cơ quan cũng đóng vai trò quan trọng không kém trong việc quảng bá, ngôn ngữ, văn hóa của Tây Ban Nha và cộng đồng các quốc gia nói ngôn ngữ này là viện Cervantes. Cơ quan này được thành lập bởi chính phủ Tây Ban Nha vào năm 1991 theo mô hình của Hội đồng Anh (the British Council) và các trung tâm Pháp ngữ (Alliance Francaises).

Để hướng đến mục đích đấy, viện Cervantes hoạt động với 3 mục tiêu chính:

Quảng bá rộng rãi tiếng Tây Ban Nha, cũng như việc giảng dạy, nghiên cứu và sử dụng ngoại ngữ Tây Ban Nha, đồng thời nâng cao về số lượng lẫn chất lượng trong các hoạt động này;

Góp phần phổ biến văn hóa Tây Ban Nha ra nước ngoài;

Tham gia vào việc bảo vệ di sản văn hóa và ngôn ngữ chung cho các quốc gia và cộng đồng nói tiếng Tây Ban Nha.

Theo báo cáo từ viện Cervantes, tính đến tháng 10 năm 2022, viện Cervantes đã có mặt tại 92 thành phố, phân bổ trên 47 quốc gia và vùng lãnh thổ khác nhau. Và mạng lưới các viện Cervantes này sẽ tiếp tục được mở rộng tại các nước châu Á như Hàn Quốc hay Ấn Độ[5].

Ở nước ngoài, có thể xem viện Cervantes là đại diện cho chính phủ Tây Ban Nha quảng bá, thúc đẩy sự phát triển sâu rộng của ngôn ngữ này, với hoạt động sôi nổi, tích cực trong 20 năm trở lại với nhiều hoạt động. Không thể không khẳng định, viện Cervantes là phương tiện quan trọng trong chính sách sử dụng ngôn ngữ để thúc đẩy quan hệ ngoại giao văn hóa tốt đẹp giữa Tây Ban Nha với các nước khác trên toàn thế giới.

Sự mở rộng và ngày càng phổ biến của viện Cervantes, rõ ràng, sẽ dẫn đến sự mở rộng của ngôn ngữ Tây Ban Nha, mà giao tiếp thì dựa trên ngôn ngữ, khi tiếng nói chung đã được hình thành, việc truyền tải được thông điệp là một quốc gia có nền giáo dục hàng đầu, một điểm đến du lịch hấp dẫn với công chúng trong và ngoài nước Tây Ban Nha không phải là một điều quá khó đối với nước này. Chính sách sử dụng ngoại ngữ trong việc thực hiện NGVH thành công sẽ kéo theo rất nhiều bước phát triển tích cực, đem lại lợi ích về mặt lâu dài cho Tây Ban Nha, bởi như đã nói ngôn ngữ tạo nên cơ sở để hiểu biết lẫn nhau (Tiếng Anh là ví dụ rõ ràng minh chứng cho điều này), mà đây cũng chính là lý do và mục đích của NGVH, đó là thúc đẩy sự hiểu biết lẫn nhau giữa các quốc gia và các cá nhân, từ đó góp phần to lớn trong việc xây dựng một thế giới hòa bình.

Từ việc thúc đẩy ngôn ngữ, cũng như RAE, viện Cervantes đóng một vai trò vô cùng quan trọng trong việc liên kết, thúc đẩy mối quan hệ tốt đẹp, và tạo nên một khối thống nhất với các quốc gia nói tiếng Tây Ban Nha nói riêng và các quốc gia còn lại trên thế giới nói chung.

Bốn là một số các cơ sở khác

Không chỉ riêng RAE hay viện Cervantes, trong một thập kỷ qua, ở Tây Ban Nha cũng xuất hiện nhiều cơ sở làm việc trong lĩnh vực giảng dạy tiếng Tây Ban Nha được đầu tư bởi các nhà đầu tư tư nhân và dưới sự bảo trợ của chính quyền địa phương để thúc đẩy du lịch ngôn ngữ (linguistic tourism, được hiểu đơn giản là du lịch kết hợp việc học ngoại ngữ, trong nhiều năm trở lại đây, hình thức du lịch này dần trở nên phổ biến nhất là đối với người trẻ - họ không chỉ đơn thuần muốn đi du lịch, mà khi đến một quốc gia khác họ cũng muốn học về ngôn ngữ, tìm hiểu về văn hóa của quốc gia mà họ đến thăm đó). Trong số đó, có thể kể tên đến một số cơ quan nổi bật như: Cilengua-Fundación San Millán de la Cogolla, Fundación Comillas, Fundación de la Lengua Española, và Fundación Instituto Castellano y Leonés de la Lengua. Các tổ chức này cũng góp phần truyền bá ngôn ngữ và quảng bá hình ảnh đất nước Tây Ban Nha ra thế giới. Theo đó, viện Cervantes đã ký kết các hiệp định công nhận các trung tâm, tổ chức giảng dạy ngôn ngữ này để tăng cường sự hiện diện của chúng trên đất nước Tây Ban Nha.

Viện Cervantes đã hợp tác với Federación de Escuelas de Español como Lengua Extranjera (FEDELE), the Fundación Comillas, the Fundación Instituto Castellano y Leonés de la Lengua. Sự hợp tác ngày càng được tăng cường giữa viện Cervantes với các trung tâm ngôn ngữ tư nhân, địa phương phần nào thể hiện quan điểm chính trị của nhà nước Tây Ban Nha là tiếng Tây Ban Nha gắn liền với bối cảnh địa phương, khu vực, quốc gia và toàn cầu.

Việc thành lập các cơ quan có nhiệm vụ giữ gìn, bảo vệ, phổ biến và quảng bá tiếng Tây Ban Nha là cơ sở để quảng bá văn hóa Tây Ban Nha. Tây Ban Nha đang nỗ lực phổ biến hóa ngôn ngữ của đất nước này, và ở đây, ngôn ngữ được xem như một công cụ để làm NGVH. Truyền bá ngôn ngữ cũng chính là truyền bá văn hóa Tây Ban Nha ra với thế giới, bởi ngôn ngữ gắn liền với lịch sử, văn hóa và quá trình phát triển của quốc gia này, hiểu về ngôn ngữ chính là hiểu thêm về văn hóa. Như quốc vương Tây Ban Nha cũng đã từng nói: “Tiếng Tây Ban Nha là di sản quý giá của hơn 20 quốc gia và hàng trăm triệu người, nó đã hình thành nên một cộng đồng lớn, đoàn kết, thống nhất, cởi mở với tất cả mọi người mà dựa trên một ngôn ngữ chung - đó là Tây Ban Nha”[6]. Quốc gia Tây Ban Nha đang gia tăng sự hiện diện, sức mạnh mềm của quốc gia này thông qua ngôn ngữ, bởi sự phổ biến ngôn ngữ sẽ đi kèm với những cơ hội mới trên nhiều lĩnh vực. Tác động mà sự thấm nhuần về ngôn ngữ mang lại có thể là rất chậm và cần một khoảng thời gian rất lâu dài, nhưng tác động ấy rất sâu sắc, bởi yêu thích và học ngôn ngữ Tây Ban Nha là cơ sở để tìm hiểu về văn hóa, lịch sử, con người, đất nước Tây Ban Nha. Tiếng Tây Ban Nha là sự hiện diện cho văn hóa, con người và đất nước Tây Ban Nha. NGVH qua ngôn ngữ là một nhiệm vụ đầy thách thức, đòi hỏi nỗ lực của nhiều bên, không chỉ từ phía quốc gia này, mà còn từ phía người tiếp nhận nữa. Khó khăn, nhưng thành tựu mang lại quả thực rất xứng đáng.

3. Bài học kinh nghiệm và khuyến nghị đối với Việt Nam

Nghiên cứu về cách Tây Ban Nha ngoại giao văn hóa qua ngôn ngữ sẽ giúp chúng ra rút ra được bài học và kinh nghiệm từ nước bạn để vận dụng cho NGVH nước ta một cách phù hợp theo căn cứ, thực tiễn và lợi thế riêng của đất nước ta như sau:

Thứ nhất, Viện Nam cần triển khai việc giáo dục ngôn ngữ trong nước toàn diện

 Ngôn ngữ chính thức của dân tộc ta là tiếng Việt và ngôn ngữ của nước ta được giảng dạy ở nước ngoài cũng là tiếng Việt. Vì thế, người Việt trước hết là phải biết tiếng Việt để trước hết củng cố được vị thế của tiếng Việt trong đất nước ta. Muốn NGVH thông qua ngôn ngữ thì trước tiên phải đảm bảo được người dân trong nước phải hiểu và nói được tiếng Việt. Nền tảng trong nước phải vững thì mới tạo được tiền đề vững trong việc NGVH thông qua ngôn ngữ. Nếu người dân Việt Nam không sử dụng thành thạo chính ngôn ngữ của mình thì làm sao có thể giảng dạy cho người nước ngoài muốn học tiếng của chúng ta.

Hiện nay, tỷ lệ người dân tộc thiểu số từ 15 tuổi trở lên ở nước ta biết viết chữ phổ thông ngày càng cao, tuy nhiên, ở nhiều dân tộc thiểu số tỷ lệ biết viết đọc chữ phổ thông còn khá thấp, trong đó thấp nhất là các dân tộc Mảng (46,2%), La Hủ (46,9%), Lự (49,7%), Mông (54,3%)[7]. Như vậy, trước tiên, nhà nước ta cần đẩy mạnh công tác giáo dục tiếng Việt hơn nữa cho các đồng bào dân tộc thiểu số. Bởi ngôn ngữ chung tạo tiền đề cho sự hiểu biết chung, giáo dục ngôn ngữ toàn diện cũng sẽ góp phần tránh được những chia rẽ nội bộ trong nước.  

Thứ hai, Việt Nam cần tiếp tục mở rộng hơn nữa giao lưu, thúc đẩy các chương trình học bổng, học tiếng trong các cộng đồng, tổ chức mà Việt Nam tham gia vào

NGVH trên lĩnh vực ngôn ngữ, Tây Ban Nha truyền bá ngôn ngữ Tây Ban Nha trong cộng đồng, liên minh mà nước này tham gia như Liên minh Châu Âu hay các cộng đồng Ibero-Mỹ. Bên cạnh đó, Tây Ban Nha cũng rất quan tâm đến hợp tác, giao lưu văn hóa khu vực, khối EU, đối tác song phương và đa phương, đặc biệt rất chú trọng đến giáo dục, tạo điều kiện thuận lợi cho du học sinh quốc tế đến nước này học tập. Từ kinh nghiệm đó, Việt Nam cần tích cực truyền bá tiếng Việt đến cộng đồng nhân dân thế giới, củng cố Tiếng Việt trong cộng đồng người Việt sinh sống tại nước ngoài. Gia nhập ASEAN tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho Việt Nam tham gia trao đổi văn hóa, hợp tác với quốc gia nội khối. So sánh sự phổ biến của tiếng Việt và tiếng Tây Ban Nha là sự so sánh có phần khập khiễng, nhưng Việt Nam có thể bắt đầu từ từ, từ việc thiết lập các trung tâm giảng dạy tiếng Việt tại các nước ASEAN, bởi cũng có nhiều người dân thuộc các nước ASEAN quan tâm và có nhu cầu học tiếng Việt. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng nên tích cực tổ chức các chương trình trao đổi, các học bổng chương trình tiếng để thu hút các sinh viên quốc tế đến sinh sống và học tập tại Việt Nam. Bởi những sinh viên quốc tế này chính là cầu nối giữa ngôn ngữ, văn hóa, quan hệ giữa Việt Nam với chính đất nước của những người sinh viên đó.

Thứ ba, Việt Nam cần phân bổ ngân sách đồng đều và phù hợp để triển khai ngoại giao văn hóa hiệu quả

Ngân sách dành cho ngoại giao văn hóa nói chung của Tây Ban Nha được chia đều cho các lĩnh vực, những lĩnh vực nào còn chưa được phát huy thì vừa đầu tư, vừa đổi mới sáng tạo, lĩnh vực nào có tiềm năng thì đầu tư để duy trì và củng cố. Từ đó, Việt Nam cũng cần phải đầu tư toàn diện thay vì chỉ tập trung vào một vài lĩnh vực mũi nhọn. Bởi nước ta với 54 dân tộc anh em trên khắp cả nước, xét về tính đa dạng Việt Nam chúng ta cũng không thua bất kỳ nước nào. Sự phối hợp giữa các bộ, ban, ngành, địa phương cũng cần nhịp nhàng, có chiều sâu để đảm bảo hoạt động ngoại giao văn hóa được thực hiện hiệu quả, Cục Hợp tác quốc tế, Bộ VHTTDL, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam, Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật, Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam, Hội Nhà văn Việt Nam, Hãng phim truyền hình Việt Nam,... cần đẩy mạnh hợp tác tích cực với nhau nhiều hơn để sản xuất ra được những sản phẩm văn hóa chất lượng, truyền tải được giá trị văn hóa Việt Nam ra thế giới. Sự truyền bá những giá trị văn hóa khác của nước ta đến với nhân dân thế giới cũng là tiền đề để Việt Nam đẩy mạnh NGVH qua ngôn ngữ, bởi khi đã biết đến, yêu thích đất nước ta, những người dân quốc tế cũng có thể sẽ hứng thú để tìm hiểu và học về ngôn ngữ nước ta.

Thứ tư, Việt Nam cần thích nghi nhanh chóng và ứng dụng linh hoạt thành tựu của công nghệ kỹ thuật trong việc triển khai NGVH nói chung và NGVH thông qua ngôn ngữ nói riêng

Hơn thế nữa, trong kỷ nguyên của công nghệ kỹ thuật cao, nhà nước ta cũng cần phải linh hoạt, nắm bắt được xu hướng của công nghệ thông tin để tăng cường giới thiệu văn hóa, ngôn ngữ, hình ảnh con người, di tích lịch sử, ẩm thực, lễ hội, danh lam thắng cảnh, thành phố, văn thơ, âm nhạc, ngôn ngữ… của Việt Nam trên nền tảng sổ, từ đó tăng sự hiện diện của đất nước ta trên mạng xã hội. Đại dịch Covid-19 là một ví dụ, hay những sự kiện khó lường trong tương lai có thể sẽ cản trở quá trình thực hiện ngoại giao văn hóa, nhưng nếu nắm bắt và áp dụng được thành tựu khoa học công nghệ thì nước ta sẽ đi được trước một bước trong công tác chuẩn bị NGVH nói chung và NGVH thông qua ngôn ngữ nói riêng. Với quyết tâm đầu tư và phổ biến ngôn ngữ, nước ta cũng có thể xây dựng, cung cấp và xuất bản những khóa học tiếng Việt online để giảng dạy tiếng Việt cho người nước ngoài, hay người Việt ở nước ngoài dưới sự kiểm duyệt chặt chẽ về mặt nội dung và hình thức của các học giả chuyên môn, có uy tín và nhà nước.

Như chúng ta đã biết, để đạt được sự hiểu biết chung phải dựa trên giao tiếp, mà giao tiếp lại dựa trên ngôn ngữ. Trong một thế giới biến động nhiều thách thức và cơ hội đan xen như ngày nay, bất kỳ sự leo thang hay xung đột nào cũng gây ra những thiệt hại nặng nề trên cả sức mạnh cứng và sức mạnh mềm của mỗi quốc gia, vì thế có được tiếng nói chung, sự hiểu biết giữa các cá nhân và rộng ra là giữa các quốc gia là vô cùng tối quan trọng. Do đó, không thể nào phủ nhận được tầm quan trọng của ngoại giao văn hóa qua ngôn ngữ trong thế giới ngày nay.

-------------------

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Spanish speaking countries, WorldData.info  https://www.worlddata.info/languages/spanish.php

2. Fast Facts About Spanish: 12 Things You Didn’t Know About Español, Fluentu https://www.fluentu.com/blog/spanish/facts-about-spanish/

3. Atalayar, Spanish continues to grow and has almost 500 million native speakers, according to the Cervantes Institute's yearbook 2022, 27-10-2022:

https://atalayar.com/en/content/spanish-continues-grow-and-has-almost-500-million-native-speakers-according-cervantes

4. Alfred L. Krober, Mối quan hệ giữa văn hóa và ngôn ngữ, Viện Nghiên cứu phát triển văn hóa, ngôn ngữ và giáo dục

5. Atalayar, Spanish continues to grow and has almost 500 million native speakers, according to the Cervantes Institute's yearbook 2022, 27-10-2022

https://atalayar.com/en/content/spanish-continues-grow-and-has-almost-500-million-native-speakers-according-cervantes

6. The Politics of Spanish in the world (2014) City University of New York,  https://academicworks.cuny.edu/cgi/viewcontent.cgi?article=1083&context=gc_pubs

7. Ủy Ban Dân Tộc và Tổng Cục Thống Kê, Kết quả điều tra thu thập thông tin về thực trạng kinh tế - xã hội của 53 dân tộc thiểu số năm 2019, NXB Thống Kê https://www.gso.gov.vn/wp-content/uploads/2020/07/01-Bao-cao-53-dan-toc-thieu-so-2019_ban-in.pdf

 8. Report on the state of culture in Spain 2020, truy cập link: https://fundacionalternativas.org/wp-content/uploads/2022/07/8c01767bcd5893835e03593b53c9c194.pd

 

[1] Spanish speaking countries, WorldData.info  https://www.worlddata.info/languages/spanish.php

[2] Fast Facts About Spanish: 12 Things You Didn’t Know About Español, Fluentu

https://www.fluentu.com/blog/spanish/facts-about-spanish/

[3]Atalayar, Spanish continues to grow and has almost 500 million native speakers, according to the Cervantes Institute's yearbook 2022, 27-10-2022:

https://atalayar.com/en/content/spanish-continues-grow-and-has-almost-500-million-native-speakers-according-cervantes

[4]Alfred L. Krober, Mối quan hệ giữa văn hóa và ngôn ngữ, Viện Nghiên cứu phát triển văn hóa, ngôn ngữ và giáo dục

[5]  Atalayar, Spanish continues to grow and has almost 500 million native speakers, according to the Cervantes Institute's yearbook 2022, 27-10-2022, truy cập link:

https://atalayar.com/en/content/spanish-continues-grow-and-has-almost-500-million-native-speakers-according-cervantes

[6] The Politics of Spanish in the world (2014) City University of New York,  https://academicworks.cuny.edu/cgi/viewcontent.cgi?article=1083&context=gc_pubs

[7] Ủy Ban Dân Tộc và Tổng Cục Thống Kê, Kết quả điều tra thu thập thông tin về thực trạng kinh tế - xã hội của 53 dân tộc thiểu số năm 2019, NXB Thống Kê https://www.gso.gov.vn/wp-content/uploads/2020/07/01-Bao-cao-53-dan-toc-thieu-so-2019_ban-in.pdf

Bạn đang đọc bài viết "Ngoại giao văn hóa thông qua ngôn ngữ của Tây Ban Nha và bài học kinh nghiệm đối với Việt Nam" tại chuyên mục Diễn đàn. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn