Kỷ niệm 44 năm Campuchia khỏi họa diệt chủng (7-1-1979/7-1-2023): Nghĩa vụ quốc tế cao cả -  “Nước mã hồi” không bị phục kích (Bài 1)

Vũ Xuân Bân (Nguyên đặc phái viên TTXVN tại biên giới Tây Nam 1977, chuyên gia TTXVN giúp Thông tấn xã SPK trong các năm 1978-1979).

06/01/2023 15:59

Theo dõi trên

“Giúp bạn là giúp mình” - Đó là lời căn dặn của các đồng chí lãnh đạo khi giaonhiệm vụ cho chúng tôi làm đặc phái viên Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) thường trú tại biên giới Tây Nam và sau đó làm chuyên gia giúp Thông tấn xã Campuchia SPK (Sa Poramean Kampuchia) và nay là AKP (Agency Kampuchia Press) ngay từ những ngày đầu mới ra đời vào cuối năm 1978.

Thấm thoắt mới ngày nào mà nay đã 44 năm đánh đổ chế độ diệt chủng Khmer đỏ (7/1/1979 - 7/1/2023), những lời dặn dò đó như vẫn văng vẳng bên tai và lắng đọng trong tâm khảm của những người từng xông pha trận mạc, góp phần bảo vệ biên giới Tây Nam đất nước, vừa làm chuyên gia giúp nước bạn Campuchia thoát khỏi thảm họa diệt chủng do Pol pot cầm đầu.

a1-bai-nghia-vu-quoc-te-cao-ca-1690361284.jpg

Phóng viên TTXVN Vũ Xuân Bân tranh thủ viết bài “Đường về Thủ đô Phnom Penh” ngày 8/1/1979.

 

Bài 1: “Nước mã hồi” không bị phục kích

Đang theo cánh quân tình nguyện Quân khu 7 để đưa tin giúp bạn giải phóng các tỉnh Đông Bắc Campuchia vừa tiến vào thị xã Krochê chưa kịp nghỉ ngơi, vừa hoàn thành bài viết “Những giờ phút đầu tiên giải phóng thị xã Krochê” kịp gửi về Tổng xã TTXVN, gần cuối buổi chiều ngày 7/1/1979, chúng tôi được lệnh trở về Thành phố Hồ Chí Minh để nhận nhiệm vụ mới. Trời nhá nhem tối, chúng tôi chia tay Cục Chính trị tiền phương Quân khu 7 rời Krochê trở về. Nhiều cán bộ Cục Chính trị tiền phương Quân khu 7 tỏ ra ái ngại “các nhà báo đi về đêm phải cẩn thận kẻo bị tàn quân Pol pot phục kích, hôm qua đã có một xe ô tô đi chệch ra vệ đường trúng mìn của chúng”.

Không quản ngại nguy hiểm, chiếc xe Jeep cao gầm mang biển kiểm soát 50B 7289 do Bùi Lương Duyên lái lại tức tốc băng rừng đưa nhóm phóng viên chúng tôi trở về Thành phố Hồ Chí Minh. Từ thị xã Krochê đi về hướng biên giới Bình Phước, đường nhiều ổ gà ổ voi, vắng tanh, phải băng qua nhiều cánh rừng cao su bạt ngàn, chúng tôi luôn luôn trong tư thế sẵn sàng chiến đấu. Súng AK47 và lựu đạn trong tay, chúng tôi phân công nhau căng mắt quan sát không chỉ phía trước mà cả hai bên đường, đôi lúc thấp thỏm lo âu “Nếu gặp tàn quân Pol Pot thì sẽ ra sao? Thôi đành phó thác cho số mệnh!”.

a3-bai-nghia-vu-quoc-te-cao-ca-1690361645.jpg

Bộ đội ta truy kích lính Pol Pot bảo vệ biên giới Tây Nam, cuối năm 1978. (Ảnh: Vũ Xuân Bân/TTXVN).

Rời Krochê được hơn 3 giờ, lái xe Bùi Lương Duyên mệt nhoài, ngáp ngủ khẩn khoản đề nghị “Anh lái xe thay cho em một lát để đỡ căng mắt. Em mệt quá!”. Tôi liền cầm vô lăng nhấn ga, xe Jeep giật cục tiếp tục lao về phía trước. Phải mất 10 phút sau, tôi mới quen tay lái. Đường bỏ hoang mấy năm dưới thời Pol Pot cầm quyền nên cực xấu, không đi nhanh được, chiếc xe Jeep cứ nhảy chồm chồm như người làm xiếc. Trời tối mịt mùng và tâm trạng lo bị phục kích dọc đường, tôi tập trung thị lực cao độ quan sát, nhấn ga cho xe lao về phía trước. Lường trước được những ngày chiến đấu gian khổ sẽ còn dài, ngay sau ngày Pol Pot xua quân vượt biên giới gây ra vụ thảm sát đẫm máu tại Tân Biên (Tây Ninh) đêm 24 rạng ngày 25/9/1977, Bùi Lương Duyên được lãnh đạo Cơ quan thường trú TTXVN tại Thành phố Hồ Chí Minh giao nhiệm vụ lái chiếc xe Jeep Mỹ cao gầm tăng cường cho Tổ phóng viên của TTXVN thường trú tại biên giới Tây Nam đóng tại Tây Ninh, đã hướng dẫn tôi học lái xe. Tôi đã nhanh chóng làm quen, những lúc lái chính mệt mỏi, tôi đã thay thế, tay lái ngày càng thuần thục. “Nước mã hồi” cảm thấy nhanh thật. Chẳng mấy chốc, cửa khẩu biên giới Bình Phước đã hiện ra trước mắt, nỗi lo bị tàn quân Pol Pot bất ngờ tập kích đã lùi lại phía sau. Chúng tôi thở phào nhẹ nhõm, nét mặt ai nấy đều rạng rỡ, đầu tóc, quần áo đều phủ lớp bụi đất đỏ bazan, thẳng tiến về Thành phố Hồ Chí Minh lúc quá nửa đêm. Thành phố mang tên Bác rợp cờ mừng vui chiến thắng vì quân tình nguyện Việt Nam đã giúp nhân dân Campuchia nổi dậy thành công, giải phóng Thủ đô Phnom Penh từ trưa ngày 7/1/1979. Không khí mừng vui chiến thắng những ngày đầu năm 1979 tại Thành phố Hồ Chí Minh thật tưng bừng. Thành phố có số dân đông nhất nước, đã về khuya vẫn nườm nượp xe máy, xe ô tô trên các ngả đường, trông ai nấy đều hân hoan đồng thuận trong khóe mắt: “Việt Nam - Campuchia tắt lửa tối đèn có nhau”, “Campuchia vùng lên thoát khỏi họa diệt chủng”, “Giúp bạn là giúp mình”...

(Còn nữa)
V.X.B

Đón đọc Bài 2: Trên đường về Thủ đô Phnom Penh giải phóng