Việt Nam diễn nghĩa - Tập 4B: Bí sử Nhà Lê Sơ (1428-1527) - Kỳ 18

PGS TS Caqo Văn Liên

22/08/2023 06:07

Theo dõi trên

Trân trọng giới thiệu tiếp với bạn đọc tiểu thuyết lịch sử “Việt Nam diễn nghĩa - Tập IV B: Bí sử Nhà Lê Sơ (1428-1527) của PGS TS Cao Văn Liên do NXB Hồng Đức ấn hành năm 2023.

Kỳ 18

Tướng văn là Lê Văn Linh, Nguyễn Trãi, Bùi Quốc Hưng cùng những quân thần như cha con, có lúc lực lượng chỉ có 200 thiết kỵ, 200 nghĩa sĩ và 14 thớt voi, cùng những người vận chuyến lương thực già yếu với vợ con của họ tổng cộng chừng 2.000 người. Lê Lợi đặt chức quan lại và liêu thuộc, phát hịch nơi xa gần kêu gọi dân tình tham gia khởi nghĩa. Tại vùng thượng du Thanh Hóa, Lê Lợi tổ chức quân đội bằng cách lập ra các đạo binh phụ tử gồm ba binh chủng: Quân thiết đột, quân dũng sĩ, quân nghĩa sĩ, mỗi binh chủng có 200 người. Thời kỳ 1418-1423, quân Minh dùng tới 20 vạn tấn công bao vây càn quét kiên quyết tiêu diệt nghĩa quân. Lê Lợi đã thực hiện chiến thuật rút lui, phục kích, tập kích tiêu diệt địch, không cho địch đánh theo cách đánh của chúng là dàn trận hỗn chiến giáp lá cà. Từ 1418-1423 chỉ 5.000 nghĩa quân đã đánh 18 trận với giặc Minh bằng lối đánh mai phục như trận Lạc Thủy (Lam Sơn), ngày 13 tháng 1 năm 1418, 20 vạn quân Minh do Mã Kỳ chỉ huy tiến vào Lạc Thủy. Các tướng Đinh Bồ, Lê Ngân, Lê Kỳ đã cho quân mai phục, chém 3.000 thủ cấp giặc, thu được hàng nghìn quân trang, khí giới. Sau đó nghĩa quân rút về núi Chí Linh. Lúc này nghĩa quân hết lương thực 2 đến 3 tháng do bị giặc bao vây. Sau đó quân Minh rút đi nhưng nghĩa quân chỉ còn 100 nghĩa quân. Lê Lợi dẫn các tướng Lê Vấn, Đinh Lễ, Đỗ Bí, Lê Sát, Nguyễn Xí, Lê Đáo về Lam Sơn xây dựng lại lực lượng và phong trào ngày càng mạnh lên.

  Cuối năm 1418, quân Lam Sơn bị thua ở Mường Một, chạy thoát về Trịnh Cao. Quân Minh dùng 20 vạn bao vây chặt. Lê Lợi hỏi: “Có ai dám bắt chước Kỷ Tín ngày xưa để cứu chúa không?”. Lê Lai nhận lời đóng giả Lê Lợi đem 500 quân ra đánh bị quân Minh bắt được. Lê Lai hy sinh. Quân giặc tin rằng đã giết được Lê Lợi, liền rút quân về. Lê Lợi và nghĩa quân được cứu thoát.

 Tháng 10 âm lịch năm 1420, nghĩa quân mai phục tiêu diệt quân Minh ở Bến Bỗng, giết 1.000 tên địch, thu 100 ngựa. Lê Lợi cho quân rút về Mường Thôi. Tướng giặc là Lý Bân và Phương Chính do Tri châu Quỳ Châu là Cầm Lạn dẫn đường kéo 10 vạn quân đến. Lê Lợi sai Lý Triện, Nguyễn Lý, Lê Vấn đem quân mai phục ở Bò Mộng, giết 300 giặc. Sau đó nghĩa quân lại mai phục ở Bồ Thi Lang diệt 1.000 tên địch, Lý Bân và Phương Chính chạy thoát lấy thân mình, quân Lam Sơn truy kích 6 ngày đêm. Đánh bại 10 vạn quân Minh trong trận Bồ Thi Lang là một bước ngoặt. Thế giặc ngày càng yếu, khiếp sợ lối đánh của nghĩa quân, khiếp sợ mỗi khi hành quân. Nghĩa quân lập phòng tuyến ở Lỗi Giang, uy hiếp thành Tây Đô. Nhân dân nô nức tham gia, thế và lực của nghĩa quân ngày càng mạnh.

  Ngày 20 tháng 11 năm 1421, 10 vạn quân Minh do Trần Trí chỉ huy tiến về Lỗi Giang. Lê Lợi đem quân tập kích trại giặc, phá 4 trại, giết 1.000 tên, sau đó Bình Định Vương sai quân mai phục ở Đèo Ông, đánh giết nhiều giặc khiến Trần Trí tháo chạy về Tây Đô. Vua Ai Lao đem 3 vạn quân, 100 thớt voi giúp quân Minh. Lê Lợi đánh tan quân Ai Lao, chém chết 1 vạn tên, bắt 14 thớt voi, truy kích thêm và rút quân về Sách Thủy, sau đó nghĩa quân rút về Sách Khôi.

  Tháng 12 năm 1422, quân Minh tấn công quân Lam Sơn ở trại Quan Du. Bình Định Vương rút quân về Sách Khôi. Bảy ngày sau quân Minh tiến đánh Sách Khôi. Các tướng Lê Lĩnh, Phạm Vấn, Lê Hào, Lý Triện xông lên giết giặc, chém tướng Minh là Phùng Quý và hơn 1.000 thủ cấp giặc, bắt 100 chiến mã. Quân Minh đại bại, Mã Kỳ, Trần Trí tháo chạy về Đông Quan.

 Dòng hồi tưởng của Lê Thái Tổ bị cắt đứt bởi lời của nội quan:

-Dạ bẩm kính mời Hoàng thượng uống thuốc.

Viên nội quan đỡ Lê Thái Tổ ngồi dậy, thái y bê thuốc cho nhà vua uống, xong vua lại nằm xuống hồi tưởng.

Vào ngày 20 tháng 9 âm lịch năm 1424 Bình Định Vương hỏi các tướng:

-Nay muốn tiến lên giải phóng toàn bộ đất nước phải có quân số 20 vạn, ta làm sao có được bằng ấy số quân để hoàn thành sự nghiệp.

Thiếu úy Nguyễn Chích cũng như Nguyễn Trãi đều đồng thuận:

-Thưa Bình Định Vương, nên tiến vào Nghệ An để từ đó giải phóng toàn bộ miền Trung, khi đó quân số sẽ lên hơn 20 vạn, sẽ tiến ra giải phóng miền Bắc thì hoàn thành sự nghiệp.

 Lê Lợi nghe theo. Ngày 20 tháng 9 năm đó ra lệnh tiến vào giải phóng Nghệ An. Nghĩa quân đánh úp thành Đa Căng, giết 1.000 địch, thu được nhiều lương thực, khí giới. Tiếp đó đánh tan quân Minh do tướng Hoa Anh đến cứu viện. Quân Minh thua to phải chạy về thành Tây Đô. Quân Lam Sơn tiến vào Trà Long (Trà Lân), Lê Lợi dẫn quân qua núi Bồ Lạp Châu Quỳ. Quân Minh do Đồng Trí Sư Hựu, tri phủ châu Trà Long Cầm Bành đem 5.000 quân chặn đánh phía Nam. Phía Bắc quân của Trần Trí, Phương Chính, Lý An, Thái Phúc đánh ép vào. Lê Lợi cho phục binh chặn đánh bọn Trần Trí, diệt 2.000 tên. Đô Ty Trần Trung bị giết chết, thu 100 ngựa chiến. Hôm sau nghĩa quân đến trang Đinh Sơn, châu Trà Long, đánh bại Sư Hựu, chém thiên hộ Trường Bản và 1.000 tên giặc. Trần Trí lui quân về giữ thành Nghệ An. Tháng 11 năm 1424 Cầm Bành đầu hàng và châu Trà Long được giải phóng.

  Tại Nghệ An, nghĩa quân ở phía trên, quân Minh ở phía dưới. Lê Lợi cho quân mai phục ở những nơi hiểm yếu. Quân Minh lọt vào trận địa mai phục ở Khả Lưu, bị thiệt hại vô kể, liền đắp đồn cố thủ. Khi quân Lam Sơn giả vờ tháo chạy, quân Minh truy kích theo. Các tướng Lê Sát, Lê Vấn, Đỗ Bí, Đinh Lễ, Lưu Nhân Chú, Lê Ngân, Lê Chiến tung quân giết giặc, quân Minh đại bại. Tướng tiên phong của Minh là Hoàng Thành bị chém chết, tướng Chu Kiệt cùng hơn 1.000 quân bị bắt. Quân Minh phải lui vào thành Nghệ An cố thủ.

 Tháng 5 năm 1425, Lê Lợi sai Đinh Lễ đem quân đánh chiếm thành Trài Diễn Châu, quân Minh do tướng Thiết Trụ chỉ huy thua trận lui vào thành Diễn Châu cố thủ. Quân Minh ở Tây Đô Thanh Hóa do Đô ty Trương Hùng chỉ huy đem 300 chiến thuyền vào cứu viện bị tướng Đinh Lễ tiêu diệt viện binh ở cửa Vạn đến các ngã ba sông Bùng, sông Trài, diệt 300 chiến thuyền, quân ta đánh chiếm Thôn Trang, chiếm thành Trài Diễn Châu, Thiết Trụ thua đem quân chạy ra Tây Đô. Bình Định Vương điều quân do Lê Sát chỉ huy, thêm tướng Lưu Nhân Chú, Lý Triện tiếp ứng cho Đinh Lễ tiến ra giải phóng Thanh Hóa, quân Minh phải lui về cố thủ ở Tây Đô. Lê Lợi sai Trần Nguyên Hãn, Doãn Nỗ, Lê Đa Bồ, sau lại thêm Lê Ngân, Lê Văn An đem thủy quân tiếp ứng cho Trần Nguyên Hãn, đánh bại quân Minh do tướng Nhậm Năng chỉ huy phải rút vào cố thủ ở thành Tân Bình, toàn bộ phía nam Nghệ An là Tân Bình-Thuận Hóa được giải phóng. Như vậy, quân Lam Sơn đã làm chủ một giải miền Trung từ Thanh Hóa đến Tân Bình-Thuận Hóa. Quân Minh còn lại bị vây hãm ở các thành Tân Bình, Nghệ An, Tây Đô. Chính quyền của quân Minh sụp đổ, chính quyền các cấp của quân Lam Sơn được thành lập. Quân số nghĩa quân lúc này lên 35 vạn. Từ cuộc khởi nghĩa địa phương miền núi Thanh Hóa đến năm 1426 đã phát triển thành cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc phạm vi toàn quốc.

  Lúc này thấy đủ sức lực tiến ra giải phóng miền Bắc, tháng 8 năm 1426 Bình Định Vương chia quân làm 3 đạo, mỗi đạo 1 vạn quân tiến ra giải phóng miền Bắc và hạ thành Đông Quan, đầu não đô hộ của quân Minh. Cánh quân thứ nhất gồm các tướng Phạm Văn Xảo, Đỗ Bí, Trịnh Khả, Lý Triện tiến ra hướng Tây Bắc Đông Quan, cánh thứ hai do Lưu Nhân Chú, Bùi Bị chỉ huy tiến ra hướng Đông Bắc Đông Quan, cánh thứ ba do các tướng Đinh Lễ, Nguyễn Xí, Lý Triện tiến ra hướng Đông Nam Đông Quan. Lý Triện đánh bại Trần Trí ở Trận Ninh Kiều gần ĐôngQuan.

(Cònnữa)

CVL

Bạn đang đọc bài viết "Việt Nam diễn nghĩa - Tập 4B: Bí sử Nhà Lê Sơ (1428-1527) - Kỳ 18" tại chuyên mục Nghiên cứu. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn