Lào Cai: “Cầu nối” nghĩa tình làng xóm

Thu Ngọc

21/07/2021 05:51

Theo dõi trên

Với đặc thù của tỉnh có đông đồng bào dân tộc sinh sống, những năm qua, để phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân, Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam các cấp trong tỉnh Lào Cai đã không ngừng đổi mới phương thức hoạt động, xứng đáng là “cầu nối” gắn kết tình làng, nghĩa xóm.

tri-ngoai-1626821392.jpg
Chị Hè (phải ảnh) nói chuyện cùng người dân Trĩ ngoài

Thực hiện lời dạy của Bác Hồ về đại đoàn kết, MTTQ Việt Nam các cấp trong tỉnh đã vận dụng sáng tạo, đổi mới nội dung và hình thức vận động với phương châm “sát dân, gần cơ sở”, đưa các hoạt động theo hướng nâng cao hiệu quả, xứng đáng là tổ chức tập hợp, đoàn kết Nhân dân. Để người dân dễ hiểu, MTTQ Việt Nam các cấp tuyên truyền theo nhiều hình thức, sát thực tế, trong đó chú trọng tuyên truyền miệng. Cùng với đó, đội ngũ làm công tác mặt trận ở các thôn, bản, tổ dân phố chủ động tiếp cận, nắm tâm tư, nguyện vọng của người dân, làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, thuyết phục, hòa giải, đồng thời đề xuất, kiến nghị với cấp ủy đảng, chính quyền những biện pháp giải quyết các vấn đề bức xúc ở cơ sở.

Chúng tôi đến xã Phúc Khánh (Bảo Yên) đúng vào những ngày mùa. Dưới cái nắng gay gắt, ông Hoàng Văn Dựng ở thôn Trĩ Ngoài đang mải miết hái những chùm vải thiều chín đỏ bán cho khách theo đơn đặt hàng. Bên hiên nhà, vợ ông và vài người hàng xóm tất bật lựa chọn, bó những quả vải thành chùm. Qua câu chuyện với chị Hoàng Thị Hè, Trưởng Ban Công tác mặt trận thôn Trĩ Ngoài, tôi được biết, sau khi giúp gia đình ông Dựng thu hoạch vải, các chị sẽ đến những hộ khác trong thôn để phụ việc thu hoạch nông sản theo lịch đã hẹn trước.

“Thôn Trĩ ngoài có 104 hộ với 4 dân tộc cùng sinh sống. Những năm qua, các thành viên Ban Công tác mặt trận thôn luôn tích cực vận động bà con đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật và giúp nhau phát triển kinh tế. Nhờ đó, thôn nhiều năm liên tục không xảy ra tình trạng mất an ninh, trật tự, khi một hộ có việc, các gia đình khác đều cử thành viên đến thăm hỏi, giúp đỡ nhiệt tình”, chị Hè cho biết.

Vừa lựa vải, chị Hoàng Thị Dóc (người đến giúp gia đình ông Dựng) cho biết: Không chỉ ở Trĩ Ngoài, vào ngày mùa, bà con các thôn trong xã và một số xã lân cận đều nhiệt tình giúp đỡ nhau thu hoạch nông sản. Việc hỗ trợ lẫn nhau giúp bà con xây dựng mối quan hệ xóm giềng tốt đẹp, sẵn sàng tương trợ khi có việc cần.

tri-ngoai1-1626821392.jfif
Người dân xã Hòa Mạc (Văn Bàn) chăm sóc cây ớt

Đã thành thói quen, cuối giờ chiều mỗi ngày, ông Phạm Văn Yên ở thôn Liên Hà 6, xã Bảo Hà, huyện Bảo Yên thường dành thời gian đến các hộ trong thôn để nắm tình hình và tuyên truyền các chủ trương, chính sách mới. Thôn Liên Hà 6 có 127 hộ, phần lớn bà con quê gốc ở miền xuôi. Những năm qua, thôn trở thành điểm sáng của xã Bảo Hà về tinh thần đoàn kết, giúp đỡ nhau phát triển kinh tế. Theo ông Yên, Ban Công tác mặt trận thôn đã vận động các tổ chức đoàn thể và người dân trong thôn tham gia xây dựng quỹ cho hội viên nghèo vay không lấy lãi để phát triển kinh tế. Nhờ sự đoàn kết, tương trợ giữa các hộ trong thôn, đến nay Liên Hà 6 chỉ còn 7 hộ nghèo bất khả kháng.

Với vai trò là “cầu nối” gắn kết tình làng, nghĩa xóm, thời gian qua, MTTQ Việt Nam các cấp trong tỉnh đã phối hợp với các tổ chức thành viên, người có uy tín, chức sắc trong đồng bào dân tộc thiểu số tuyên truyền, vận động bà con thực hiện tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, xây dựng nông thôn mới, xóa đói, giảm nghèo, xóa bỏ mê tín dị đoan, không theo đạo trái pháp luật; hiến đất, tạo thuận lợi cho công tác giải phóng mặt bằng xây dựng các công trình công cộng; đấu tranh phòng, chống các tệ nạn xã hội, tham gia giữ gìn an ninh, trật tự...

Ngoài ra, việc gần dân còn giúp MTTQ Việt Nam các cấp kịp thời nắm tình hình, tâm tư, nguyện vọng của người dân để đề xuất, kiến nghị với cấp trên có cơ chế, chính sách phù hợp.

Từ đó xây dựng được lòng tin trong Nhân dân, khơi dậy được sức mạnh đoàn kết trong huy động sức dân tham gia phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới. Chỉ tính riêng năm 2020, MTTQ Việt Nam và các đoàn thể trong tỉnh đã vận động Nhân dân làm mới gần 430 km đường giao thông nông thôn, hơn 5.880 nhà tiêu hợp vệ sinh, 2.229 chuồng nuôi gia súc hợp vệ sinh, đào 5.526 hố rác, xây dựng 66 mô hình “nhà sạch, vườn đẹp”; huy động các cơ quan, đơn vị, tập thể, doanh nghiệp, người dân tự nguyện đóng góp xây dựng nông thôn mới với tổng số tiền 54 tỷ đồng, 30 ha đất, 190.000 ngày công lao động và nhiều hiện vật khác.

Tiếp tục xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, thời gian tới, MTTQ Việt Nam các cấp trong tỉnh tăng cường phối hợp với các tổ chức thành viên nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền về sức mạnh đại đoàn kết. Cùng với đó là đổi mới nội dung, phương thức hoạt động theo phương châm “gần dân, sát cơ sở”, tổ chức tuyên truyền, quán triệt các nghị quyết của Đảng và các chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn hiện nay để tạo sự đồng thuận cao trong Nhân dân. Quan tâm hơn nữa đến tâm tư, nguyện vọng và lợi ích thiết thực của Nhân dân và triển khai hiệu quả các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước, phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của người dân trong phát triển kinh tế và xây dựng đời sống văn hóa…

Bạn đang đọc bài viết "Lào Cai: “Cầu nối” nghĩa tình làng xóm" tại chuyên mục Văn hóa - Xã hội. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn