Tuyên Quang: Phục dựng Lễ hội Lồng Tồng của dân tộc Tày huyện Chiêm Hóa

Thái Sơn

21/11/2023 22:58

Theo dõi trên

Lễ hội Lồng Tồng hay còn gọi là Lễ hội xuống đồng là dịp để người dân tận hưởng những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Tày. Lễ hội Lồng Tồng từ lâu đã trở thành nét đẹp văn hóa giàu giá trị nhân văn với ý nghĩa cầu cho quốc thái dân an, nhà nhà yên vui hạnh phúc, mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu…

Ngày 21/11, Sở VHTT&DL tỉnh Tuyên Quang tổ chức phục dựng bảo tồn Lễ hội Lồng Tồng của dân tộc Tày xã Trung Hà, huyện Chiêm Hoá.

le-hoi-phuc-dung-tung-con-xa-trung-ha-2023-min-1700582099.JPG
Phục dựng Lễ hội Lồng Tồng dân tộc Tày

Tại đây, từ nhiều ngày trước dân làng đã dựng lên một đàn tế bằng tre và được rằng buộc chắc chắn. Đàn tế có hình vuông tượng trưng cho 4 hướng Đông, Tây, Nam, Bắc. Hướng chính của đàn lễ là hướng Đông. Đàn tế gồm 3 tầng: Tầng cao nhất tượng trưng cho Thượng nguyên, Tầng thứ hai tượng trưng cho Trung nguyên, Tầng thứ ba tượng trưng cho Hạ nguyên là các mâm lễ của Đảng ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Trung Hà và các ban ngành, đoàn thể xã, của 18 thôn, bản đại diện cho các dân tộc anh em đang sinh sống trên địa bàn xã Trung Hà.

tiet-muc-hat-then-chao-mung-le-hoi-min-1700582099.JPG
Văn nghệ tại Lễ hội

Đến thời điểm đã định, đoàn tiến lễ mang lễ vật đến đàn tế. Đi đầu là các tốp thầy cúng vừa đi, mừa gõ nhạc cúng, đi cùng là các vị cao niên trưởng lão, nghệ nhân, các vị già làng uy tín. những mâm lễ dâng các sản vật, món ăn đặc trưng của người Tày, như: sôi ngũ sắc, khẩu nhục, lợn quay, gà cồ.., bánh dày, khẩu thi…

Khi thấy đoàn tiến lễ, chuẩn bị xong xuôi, các thầy cúng và các vị trưởng lão thực hiện nghi thức cầu cúng, tạ thần nông, thiên địa, sơn thần và thần thành hoàng cầu cho được mưa thuận gió hòa, cây cối tốt tươi, sinh sôi nẩy lộc, nhà nhà ấm no, hạnh phúc.

quang-cnhar-le-hoi-tung-con-min-1700582099.JPG
Phục dựng Lễ hội Lồng Tồng xã Trung Hà

Phần cuối cùng là lễ Tịch Điền (nghĩa là dẫn trâu xuống đồng). Một người có vai trò quan trong trong thôn được giao trọng trách thực hiện những đường cày tượng trưng, thể hiện ý nghĩa hướng về nguồn cội, đề cao vai trò vị thế của sản xuất nông nghiệp xuyên suốt ngàn năm. 

ong-seo-van-su-doc-loi-chuc-phuc-le-hoi-min-1700582099.JPG

Ông Quan Văn Chức (ảnh trên) - người  nhiều tâm huyết với lễ hội Lồng Tồng cho biết: “Nghi lễ cúng thần linh, cầu cho mùa màng tốt tươi, làm ăn phát đạt, mọi nhà no ấm, sức khỏe dồi dào. Đây là bản sắc văn hóa của người Tày có từ nhiều đời nay”.

Trong quá trình diễn biến của lễ hội, nhiều nét văn hóa đặc sắc của dân tộc Tày, Nùng đã được người dân thôn Bản Ba, xã Trung Hà trình diễn. Từ ẩm thực với các món ăn truyền thống, đến những điệu múa quạt, múa sạp xoay chuyển nhịp nhàng, vui tươi, rộn ràng của các thiếu nữ trong trang phục đa sắc màu, tạo lên không khí vui tươi, phấn khởi ngày hội.

Chị Ma Thị Nhính, một người dân xã Trung Hà cho biết: “Từ nhỏ đến giờ nay mới được tận mắt nhìn thấy các nghi thức của Lễ hội. Mong rằng từ nay về sau tỉnh, huyện tiếp tục quan tâm đến bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc Tày, nói riêng và của các dân tộc anh em trên địa bàn nói chung”.

tro-choi-dan-gian-di-cau-khi-min-1700582099.JPG
Nhân dân và du khách vui chơi tại phần hội của Lễ hội

Trong cộng đồng 54 dân tộc, dân tộc Tày có nhiều nét văn hóa đặc sắc về ngôn ngữ và phong tục tập quán. Trong suốt quá trình hình thành lịch sử và phát triển của mình, người Tày, đã có những đóng góp to lớn vào việc bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc thông qua các hệ thống lễ hội, sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng mang tính cộng đồng cao, tiểu biểu trong đó là lễ hội Lồng Tồng. Tuy vậy, nhiều thế hệ trẻ người Tày, cũng mởi chỉ được nghe, xem qua lời kể. Đợt phục dựng này là điều kiện thuận lợi để mọi người dân được trực tiếp tham gia cùng lễ hội.

Theo đánh giá của Ban tổ chức, lần đầu tiên được tổ chức, Lễ hội Lồng Tồng đã mang lại bầu không khí đậm đà bản sắc truyền thống của đồng bào dân tộc Tày. Ngoài các chương trình giao lưu văn hóa, văn nghệ đặc sắc giữa các đơn vị, các CLB nghệ thuật trong và ngoài địa bàn xã, các hoạt động trò chơi dân gian đặc trưng mang đậm bản sắc của người Tày, như kéo co, cà kheo, đẩy gậy, ném còn cũng đã được tổ chức đem lại những giây phút vui tươi, lành mạnh.

Ông Seo Văn Sử, Chủ tịch UBND xã Hà Trung Hà chia sẻ: “Đây là mong muốn khát khao của bà con các dân tộc trên địa bàn xã. Từ khi triển khai thực hiện, bà con nhân dân vô cùng ủng hộ, hết sức phấn khởi. Thành công của lễ hội hôm nay phải nói có sự đóng góp hết sức to lớn của bà con nhân dân trên địa bàn xã”.

Lễ hội đã thu hút hàng ngàn người dân địa phương và du khách đến tham quan. Thành công của lễ hội Lồng Tồng năm 2023 chính là tiền đề, là cơ sở quan trọng để xã Trung Hà hướng tới xây dựng lễ hội Lồng Tồng trở thành một sự kiện văn hóa thường xuyên và tiêu biểu của xã để thu hút du khách.

Bạn đang đọc bài viết "Tuyên Quang: Phục dựng Lễ hội Lồng Tồng của dân tộc Tày huyện Chiêm Hóa" tại chuyên mục Văn hóa - Xã hội. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn