Người lính già với Hà Nội (Chuyện nhặt)

Quốc Toản

15/03/2022 00:26

Theo dõi trên

Ông ở chơi thêm vài ngày với chúng con rồi về... Ông ở thế là vừa đủ rồi. Chúng mày sống chen chúc thế này... khổ quá. Ra đường chỉ thấy người và xe... nhìn cảnh ùn tắc mà sợ... Ông thấy bí bách ngột ngạt lắm.

- Cũng vì cuộc sống mà bố...
- Chiều mai anh chở bố ra bến xe... Còn hai đứa cháu, cứ khi nào rảnh thì cho chúng về quê. Ở Hà Nội mãi, chẳng biết con cào cào châu chấu là cái gì. Con ngỗng nó bảo thiên nga, con bò nó bảo con trâu, hoa súng nó bảo hoa sen.

linh-gia-1647278681.jpg
Ảnh minh họa do tác giả lựa chọn

 

Kể cũng buồn... chúng nó học tối ngày... bố mẹ chẳng bắt làm gì. Lại nữa... ăn xong là buông bát... không quét nhà, bát đũa không phải dọn... không biết nấu cơm, luộc rau... chán thế đấy... các con phải dạy kĩ năng sống, đừng biến nó thành "gà công nghiệp". Phải bảo ban con cái những điều cần thiết trong đối nhân, xử thế, đừng chiều con quá mức, dễ tạo cho bọn trẻ ngay từ nhỏ đã có thói quen "chỉ biết nhận mà không biết cho", ích kỷ và vô tâm trước những người khác..., dần dần tạo cho chúng nó cách hành xử lạnh lùng, vô cảm...
-Dạ...
- Mà anh chị dạy gì thì dạy, đừng bắt hai đứa khoanh tay chào ông nữa. Dạy nó phải yêu quý ông bà thực sự kia. Hôm qua cu Tèo đi học về, nó không khoanh tay chào ông, mà nó chạy tới ôm ông rồi khoe: Cháu được điểm mười. Chỉ thế thôi mà ông đã thấy xúc động rồi...
- Thì tiên học lễ, hậu học văn... trường lớp nào cũng ghi thế bố ạ...
- Tiên, hậu quái gì. Dạy thế là hỏng. Là quay về cái thời Khổng Tử. Dạy để ra làm quan. Bây giờ dạy thế con người hèn đi đấy. Phải dạy tính tự lập, dạy lòng nhân ái, lòng tự trọng. Con trẻ phải tự tin mới làm được nhiều việc có ích. Con trẻ nó thích làm gì, yêu ai, ghét ai tự chúng nó sẽ nhận ra, đừng ép. Nhìn thấy ông họa sĩ râu ria lởm chởm, nói oang oang... bắt nó khoanh tay chào...chưa chắc đâu. Vì nó sợ hoặc nó không thích... đấy... lễ gì mà lễ. Đừng thấy thế mà bảo nó hỗn..
- Dạ...
- Hôm nay bố nói hơi nhiều vì mai về rồi. Không nói, các con cho là bố không hiểu gì cả. Nói... thành ra tranh luận...
- Con hiểu. Nhưng chúng con cũng đành theo trào lưu chung của xã hội. Chẳng còn cách nào khác. Đi đâu cũng phải... tiền cả.
- Đi đâu cũng phải tiền khác với việc dạy con. Bố cũng thương chúng mày. Thoát cảnh con trâu cái cày, quên cái cổng làng thì lại đầu tắt mặt tối. Lương công nhân ba cọc ba đồng. Chắt chiu nuôi hai đứa nhỏ.
- Lúc nãy bố chụp khu nhà bọn con ở à?
- Chụp chi chít cái cục điều hòa bám vào tường. Chụp những quả bom nước đặt trên nóc nhà... mà nước không còn một giọt vì vỡ ống nước đầu phố... chụp để nhớ cái đêm nóng nhất thì bị mất điện. Cả khu nháo nhác. Ông quạt cho hai đứa cháu muốn rời cánh tay... ảnh này ông mang về quê... chắc bà mày và cả xóm phải trố mắt. Hà Nội đấy...
- Mai ông về chúng con chẳng biết mua quà gì. Có mấy mét vải, nhà con biếu bà...
- Bây giờ ngược lại rồi con. Ông bà có lương, còn khỏe. Ở quê vẫn trồng được cây trái, rau cỏ, nuôi được con lợn con gà. Chúng mày về tha hồ khuân. Toàn đồ sạch cả...
- Còn cái này ông phải nhắc: Hai đứa mày đi làm về. Buổi tối cả nhà đông đủ. Dù mệt đến mấy cũng phải vui vẻ. Vợ mày chưa về đã hỏi con được điểm mấy. Bị điểm trung bình là quát nó. Ông không đồng ý đâu. Phải dạy con, chăm con thật sự chứ đừng bắt ép . Ông chưa thấy hai đứa vào xem sách xem vở cho con. Quát nó thành ra cả nhà mất vui. Hai đứa mày cũng tiết kiệm nụ cười quá...
- Dạ.
- Ông nói thật, ở chơi lâu, vợ chồng con cũng bận rộn thêm. Cũng bị đảo lộn sinh hoạt đôi chút. Nhưng đó là cuộc đời. Ông là lính. Ngày xưa các chiến hữu của ông đến chơi, ông phải dặn bà là để cho bạn của ông thoải mái. Đi dầy dép vào nhà, nói cười oang oang... không sao cả. Đừng mặt nặng mày nhẹ. Có họ mới có hôm nay đấy. Bạn đi rồi, ông lại lau dọn như cũ, có sao đâu...
- Hình như bác Ngọ quê Thái Bình mất rồi hả ông?
- Ừ. Mắc bệnh ung thư. Chất độc da cam hồi còn ở chiến trường đấy. Hôm bác ấy mất, ông không về được. 49 ngày bác, ông về Thái Thụy thắp cho bác ấy nén nhang. Bài thơ Bạn tôi là ông viết về bác ấy đấy. Cuộc đời như bóng câu qua cửa... thương bác ấy quá...
- Con chỉ muốn ông ở thêm vài ba ngày nữa, cho các cháu vui... cả khu tập thể ai cũng quí ông. Tụi con là công nhân, ở với nhau lâu rồi...
- Về con ạ. Không ở thêm được. Ông cũng yêu quý và nhớ các cháu lắm chứ. Còn lợn gà, rau cỏ... các anh chị ở đây cũng tốt lắm. Họ biết nhường nhịn nhau... Mà này... bố còn mấy trăm... chiều nay cả nhà làm bữa liên hoan trước khi ông về...
- Con có tiền mà...
- Để đấy làm việc khác. Ông chỉ để một trăm đi đường thôi. Mà con cũng mời vợ chồng anh Hùng hàng xóm sang nhậu cho vui. Vắng anh em xa có láng giềng gần. Khổ... hai vợ chồng lấy nhau mãi mà chẳng có con...
- Dạ, con sẽ mời anh chị sang... định hôm nào mời anh chị ấy về quê thăm ông bà nữa.
- Ừ, đúng rồi. Để anh chị ấy biết thêm một vùng đất, biết thêm những con người chân quê. Người quê chỉ có tấm lòng thôi. Anh đi đi kẻo muộn... Ông tranh thủ đi xuống phố chụp vài kiểu ảnh rồi về.
- Ở đây làm gì có cảnh đẹp hả ông?
- Ông chụp bà bán rau, anh xe ôm, ông cắt tóc... Chụp cái cảnh chen chúc ở ngã tư ngã năm ấy chứ...
- Để ông đưa lên 'phây búc" ạ...
- Ô... anh cứ nghĩ chỉ dành cho bọn trẻ thôi hả... chơi chứ... zalo, phây búc... tại sao không
-Hề hề...
-Thôi... đi đi...
- Dạ.

Trái tim người lính

Bạn đang đọc bài viết "Người lính già với Hà Nội (Chuyện nhặt)" tại chuyên mục Văn hóa - Xã hội. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn