Những ký ức không thể quên: Muốn tìm đối thủ trên không - Câu chuyện tôi sắp kể đã xảy ra đúng 50 năm về trước  (Kỳ 11)

Đại tá, phi công Trần Năm/ Biên tập: Son Lam Tran

24/09/2023 10:09

Theo dõi trên

Vào trung tuần tháng 10 năm 1972, số phi công đánh ngày của đại đội 9 trung đoàn không quân 927 chỉ còn lại 5 người.

Anh Lê Thanh Đạo vừa được bổ nhiệm là đại đội trưởng, anh Nguyễn Văn Nghĩa đại đội phó, anh Trương Tôn, Tôi (Trần Năm), Dương Đình Nghi còn đang điều trị ở bệnh viện, vì ngày 8 tháng 10 trong trận không chiến, Nghi phải nhảy dù do bị địch bắn. Toàn đơn vị chỉ còn lại 2 số 1 và 2 số 2 có thể tham gia chiến đấu được.

b1a-12b-1695524692.jpg

Ảnh do tác giả cung cấp.

 

Ngày 14 tháng 10 năm 1972, cơm chiều xong, đơn vị họp ngắn để phân công trực chiến. Trong buổi họp, anh Bùi Tín là chính trị viên nêu vấn đề: Cấp trên quyết tâm bắn rơi chiếc máy bay thứ 4000 của không quân Mỹ. Ngày mai đến phiên đại đội ta trực chiến, vậy lực lượng trực như thế nào? Anh Đạo nói: “Ngày mai tôi trực”. Anh Nghĩa, cắt lời : “ngày mai để tôi trực vì hôm qua anh Đạo đã trực rồi. Anh Đạo cần nghỉ ngơi lấy lại sức”. Anh Đạo nói luôn: “Ngày mai để tôi trực chiến đấu trả thù cho Mai Tuế” (vì hôm qua ngày 13/10/1972 biên đội Đạo - Tuế không chiến với tốp F4 Mỹ và Mai Tuế đã hy sinh tại khu vực Thái Nguyên). Tôi quyết định thế này: “Ngày mai trực ban chiến đấu, biên đội Đạo – Năm, Anh Tôn chỉ huy K5, anh Nghĩa dự bị cho cả 2 số (nếu anh Đạo ốm thì Nghĩa thay số 1, nếu Năm ốm, Nghĩa thay số 2) hết! Nay đi ngủ sớm để lấy sức mai đi trực chiến”. Đại đội trưởng đã quyết, nên không ai nói thêm gì và đi ngủ sớm hơn mọi hôm. Màn đã buông, cả hầm yên lặng, nhưng chắc chẳng ai ngủ sớm được. Đêm yên tĩnh, căn hầm rộng, mới hôm nào ra đây đông vui là thế mà mới đánh nhau có mấy tháng, căn hầm đã thưa thớt hẳn đi. Tôi nằm vừa suy tư vừa phấn khởi vì anh Đạo đã tin tưởng cho tham gia trực chiến, nhưng cũng lo ngày mai quyết giành chiếc 4000 sao đây? Xử lý với các thế trận gặp địch khác nhau như thế nào cho đúng. Vì gặp địch, không có trận nào giống trận nào. Nằm nghĩ miên man thế rồi tôi cũng thiếp đi. Như thường lệ, 4 giờ sáng vệ binh gác đêm vào đánh thức người trực. Thường là đánh thức chính trị viên, sau đó chính trị viên đánh thức người trực. Dưới ánh sáng lờ mờ của bóng đèn bảo vệ ngoài sân, đủ sáng để mọi người không bị va vấp vào gường, bàn ghế và để người không đi trực được ngủ yên giấc. Nước đánh răng rửa mặt có sẵn ở cửa hầm. Sau đi vệ sinh cá nhân, đến mặc quần áo và xách thùng bay ra xe, xe đã chờ sẵn ở ngoài đường. Lên xe và đi đến sân bay rất khẩn trương, nhưng rất trật tự. Ra đến sân bay vào khu trực chiến, rồi ra tiếp thu máy bay mà đội ngũ kỹ thuật đã chuẩn bị trước đó. Phi công chỉ thử liên lạc, đặt mật mã kiểm tra sự làm việc của vũ khí vv... Nếu thấy tất cả đêu tốt phi công ký vào sổ kỹ thuật. Tiếp đó là bác sỹ kiểm tra sức khỏe, rồi đi ăn sáng, xong số 1 hiệp đồng với sở chỉ huy để nhận lệnh dẫn dắt, hiệp đồng với số 2 về xử lý các tình huống chiến đấu. Các phi công đi cả giày, mặc quần áo bay và quần kháng áp mà nằm, nghỉ, ngủ chờ đợi lệnh xuất kích. Hôm đó, 2 anh em nằm 2 giường song song bên phía cửa ra vào, đầu giường hướng ra sân để tránh quạt trần thổi vào đầu và tránh chói mắt khi có ai đó mở cửa ra vào. Khoảng hơn 8, chúng tôi giờ đang thiu thiu ngủ thì nghe thấy tiếng ô tô đến gần, tiếng mở đóng cửa ô tô khá mạnh. Sau đó là tiếng mở cửa ra vào rất dứt khoát. Tôi mở mắt ra thì thấy chính ủy quân chủng Hoàng Phương đang đứng ngang đầu giường. Tôi và anh Đạo không ai bảo ai, liền đứng bật dậy và đều nói: chào thủ trưởng. Chính ủy bảo chúng tôi ngồi xuống và ông cùng ngồi xuống giường của tôi. Anh em trong kíp trực đều đứng dậy cả. Anh Bùi Tín chính trị viên liền bê chiếc ghế ở bàn uống nước mời Chính ủy ngồi. Chính ủy ngồi xuống ghế phía đuôi giường, các trợ lý đi theo đều ngồi vào các giường khác. Chính ủy gặp riêng biện đội trực nói chuyện, hỏi han và động viên, khích lệ chúng tôi quyết bắn rơi chiếc máy bay Mỹ thứ 4000. Anh Đạo thay mặt biên đội hứa với Chính ủy là biên đội quyết tâm bắn rơi máy bay Mỹ chiếc thứ 4000, lập thành tích cho bộ đội không quân. Hôm đó Chính ủy nói chuyện khá lâu, nói về tinh hình của quân chủng, về quyết tâm của bộ tư lệnh và ý định muốn giành thành tích này cho binh chủng không quân. Sau đó, Chính ủy cùng đoàn lên xe đi về còn chúng tôi tiếp tục nằm chờ. Khoảng hơn 9 giờ, anh Đạo nghe điện thoại từ sở chỉ huy trung đoàn về tình hình địch sẽ hoạt động trong ngày. Tin tức này do trinh sát ngoại tuyến cung cấp. Sau đó anh Đạo thông báo lại cho chúng tôi nghe và ý định chiến đấu của trung đoàn.

Ăn cơm trưa xong cũng chẳng có động tĩnh gì. Mãi đến 14 giờ thì nhận được lệnh từ sở chỉ huy, biên đội vào cấp 1 và cất cánh ngay. Chúng tôi theo lệnh chỉ huy bay ở độ cao 1000m, hướng bay về phía sân bay Hòa Lạc, lúc này ở khu vực trời đầy mây. Sở chỉ huy cho chúng tôi bay dưới mây và mây cứ thấp dần, sở chỉ huy cho chúng tôi xuống 500m nhưng vẫn gặp mây. Sở chỉ huy cho chúng tôi đi hướng 180 độ và xuống 200m. Anh Đạo báo cáo vào khu vực núi rồi, mây che đỉnh núi, không còn khe hở nào để đi nữa, nếu đi nữa sẽ va vào núi. Sở chỉ huy ra lệnh vứt thùng dầu phụ, bật tăng lực và lên cao 6000m. Hướng bay 250 độ, vì lách mây nên tôi bay gần như hàng dọc cách anh Đạo khoảng 100m. Khi bay sắp đến đỉnh mây thì anh Đạo hô “nó bắn tên lửa” và anh kéo gấp, khi đó tôi đang chú ý giữ biên đội để lách mây, nên chưa nhìn thấy địch ở chỗ nào? Tôi đành phải kéo theo anh Đạo theo cách đưa máy bay của anh Đạo vào giữa kính ngắm, rồi đưa máy bay của mình theo máy bay của anh Đạo. Hai máy bay cách nhau khoảng100m. Đang kéo, anh Đạo lại hô “nó lại bắn tên lửa”. Hai anh em lại kéo gấp để tránh tên lửa địch. người tôi bị dí xuống ghế bởi quá tải lớn. Lúc đó 2 anh em đang vòng phải, tôi nghĩ ngay là nó bắn vào tôi vì tôi bay sau. Tôi quyết định nhìn về phía sau xem địch ở chỗ nào mà chủ động đánh. Chưa thấy địch đâu cả, lúc đó chúng tôi đã bay trên mây. Tôi liếc nhìn đồng hồ, độ cao hơn 6000m, đồng hồ chỉ tốc độ gần 700km/h. Lúc bay cơ động, tôi hay chú ý đến tốc độ đồng hồ, còn tốc độ thật thì khi bay đường dài và theo lệnh của sở chỉ huy (ở trên độ cao lớn tốc độ đồng hồ bao giờ cũng nhỏ hơn tốc độ thật). Khi tôi nhìn phía sau xuống dưới, tôi thấy loáng thoáng 4 chiếc thùng dầu phụ đang chao đảo rơi, nhìn lên trên một chút thì thấy 2 chiếc F4 đang đang bám theo tôi. Tôi liền hô 2 chiếc F4 bên phải đằng sau phía dưới. Anh Đạo liền hô “số 2 thoát ly, số 2 thoát ly”. Sau đó sở chỉ huy ra lệnh biên đội thoát ly. Lúc đó, tôi đang gò lưng kéo thì thấy 2 F4 mà tôi mới phát hiện đang bám theo tôi ở cự ly rất gần. Vì phải kéo lên lấy độ cao, lại qua 2 lần cơ động tránh tên lửa địch, nên tốc độ của chúng tôi bị giảm. Hai chiếc F4 này tiếp cận tôi rất nhanh. Nhưng vì tôi đã phát hiện được và vòng cũng khá gấp, nên chúng chưa thể bắn tôi được. Vì phải tập trung đối phó với 2 chiếc F4 này, nên tôi không thể quan sát anh Đạo được. Chiếc F4 số 2 bay cách chiếc F4 số 1 khoảng 200-300m. Đang vòng cùng với chiếc F4 số 1 cách tôi khoảng 50m thì chiếc thì cả 2 chiếc F 4 này đột nhiên khuất sau đuôi máy bay của tôi. Tôi nghĩ ngay đến lý thuyết không chiến cơ bản là nó sẽ mở rộng bán kính vòng, sau đó vòng gấp vào phía trong giảm tải và dùng súng để bắn. Ngay lập tực tôi đánh gấp máy bay cho nghiêng sang trái 60-70 độ và kéo vòng gấp luôn. Vừa lật máy bay nghiêng sang trái, bỗng dưng thấy tối sầm, tôi nhìn thấy chiếc F4 ngay bên cạnh và 2 chiếc suýt va vào nhau. Chiếc F4 bay ngay sau tôi một chút. Mút cánh trái của máy bay tôi gần chạm buồng lái sau của chiếc F4. Tôi bay vòng ngoài, chiếc F4 số 1 bay vòng trong. Tôi nhìn qua máy bay F4 số 1, thấy chiếc F4 số 2 bay cạnh chúng tôi khoảng 200-300m. Nếu tôi tách xa chiếc máy bay số 1, thì chiếc máy bay F4 số 2 sẽ dùng pháo 20 ly 6 nòng bắn tôi ngay. Vì vậy tôi cứ ép sát vào chiếc máy bay số 1. Tôi vòng khá gấp, nên cánh của chiếc F4 đã xuất hiện hai dải khói, mặt trên cánh của chiếc F4 cũng đã xuất hiện khói quẩn vòng với nhau cùng một lúc. Phi công Mỹ ngồi buồng lái sau, không đeo mặt nạ, không hạ kính, nên tôi nhìn rất rõ. Mắt của nó trợn tròn với ánh mắt của người mới thoát chết, rất khó tả bằng lời về đôi mắt đó. Anh ta da trắng mắt xanh, màu xanh này tôi cũng chưa nhìn thấy bao giờ, nó có màu xanh da trời pha lẫn màu xanh nõn chuối, lông mày màu vàng. Phi công ngồi buồng lái trước ngồi thấp hơn, anh ta đeo mặt nạ(ống dưỡng khí) lại sập kính râm xuống nên tôi không nhìn rõ mặt. Những người chơi võ thuật thường nhìn vào mắt nhau, phán đoán đối phương sẽ ra đòn như thế nào, để còn đối phó. Lúc đó tôi cũng vậy, tập trung nhìn vào mắt đối phương nên không nhìn thấy số máy bay. Tôi cố ép máy bay của tôi vào sát F4, hình nó sợ hai máy bay va vào nhau, nó lại lảng ra. Có lúc, mút cánh trái của máy bay tôi cách buồng lái sau của chiếc F4 chỉ khoảng 1-2m. Tôi thì cứ ép vào chiếc F4, hình như sợ va vào nhau nên nó lại lánh xa ra. Tôi nghĩ nếu cứ bay như thế này, máy bay tôi đang bật tăng lực lớn nhất thì chẳng mấy chốc sẽ hết dầu. Nếu tôi tắt tăng lực thì máy bay tôi sẽ nhanh chóng mất tốc độ vì lúc đó tôi đang vòng gấp để áp sát địch. Chưa biết xử lý thế nào thì thấy chiếc F4 số 2 bay vọt lên ngang với chiếc F4 số 1. Chớp thời cơ, tôi đạp chân trái, máy bay tôi lao vào chiếc F4 số1. Tên này hoảng hay sao ấy, nó liền dúi đầu xuống chui qua bụng máy bay tôi, tôi vòng gắt hơn trước, máy bay tôi rung rung, tôi giữ nguyên độ nghiêng lao về phía chiếc số 2 và lướt qua phía sau chiếc này. Không cần nhìn địch ở đâu, nhưng tôi nghĩ nếu nó quay lại đuổi tôi thì tôi đã bay xa rồi. Vì khi tôi lướt qua 2 đường bay đã gần như vuông góc với nhau, rồi phía trước là đám mây. Tôi liền lao vào trong mây, tôi thay đổi hướng bay rồi lao xuống với góc nghiêng trái 45 độ và góc bổ nhào 30 độ, tắt tăng lực, đồng hồ độ cao chỉ 4200m. Tôi nghĩ tôi đang bay trong vùng núi Tây bắc. Quy định bay trong mây khu vực này, không được xuống dưới độ cao 3100m. Tôi thấy thấp thoáng mặt đất và nhận thấy mặt đất còn xa. Tốc độ đồng hồ 850km/h, tôi liền thu cửa dầu và bổ nhào với góc 60 độ và nghiêng 45 độ. Ở độ cao 1500m. tôi đưa máy bay ra bay bằng, nhưng vẫn giữ độ nghiêng phải. Bên phải có mây, tôi lật máy bay sang nghiêng trái và kéo. Trong quá trình đúc rút kinh nghiệm chiến đấu, tôi được tham dự, khi chưa được tham gia chiến đấu, tôi đã rút ra nguyên nhân: máy bay số 2 bay bị địch bắn vì bay thẳng thời gian dài hoặc cơ động không mạnh và không nhanh để cho địch có thời cơ ngắm bắn ổn định. Vì vậy, trong chiến đấu, tư tưởng chỉ đạo của tôi là cơ động dứt khoát, nhưng không để máy bay mình giảm tốc độ nhiều. Khi máy bay rung nhẹ thì thôi giảm lực khéo cần lái. Đang kéo cho máy bay bay vòng, tôi phát hiện ra phía dưới có dòng sông hướng 360 độ. Tôi xác định đây là sông Đà đoạn từ Hòa Bình đến Việt Trì. Thế là tôi lao xuống, đầu tiên là sát đỉnh núi, sau đó sát mặt sông. Khi bay thẳng, tôi thấy dòng sông không thẳng như bay trên cao mà nó cũng ngoằng nghèo lại thêm có núi nữa. Nếu bay sát mặt sông sẽ không an toàn. Tôi liền đưa máy bay bay lên trên đỉnh núi. Một lúc sau tôi thấy có khe núi, tôi liền vòng vào và phát hiện ra 2 núi cách nhau rất xa. Tôi đoán đây là khu vực Hòa Lạc. Từ lúc bay xuống dòng sông, tôi toàn bay thấp nên cũng căng thẳng. Để thư giãn một chút, tôi liền quyết định lên trên mây. Tôi đang bay dưới lớp mây tầng, chính nó đã làm khó khăn cho chúng tôi lúc đầu bay vào khu chiến đấu. Tôi bắt đầu lên mây và lên rất từ từ 450m vào mây, 550m ra khỏi mây. Vừa ra khỏi mây, tôi vòng phải xem lại phía sau thì phát hiện 1 chiếc F4 đang bay cùng chiều với tôi. Ở thế bất lợi, tôi liều lao xuống dưới mây bay về hướng 30 độ và cứ đặt điểm ngắm vào đỉnh ngọn cây mà bay. Bay thấp như vậy để bọn F4 không dám đuổi, vì bay thấp chúng sợ pháo phòng không của ta nhất là khu vực gần Hà Nội. Khi máy bay vượt qua sông Hồng, tôi bay theo kim vàng về sân bay Đa Phúc. Gần đến đầu sân bay tôi liền gọi cho anh Trương Tôn, lúc đó chỉ huy hạ cánh ở sân bay Đa Phúc. Tôi nói anh Tôn (tôi quên mất mật danh sân bay Đa Phúc lúc đó là gì) xem sau tôi đang có thằng F4 đuổi theo không. Khi máy bay tôi đến đầu đường băng, anh Tôn bảo không có thằng nào đuổi theo đâu, vào hạ cánh ngay. Tôi còn nghi ngờ vì bọn Mỹ hay có trò phục ở phía ngoài, chờ ta vào hạ cánh, lúc đó tốc độ chậm, dễ tiêu diệt ta ở khu vực sân bay. Tôi liền báo cáo tôi về Gia Lâm hạ cánh. Vì Gia Lâm có nhiều lực lượng phòng không, địch không dám vào. Tôi vòng phải bay vào Hà Nội vì sợ va vào dây điện của cột điện qua sông Hồng, đó là cột điện Chèm, nên tôi bay vuông góc với sông Hồng và phát hiện ra đường thanh niên. Vì bay quá thấp, nên tôi chưa biết sân bay Gia Lâm ở đâu, tôi liền kéo máy bay lên thì vừa lúc đó tôi bay sát mái Phủ Chủ tịch. Tôi bèn nghiêng trái để tìm sân bay thì máy bay tôi suýt va phải quả bóng bay(bóng khí tượng) có treo tấm vải đỏ. Khi bay qua, tôi nhìn xuống, thì đó là bóng treo ở khu vực hồ gươm, không phải một quả bóng mà là 2 quả bóng to với tấm vải đỏ treo phía dưới. Thật ra không biết nếu húc phải quả bóng thì sẽ thế nào vì treo tấm vải đỏ dài rộng thế, chắc phải có một đoạn tre xỏ vào, va vào đoạn tre đó có khác gì quả đạn bắn trúng máy bay. Việc đó cho qua, vì còn phải tìm sân bay. Sân bay Gia Lâm tôi chưa hạ cánh bao giờ. Nhưng qua nghiên cứu, biết nó ngắn và hẹp, đầu nam lại có đê cao, nên hạ cánh không được xuống thấp. Khi không nhìn quả bóng nữa, quay lại tìm sân bay, thì tôi nhìn thấy luôn. Trên độ cao 500m, tốc độ lúc đó là 800km/h, cự ly gần, tôi liền thu cửa dầu về nhỏ nhất, thả tấm giảm tốc độ và làm mấy động tác giảm tốc độ kết hợp với chính hướng theo đường băng, tốc độ đồng hồ là 650km/h. Tôi thả càng, lúc này đồng hồ tốc độ chỉ đúng 600km/h (đúng quy định về tốc độ thả càng). Tôi nhanh chóng thả cánh tà 25 độ, đồng thời thu tấm giảm tốc và tăng ga để đảm bảo tốc độ hạ cánh. Ấn cánh tà 45 độ và tập trung cho hạ cánh. Tôi tiến hành hạ cánh bình thường. Theo sự chỉ dẫn của chỉ huy cất hạ cánh, tôi lăn về sân đỗ khu trực chiến ở phía Nam. Ra khỏi máy bay, tôi lại gặp chính ủy Hoàng Phương. Tôi báo cáo lại quá trình trận đánh, có gặo khó khăn như tôi đã kể ở trên và báo cáo tôi đã mất kiên lạc với anh Đạo. Tôi và sở chỉ huy đã gọi nhiều lần, nhưng không thấy anh Đạo trả lời. Đang báo cáo với Chính ủy về trận đánh thì có một chiếc MIG-21 hạ cánh. Mọi người ồ lên và bảo anh Đạo về rồi. Tôi nhìn theo, khi máy bay bung dù giảm tốc độ thì tôi nói không phải anh Đạo. Mọi người hỏi tại sao không phải. Tôi nói máy bay của anh Đạo sơn lăn ri còn chiếc may bay kia sơn màu bạc. Khi máy bay về sân đỗ tắt máy, ra khỏi máy bay là anh Trần Sang. Anh Trần Sang cũng báo cáo lại diễn biến trận đánh gặp khó khăn và anh Phạm Phú Thái cũng mất liên lạc gọi mãi cũng vẫn chưa được. Khoảng 1 giờ sau, tôi nhận được lệnh bay về sân bay Đa Phúc. Buổi tối, đơn vị tổ chức rút kinh nghiệm chiến đấu. Tôi và anh Trần Sang trình bày lại công tác dẫn dắt của mình vì hai trung đoàn đều đánh ở hai khu vực khác nhau ở hai sóng liên lạc khác nhau. Buổi rút kinh nghiệm không vui vẻ lắm, vì chưa có tin tức về anh Đạo và anh Thái. Buổi rút kinh nghiệm nhanh chóng kết thúc. Trên bản tiêu đồ gần của trung đoàn 927, khu vực không chiến vẽ rất nhiều vòng, có thể tiêu đồ viên nhầm lẫn nên vẽ đường bay của địch và đường bay của ta chưa đúng với thực tế. Như đoạn tôi lao máy bay xuống sát sông Đà, ở nhà không bắt được tín hiệu nữa, từ đó đến suốt quá trình bay về sân bay Gia Lâm hạ cánh, do tôi bay quá thấp nên tiêu đồ không vẽ được mũi nào. Điểm mất mục tiêu ở khu vực Hòa Bình ở phút 22 là mũi tín hiệu của tôi mới đúng, tiêu đồ viên lại vẽ mũi tín hiệu của địch. Nếu ai đã được xem tài liệu lưu trữ bản tiêu đồ gần (ở sở chỉ huy) trận đánh 15/10/1972 của biên đội Đạo - Năm so với lời kể của tôi ở trên sẽ có chỗ không trùng nhau.

Sau buổi rút kinh nghiệm, anh em chúng tôi lại bàn bạc tranh luận. Một số anh bảo tôi là nói phét, làm gì có chuyện không chiến vòng với nhau gần đến thế, nhìn được cả mắt xanh, lông mày vàng. Lúc đó, tôi tức mình lắm, vì bảo tôi là nói phét tức là bảo tôi nói không đúng sự thật, đồng nghĩa là không trung thực. Trong chiến tranh với đội ngũ phi công có một tiêu chí đó là trung thực. Một phi công không trung thực thì xấu hổ vô cùng. Trường hợp của tôi lấy gì để chứng minh đây? Thế là tôi mang cục tức từ đó đến bây giờ. Sau khi mối quan hệ Việt- Mỹ trở lại bình thường, nhất là sau khi đoàn phi công Mỹ đã tham chiến ở chiến trường Việt Nam tổ chức gặp các phi công chiến đấu của Việt Nam tại Hà Nội, thì tôi nghĩ sẽ có cơ hội, hội tụ gặp lại được đối thủ của tôi ở trên không trận ngày 15/10/1972 trên bầu trời khu vực Hòa Bình. Suốt quãng thời gian của buổi gặp mặt đó, tôi không được tham gia vì hôm đó tôi đang ở sân Phù Cát - Bình Định. Về sau, tôi có hỏi anh Lê Thanh Đạo (số 1 của tôi trong trận đánh đó, vì anh đã được gặp tốp phi công Mỹ ở Hà Nội và sau đó anh Đạo lại ở tốp phi công Việt Nam được mời sang Mỹ với số lượng đông hơn, để gặp các phi công Mỹ, là anh có gặp tốp phi công tham chiến trận 15/10/1972 không ? Anh Đạo Trả lời là không. Tôi có đưa chuyện này kể lại với một số bạn hữu. Có người bảo tôi thời buổi này tìm người không khó, anh cứ đăng lên mạng, mọi người sẽ đọc được và có nhiều người có mối quan hệ khác nhau, họ có khả năng tìm hiểu qua nguồn này nguồn nọ là sẽ có thông tin. Tôi cũng đã nhờ anh Nguyễn Sĩ Hưng đồng tác giả của cuốn “các trận không chiến trên bầu trời Việt Nam nhìn từ hai phía” tìm kiếm giúp, vì anh Hưng tiếng Anh rất tốt và có nhiều mối quan hệ, có khả năng tìm các tài hiệu lưu trữ. Nhưng đến bây giờ vẫn chưa có thông tin gì. Về việc đưa thông tin lên mạng xã hội tôi chần chừ mãi, đến bây giờ vẫn chưa tiến hành.

Mục đích của tôi rất đơn giản là chứng minh trong chiến tranh chống Mỹ có một trận không chiến như thế. Hai bên đều trang bị những máy bay hiện đại, thường nhắm bắn nhau ở cự ly hàng cây số với tốc độ bay gần tốc độ âm thanh. Một số anh phi công lớp đàn anh của tôi cũng có kể lại là các anh cũng có trận 2 máy bay gần nhau và cũng đã nhìn thẳng mặt phi công đối phương, nhưng chỉ là bay lướt qua thôi chứ không nhìn tường tận như trận của tôi. Mục đích nữa là biết tên anh ta là gì? Còn sống không? Nếu còn sống và còn minh mẫn, tôi sẽ hỏi anh ta anh đã suy nghĩ gì sau cú suýt va vào nhau lần thứ nhất và sau đó tôi cứ ép sát vào anh ta và có lúc cánh trái của tôi sát buồng lái của anh ta. Mục đích thứ 3 là hỏi nguyên nhân là gì để từ thế có lợi hoàn toàn và là 2 chiếc trong khi tôi ở thế bất lợi và chỉ có mình tôi mà để tôi thoát ly trận chiến về hạ cánh an toàn. Nếu mà gặp được thì còn hỏi nhiều chuyện nữa, nhưng cũng chỉ xoay quanh trận chiến đấu đó thôi, ngoài ra không có mục đích nào khác.

P/s: qua lời kể của anh Trần Năm, Ban biên soạn chúng tôi lại hình dung anh giống như một võ sĩ quyền anh, cùng lúc đánh nhau với nhiều địch thủ, luôn biết tận dụng mọi cơ hội để các địch thủ không thể đánh được vào mình và với sự quyết liệt, dũng mãnh anh đã thoát ra khỏi vòng vây của các của họ trở về an toàn.

T.N.

Trái tim người lính