Những thân phận con người  

Truyện ký của Phạm Xuân Đào

30/10/2021 10:09

Theo dõi trên

Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển trân trọng giới thiệu Truyện ký NHỮNG THÂN PHẬN CON NGƯỜI - viết về những con người của hai đất nước Việt Nam và Trung phi, xung quanh cô gái lai Martine Nguyễn, của tác giả Phạm Xuân Đào.

                 

nhung-than-phan-a1-1635563265.jpg
Hoàng đế Bokassa

1.

Mùa xuân năm 1953.

Những cơn mưa lay phay rả rích; những làn gió lành lạnh phủ lên khắp các phố phường, làng mạc, đồng ruộng của miền Bắc Việt Nam. Những nhánh hoa xoan trăng trắng pha chút tim tím bị những làn gió nhẹ bứt khỏi chùm, xoay tròn trong không gian  rồi lặng lẽ đậu xuống đường làng, ngõ xóm, sân nhà...

Những người dân ở các vùng tự do vẫn cần mẫn ra đồng chăm bón lúa chiêm. Những đơn vị du kích vẫn ngày đêm hăng say luyện tập, quyết tâm cùng tiền tuyến đánh Pháp, giải phóng và bảo vệ quê hương. Nhìn mùa xuân dịu nhẹ, người ta có cảm tưởng như đất nước này thật thanh bình và thơ mộng. Thực ra, trong lòng nó lại đang sục sôi ý chí đánh Tây. Trên các mặt trận, thanh niên xung phong, Việt minh đang ra sức mở đường và tổ chức nhiều trận đánh nhằm từng bước tiêu hao sinh lực địch.

 Trước đó, quân đội Pháp hạ quyết tâm phải bình định bằng được Đông dương, xây dựng nơi đây thành một pháo đài bất khả xâm phạm,  và thực hiện chính sách khai thác thuộc địa đưa về chính quốc. Nhưng xem ra, cái viễn cảnh đó của đội quân viễn chinh pháp đang xa dần. Nhiều mặt trận, Việt minh đã đánh những trận tuyệt vời, quân Pháp thua liểng xiểng. Chúng đang co cụm và xây dựng tại Điện Biên Phủ một cứ điểm quân sự hùng mạnh, có một không hai ở Đông dương .

 Một buổi chiều rực nắng, chiếc Đacota hạ cánh xuống sân bay Cát bi của thành phố cảng Hải phòng. Đơn vi lính lê dương được Pháp tuyển dụng từ các nước Ma rốc, Algieria, Trung phi, Tuy ni gi…lục tục rời máy bay. Họ lên những chiếc xe nhà binh đã đợi sẵn, trở về các nhà bạt gần đó để tá túc qua đêm.

 Sáng hôm sau, khi mặt trời đã lên quá cây sào, trung úy Bokassa 30 tuổi, quốc tịch Trung phi chỉ huy đơn vi rời khu nhà tạm, ba lô nặng trĩu, vai vác súng trở lại sân bay Cát bi. Khi tất cả đã có mặt đầy đủ trước bụng máy bay, trung úy, Bokassa nói với các chiến binh của mình:

- Đơn vị chúng ta được lệnh rời miền Bắc Việt Nam, vào phía nam của đất nước này để làm nhiệm vụ. Tôi được biết, khí hậu phía nam Việt Nam không khắc nghiệt như phía bắc. Nó gần giống với khí hậu vùng châu Phi chúng ta. Bây giờ, đơn vị lên máy bay. Và chỉ vài tiếng sau, chúng ta sẽ có mặt ở Sài gòn hoa lệ. Lúc đó chúng ta sẽ biết rõ nhiệm vụ của mình là gì. Tất cả rõ chưa?

Cả hàng quân đồng thanh:

- Rõ !

Bokassa nhìn hết lượt đoàn quân, hạ lệnh:

- Lên đường!

 Cả đơn vị Lê dương mặt người nào người nấy dãn ra. Họ hớn hở bước lên máy bay. Trong đầu một số chiến binh lóe lên một tia hi vọng “sống rồi. Chúng ta được rời xa cứ điểm Điện Biên Phủ, không phải đương đầu với bộ đội Việt Nam, chắc chắn là sống rồi”.

Chiếc Đacota rùng mình rồi nhẹ nhàng lăn bánh … rời khỏi đường băng và vút lên trời xanh, hướng về phương nam. Trên máy bay, đội quân đánh thuê vui vẻ cười đùa và hồ hởi nói chuyện. Hết nói về quê hương, họ lại nói tới những trận đánh tại các nước mà họ đã đi qua dưới sự chỉ huy của người Pháp. Rồi họ mường tượng ra cảnh sắc của nơi họ đang đến. Ở đó khí hậu sẽ nóng. Lạy chúa, đừng có khô cằn như sa mạc. Ở đó sẽ chỉ là bảo vệ mục tiêu chứ không phải nổ súng chiến đấu...

Chiếc Đacota hạ thấp độ cao rồi đáp xuống phi trường Tân Sơn Nhất. Đơn vi Lê dương được đưa ngay lên những chiếc xe nhà binh và chạy một lèo về vùng ngoại ô Sài gòn. Một đơn vị hậu cần của quân đội Pháp đã tới trước và những căn nhà bạt đã được dựng lên. Hệ thống bếp núc và những nhu cầu thiết yếu của binh sỹ cũng được xây dựng và đi vào hoạt động. Những người lính Lê dương lần lượt nhận vị trí nhà bạt của mình. Có người cắm cúi sửa soạn chỗ ngủ, lại có người vứt ba lô vào một xó rồi đi ra bên ngoài, ngắm nhìn cảnh sắc của một vùng quê trù phú với những miệt vườn xanh mướt. Không khí ở đây thật dễ chịu. Họ thở hít không khí ấy như không bao giờ biết chán. Ở đây, thời tiết thật tuyệt, không khắc nghiệt như vùng sa mạc của lục địa đen. Lạy chúa. Bây giờ chỉ còn biết mình làm nhiệm vụ gì. Xin chúa lòng lành cứu rỗi, hãy cho chúng con bảo vệ mục tiêu, chúng con không muốn chiến tranh, không muốn nổ súng, không muốn chết…

 Mùa xuân của vùng ngoại ô Sài gòn khác hẳn với miền Bắc Việt Nam. Nắng vẫn chang chang. Cây cối có vẻ sầm uất và xanh tươi hơn. Đơn vị Lê dương của Bokassa có nhiệm vụ bảo vệ cây cầu nối Sài gòn với vùng đất miền Tây, con đường huyết mạch nối đô thành với các tỉnh phía tây nam Việt Nam như Gia định, Vĩnh long, Trà vinh, Bạc liêu, Cà mau…                    

2.

Những người dân bản địa đang sinh sống ở ngoại ô Sài gòn thấy bóng dáng những tên lính Tây đen đi lại trên đường thì sợ hãi, không dám đến gần. Tuy nhiên, đơn vị Lê dương này chỉ làm nhiệm vụ bảo vệ cây cầu chứ không bắn giết, càn quét dân lành như chúng đã từng làm ở nhiều nơi khác. Sự có mặt của đơn vị Tây đen có ảnh hưởng tới sinh hoạt của người dân ở đây. Kể từ khi lính Tây đến, người dân nơm mớp lo sợ và hết sức dè chừng. Tất cả đều đi nhẹ, nói khẽ và bí mật quan sát mọi động tĩnh của chúng...

Vào những buổi chiều muộn, những cô thôn nữ sống ở gần đơn vị Lê dương thường quảy thùng tới lấy nước ở cây nước công cộng, gánh về nhà. Những người lính Lê dương cũng tới đó lấy nước về sinh hoạt cho đơn vị. Hai bên chạm mặt nhau nhưng tất cả đều dè dặt. Người dân thì nơm nớp lo sợ, còn lính Lê dương cũng e dè với người bản địa. Đa phần Tây đen không biết nói tiếng Việt, họ chỉ cười và ra dấu tay với người địa phương. Trong đơn vị Lê dương lan truyền một tin rằng, Việt Minh đánh du kích giỏi lắm. Trông họ hiền thế thôi, nhưng họ giết mình lúc nào không biết… Tuy nhiên, hơn một tháng sau khi đơn vị đến đóng quân, cái cảm giác sợ sệt trong họ không còn nữa. Cả người dân và đơn vị Lê dương sống với nhau rất “hòa bình”. Những anh lính Tây mặt non choẹt, trẻ măng và khá điển trai thường ra bắt quen với những cô gái đi làm vườn, đi gánh nước. Họ mon men bắt  quen, giúp các cô gánh nước nhằm mục đích học nói tiếng Việt. Dần dần, quan hệ giữa hai phía trở vô cùng thân thiện.

Một buổi chiều, trung úy Bokassa rời khỏi doanh trại, thả bộ đi thăm thú vùng xung quanh nơi đóng quân. Anh ta có cảm giác vùng ngoại ô Sài gòn thật đẹp và thơ mộng. Người dân ở đây rất hiền hòa và chịu khó. Những cô gái đa phần là nhỏ nhắn, duyên dáng và rất chăm làm. Lang thang một vòng, Bokassa đi về phía vòi nước công cộng. Bất giác anh ta dừng lại khi nhìn thấy một thiếu nữ. Trời! một cô gái thanh mảnh, rất đẹp và duyên dáng đang quảy đôi thùng tới lấy nước. Nhìn thấy anh, cô đứng khựng lại, định quay về vì biết anh là người chỉ huy đơn vị Lê dương ở đây. Bằng chứng là anh đeo khẩu súng ngắn bên hông, môi lại phì phèo điều thuốc lá. Anh khác hẳn với những người lính Tây đen khác… Không thể để cho cô gái hiểu sai về mình và cũng không thể để vuột mất cơ hội được gặp gỡ người đẹp, Bokassa cất tiếng gọi, một giọng lơ lớ tiếng Việt mà anh mới học được mấy tháng trước ở miền Bắc Việt Nam:

- Ê…cô gai.

Cô thôn nữ bước thêm mấy bước rồi dừng, quay người lại:

- Ông gọi tôi?

Bokassa gật đầu, nở một nụ cười thật tươi rồi vời cô lại:

- Nước? cô đi lay nước à?

Cô gái gật đầu. Và không để cho cô nói gì, Bokassa tiến đến, đỡ chiếc đòn gánh trên vai cô, đặt xuống. Rồi anh đưa từng chiếc thùng vào hứng đầy nước. Tiếp đó, Bokassa quay sang nói với cô gái:

- Tôi ganh giúp cô đước khong?

Cô gái chưa kịp trả lời thì Bokassa đã chùng người xuống đưa đòn gánh lên vai gánh gánh nước lên. Anh nhìn cô gái, động viên:

- Dãn đương cho toi.

Cô gái miễn cưỡng đi lên phía trước dẫn đường cho người lính Lê dương. Hai người đưa nước về nhà trong sự bàng hoàng và ngỡ ngàng của cả gia đình. Bố cô gái thấy cô dẫn Tây đen về nhà thì tỏ ý không bằng lòng, nhưng ông sợ, không dám tỏ thái độ mà chỉ gằn giọng:

- Ai cho mày dẫn Tây về nhà hả Huệ?

Huệ đỏ bừng mặt, lúng túng:

- Thưa ba…con có muốn thế đâu, nhưng anh ta tự nguyện gánh giúp con đấy chứ ạ.

Ông già vẫn sợ sệt nhìn thằng Tây đen đã đặt gánh nước xuống, trên tay vẫn cầm chiếc đòn gánh, giọng lắp bắp:

- Cảm ơn nha.

Bokassa cười tươi, hàm răng trắng muốt:

- Ô…Khong phái cám ơn. Toi giúp đỡ thoi ma.

Trong lúc hai người đàn ông đang nói chuyện, Huệ nhanh tay xách thùng nước xối vào chiếc lu đã cạn kiệt. Thấy cô gái mảnh mai xách thùng nước đầy, nâng lên miệng lu, Bokassa giật mình và cho đó là việc làm quá sức của một cô gái. Anh chạy lại giúp Huệ đổ hai thùng nước vào lu. Ngó đầu nhìn vào trong, anh thấy chiếc lu còn khá cạn, nên nhìn bố của Huệ, nói:

- Để toi ganh nước giúp co be, thưa ong.

Rồi chẳng đợi ông già có đồng ý hay không, Bokassa lại quảy đôi thùng lên vai, trở lại cây nước. Sau phút ngỡ ngàng, Huệ lẽo đẽo chạy theo anh. Và chiều đó, Bokassa đã gánh nước đổ đầy chiếc lu của gia đình Huệ. Sau đó, anh xin phép gia đình về đơn vị, khi tiếng kèn nhà binh vang lên, báo hiệu bữa ăn chiều đã tới. Khi đó, hoàng hôn đang dần buông…

Thời gian sau, Bokassa cùng đơn vị Lê dương đã quen với những người dân bản địa. Họ đến chơi từng nhà, nhất là những gia đình có con gái. Bokassa và Huệ gặp nhau nhiều hơn và trở nên thân thiết. Những lần gặp gỡ ấy, Huệ hiểu thêm về con người Bokassa. Anh vốn xuất thân từ một gia đình nghèo ở đất nước Trung phi xa xôi. Năm 18 tuổi, anh bị người Pháp sang đó bắt lính. Vì gia đình nghèo khó, không có tiền lo lót nên anh buộc phải đi lính cho Pháp. Anh được biên chế vào đơn vị Lê dương và đã chinh chiến nhiều nơi ở châu Phi sau đó sang Triều tiên…Anh đã có mặt ở miền Bắc Việt Nam cách nay vài tháng. Bokassa bảo rằng, anh rất yêu đất nước và con người Việt Nam. Anh không muốn chiến tranh…Thấy anh hiền lành, thật thà, hay giúp đỡ mọi người nên Huệ rất tin và đem lòng yêu thầm Bokassa từ khi nào không biết.

3.

Một buổi chiều, nắng vàng rực trên khắp thôn làng, Bokassa  đón đường gặp Huệ khi cô đi hái trái cây về. Anh vời cô đến bên một gốc cây lớn bên đường, chìa một bọc nhỏ được gói cẩn thận, nhìn cô đắm đuối:

- Anh tặng em cái nay.

Huệ nhìn anh, hồi hộp. Bokassa nở nụ cười rất tươi:

- Em cấm lấy, mơ ra đi!

Huệ đỡ cái bọc vuông vuông từ tay Bokassa đặt xuống đất, mắt nhìn người trai Tây đen, do dự. Bokassa mỉm cười động viên. Huệ run run mở bọc ra. Chu cha...toàn vải tốt. Cô mừng lắm nhưng ngại, không dám nhận nên đây đẩy chối:

- Cảm ơn anh. Nhưng em không dám nhận đâu...

- Sao thê em?

- Em mà nhận, về ba em đánh em chết mất.

Bokassa nhìn Huệ, lắc đầu cảm thông:

- Khong sao đâu. Em cứ noi là anh tặng ba má lá được mà.

- Không được đâu. Nói thế, không những ba em không nhận mà có khi còn đem đốt đi cũng nên. Anh hiểu không?

- Ô...anh hiếu anh hiếu...Thê bây giớ phai làm thế náo? hay la em nói em mua bằng tiền của em.

- Tiền của em? Em có làm gì đâu, làm sao có tiền mà nói thế?

- Ư nhì. Hay la em noi em nhặt được tiến rối mua về cho ba má? Tiến đây. – vừa nói, Bokassa vừa móc túi đưa cho Huệ một xấp tiền. Anh bảo Huệ cứ nói dối như thế là được.

Lưỡng lự mãi, cuối cùng Huệ cũng nhận món quà ấy. Đúng ra là nhận tấm thịnh tình của Bokassa. Cô bỏ bọc vải xuống dưới gánh trái cây, đem về giấu biệt đi. Vài hôm sau, nhân lúc ăn trưa, Huệ hồ hởi khoe với cả nhà:

- Ba má à. Sáng nay, trên đường đi làm, con nhặt được một ít tiền, có thể đây là tiền của toán lính Lê dương đánh rơi. Không nhiều đâu, nhưng cũng kha khá. Để mai mốt con vô thành phố, mua ít vải cắt đồ cho cả nhà nha. – Vừa nói, cô vừa móc túi chìa ra những đồng tiền mà cô “nhặt được” cho ba má xem. Má Huệ nhìn con vẻ nghi ngờ, còn ba thì tặc lưỡi “nếu tiền của người dân mình thì phải tìm và đem trả lại cho người ta. Nhưng mà… suy cho cùng thì dân mình làm gì có tiền nhiều như vậy. Chắc đây là tiền của bọn Lê dương. Nếu đúng như vậy thì ta tiêu cũng chả sao”. Được lời như cởi tấm lòng. Huệ khấp khởi cất tiền đi rồi lên phương án diễn tiếp vở kịch. Vài hôm sau, cô xin phép ba má cho cô vô thành phố mua vải. Ba má đồng ý nên sáng ấy, cô đi từ rất sớm…

Đi cách nhà được một đoạn khá xa, Huệ nghe tiếng gọi tên mình từ phía bên kia đường. Cô nhìn sang. Bokassa từ gốc cây đi ra, đang giơ tay lên vẫy vẫy. Huệ mỉm cười đi nhanh tới chỗ anh. Và hai người sánh vai nhau cùng đi vào thành phố. Trưa ấy, Bokassa mời Huệ ăn cơm tiệm. Cô thấy vui nhưng ngại, vì xung quanh mọi con mắt đều đổ dồn vào cô gái Việt rất trẻ rất đẹp lại đi với một tên lính Lê dương. Nhưng Bokassa không quan tâm. Anh bảo Huệ không để ý tới những chuyện đó nữa. Huệ nhìn ra xung quanh, lác đác thấy bóng những người lính Tây đen đang dìu một cô gái Việt đi trên phố hoặc đang ngồi trước bàn ăn. Huệ cảm thấy yên tâm hơn. Ăn trưa xong, Bokassa đưa Huệ đi thăm một số nơi trong thành phố. Trời ơi, Sài gòn của cô đẹp quá. Là dân ngoại ô nên chưa bao giờ cô được đến những nơi này. Nếu không có Bokassa, không biết khi nào cô mới biết thành phố nơi mình sinh ra và lớn lên lại có những cảnh đẹp thần tiên như thế.

Quá chiều, Bokassa bắt xe  để hai người về nhà. Gần đến nhà, Bokossa bảo lái xe dừng lại. Anh để Huệ đi bộ về trước phòng dân làng và gia đình nhìn thấy lại đàm tiếu, dị nghị, còn anh kêu xe chạy thêm một đoạn nữa mới xuống, giả bộ vừa đi vừa ngắm cảnh.

Huệ về nhà khi mặt trời đã khuất phía tây. Rất may là ba má đi hái lượm trái cây chưa về. Cô nhanh chóng chuẩn bị nấu bữa ăn tối cho cả nhà. Tối ấy, sau khi ăn uống xong, ba má ngồi trên chiếc tràng kỷ uống nước, cậu em lụi cụi cùng Huệ thu dọn mâm chén, Huệ thấy nóng bừng đôi má. Cô nóng ruột về màn kịch sắp phải diễn với cả nhà... Thu dọn xong, Huệ chạy vào lấy bọc vải mà hôm trước Bokassa cho đem ra, hớn hở khoe:

- Ba má à. Con đã mua vải về đây, ba má xem đi ạ.

Ba má và cậu em xúm vào xem. Ai cũng tấm tắc khen Huệ biết chọn vải. Các loại vải đều rất đẹp, rất tốt và rất hợp với tuổi tác và nghề nghiệp của từng người. Rồi Huệ  đưa vải cho từng người để hôm sau họ tới tiệm đo cắt, may đồ. Không khí gia đình vui vẻ hẳn lên.

Thấm thoát, đơn vị Lê dương của Bokassa tới đây cũng đã được vài ba tháng. Những cuộc hẹn hò của anh với Huệ cũng nhiều hơn. Một buổi tối như đã hẹn, Huệ lén ra khỏi nhà, đến bờ sông bên chân cầu nối vùng ngoại ô Sài gòn với các tỉnh miền Tây. Bầu trời đầy sao, gió từ mặt sông thổi lên mơn man. Huệ thấy trong lòng phơi phới. Tới nơi, cô đã thấy Bokassa đứng đó dáng vẻ bồn chồn. Thấy Huệ đến, Bokassa chạy lại. Họ sánh vai nhau đi trong làn gió mát mẻ bởi hơi nước phả lên từ mặt sông; dưới bầu trời đầy sao và ánh sáng huyền ảo từ những bóng điện từ thành phố hắt về. Bokassa chọn một miệt cỏ mượt cao, dìu Huệ ngồi xuống. Và như sợ Huệ sẽ biến mất, anh vội vàng lên tiếng:

- Huệ nay. Em nghĩ gí vế anh?

Huệ cúi đầu, bàn chân di di xuống bờ sông, giọng lý nhí:

- Em chẳng nghĩ gì cả.

- Thật khong? Sao lài thế đước? Chả lé Bokassa khong có gí để em phái suy nghĩ sao?

- Em…em thấy anh là người tốt. Không bắn giết người dân quê em…lại còn giúp dân em nữa… vậy thôi.

Bokassa cười, qua ánh điện hắt về từ thành phố, hàm răng anh lấp lóa:

- Anh nói rồi…anh bị bắt đi linh má. Đất nước anh cúng nghéo…anh cúng có cha mẹ…anh thương Huệ... Em có thương anh khong?

Huệ ngước mắt nhìn anh, tim trong lồng ngực cô thậm thịch như muốn nhảy ra. Thực tình…cô đã yêu Bokassa từ lâu. Khổ nỗi, anh là giặc, là Tây đen, là xa xôi cách trở… Huệ nhìn ra xa, thở dài:

- Bokassa…thực ra thì…em cũng rất mến anh…nhưng cơ mà không được đâu.

- Sao khong được?

- Vì anh là…

- Ví anh lá giắc, lá Tây đen phái khong?

- Anh biết rồi…sao còn hỏi em?

Bokassa thở dài:

- Anh nói rôi. Bón anh là lính đanh thuê. Bón anh bị bắt coóc đi lính. Bón anh có đánh giết dân Việt Nam đau? Tinh yêu đau có lối. Màu da đau có gí ngăn cán? Nếu em bắng lòng yêu anh…chúng ta sé đi nơi khác để sinh sống...đước khong?

Nghe Bokassa nói vậy, Huệ nở từng khúc ruột. Một người trai hiền lành, tử tế và thật lòng như thế này, sao mà không yêu cơ chứ. Cô ngồi lặng im một lát rồi từ từ ngả đầu vào vai anh, thì thầm:

 - Bokassa…em cũng thương anh mà…nhưng em sợ.

Hình như chỉ chờ có vậy, Bokassa  quàng tay qua vai Huệ:

- Có anh đay rối, đứng sợ.

Rồi anh nâng khuôn mặt thanh tú của cô gái, đặt lên đôi môi cô một nụ hôn nồng nàn. Huệ cũng đáp lại nụ hôn của anh một cách nhiệt thành. Hai người cuốn vào nhau trong cơn cuồng si.. Bokassa dìu Huệ đứng dậy rồi cởi bỏ chiếc áo nhà binh đang mặc trên người, trải xuống vạt cỏ ven sông. Anh nhẹ nhàng bế Huệ đặt cô nằm xuống rồi tự tay mình cởi bỏ xiêm áo của cô … Huệ đưa hai cánh tay bắt chéo trước ngực như muốn che đi đôi gò bồng đảo đang hiện hữu trước chàng trai châu Phi…Bokassa nhẹ nhàng nằm xuống bên người yêu…rồi hai người tan vào nhau trong hơi thở gấp gáp… dưới ánh điện nhạt nhòa từ phía thành phố hắt về và những cơn gió mơn man từ sông thổi lên… Trời Sài gòn đầy sao, cao vợi và thật yên bình.

4.

Mùa hạ đã về trên giải đất phương nam.

Nắng Sài gòn rực rỡ vương trên đỉnh tháp nhà thờ và các tòa nhà cao tầng trong thành phố. Đường phố tấp nập. Những tiệm buôn có vẻ đông người vào ra mua bán. Bokassa sánh vai cùng Huệ hòa vào dòng người đi trên đường phố Sài gòn. Hai người đi thăm nhiều nơi trong thành phố. Đi tới đâu, Huệ cũng thấy mới mẻ và thật đẹp. Cô cùng Bokassa vào tiệm thưởng thức những món ăn mà người trai Trung phi này yêu thích. Họ hạnh phúc bên nhau. Nhưng đó đây, những ánh mắt rực lửa căm thù của người dân Việt vẫn xói vào cô. Bởi họ thấy cô gái người Việt lại quấn quít và thân thiết bên kẻ thù, bên một thằng Tây đen…

Cuộc sống vùng ngoại ô nơi Huệ ở vẫn bình yên. Những người dân cần lao ở đây vẫn ngày ngày làm những công việc mà ngàn đời nay ông cha họ vẫn làm để duy trì sự sống. Cả một vùng ngoại ô thật yên tĩnh và thơ mộng. Nhưng cuộc đời Huệ thì bắt đầu sóng gió.

Sau cái đêm trao thân cho Bokassa, Huệ nhớ và thèm gần người yêu hơn bao giờ hết. Vậy là đêm đêm cô không ngủ. Chờ cho bố mẹ và cậu em ngủ yên, cô lén dậy rời khỏi căn nhà tuềnh toàng…đi đến điểm hẹn. Những phút giây ở bên nhau thật tuyệt vời và vô cùng lãng mạn. Hai người nói về tương lai, nói về thời cuộc, về những khó khăn phức tạp, những vất vả và cả những thuận lợi mà họ sẽ phải đương đầu trong thời gian tới. Sau tất cả những chuyện như thế, hai người lại tan vào nhau bất chấp ranh giới lính Lê dương và người dân bị thực dân xâm lược, bất chấp màu da đen, da vàng hay bất kỳ một điều gì khác.

Rồi cái bụng của cô gái mới 19 tuổi đầu mỗi ngày mỗi lùm lùm. Làng xóm bắt đầu ì xèo. Ba Huệ thì không chịu nổi. Suốt bao đời gia đình ông theo cách mạng, cùng làng xóm quyết bảo vệ đất nước…thế mà bây giờ, ma xui quỷ khiến thế nào, con gái ông lại đi yêu một thằng Tây đen, một thằng lính đánh thuê đang tâm đến muốn chiếm đất nước, quê hương ông. Ông đau khổ khi nghe dân làng cạnh khóe, xỉa xói và xúc phạm đến truyền thống gia đình. Vì vậy, cứ nhìn thấy mặt Huệ đâu là ông la mắng, chửi bới, thậm chí là đánh đập và đuổi cô ra khỏi nhà. Huệ van xin mấy cũng không được. Nhiều lần má cô quỳ xuống lạy ba, xin cho cô được ở nhà để sinh con... nhưng ông không nghe. Ông rít lên:

- Cút ngay! Cút cho khuất mắt tau. Tau không có đứa con bất hiếu, lầm lạc như mày. – rồi quay sang vợ, ông chì chiết - còn bà nữa. Bà câm ngay cái miệng lại. Đừng nối giáo cho giặc. Đúng là con hư tại mẹ…

Dù rất thương con gái, nhưng má Huệ cũng không biết làm cách nào để giúp được con, nên đành bất lực, khóc lóc và đau khổ nói với con gái:

- Không được rồi con ơi... Mày phải tìm nơi khác mà tá túc thôi. Mày mà ở nhà, có ngày ba mày giết mày mất.

Thương ba má, thương em trai nhưng Huệ không thể ở nhà được nữa. Vào một đêm rất đẹp, Huệ lầm lũi cầm theo túi quần áo của mình len lén ra khỏi nhà. Đi trên con đường quen thuộc ra điểm hẹn mà lòng dạ cô rối bời, đau khổ, mặc dù cô đã lường trước cái cảnh này. Bokassa đã đợi cô ở đó. Thấy người yêu đến, Bokassa mừng lắm. anh chạy đến ôm Huệ thật chặt vào lòng, thủ thỉ vỗ về:

- Em... đừng khoóc nứa. Có anh đây rôi.

Huệ nép đầu vào vai người yêu. Họ dìu nhau đến một chiếc xe zép đã đợi sẵn. Khi Huệ đã ngồi yêu bên Bokassa, anh mới bảo người lái xe cho xe chạy.  Chiếc xe chuyển bánh hướng về nơi đóng quân mới của đơn vị Lê dương, cách chỗ cũ khoảng hơn chục cây số. Ngồi bên người yêu, Bokassa ôm chặt cô vào lòng và luôn vỗ về, âu yếm để cho Huệ quên đi những nỗi buồn phải xa ba mẹ, xa em trai, xa cái gia đình nhỏ bé nhưng đầy ắp yêu thương ấy…Kể từ đêm đó, Bokassa và Huệ  bắt đầu sống cuộc sống vợ chồng.

Và đúng vào thời điểm ở miền Bắc, tiếng súng tổng tấn công của của Quân đội nhân dân Việt Nam bắt đầu xối xả nã xuống lòng chảo Mường thanh, trung tâm Điện Biên Phủ; lá cờ đỏ sao vàng mang dòng chữ “quyết chiến, quyết thắng” của Quân đội nhân dân Việt Nam tung bay trên nóc hầm Đờcatxinhi; khi mà tướng Đờ cát và toàn bộ bộ chỉ huy quân đội Pháp ở Điện Biên Phủ kéo cờ trắng ra hàng, chấm dứt sự hiện diện của thực dân Pháp ở Việt Nam nói riêng và ở toàn cõi Đông dương nói chung… thì tại vùng ngoại ô Sài gòn của mảnh đất phương nam, Huệ sinh hạ một bé gái. Nó giống cha như đúc, cũng da đen, tóc xoăn và đôi mắt to có nhiều lòng trắng. Bokassa vui lắm. Anh xăng xái phục vụ vợ rồi vội vàng vô thành phố làm giấy khai sinh cho con gái bằng tiếng Pháp. Anh đặt tên cho con gái là Martine Nguyễn. Bokassa yêu vợ con tha thiết. Hầu như suốt ngày anh chỉ quanh quẩn bên vợ con và trong lòng rối bời. Bởi anh biết, anh sắp phải xa nơi này, xa một đất nước với những người dân hiền hòa, lam lũ chịu khó lao động, một nơi mà cảnh sắc thiên nhiên thật tuyệt vời với những vườn cây trái sum xuê...Nhưng, điều day dứt hơn cả là anh sắp phải xa người vợ yêu quý và đứa con gái bé bỏng - Martine Nguyễn - thiên thần của mình.

Hơn một tuần kể từ khi quân đội Pháp bị thất thủ tại Điện Biên Phủ, chấm dứt sự hiện diện của quân đội Pháp ở Đông dương, đơn vị Lê dương của Bokassa cũng không còn nhiệm vụ gì ở đây nữa. Họ được lệnh rời khỏi Việt Nam. Và trung úy Bokassa sẽ trở về quê hương - đất nước Trung phi, mảnh đất khắc nghiệt của lục địa đen - “nơi chôn nhau cắt rốn” của mình.

Đêm trước khi rời khỏi Việt Nam, Bokassa khóc sướt mướt. Anh móc hết tất cả những đồng tiền còn lại đưa cho Huệ. Anh bịn rịn chia tay vợ con với lời dặn dò hết sức chân thành “em cố gắng nuôi con cho tốt. Khi nào có điều kiện, chúng mình sẽ gặp lại”. Huệ cũng nhớ chồng. Cô hứa với chồng sẽ cố gắng nuôi con và mong hai người sớm gặp lại…Sáng hôm sau, Bokassa cùng đoàn quân viễn chinh hỗn hợp thua trận lầm lũi ra phi trường Tân sơn nhất rời khỏi Việt Nam.

Vậy là Huệ nuôi con một mình từ đấy. Với đứa con lai, cô bị người đời xa lánh. Dưới con mắt của mọi người, cô là đứa con gái hư hỏng, sống buông thả, lăng nhăng với Tây đen... Huệ gồng mình tìm kiếm việc làm để nuôi thân và nuôi đứa con gái của Bokassa. Vài năm sau, khi Martine Nguyễn lớn hơn một chút, những tưởng cô ở vậy nuôi con một mình và sống cuộc sống đơn thân, nhưng một người đàn ông tốt bụng đã đem lòng yêu thương cô. Bởi người đàn ông này có cái nhìn thoáng hơn về sự kiện con lai. Hơn nữa, ông tìm thấy ở Huệ một đức tính chịu thương chịu khó, nhân hậu và sống rất tốt với mọi người. Huệ nhận lời và hai người về ở với nhau. Huệ đưa bé Martine Nguyễn về ở cùng với người chồng mới. Vài năm sau, hai vợ chồng họ có với nhau thêm ba mặt con. Thời đó, cuộc sống của những người dân Sài gòn còn rất khó khăn, vất vả trăm bề. Để kiếm được việc làm, có miếng cơm ăn thật khó. Huệ cùng chồng căng mình lao động, làm đủ mọi nghề để kiếm sống và nuôi một đàn con.

Martine Nguyễn lớn lên bị bạn bè xa lánh. Cô chỉ được đi học để biết đọc biết viết rồi đi xin việc làm mong đỡ đần ba má. Hơn 16 tuổi, Martine Nguyễn xin vào làm công nhân bốc vác ở nhà máy xi măng trong thành phố. Công việc vô cùng vất vả đối với một cô gái nhưng cô cắn răng chịu đựng, lấy công việc làm vui. Hầu như Martine chỉ đi từ nhà đến nhà máy làm việc rồi lại trở về nhà chứ không biết đi đâu, bởi tất cả bạn bè cùng trang lứa hầu như đều xa lánh và bài xích đứa con lai có nước da đen, tóc xoăn và đôi mắt trắng to này. Bà Huệ thương con lắm nhưng chả biết phải làm gì. May thay, người chồng mới của bà đã hiểu và rất thông cảm với hoàn cảnh của hai mẹ con. Ông thường động viên bà và cả Martine rằng, hãy bỏ ngoài tai tất cả; rằng, hãy cố gắng lao động để sống tiếp cuộc đời còn lại; Và rằng, đừng buồn vì hai mẹ con không đơn độc mà đã có ông luôn ở bên cạnh. Ông sẽ là chỗ dựa vững chắc cho cả nhà và cho hai mẹ con…      

nhung-than-phan-a2-1635563265.jpg
Martine Nguyễn và mẹ Nguyễn Thị Huệ

5.

Bokassa trở về thủ đô Bangui của đất nước Trung phi sau khi đã hoàn thành “sứ mệnh” cùng đoàn quân viễn chinh Pháp sang chinh chiến tại Việt Nam. Trong quá khứ, Bokassa ghi nhiều kiêu hãnh. Anh được thưởng nhiều huân chương cao quý của quân đội Pháp khi đã có mặt và lập chiến công ở khắp các chiến trường. Năm ấy -1954, anh bước sang tuổi 32.

Trung phi khi đó đang là một nước tự trị thuộc Pháp, nằm dưới sự trị vì của người anh họ Bokassa tên là David Dacko. Năm 1960, David Dacko tuyên bố Trung phi là một nước độc lập và ông trở thành Tổng thống đầu tiên của đất nước nằm trên lục địa đen này. Do có sự thân quen, gần gũi về gia đình, lại xét công trạng của Bokassa trong quá khứ, Tổng thống David Dacko bổ nhiệm Bokassa nắm giữ toàn bộ quân đội của đất nước (tương đương bộ trưởng quốc phòng). Bokassa nhận và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, không phụ lòng tin của Tổng thống và của cả quân đội cũng như người dân Trung phi thời bấy giờ.

Tuy nhiên, nhiều tài liệu cho biết, Bokassa là một người có nhiều tham vọng. Trong đó, hai tham vọng lớn nhất của đời ông là: quyền lực và phụ nữ.

Theo những nguồn tin chính thức, trong suốt cuộc đời, Bokassa đã lần lượt kết hôn với 20 người phụ nữ. Và những vợ này đã sinh cho ông hơn 100 đứa con. Mặc dù vậy, Bokassa chỉ xác nhận 50 đứa là con ruột của mình, số còn lại là con “vãng lai”. Ông cung phụng và chăm chút cho tất thảy 20 người vợ và những đứa con của mình. Tất cả các bà vợ đều sống trong các biệt thự với cuộc sống nhung lụa và không phải vất vả đầu tắt mặt tối kiếm sống như những người phụ nữ bình thường khác của đất nước.

Quá trình nắm giữ quân đội, phụng sự Tổng thống, phụng sự đất nước, Bokassa nhận thấy chính sách cai trị của người anh họ - Tổng thống David Dacko - có rất nhiều bất cập. Đất nước hình thành nhiều phe phái đối lập. Họ tranh giành quyền lực và hầu như không ủng hộ Tổng thống xây dựng đất nước. Nhiều thời điểm đất nước Trung phi rơi vào tình cảnh hỗn loạn, cuộc sống của người dân điêu đứng, lầm than. Không thể để đất nước quê hương rơi vào tình cảnh bất ổn như thế, Bokassa âm thầm củng cố lực lượng và năm 1966 ông chỉ huy quân đội làm một cuộc đảo chính, lật đổ Tổng thống David  Dacko, lên nắm chính quyền. Ông tuyên bố trước quốc dân và đất nước rằng, “Tôi sẽ làm Tổng thống trọn đời tại đất nước Trung phi này”. Và ông quyết định đổi tên nước thành Vương quốc Trung phi. Ông đề ra một số quyết sách nhằm xây dựng đất nước phồn thịnh, hợp lòng dân.

Cho dù sống cuộc sống xa hoa với 20 người vợ và hơn 100 đứa con, ăn tiêu xa xỉ và tàn bạo của một Hoàng đế, nhưng Bokassa vẫn canh cánh trong lòng bởi  Martine Nguyễn - đứa con gái lai với người vợ Việt Nam.

Năm 1970, trên cương vị Tổng thống của Vương quốc Trung phi, Bokassa liên hệ với chính quyền Sài gòn lúc bấy giờ, đồng thời thông qua lãnh sự Pháp tại Sài gòn, đề nghị họ tìm giúp ông đứa con gái có tên Martine Nguyễn với người vợ đầu tiên tại Việt Nam.

Đáp lại nguyện vọng và đề nghị của Tổng thống Bokassa, các quan chức chính quyền Sài gòn thời đó đã vào cuộc. Họ cử nhiều người và phân đi nhiều hướng, tích cực tìm kiếm cô gái lai mang tên Martine Nguyễn. Và sau bao ngày tháng trinh sát, truy tìm, vào một buổi chiều mưa của Sài gòn, mấy quan chức chính quyền Việt Nam cộng hòa đã tiếp cận được một cô gái da đen, có mái tóc quăn, mắt trắng, tên Martine Nguyễn khi cô đang đi bán thuốc lá dạo trên đường phố.

Một tốp quan chức chính phủ quây quanh cô gái, hồ hởi:

- Chào cô Martine Nguyễn. Chúng tui là những quan chức của chính phủ quốc gia. Nhiều tháng qua, chúng tui đã bỏ nhiều thời gian, công sức và tới nay mới tìm thấy cô. Chúng tui xin thông báo cho cô một tin rất vui: cô là con gái của vị Tổng thống tại một đất nước Châu phi xa xôi. Cha cô là Bokassa. Ông đã có công điện nhờ chính quyền Việt Nam cộng hòa tìm cô để đưa cô trở về bên đó.

Martine Nguyễn bàng hoàng sửng sốt, không tin ở tai mình, lúng túng:

- Tui...tui…là con gái Tổng thống…?

- Đúng vậy, thưa cô.

- Các ông có nhầm tui với ai không đó ?

- Ô, không hề có sự nhầm lẫn nào, thưa cô.

Martine Nguyễn hết nhìn người này đến người khác trong đoàn tìm kiếm với ánh mắt ngờ vực. Nhưng người nào cũng gật đầu xác nhận. Cô ngớ người và cảm thấy như đang mơ giữa ban ngày. Những người trong đội tìm kiếm đang đứng trước mặt cô tỏ thái độ rất nghiêm túc và trân trọng. Họ khẳng định rành rọt một lần nữa rằng, “Martine Nguyễn, cô chính là con gái của Tổng thống Bokassa”. Họ thông báo vắn tắt với cô về khao khát cháy bỏng của Tổng thống là quyết tìm bằng được và đưa con gái trở về đất nước Trung phi của mình...

 Martine Nguyễn hồi hộp và vỡ òa trong sung sướng. Cô đưa đội tìm kiếm của Chính phủ về nhà mình. Tại đây, những quan chức chính quyền Sài gòn thông báo cho gia đình cô biết về sự kiện này. Đồng thời, họ nói với mọi người trong gia đình, hãy động viên Martine Nguyễn để cô nhanh chóng trở về đất mẹ, trở về với bố đẻ của mình - Tổng thống Bokassa.

Bằng con đường ngoại giao, chính quyền Việt Nam cộng hòa ở Sài gòn đã thông báo cho Tổng thống Bokassa biết, họ đã tìm thấy con gái của ông. Đồng thời, họ gửi ảnh của cô bé Martine Nguyễn sang cho Tổng thống. Nhận được ảnh của con gái và thông tin trên, Bokassa vui mừng khôn xiết. Ông lệnh cho thuộc hạ của mình mua vé máy bay từ Sài gòn sang Bangui cho con gái Martine Nguyễn.  Và ông cũng không quên có ý kiến với lãnh sự Pháp ở Sài gòn chu cấp cho Martine Nguyễn 25 ngàn fran để con gái ông mua sắm những đồ dùng cần thiết trước khi rời Việt Nam về nước.

Nhận được tiền từ lãnh sự Pháp tại Sài gòn, mấy ngày sau đó, Martine Nguyễn hồ hởi đi đến các cửa hiệu sang trọng, mua các đồ dùng cá nhân đắt tiền phục vụ bản thân. Cô sắm cho mình một chiếc đồng hồ hiệu Cartiner và một số quần áo, váy đầm và đồ dùng cá nhân sang trọng khác, chuẩn bị cho chuyến đi. Những ngày đó thật tuyệt vời, thật hạnh phúc và kiêu hãnh đối với Marttine - đứa con lai đã một thời bị mọi người hất hủi, khinh miệt và xa lánh.                                                                    

6.

Một ngày đầu thu năm 1972, Martine Nguyễn lên máy bay tại phi trường Tân Sân Nhất của Sài gòn hoa lệ, rời Việt Nam hướng về Bangui, thủ đô của đất nước Trung phi tại lục địa đen. Trên máy bay, cô khấp khởi, vui sướng, hồi hộp và luôn mường tượng ra cảnh được gặp ba, được gặp những người ruột thịt, được đón tiếp và được sống một cuộc sống  đàng hoàng sung túc trong nhung lụa chứ không phải đi bán thuốc lá dạo vật vờ trên đường phố Sài gòn, thành phố lớn nhất miền Nam Việt Nam.

Máy bay hạ cánh xuống sân bay quốc tế Bangui. Martine Nguyễn choáng ngợp trước cảnh tượng hết sức hoành tráng và trang trọng mà đất nước này đã chuẩn bị đón cô. Martine bước xuống cầu thang máy bay trong tiếng nhạc hùng tráng. Cô kiêu hãnh đi giữa hai hàng lính danh dự hùng hậu, nghiêm trang với trang phục đại lễ trong tay bồng súng, lưỡi lê tuốt trần. Những người trong chính phủ của Tổng thống Bokassa trong lễ đón, làm việc hết sức chu tất khi đón công chúa từ Việt Nam trở về đất nước. Họ hướng dẫn và tháp tùng Martine đi trên những tấm thảm nhung tới chào các quan chức có mặt tại sân bay. Rồi nghiêng mình mời cô lên xe. Khi Martine đã ngồi yên trên xe, một hiếc xe có cảnh sát dẫn đường chạy trước hú còi inh ỏi. Xe của cô bắt đầu chuyển bánh. Phía sau cô là mấy chục chiếc xe của các quan chức chính phủ và những chiếc xe xếp thành hai hàng có lính bồng súng tháp tùng, đưa cô từ sân bay về dinh Tổng thống trong sự chào đón nồng nhiệt của những người dân Trung phi ở hai bên đường.

Tại phủ Tổng thống, Bokassa cùng các quan chức chính phủ đang nóng lòng chờ đợi...Xe chở Martine dừng, cô nhẹ nhàng bước xuống dưới sự hướng dẫn của những sỹ quan cận vệ, không khí náo nhiệt hẳn lên. Tiếng nhạc vang lên. Mọi người nồng nhiệt đứng dậy nghênh tiếp công chúa có dòng máu Việt Nam trở về đất mẹ. Từ ngai vàng, Tổng thống Bokassa cười tươi rời chỗ ngồi đi nhanh về phía trước. Ông dang rộng đôi tay ôm con gái vào lòng trong tiếng vỗ tay như sấm rền tưởng như không bao giờ ngớt…Hai cha con mừng tủi… máy ảnh, máy quay phim và những ánh đèn flat bật liên hồi. Nghi thức đón tiếp mang tính quốc lễ làm cho Martine Nguyễn choáng ngợp. Cô thầm nghĩ, cuộc đời mình đã sang trang. Những ngày đi bán thuốc lá dạo trên đường phố Sài gòn sẽ không còn nữa. Bây giờ, cô đã là một người có vị thế xã hội, được mọi người kính nể. Thật là có nằm mơ cô cũng không thể nghĩ ra được cảnh tượng này.

Suốt một tuần kể từ sau lễ đón Martine, đài phát thanh quốc gia Trung phi liên tục đưa tin về sự kiện đặc biệt: Tổng thống Bokassa đã gặp lại con gái với người vợ Việt Nam – công chúa Martine Nguyễn. Cả đất nước Trung phi thực sự sống trong những ngày hội lớn với niềm vui bất tận. Người dân khắp đất nước miền trung lục địa đen với gần 5 triệu dân này ai ai cũng có tâm trạng lâng lâng...

Ở bên cha và gia đình, Martine Nguyễn chỉ nói được tiếng Việt, không biết tiếng Pháp và cũng không biết tiếng bản địa. Đích thân Tổng thống Bokassa phải phiên dịch cho con gái. Martine Nguyễn vẫn chưa hết bàng hoàng sung sướng, lúc nào cô cũng như đang trong cơn mơ. Cô không thể tin được rằng, từ một cô gái lai sống một cuộc sống buồn tẻ, thê lương… bỗng chốc trở thành công chúa, trở thành con gái Tổng thống và được sống trong lâu đài nguy nga, tráng lệ ngập tràn  nhung lụa và cao lương mỹ vị…đi đâu cũng có người phục vụ…

Nhưng, cuộc vui ngắn chẳng tầy gang.

Sau một tháng sống  cuộc sống vương giả, Martine Nguyễn bỗng bị rơi vào tình trạng hụt hẫng và bị đối xử vô cùng tồi tệ. Số là Tổng thống Bokassa nhận được tin từ Sài gòn: “Martine nguyễn đó là giả”. “Đó không phải là con gái ruột của Tổng thống Bokassa”. Nguyên do là một người trong bộ máy của chính quyền Sài gòn đã đến Bộ ngoại giao và lãnh sự Pháp ở Sài thành đưa ra bằng chứng, chứng minh cháu gái của ông mới là Martine Nguyễn thật. Ông đưa Giấy khai sinh cùa Martine bản gốc bằng tiếng Pháp. Theo đó, giấy xác nhận Martine Nguyễn là con gái của ông Bokassa với bà Nguyễn Thị Huệ. Cô gái này gọi ông bằng cậu ruột. Nó mới  là Martine Nguyễn, con gái thứ thiệt của Tổng thống Bokassa. Ông khẳng định, bà Nguyễn Thị Huệ là chị gái ông. Ông cam đoan, tất cả giấy tờ, hình ảnh của bà Huệ và của Martine Nguyễn đều là sự thật. Những tài liệu này nhanh chóng đến tay Tổng thống Bokassa. Cầm giấy tờ trên tay, Bokassa hết sức giận dữ và bực bội vì bị lừa gạt.Tổng thống ra lệnh tống Martine Nguyễn giả vào nhà lao ngay lập tức.

Tại Sài gòn.

Một buổi sáng, Martine Nguyễn đang khuân vác xi măng trong nhà máy thì mấy người bạn công nhân đi đến. Một người vỗ vai cô gái, nói:

- Này Martine. Mày còn ở đây làm gì nữa. Về nhà ngay đi. Mày là con gái ông Tổng thống của vương quốc Trung phi. Mấy người quốc gia đang làm việc với Ban lãnh đạo nhà máy để tìm gặp mày đấy.

Martine Nguyễn ngơ ngác, không hiểu. Ngay lúc đó, một tốp người của chính quyền Sài gòn đi đến thông báo cho cô biết sự thật. Lúc ấy, Martine mới tin những điều mấy người bạn vừa nói là đúng. Cô sung sướng như muốn phát điên lên khi biết mình là con gái của vị Tổng thống của một đất nước xa xôi. Nhưng cô chạnh buồn, chạnh tủi thân vì gần 20 năm nay, bây giờ ông mới đi tìm. Song những buồn tủi chỉ thoáng qua trong đầu bởi ngay lúc đó, Martine Nguyễn đã được những người trong chính phủ đưa lên xe về nhà. Bà Huệ biết tin mừng mừng tủi tủi. Bà ôm con vào lòng rồi hết nhìn con lại nhìn mọi người, trên môi nở nụ cười, nhưng những giọt nước mắt cứ lặng lẽ trào ra trên hai khóe mắt…

 Nhận được giấy khai sinh gốc của con, ảnh của bà Huệ và ảnh của Martine thật, Bokassa quá vui mừng. Đúng rồi, đây là Huệ, người vợ Việt Nam của ông cách nay gần 20 năm. Tuy có già đi đôi chút nhưng những nét duyên dáng vẫn hiện lên trên khuôn mặt đáng yêu. Lập tức Tổng thống yêu cầu các cơ quan chức năng của Chính phủ tổ chức ngay nghi lễ đón hai mẹ con bà Huệ trở về đất nước.

Vậy là một lần nữa, đất nước Trung phi lại sắp diễn ra một sự kiện trọng đại, một ngày hội đoàn tụ đặc biệt hi hữu trên hành tinh này.

7.

Ngay từ khi còn bay trên bầu trời và cả khi đặt chân xuống đất nước Trung phi, bà Huệ thấy một vùng đất đỏ quạch, cây cối xơ  xác, không có những miệt vườn trù phú cây trái như quê hương mình. Tuy nhiên, điều đó chỉ lướt qua trong ánh mắt và suy nghĩ của bà... Đoàn xe hộ tống đã đưa bà và con gái Martine Nguyễn từ sân bay Bangui về dinh Tổng thống. Dinh Tổng thống, trong buổi đại lễ được trang hoàng lộng lẫy và âm vang của những bản nhạc hùng tráng,

Tổng thống Bokassa đi như chạy ôm chầm lấy hai mẹ con Martine nguyễn. Cả hai bên mừng mừng tủi tủi bởi sau gần 20 năm họ mới lại được gặp nhau... Tổng thống tiếp hai mẹ con thật long trọng trong nhiều ngày tại hoàng cung. Cả thủ đô Bangui được ngưng mọi hoạt động để đón Martine Nguyễn cùng mẹ đẻ của mình...tất cả tưng bừng một ngày hội lớn.

Sau sự kiện trọng đại này, Tổng thống lên tiếng mời bà Huệ ở lại đất nước Trung phi, nhưng bà khước từ vì bà đang có chồng và những đứa con với người chồng khác (sau Bokassa). Bà nói với Tổng thống rằng, hãy chăm sóc lấy Martine Nguyễn để bù đắp lại những thiệt thòi mà con gái bà đã phải chịu đựng suốt gần 20 năm qua. Tổng thống đồng ý. Ông hứa với bà sẽ quan tâm tối đa tới đứa con lưu lạc, và sẽ nâng niu kỷ niệm rất đẹp của hai người…

 Rồi như một quy luật tất yếu, niềm vui nào cũng đến lúc kết thúc. Bokassa bịn rịn cùng con gái và đoàn xe đưa bà Huệ từ dinh Tổng thống ra sân bay. Tổng thống sánh vai cùng bà Huệ ra tận chân cầu thang máy bay. Họ ôm hôn nhau trước khi bà lên máy bay bay về Việt Nam.

Cũng kể từ đó, mỗi tháng, Tổng thống Bokassa gửi về cho bà Huệ ở Việt Nam 20 ngàn USD để bà chi tiêu, sinh hoạt trong gia đình. Đó là tấm lòng, là tình cảm, là những bù đắp không nhỏ của ông đối với người vợ đáng yêu đầu tiên của cuộc đời mình - một người phụ nữ Á đông mà ông đã từng trân trọng, yêu quý.

Mải vui cùng con gái với niềm vui tưởng như vô tận, những tưởng Tổng thống Bokassa quên mất cô Martine Nguyễn giả đang nằm trong trại giam, nhưng không. Ông cho rằng, Martine giả không có tội. Rằng, cô không biết gì về tung tích của mình vì mẹ cô cũng chỉ nhớ láng máng có ăn nằm với một người lính da đen Châu Phi chứ không nhớ tên ông ta là gì và cũng không nhớ quốc tịch của ông ta.

Lý giải về cái tên Martine Nguyễn, ông nói: tôi đã quá hiểu về vấn đề này. Bởi thời tôi ở Sài gòn, một bộ phim nước ngoài được công chiếu ở đây. Trong phim có một nhân vật nữ chính rất xinh đẹp tên là Martine. Vậy nên, những người phụ nữ Việt có con gái lai Tây đen đều lấy tên Martine đặt cho con mình. Và ngay tức khắc, Tổng thống hạ lệnh trả tự do cho Martine giả. Ông đưa cô về sống cùng với hoàng gia, nhận cô làm con. Bokassa đối xử rất bình đẳng với hai cô Martine Nguyễn . Đích thân Tổng thống chọn may đồ cho hai cô con gái. Mọi trang phục của họ đều giống nhau và ông gọi con thật là Martine lớn, cô kia là Martine nhỏ.

Với bản chất siêng năng lao động, Martine lớn sống không ỷ lại, không phụ thuộc và không cậy bố là Tổng thống. Cô mở một quán ăn Việt Nam ngay tại trung tâm thủ đô Bangui và sống bằng thu nhập của mình. Phần bố cho, cô dành dụm để làm vốn sau này.

Vào năm 1973, Tổng thống Bokassa cùng lúc gả chồng cho hai con gái lai Việt cho hai người thanh niên Trung phi. Martine lớn lấy một bác sỹ nổi tiếng của đất nước, còn Martine nhỏ lấy một sỹ quan cận vệ chuyên bảo vệ Tổng thống, tên là Fidel Obrou.

Tuy vậy, với bản chất háo quyền lực và háo phụ nữ, Tổng thống Bokassa có lúc chểnh mảng việc chấp chính, lãnh đạo đất nước. Ông có những quyết sách không đúng đắn, làm cho tình hình kinh tế, chính trị và xã hội Trung phi rối bời. Rất nhiều thế lực thù địch đã trỗi dậy và ngấm ngầm rình mò để làm hại ông. Một trong những phe đối lập ấy là một tổ chức, trong đó có con rể ông (Fidel Obrou- chồng của Martine nhỏ) đã làm một cuộc ám sát, nhằm thủ tiêu Bokassa và lật đổ chính thể của ông. Sự việc không thành, nhiều thành viên trong tổ chức này, trong đó có con rể  (Fidel Obrou) bị xử tử. Căm thù tột độ đứa con rể đã tráo trở, rắp tâm hại mình (theo một nguồn tin khá tin cậy), Tổng thống Bokassa hạ lệnh tiêm thuốc độc, giết chết đứa con trai của Fidel Obrou với Martine nhỏ để triệt hạ dòng giống nhà anh ta.

Martine nhỏ, vẫn được sống trong gia đình Tổng thống hơn một năm sau chính biến ấy. Sau đó, Tổng thống Bokassa chu cấp cho cô một khoản tiền và khuyên cô trở lại Việt Nam. Nhưng có tin, Martine nhỏ đã bị cướp hết số tiền Tổng thống cho và đã bị thủ tiêu ngay trên đường từ nhà ra sân bay Bangui để trở về Việt Nam.

Để cũng cố vị trí của mình, năm 1974, Tổng thống Bokassa tự phong cho mình là Nguyên soái 7 sao. Ông vẫn trị vì đất nước này, mặc dù xung quanh có rất nhiều thế lực không ủng hộ và đang lăm le muốn hạ bệ ông.

Năm 1977, với sự sùng bái và ngưỡng mộ Hoàng đế Naponeong của Pháp trước đây, Bokassa tuyên bố ông trở thành Hoàng đế và quyết định đổi tên nước thành Vương quốc Trung phi - một đất nước với hơn 4,7 triệu dân. Có tin, khi ông tuyên bố trở thành Hoàng đế, cả đất nước Trung phi lại nhảy múa, hò hát, ăn uống, tiệc tùng trong nhiều ngày liền. Tổng kết lại, với lễ nhậm chức Hoàng đế ấy, Bokassa đã rút ngân khố, chi một số tiền khổng lồ lên tới 22 triệu USD.

Thời gian sau đó, nhiều chính sách của Chính phủ do ông đứng đầu đã bị xáo trộn, ảnh hưởng xấu tới nền kinh tế, đảo lộn chính trị làm cho xã hội bất an. Cuộc sống của người dân Trung phi rơi vào tình trạng cơ cực, lầm than. Các cuộc đàn áp và tàn sát đẫm máu của Chính phủ với học sinh trung học và những người chống đối Chính phủ liên tiếp nổ ra. Nhân dân bất bình với vị Hoàng đế này.

Rồi điều gì cũng có ngưỡng của nó. Tức nước thì vỡ bờ.  

Năm 1979, được sự giúp đỡ của chính phủ Pháp, quân đội của đất nước Trung phi cùng nhiều lực lượng đối lập đã nổ súng tấn công vào dinh Tổng thống, bắt giữ Bokassa. Cuộc đảo chính diễn ra nhanh gọn, lật đổ chính quyền và ngai vàng của Hoàng đế Bokassa. Trung phi bước vào một thời kỳ mới với nhiều chính sách tân tiến được ban hành dưới sự lãnh đạo của người tiền nhiệm trước đây là Tổng thống David  Dacko. Sau khi bị hạ bệ, Bokassa bị lưu đày, con cái ông bị ly tán tới nhiều nước trên thế giới. Chồng của Martine lớn – một vị bác sỹ nổi tiếng của đất nước cũng bị thủ tiêu trong cuộc đảo chính ấy. Tại nơi lưu đày, Bokassa sống một cuộc sống thanh bạch, và chắc chắn là cô đơn, buồn chán. Bokassa qua đời vào năm 1996.                                                    

Sau sự kiện đảo chính, lật đổ Hoàng đế Bokassa vào năm 1979, Martine lớn ở lại Trung phi một thời gian dài. Cô vẫn nuôi dạy các con bằng những đồng tiền thu được từ cửa hàng ăn Việt Nam tại thủ đô Bangui. Năm 2008, bà cùng ba người con mới lánh sang Pháp. Vẫn mang bản tính của người cần cù lao động, bà mở hai cửa hàng ăn Việt tại Paris và mời mẹ là bà Nguyễn Thị Huệ sang đó cùng chung sống.

Nhiều nguồn tin cho hay, một trong ba đứa con (là trai) của Martine Nguyễn với vị bác sỹ tài hoa kia có diện mạo rất giống ông ngoại (Hoàng đế Bokassa), và tính cách của anh cũng thế. Anh cũng ngưỡng mộ Hoàng đế Naponeong ngưởi Pháp như ông ngoại của mình đã từng ngưỡng mộ.

 Có lần, anh đã nói với phóng viên của một hãng thông tấn quốc tế: “Tôi đang do dự có nên quay về Trung phi nữa hay không. Tôi cảm thấy gần gũi với Việt Nam hơn là Trung phi. Suốt nhiều năm qua, tôi chỉ nói tiếng Việt và tiếng Pháp, chưa bao giờ tôi nói tiếng của địa phương”…

 Câu chuyện về thân phận của những con người, với những thăng trầm của cuộc đời họ… đều gắn với sự xuất hiện, tồn tại của Martine Nguyễn - cô gái Việt lai Tây từ những năm 50 của thế kỷ trước xin được kết tại đây. Mong bạn đọc cùng chiêm nghiệm và suy ngẫm.                       

 

 

Bạn đang đọc bài viết "Những thân phận con người  " tại chuyên mục Văn hóa - Xã hội. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn