Những người lính trở về sau trận đánh

CCB Giang Cao Phương

08/04/2023 08:37

Theo dõi trên

Đối với tôi, trận Đèo Cả là một trận đánh đáng nhớ trong cuộc đời chiến trận của mình. Mỗi khi nhắc lại, tôi vẫn như hình dung ra từng chi tiết của trận đánh.

Sau này mỗi lần đi tàu Thống nhất qua đèo Cả, tôi vẫn vươn người qua cửa sổ và cố nhìn mỏm đá, nơi có cái hang mà tổ đài 2W của tôi trú ẩn trong những ngày cuối tháng 3 ấy. Rồi những ký ức như còn nóng hổi lại ào ạt tràn về, rồi tôi nhớ tới các đồng đội đã hi sinh và còn sống.

Chắc hẳn mọi người tò mò muốn biết số phận những người lính đã sát cánh cùng tôi trong trận cắt đường 1 Đèo Cả đáng nhớ ấy. Đáng tiếc là đến thời điểm này, tôi chỉ còn lên lạc được với vài người cùng trực tiếp tham gia trận đánh này. Có một số đồng đội, sau này tôi mới biết là cũng cùng tham gia, nhưng quả thực tôi không biết được số phận của các anh ấy. Sau bài viết này, còn có ai cùng tham gia trận Đèo Cả này thì hãy kết bạn với tôi, để chúng ta cùng ôn lại những kỷ niệm hào hùng thời trai trẻ.

b1vh1sq-1680917486.jpg

Anh Khoa, anh Luân và tác giả chụp năm 2015 tại Hà Nội.

 

Trước hết, tôi kể về anh Lương Minh Khoa. Lúc đó anh Khoa chỉ 25-26 tuổi, nhưng chúng tôi gọi anh là “Thủ trưởng”, vì anh là tiểu đoàn phó tiểu đoàn. Trận đánh này, anh trực tiếp chỉ huy lực lượng vượt đường 1 và đường sắt (gồm c5 và một bộ phận c8 hỏa lực), còn tôi là lính thông tin VTĐ 2W đi theo anh. Anh Khoa người Lộc Bình, Lạng Sơn, là một cán bộ trẻ năng lực, được đào tạo chính quy, đã có rất nhiều thành tích trong chiến đấu từ năm 1967- 1968, đặc biệt là trong chiến dịch Đường 9 - Nam Lào 71 và Kon - Tum năm 72. Anh được xếp vào loại nguồn cán bộ phát triển. Sau trận Đèo Cả này, bọn tôi tự nhiên không anh xuất hiện tại tiểu đoàn trong các trận đánh cuối cùng nữa. Sau mới biết, anh được sư đoàn điều động sang trung đoàn 9 là đơn vị chuyển thuộc từ sư đoàn 968 cùng chiến đấu trong đội hình sư 320. Vì eBB9 không quen chiến trường miền Nam nên sư đoàn phải tăng cường một số cán bộ có kinh nghiệm sang làm nòng cốt cho các trận đánh của sư đoàn.

b2shq2-1680917569.jpg

Chụp với anh Minh tại Bãi Cháy

 

 

Chúng tôi chỉ gặp lại anh khi ta toàn thắng 5/1975 tại căn cứ Đồng Dù… Câu chuyện cuộc đời anh sau cuộc chiến là một bằng chứng buồn của cuộc chiến tranh. Trước khi đi bộ đội, anh là con liệt sĩ chống Pháp, bố anh được coi là hi sinh trong chiến dịch Biên giới 1950. Kỳ lạ là sau chiến thắng 1975, từ miền Nam, ông có thư gửi về gia đình anh ở Lạng Sơn. Hóa ra, ông không chết. Ông bị thương và bị Pháp bắt làm tù binh. Địch giam giữ trong các trại tù binh và không được trao trả khi hòa bình lập lại. Ông mất tích và được coi là liệt sĩ từ đó. Khi có thư từ Bắc vào báo tin bố còn sống, anh báo cáo tổ chức và xin phép được đi tìm bố. Họ gặp nhau, ông đã có gia đình vợ con ở miền Nam. Sau đó, Anh được chọn đi học ở Học viện QS Đà Lạt, nhưng trước khi đi, tổ chức phải kiểm tra lý lịch. Oái ăm ở chỗ, sau giải phóng, đất nước bộn bề, địa phương nơi ông cụ sống không ai xác minh được lý lịch cho ông. Thế là lý lịch của anh được cơ quan bảo vệ phê một dòng xanh rờn: “trong lí lịch khai bố là liệt sĩ chống Pháp, nhưng không chết, chưa rõ lý do”. Đây là cái cớ hủy hoại sự nghiệp một cán bộ quân sự tài năng. Anh buộc phải ra quân. Anh buồn, chẳng làm chế độ, chính sách gì cả. Anh ở lại miền Nam, lấy vợ, sinh con, trồng cây trên đất Lâm Đồng xa xôi. Bây giờ, địa phương nơi anh sống họ còn không thèm biết anh đã từng là một cán bộ chỉ huy xuất sắc thời đánh Mỹ.

b3sh3-1680917685.jpg

Anh Khoa đến thăm gia đình tác giả năm 2022

 

Số anh vất vả, chị vợ bị bệnh, ốm yếu nhiều năm rồi cũng không qua khỏi. Năm 2015, lần đầu tiên anh ra Bắc, may mắn cho tôi, anh Luân gọi điện báo tin và chúng tôi có được cuộc hội ngộ vui buồn lẫn lộn. Năm 2022 anh và gia đình con gái anh đến thăm gia đình tôi, chúng tôi có dịp hàn huyên, cùng nhớ lại trận đánh. Hoàn cảnh của anh, đến tận Trung tướng Khuất Duy Tiến cũng biết rõ. Vị tướng già tặng anh một bộ quân phục mới để ghi nhận những công lao đóng góp của anh trong lòng các đồng đội. Với chúng tôi, bây giờ và mãi mãi, anh vẫn là người chỉ huy đa tài, dũng cảm, người đồng đội chí tình, chí nghĩa. Bây giờ anh định cư ngay gần sân bay Liên Khương trên Đà Lạt, thỉnh thoảng anh lại zalo nói chuyện cùng tôi, anh cứ khen tôi, anh bảo “từ hồi cậu mới vào đơn vị ở Tây nguyên, tớ đã linh tính rằng, sau này cậu sẽ tiến bộ!!”

Người thứ 2 là anh Nguyễn Trọng Luân. Lúc đó, anh Luân là tiểu đội trưởng tiểu đội trinh sát của tiểu đoàn. Trận này ưu tiên cho đơn vị cắt đường nên tiểu đoàn giao cho đích thân tổ TS của anh dẫn bọn tôi vượt đường 1, đường sắt lên núi Dục Kinh. Lần đầu tiên được đi trận với anh Luân, tôi thích lắm, vì anh Luân tuy là người Phú Thọ nhưng cùng trường cấp 3 nhưng trước tôi 3 lớp. Ngày tôi được bổ sung về đơn vị trên Tây Nguyên, chính anh là một trong những người đón tôi. Anh ấy coi tôi vừa là em vừa là đồng hương, còn tôi anh như là chỗ dựa duy nhất khi tôi bơ vơ trong một đơn vị toàn là người lạ. Anh dặn tôi: “mày phải dũng cảm trong chiến đấu, mày có thể tiến bộ, nhưng không được hèn nhát, và quan trọng nhất là mày phải sống sót mà trở về”. Tôi gắn bó với anh trong suốt thời gian chiến trường. Sau giải phóng, tôi được đi học trước, anh có gửi một gói quà nhỏ về gia đình (trong đó là mấy quyển vở ghi chép, thơ, nhật ký gì đó). Tôi đoán, giá trị của gói quà là ở chỗ, anh muốn khẳng định với gia đình anh là anh vẫn còn sống. Vì tôi không có thời gian (tập trung ngay) nên bố tôi nhận trách nhiệm mang gói quà đó chuyển cho gia đình anh. Bố tôi kể lại qua thư rằng, ông đã tìm đến gia đình anh, xuống ga Đan Hà đi bộ xuôi về cuối ga là tới. Gia đình anh mừng lắm. Thời điểm đó, là tháng 8/75, gói quà là sự khẳng định, anh còn sống. Là sinh viên đi bộ đội, nên sau chiến thắng, anh được về Trường đại học Cơ điện Bắc Thái học tiếp. Tốt nghiệp ra trường với bằng kĩ sư cơ điện, anh được chọn làm “nguồn” nên tiếp tục học chính trị ở trường Đảng Nguyễn Ái Quốc. Anh lấy vợ người thủ đô và xây dựng gia đình ở Hà Nội. Đoạn sau này chắc ai cũng biết, vì anh là một Giám đốc một doanh nghiệp ngành cơ khí của Nhà nước, là cán bộ Đảng, là nhà thơ, là hội viên Hội nhà Văn Việt Nam… là ông bố của hai cậu con trai thành đạt. Anh còn là thành viên các ban liên lạc Bạn chiến đấu Binh đoàn Tây Nguyên, của Sư đoàn 320, của Trung đoàn 64… Còn trên FB, hầu như ngày nào anh cũng treo lên tường nỗi niềm về cuộc sống với triết lý và tình cảm sâu sắc. Lúc nào cũng đau đáu với quá khứ, với các vong hồn liệt sĩ, với các thương binh, với các mảnh đời bạn lính bất hạnh vì da cam, vì tất cả bạn bè thua thiệt… Anh làm được nhiều điều với bạn bè còn sống, đã chết lắm. Tôi luôn tự hào được là đồng đội, là người em bé bỏng, ngốc ngếch của anh.

Người thứ 3 là anh Nguyễn Văn Minh. Anh quê ở thành phố Hạ Long, Quảng Ninh. Anh là lính trinh sát của tiểu đoàn, trận này cùng tổ trinh sát với anh Luân. Minh to cao, đẹp trai, lãng tử, gan lỳ, dũng cảm, không màng danh và càng không thiết lợi. Sau chiến tranh, anh được ra quân, phục viên về địa phương. Cuộc sống quay cuồng, anh lăn vào kiếm sống, lấy vợ, sinh con, làm giầu. Mà anh giầu thật, có nhà mặt phố Hạ Long, có trang trại trên núi nhìn ra biển. Anh bảo đời anh thế là viên mãn. Tôi cũng tin là thế. Năm nào họp bạn chiến đấu ở bất cứ địa phương nào, anh cũng lặn lội từ Quảng Ninh về dự và sau đó anh dành thời gian đến nhà một vài người bạn lính nào đó cho biết hoàn cảnh thực của nhau. Anh vui vẻ, lạc quan, quan tâm mọi người.. nhưng nào ai có biết, anh vẫn phải đang âm thầm chiến đấu với những vết thương mang trong người, với những căn bệnh trọng mang về từ cuộc chiến. Anh bắt đầu phải đi viện, suy sụp dần. Rồi tôi nhận tin anh yếu nhiều. Tháng 7/2015, vợ chồng, con cái tôi cố gắng thu xếp về thăm anh. Gọi điện báo trước cho anh, anh nói chị dìu anh ra tận sân để đón chúng tôi. Anh tiều tụy quá nhưng nét mặt vẫn sáng ngời, nụ cười vẫn trong vắt. Suốt buổi gặp gỡ ngắn ngủi, anh luôn nắm chặt tay vợ chồng tôi, ôm con gái tôi vào lòng, chứa chan nước mắt. Lúc đó tôi đâu biết rằng, thời gian của anh không còn nhiều nữa. Thời gian chúng tôi bên nhau ngắn quá, vì lát sau, anh phải đi chạy thận định kỳ… Chia tay, tôi vẫn hy vọng anh qua được cái đận này như anh đã từng chiến thắng trong bao lần vào trận đánh, trong đời thường lăn lộn mưu sinh. Nhưng than ôi, chỉ sau dịp đó có đúng khoảng một vài tuần, lúc tôi đang công tác trong Nha Trang thì nghe tin anh mất. Chiến tranh không từ một ai. Tại sao những người tốt cứ phải thiệt thòi thế, ông trời ơi, công bằng ở đâu?

Tôi là người thứ 4 trong nhóm người núi Dục Kinh, trở về sau cuộc chiến, tất nhiên rồi, vì thế tôi mới có cơ hội kể lại câu chuyện này hôm nay. Tôi là người đồng đội nhỏ tuổi, bé bỏng, ngốc nghếch của các anh. Nhưng cuộc đời sắp xếp thế nào mà tôi lại là người phục vụ trong quân đội suốt đời, tròn 44 năm. Cuối năm 2018, rồi giữa năm 2022, vợ chồng tôi dành thời gian từ thành phố Nha Trang lên Tây Nguyên rồi xuôi dọc theo đường số 7, qua đèo Cả đến tận nơi trận địa ngày ấy, thứ nhất là để viếng thăm lại nơi anh Liệu, anh Bình và các liệt sĩ của tiểu đoàn 8 đã hi sinh để bảo vệ dân, hai là thỏa lòng mong ước trở lại nơi chiến trường xưa.

Thưa các bạn, cùng lên núi Dục Kinh, tham gia cắt đường trong trận Đèo Cả đó còn nhiều đồng đội nữa, nhưng tôi chưa có điều kiện tìm hiểu họ sống chết ra sao, cuộc sống sau chiến tranh thế nào, vì thế là tôi vẫn tự cho là mình còn nợ các anh, các đồng đội đã chết và còn sống nhiều lắm…

CPG viết 3/2015, có bổ sung 3/2023

Trái tim người lính

Bạn đang đọc bài viết "Những người lính trở về sau trận đánh" tại chuyên mục Diễn đàn. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn