Tản mạn về việc học

Đinh Minh Thành

23/12/2021 11:13

Theo dõi trên

Bài viết này có hai phần, như một tản mạn vụn vặt, ai ngẫm được gì thì ngẫm, và có ích gì chăng.

20-buc-anh-3-dai-hoc-dong-duong-1639661261.jpg
 

       

Chuyện nhà cụ Lý***( sưu tầm)

Một người Singapore nọ từng học rất giỏi nhưng cuộc đời không có thành tựu như anh ta mong muốn.

Khi gặp ông Lý Quang Diệu, người đó than thở: Tôi là người có trí, nhưng vì không có tiền nên mới không làm được việc lớn”.

Nghe xong, ông Lý nói lại ngay: "Cả đời gặp hàng ngàn người, tôi chưa thấy ai có trí mà không có tiền cả. Nếu anh không làm ra tiền thì cái trí của anh chỉ là trí nhớ, chỉ là kiến thức, thông tin. Bề dày thành tích, tốt nghiệp trường xịn, học hàm học vị là cái vớ vẩn. Một là chơi luôn kỳ tích (tức thành tích vượt bậc), hai là thành tựu cụ thể, mới có chỗ đứng trong xã hội". Các kỳ thi chữ nghĩa chỉ kiểm tra được trí nhớ và năng lực suy luận logic, không thể tìm được người tài. Tài hay không thì thông qua làm mới biết. Nói hay - viết giỏi - bằng cấp cao - học Tây học Tàu - đi khắp nơi trải nghiệm nhiều vô kể.... nhưng cả thảy đều vô nghĩa nếu không để lại bất cứ thành tựu gì, không giúp được ai.

Cứ nhìn bản thân mình và bất cứ ai, đặt 2 câu hỏi:

1. Có thành tựu gì?

 2. Có giúp được ai?

Thành tựu là cái đáng phấn đấu. Tiền theo sau thành tựu, sẽ tự động có. Thành tựu là những cái mà người ta tạo ra, ví dụ nhà khoa học thì thành tựu là công trình nghiên cứu, nếu doanh nhân là nhà máy xí nghiệp, nếu giáo viên là phương pháp học tập mới, nếu bác sĩ là phát minh về cách điều trị, nếu nhà xã hội học là những dự án giúp người vùng sâu vùng xa... tức những cái thực tế, trước đó chưa có. Còn thành tích học tập chỉ là những mốc nhỏ về học hành, không có gì đáng khen ngợi, vì rốt cục, học giỏi vậy để làm gì? Có thành tựu gì, có giúp được mình, cho đời? (hết phần sưu tầm).

Tất nhiên là tôi có chính kiến rõ ràng của tôi khi đọc đoạn văn trên, nhưng cái hiểu của tôi cũng khác so với tư tưởng của câu chuyện, tôi chỉ nhìn nhận nó theo tư tưởng của mình và những người khác chắc cũng vậy. Họ cũng sẽ suy nghĩ khác tôi, một mệnh đề đúng với người này chưa hẳn đã đúng với người kia, đúng tại thời điểm hiện tại chứ chưa thể khẳng định nó đúng trong mọi thời đại. Bởi thế ai thẩm thấu như thế nào thì tuỳ nhận thức của từng con người cụ thể. Tỉ như cũng là thầy giáo dạy văn ấy, nhưng trong một lớp học có nhiều học sinh tiếp thu  bài giảng theo trái tim của nó, rồi khi ra đời nó hiểu và ứng dụng vào cuộc đời của nó một cách linh hoạt và phù hợp, một bài văn mà có nhiều cách cảm rất khác nhau. Bởi vậy nếu cứ theo một bờ rem để chấm văn thì rất khiên cưỡng.

Vận dụng quan điểm ấy, nhìn vào thực tế gia đình thôi, thấy có điểm phù hợp và chưa phù hợp.

Chuyện nhà tôi

Cả nhà tôi, từ con đến cháu, chúi mũi vào con đường học hành. Mẹ nghèo nuôi ba đứa con, cái ăn cái mặc cũng đủ để làm mẹ xơ rơ hết, bở cả hơi tai, vậy mà mẹ vẫn gắng cho tôi theo học hết cấp ba, rồi được cử tuyển vào trưng trung cấp kinh tế, ra trường đi làm, học lên cao đẳng và đi làm rồi lại đi học đại học. Với tôi mà nói, một cậu bé mồ côi cha từ lúc bảy tuổi, quê vùng miền núi hẻo lánh quanh năm thiếu đói, mà học hành đến như vậy là kỳ tích rồi.

Em gái  kế học hết lớp 9 rồi lấy chồng, có con vẫn đi học bổ túc văn hóa hết cấp ba. Em gái út học hết cấp 1 bỏ học giữa chừng vì nhà quá nghèo không đủ tiền ăn học vì lúc em học lớp 5 là lúc tôi nộp nhiều tiền để thi tốt nghiệp trung cấp kinh tế (hồi1993, tiền bạc đối với một gia đình mà một mẹ nuôi ba đứa con, chỉ nuôi lợn và trồng lúa thì rất khan hiếm về tiền, khan hiếm lúa gạo, không đủ ăn, lấy đâu ra mà bán,em thi tốt nghiệp lớp 5, nộp tiền mua phôi bằng chỉ ít tiền thôi mà vẫn không có tiền để nộp, phải xin nhà trường miễn).

Tôi ra trường đi làm, em út năm18 tuổi thích đi học cấp ba  nên phải xin vào lớp bổ túc  cấp hai để học, rồi có cái bằng cấp hai rồi cô em út lại đi học tiếp để học hết cấp ba và học trung cấp kinh tế.

Cũng từ chỗ hiếu học như thế với quyết tâm học để làm người, như cái cách mẹ thường bảo thế với tất cả anh em chúng tôi,  mẹ bảo họ đi để kiếm một công việc phù hợp với mình, để giúp chính mình.

Cô em út vào làm ở xã, chỉ là nhân viên bán chuyên trách, lương hệ số 1 (có nghĩa là lương cơ bản của nhà nước bao nhiêu thì lương của cô ấy bất nhiêu).

Làm đến 10 năm vẫn không vào được cán bộ chuyên trách, nhiều người họ cùng vào làm một dịp với em , họ thấy lương thấp đều bỏ hết, còn em do mẹ căn dặn hãy cố công rồi thế nào cũng có ngày thành công, nên em vẫn bám trụ.  Vừa làm vừa học hết chương trình đại học kinh tế và lấy bằng đại học. Đúng là  chẳng công việc nào phụ lòng người cố gắng, em làm việc chăm chỉ, bản tính vui vẻ thực thà, hay giúp đỡ người khác, nên được nhân dân tín nhiệm. Ở xã có một suất kế hoạch hoá gia đình và em được sắp xếp vào vị trí việc làm ấy. Sau này học thêm trung cấp y, vậy là em có luôn hai bằng chuyên môn, giờ được tuyển vào nghành Y (dân số kế hoạch hoá gia đình của xã, con số ăn lương theo ngạch bậc, từ ngân sách của huyên, do phòng ý tế huyện quản lý và trả lương).

Em gái ở giữa cô út và tôi thì chăm chồng con theo ăn học, chồng làm công an xã học trung cấp công an, học đại học luật, học đại học kinh tế, học trung cấp chính trị, vừa làm vừa học. Mỗi lúc được sắp xếp bố trí công việc gì, cấp trên bảo đi học để đáp ứng chuyên môn là lại đăng ký đi học, những lứa lợn đều dồn vào những tấm bằng, mỗi lần xếp vào vị trí công tác ở xã lại phải học... để đáp ứng bằng cấp, mãi đến nhiệm kỳ vừa rồi mới giữ chức phó chủ tịch UBND xã. Đứa con gái của em tôi, sinh năm 1996, học xong đại học Sư phạm, ra trường đi dạy rồi đăng ký học cao học, năm ngoái vào biên chế và nhận bằng thạc sỹ.  Giáo viên dạy giỏi, có thành tích  bồi dưỡng học sinh đạt giải học sinh giỏi cấp ba của tỉnh, cũng đã được công nhận là Đảng viên chính thức năm 2021. Đứa em của  bé thì đang nghĩa vụ công an ở huyện nhà và dự định cũng sẽ học cao lên. Vậy là mẹ nó hết lo cho chồng học, lo cho con học với những mong muốn chồng con có đủ kiến thức kỹ năng làm việc, phục vụ nhân dân và trước hết là phục vụ bản thân mình, tuỳ theo xã hội nặng bề về bằng cấp như hiện nay.

 Còn tôi, có đồng tiền nào là dồn vào  con, cho học thêm, cho uống sữa, ăn uống đầy đủ để phát triển thể chất, chăm chút giữ ý tứ từng lời nói để con noi gương học tập . Cậu con trai của tôi học đại học kế toán ở trường đại học kinh tế Đà Nẵng. Khi vào trường đã ứng thi vào ban chấp hành Đoàn trường và hoạt động đoàn sôi nổi, những chuyến đi tình nguyện miền xa xôi hẻo lánh, nơi có những trẻ em nghèo đang cần có sự giúp đỡ về mọi mặt, trải nghiệm và đã giúp con trai về vốn sống, hiểu cuộc sống và yêu quý cuộc sống. Cậu ấy chăm học và ý thức tốt nên đã được kết nạp vào Đảng cộng sản Việt Nam lúc cậu ấy 20 tuổi, ra trường, cậu thi vào một công ty kiểm toán miền Trung và làm việc tại đó. Cậu thứ hai cũng noi gương anh nên chăm học và ngoan hiền.

Tôi trộm nghĩ, học trước hết là tu dưỡng đạo đức tác phong của con người, học trước hết để thành người, trong đó có nhận thức về cái đẹp, chân, thiện, rồi sau đó mới học để làm việc, để  làm ra nhiều vật chất của cải. Trong việc giáo dục một con người thì truyền thống của gia đình cũng ảnh hưởng lớn lao đến từng thành viên trong gia đình và tác động to lớn ngoài xã hội.  Những đứa con ngoan hiếu kính với bố mẹ, có tình nghĩa xóm làng với người xung quanh cũng đáng trân trọng biết bao, cái tốt cái thiện phản ánh ra xã hội làm cho xã hội đẹp hơn.

Mỗi lần về quê, tôi đi uống rượu với người hàng xóm, cũng có người bà con hàng xóm nói với tôi: Mẹ mày thật có phúc, con cái và cháu đứa nào cũng học hành tiến tởi, chẳng phải quyền cao chức trọng gì nhưng cũng là những công dân thực hiện đầy đủ pháp luật nhà nước, đóng góp đầy đủ những hương ước của làng, giàu tình làng nghĩa xóm, nhiều người chỉ ước cuộc sống bình dị như thế mà cũng khó.

Có người lại nói: Ôi sao mà con cháu nhà bà Lan đứa nào cũng ngoan hiền khôi ngô, mặt vui vẻ tươi như hoa.

Tôi đùa nói với họ: Chắc là khuôn mặt khôi ngô ấy được toát ra từ v đẹp của những trái tim đôn hậu ấm áp, nhiệt tình, dễ tính.

Họ bảo: Mày lại nói giọng văn rồi đấy.

Tôi bảo chẳng phải giọng văn đâu anh ơi, con người ta phàm là ai cũng có những cái xấu cái tốt, nhưng khi cái tốt được khơi gợi phát huy thì tấm lòng người ta đầy độ lượng bao dung, người ta ít so đo thiệt hơn, ít ích kỷ hẹp hòi, thì nhẹ lòng, luôn tỏa ra nụ cười với lòng độ lượng, khi ta vui thì ta ít đau ốm sức khỏe tràn đầy, năng lượng sống tràn trề sinh lực làm cho người xung quanh thấy vui lây. Cũng như cái cây được chăm bón ở trong điều kiện thích hợp cây sẽ xanh tươi ít sâu bệnh, nhìn vào cây vào hoa đã thấy ưa nhìn, huống hồ chi con người ta, khi giàu lòng yêu thương, giàu vị tha thì tâm hồn rất đẹp và hướng thiện, dẫn đến v phúc hậu được tỏa ra làm cho khuôn mặt rạng ngời thanh tú. Tỉ dụ như hai cô gái đẹp y chang nhau, nhưng cô gái có tâm hồn đẹp thì ánh mắt nụ cười gây cảm mến với người đối diện, cô gái có dã tâm, độc ác thì ánh mắt cũng vậy, tuỳ theo đó mà nanh nọc, kênh kiệu khó ưa. Đó là chưa kể đến lời nói của người hiền và người ác cũng rất khác nhau, một trời một vực. Tôi nói một hồi anh ấy nghe một hồi và cười: “Mày được cái ba hoa phách lác, ấy mà tau nghe cũng có lý.

Tôi lại bảo mày có thấy giữa con cái của tau với bố mẹ có khoảng cách gì đâu, gần gũi như là người bạn vậy, mỗi thành viên trong gia đình đều nói lên chính kiến của mình, biết lắng nghe và phân tích phải trái, không có sự áp đặt. Con cái phát triển thể lực, trí lực như một cái cây non, rất tự nhiên, việc học của các con đã được bản thân nó tự ý thức chứ chẳng cần nhắc nhở gì nhiều, chỉ tìm cách khơi gợi động viên là nó tự giác học, chúng nó cũng chơi điện tử, chơi các trò chơi như bạn cùng tuổi nhưng có khoa học không phải chúi đầu vào chơi mà quên việc khác, thời gian biểu tự chúng đặt ra và thực hiện, ý thức kỷ luật của nó rất cao.

Mà mày ạ, cho dù nó có học như thế nào, kết quả ra sao thì tau cũng không quan trọng thành tích, bởi đứa con thứ hai của tau nó nói thế này: Anh Hoàng học nhiều và học giỏi nhưng chưa chắc đã bằng con, chủ yếu là chỉ số IQ, nó vừa nói và chỉ vào đầu. Ra bộ nó hiểu biết Uyên thâm về xã hội. Dẫu biết nó có chút  khuếch trương, nhưng tau tin con, tin là bởi thế này, năm học lớp 4 và lớp 5 nó học cũng chả xuất sắc gì, trong lớp nó xếp thứ 6 theo bảng điểm, nhưng trong ngày hội học sinh tiểu học hai năm liền nó đều đạt giải nhất toàn trường, như vậy chẳng phải kiến thức của nó rộng hay sao, vì đề của hội thì có đủ các lĩnh vực, nó đạt cả hai năm liên tục thì chẳng phải là may rủi.

Tôi nói với bạn mà cũng không biết mình nói như vậy đúng hay sai, nhưng tôi biết mình giáo dục cho con cái đã hoàn toàn đúng phương pháp và đúng hướng, chơi mà học, học mà chơi, không áp đặt mà gợi m. Hoàn toàn giao quyền để con tự sắp xếp cân chỉnh thời gian học, thời gian giải trí của nó. Thực hiện quyền của trẻ em, tôn trọng con.

Ngày trước mẹ tôi cũng dạy chúng tôi như vậy, rất gợi mở mà chúng tôi tự thấy ham học, hiếu học.

Tôi viết những dòng này mà mắt cay cay, lòng rưng rưng vì sự biết ơn mẹ, chính sự hiểu biết của mẹ đã truyền dạy cho chúng tôi, phải học, học nhiều thứ, nhưng trước hết phải học cốt cách làm người. Dù bằng cấp gì, dù làm đến những chức vụ cao như thế nào mà không có đạo đức, không có tinh thần yêu nước thương dân, không vì dân phục vụ, không vì tổ quốc để phụng sự thì phỏng có ích gì. Những cái mà chúng ra không nhìn thấy cụ thể, nhưng lại có những tác động rất to lớn về nhận thức về lòng trắc ẩn thì có tác dụng rất lớn, mẹ tôi mãi mãi là một cuốn sách quý mà tất cả con cháu chúng tôi khám phá không bao giờ hết được, tư tưởng của người phụ nữ nơi miền quê nghèo hẻo lánh ấy, tác động to lớn đến chúng tôi và tất nhiên là tác động sự nêu gương của rất nhiều người khi nhìn vào chúng tôi.

Bạn đang đọc bài viết "Tản mạn về việc học" tại chuyên mục Diễn đàn. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn