Xuân biên cương

 Phạm Thạch

15/02/2024 14:59

Theo dõi trên

Đầu năm ấy, những chiếc loa phóng thanh công cộng liên tục phát đi những bản tin thời sự và những ca khúc hùng hồn về cuộc chiến tranh bảo vệ Biên giới: - “Khi tiếng súng đã vang trên bầu trời Biên giới. Gọi toàn dân ta vào cuộc chiến đấu mới…” Đã thôi thúc và giục giã lớp lớp thanh niên chúng tôi lên đường bảo vệ quê hương, đất nước.

dtfhj-1707983583.jpg

Tg: Phạm Thạch. Ảnh do tác giả cung cấp.

 

- “Dù rằng đời ta thích hoa hồng

Kẻ thù buộc ta ôm cây súng…”

Trong khí thế sục sôi ấy chúng tôi đã ngẩng cao đầu cất cao tiếng hát:

- “… Hãy cho tôi lên đường,

Cho tôi lên đường về miền Biên cương mịt mờ khói súng.

Hãy cho tôi lên đường,

Tôi đi tiêu diệt giặc thù xâm lăng bảo vệ đất nước…”

Tôi nhập vào đoàn quân hướng lên Biên giới, góp sức mình cầm súng bảo vệ đất trời Quê hương.

Xin mạn phép nhạc sỹ Huỳnh Phước Long được mượn lời bài hát “Gần lắm Trường Sa” để nói về cảm nhận đầu tiên của tôi về đời quân ngũ:

“Nơi tôi đóng quân là một vùng Biên ải

Bên đồng đội thân yêu.

Chỉ có màu xanh thẳm, núi biếc điệp trùng nơi thành luỹ Biên cương…”

Đó là một vùng Biên viễn Quảng Hà (Quảng Ninh) ngút ngàn xanh tươi, nơi con người hiền hoà và nhân hậu. Là nơi lưu giữ biết bao ký ức tuổi trẻ và những kỷ niệm đẹp nhất thời thanh Xuân của người lính chúng tôi.

Tôi đã hành quân qua bao lối mòn, lội qua bao khe suối, và từng để lại bao dấu chân nơi đây. Bước chân tôi đã in dấu từ Tấn Mài lên đỉnh Pò hèn, qua 664, rông Lâm nghiệp… Rồi từ Tài Phật đến Đồi Ngô ngước nhìn đỉnh 855 cao vời vợi. Tôi đã từng đào hầm hào công sự trên 500, gùi đạn pháo lên đỉnh 255 và tận mắt chứng kiến những trận pháo địch bắn vào làng bản. Những hố đạn pháo chi chít, đỏ au, nham nhở như vết thương rỉ máu.

Tôi khát khao những ngày bình yên! Để được tắm suối Tà Chi, lội ngầm Nga Bát, rồi mòn gót leo dốc Cổng trời, đi bộ qua ngã ba cây số chín, qua dốc Sư bộ, xuôi ra Hà cối.

Ngày ấy lính trẻ xa nhà sống nơi Biên Cương đại ngàn heo hút ai bảo không nhớ nhà chứ? Nỗi nhớ đến cồn cào cả ruột gan! Nỗi nhớ đến cháy bỏng tâm can. Tôi thèm được nhìn thấy thấp thoáng chiếc nón lá, thèm được nghe tiếng ầu ơ ru trẻ thơ, và thèm được gọi hai tiếng: BU ƠI !

Nhưng tôi đã được sống trong tình thương yêu của đồng bào, của bà con dân bản. Để nguôi ngoai phần nào nỗi nhớ, và vơi đi những nhọc nhằn gian khổ của đời lính Biên cương.

Chắc những người lính cùng thời với tôi năm ấy đóng ở Tấn Mài không ai lạ gì gia đình bác Hợp Sềnh, bác Si Sắn, bác Mật, anh Chính…? Còn tôi, tôi nhớ mãi ánh mắt những đứa trẻ con anh Phùn Chí Thèng lấm lét nhìn tôi đau đáu.

Khu phố Hà Cối ngày ấy chỉ nhỏ như lòng bàn tay. Tôi đã thuộc làu từng ngõ phố, con đường, hàng cây… Nào là Ngầm một, Ngầm hai bước lên là rạp Hà cối. Lối bên kia đi qua chiếc cầu treo đung đưa kẽo kẹt như muốn thách đố những chàng Tân binh trẻ nhút nhát.

Rồi phố bốn, phố năm với những dẫy nhà rêu phong, cổ kính. Con đường xưa tôi đi còn gồ ghề nhỏ bé dẫn thẳng ra khu chợ tồi tàn lụp xụp.

Cái bến tầu Đại lai ngày ấy sao được gọi là bến nhỉ? Đó chỉ là một bãi nước đục ngầu với con đường đá lổng chổng, xù xì hà bám. Hành khách lên tầu phải lội đến gần một cây số ra tầu để cho hà cứa đá trượt, người ướt lướt thướt. Nhưng như thế lại càng đáng nhớ, đáng thương, càng khắc sâu vào ký ức những người lính trẻ.

Ba năm nghĩa vụ, như giấc ngủ trưa hè! Câu ai nói sao mà đúng thế? Thấm thoắt đã 40 năm lẻ xuất ngũ, tôi xa mảnh đất Biên cương ấy nhưng không khi nào quên được. Bởi nó là tình thương nỗi nhớ đã khắc sâu vào ký ức tôi, như là một quê hương yêu dấu.

Những ngày đầu Xuân mới, chúng tôi về thăm lại chiến trường xưa mà không khỏi bồi hồi xúc động. Lại được gặp lại người xưa, vẫn tiếng cười ấy, giọng nói ấy sao ấm áp thân thương đến lạ. Tôi ước mình được như trẻ nhỏ, để đắm mình trong tình yêu thương vỗ về sau bao năm xa cách.

Đêm ấy trong làn sương mờ của mùa miền Biên viễn, một cô bạn gái là người quen cũ vẫn giúp tôi làm hướng dẫn viên đi bộ trên những con phố nhỏ để tìm lại hồi ức tuổi thanh xuân, và tìm câu trả lời về tình yêu Biên cương trong tôi mãi lớn?

Qua con phố đi bộ, chúng tôi đếm nhịp chân bước qua đầu Rỏn. Những ánh đèn đường lung linh, huyền ảo soi bóng qua lớp sương mờ xuống dòng sông Hà càng làm cho cảnh vật thêm thơ mộng. Tự nhiên, trong tôi văng vẳng câu hát trong bài “Tình khúc vàng“ do ca sỹ Đan Trường hát:

“… Nhớ từng hàng cây, nhớ từng con phố

Bước theo em bâng khuâng hỡi tình say

Nhớ về dòng sông ấm lòng mùa đông…”

Lời hát sao hợp cảnh hợp tình với tôi đến vậy?

Đêm ấy, tôi say sưa ngắm nhìn Hà Cối về đêm.

Thật đẹp!

HN. 13-2-2024.

Chuyện làng quê

Bạn đang đọc bài viết " Xuân biên cương" tại chuyên mục Diễn đàn. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn