Giữ lửa cho nghệ thuật rối nước

Bài và ảnh: Dã Liên

20/07/2021 21:14

Theo dõi trên

Làng Ðào Thục, xã Thụy Lâm (Ðông Anh, Hà Nội) nổi tiếng trong nước và cả quốc tế về nghệ thuật dân gian rối nước với lịch sử lâu đời hơn 300 năm. Khi chưa có đại dịch Covid-19, Phường rối nước Ðào Thục liên tục "sáng đèn" để biểu diễn phục vụ khách du lịch. Người góp phần đưa rối nước Ðào Thục tìm được lối đi cho riêng mình, vừa kết hợp với việc bảo tồn nghề truyền thống vừa làm du lịch nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân trong làng là nghệ nhân Nguyễn Thế Nghị.

Giữ lửa cho nghệ thuật rối nước -0

Nghệ nhân Nguyễn Thế Nghị, sinh năm 1973, trong gia đình có truyền thống nhiều đời múa rối ở quê hương Ðào Thục. Tuổi thơ của anh gắn bó với những tích trò truyền thống, những buổi đứng bên bờ ao xem rối nước rồi say trong làn điệu hát chèo. Cũng như nhiều làng rối nước khác, bước vào thời kỳ đổi mới, phường rối nước Ðào Thục gặp nhiều khó khăn, khi các nghệ nhân cao tuổi không đủ sức khỏe, còn lớp trẻ thì không mặn mà. Mỗi khi đi làm xa trở về thăm làng, thấy phường rối khó khăn, anh Nghị lại đau đáu việc làm thế nào để nghệ nhân "sống được" với những quân rối. Chia sẻ về sự phát triển của rối nước Ðào Thục, anh Nghị cho biết: "Sự đột phá của phường rối nước Ðào Thục bắt đầu từ năm 2007. Khi nhận thấy múa rối nước quê hương mình có nguy cơ mai một, tôi tìm gặp các nghệ nhân uy tín nhất của làng, bàn bạc với các cụ rằng phải đưa rối làng làm du lịch thì mới có thể có doanh thu, giúp làng rối tồn tại và phát triển. Muốn thế, lớp trẻ chúng tôi phải tìm cách phát huy thế mạnh của mình. Ðó là bước đột phá về tư duy, cách làm".

Tâm huyết với nghệ thuật truyền thống của cha ông, anh Nghị đã quyết định trở về Phường rối nước Ðào Thục làm việc. Anh cùng một số bạn trẻ trong làng lập một trang web riêng về rối nước Ðào Thục. Trên website giới thiệu những thông tin, hình ảnh về làng rối hết sức đẹp mắt, nhất là quảng cáo những dịch vụ mà Ðào Thục sẵn sàng phục vụ cho khách và cách thức đặt hàng (sau này là quảng bá trên trang mạng xã hội). Anh Nghị tự tay thiết kế tờ rơi, đi "chào hàng" ở các công ty du lịch. Khi có khách về làng, công tác tuyên truyền, quảng bá được đẩy mạnh. Nhiều doanh nghiệp thấy Ðào Thục có lợi thế, có thể làm cho tour của họ thêm phong phú. Từ bước khởi đầu với kết quả ngoài mong đợi, Ðào Thục đã liên kết hoạt động với hơn 10 công ty du lịch nổi tiếng. Anh Nghị đề xuất "tái cơ cấu" hoạt động của phường theo hướng tinh gọn, để đáp ứng bất cứ yêu cầu nào. Bình thường, một suất diễn cần ít nhất 18 người, còn hiện giờ, chỉ cần 10 người là có thể xây dựng được một suất diễn. Anh đưa ý kiến phải chuyển ngữ các lời giới thiệu về rối nước sang tiếng Anh để phục vụ khách nước ngoài. Ðồng thời, anh Nghị cũng là "kiến trúc sư" cho việc cải tạo không gian văn hóa làng rối, với hệ thống thủy đình, khu vực dành cho khán giả hài hòa với cảnh quan của đình, chùa làng.

Với những việc làm thiết thực, hiệu quả, anh Nguyễn Thế Nghị được tín nhiệm bầu làm Phó trưởng Phường rối nước Ðào Thục trong giai đoạn 2012 - 2016, rồi Trưởng Phường rối nước Ðào Thục trong giai đoạn 2016-2020. Hiện nay, anh Nghị xin dừng công tác quản lý để chuyên tâm đảm trách công việc tổ chức biểu diễn, quảng bá, dẫn chương trình… và đặc biệt là trực tiếp hát chèo cho các tiết mục biểu diễn rối nước. Ðó cũng là nét độc đáo của rối nước Ðào Thục, người xem không chỉ được xem biểu diễn rối mà còn có dịp được thưởng thức những giai điệu mượt mà, tha thiết, những câu hát giao duyên thắm đượm hồn quê.

Những ngày này, để phòng, chống dịch Covid-19 nên phường rối hầu như không thể đón khách. Tuy nhiên, các nghệ nhân vẫn khá bận bịu trong việc chỉnh trang, chế tác quân rối, sẵn sàng cho ngày đón khách trở lại. Ðặc biệt, phường rối đang luyện tập tích trò Huyền thoại Cổ Loa - tích trò gắn với quê hương Ðông Anh để công diễn trong thời gian tới. Trao đổi về kinh nghiệm từ Phường rối nước Ðào Thục, nghệ nhân Nguyễn Thế Nghị chia sẻ: "Rối nước là một đặc sản của làng quê Việt Nam nhưng xã hội luôn vận động, đổi thay. Chúng ta không thể "hữu xạ tự nhiên hương". Phải thay đổi cách nghĩ, cách làm, nhất là trong quảng bá thương hiệu, làm du lịch. Tôi nghĩ, đó là kinh nghiệm để nhiều nghề truyền thống, nghệ thuật truyền thống của chúng ta có thể tồn tại và phát triển"

Bạn đang đọc bài viết "Giữ lửa cho nghệ thuật rối nước" tại chuyên mục Văn hóa - Xã hội. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn