Bắc Giang đứng trước những thách thức mới của dịch Covid-19

Phụng Thiên

21/08/2021 01:53

Theo dõi trên

Tính từ 17h00 ngày 19/8/2021 đến 17h00 ngày 20/8/2021, trên địa bàn tỉnh Bắc Giang phát sinh 18 trường hợp F0 trong khu vực cách ly. Đây là các F1 của các ca dương tính trước đó; tổng số trường hợp F0 cộng dồn đến nay là 5.804 trường hợp.

 

bac-giang-phong-chong-covid-19-1629473698.jpg
Dịch bệnh Covid - 19 ngày càng diễn biến phức tạp. Ảnh inernet

Đến nay, đã được phân bổ tổng số 360.300 liều vắc xin các loại; thực lĩnh 355.300 liều vắc xin. Toàn tỉnh đã tiêm được 377.415 liều vắc xin, (đạt 20,5% dân số toàn tỉnh) trong đó tiêm cho công nhân trong KCN: 147.286 liều; công nhân tại các cụm công nghiệp: 85.810 liều; đối tượng theo Nghị quyết 21: 137.940 liều; người trên 65 tuổi: 3.996 liều; đối tượng khác: 2.383 liều.

Trước đó, ngày 19/8/2021, đồng chí Lê Ánh Dương, chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang đã chủ trì hội nghị giao ban trực tuyến  về công tác phòng, chống dịch Covid-19; tham dự có Phó Chủ tịch Thường trực  UBND tỉnh Mai Sơn, một số thành viên Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh và Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 các huyện, thành phố. Sau khi  nghe Giám đốc Sở Y tế, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố; thủ trưởng các sở,  ngành, cơ quan tỉnh báo cáo về tình hình và công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh, ý kiến phát biểu của Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Mai  Sơn; Chủ tịch UBND tỉnh đã đưa ra một số kết luận.

Hơn một tháng trên địa bàn tỉnh không phát sinh trường hợp F0 nào ngoài  cộng đồng, đây là kết quả rất đáng phấn khởi; tuy nhiên, qua việc phát sinh một  số ca F0 tại huyện Lục Ngạn và thành phố Bắc Giang cho thấy mô hình phòng,  chống dịch của ta còn chưa hoàn thiện, qua đó rút ra một số bài học sau: 

Thứ nhất, không lúc nào, cơ quan, đơn vị, địa phương nào được lơ là, chủ quan, mất cảnh giác trong công tác phòng, chống dịch, nhất là các cơ quan chỉ huy, lực lượng tuyến đầu. Nếu không đề cao cảnh giác, dịch có thể xảy ra ở tất  cả mọi lúc, mọi nơi.

Thứ hai, việc xét nghiệm tầm soát Covid-19 được thực hiện tốt trong các  KCN, CCN nhưng lại chưa được thực hiện tốt đối với cán bộ, chiến sĩ lực lượng  vũ trang, công chức, viên chức trong các cơ quan, đơn vị nhà nước và người dân  ở cộng đồng.

Thứ ba, ý thức tự giác phòng dịch của một số cán bộ, chiến sĩ, công chức,  viên chức và người dân chưa tốt, đi nhiều nơi, gặp gỡ nhiều người, không thực  hiện nghiêm túc nguyên tắc 5K; đặc biệt là còn ăn uống giao lưu nhiều, khi có  biểu hiện sốt, ho đã không tự giác khai báo y tế.

Thứ tư, công tác quản lý, giám sát cán bộ; chỉ đạo phòng, chống dịch tại  một số cơ quan, đơn vị chưa tốt; trách nhiệm của người đứng đầu chưa cao.

Nhận định: Thời gian tới dịch trong phạm vi cả nước, một số địa phương  giáp ranh với tỉnh còn diễn biến phức tạp, nguy cơ dịch xâm nhập địa bàn còn ở mức rất cao đòi hỏi chúng ta phải tiếp tục đề cao cảnh giác. Với ổ dịch mới xuất  hiện trong tỉnh: Công an tỉnh và các huyện đã có sự phản ứng nhanh, bước đầu  đã khống chế không để dịch lây lan rộng ra cộng đồng; tuy nhiên, do số F1, F2 lớn nên những ngày tới sẽ còn xuất hiện nhiều F0 trong khu cách ly tập trung và  có thể có F0 trong cộng đồng, hiện dịch vẫn đang trong tầm kiểm soát.

Yêu cầu, giải pháp thời gian tới: Trong 01 tuần phải tập trung dập bằng  được ổ dịch này, không để dịch bùng phát rộng, đặc biệt không để dịch xâm  nhập vào KCN. Đồng thời, phải ngăn chặn không để dịch từ nơi khác xâm nhập  vào địa bàn, quyết tâm bảo vệ sức khỏe của Nhân dân, bảo vệ sản xuất. Các  ngành, các đơn vị địa phương phải thực hiện nghiêm Chỉ thị số 11/CT-UBND  ngày 28/7/2021 của Chủ tịch UBND tỉnh. Giải pháp cụ thể:

1. Phải đẩy nhanh truy vết, tìm bằng được nguồn lây, không được để sót  trường hợp nào; Sở Y tế và Công an tỉnh thành lập tổ đặc trách truy vết tìm  nguồn lây; thành phố Bắc Giang và huyện Lục Ngạn cũng phải tích cực làm rõ nguồn lây (báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh kết quả thực hiện trước 17giờ00’ ngày  20/8/2021). Thực hiện xét nghiệm tầm soát diện rộng; những trường hợp nguy  cơ cao phải nhanh chóng được đưa đi cách ly tập trung, những trường hợp nguy  cơ thấp thực hiện cách ly tại nhà hoặc tại nơi làm việc đảm bảo nghiêm túc, triệt  để theo đúng quy định.

2. Tập trung đẩy mạnh xét nghiệm tầm soát và duy trì thành nền nếp: Trong các doanh nghiệp thực hiện theo Công văn số 3831/BCĐ-KTN ngày  29/7/2021 của BCĐ khôi phục sản xuất công nghiệp, kinh doanh thương mại  tỉnh; trong các cơ quan, đơn vị nhà nước và cộng đồng thực hiện theo chỉ đạo tại  Công điện số 05/CĐ-UBND ngày 19/8/2021 của Chủ tịch UBND tỉnh (đây là  chủ trương mới nên yêu cầu thủ trưởng các cơ quan, đơn vị nghiên cứu thực  hiện nghiêm túc, đúng chỉ đạo, tránh hình thức).

3. Thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch theo chỉ đạo tại  Công văn số 4210/CV-BCĐ ngày 18/8/2021 của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch  Covid-19 tỉnh. Đặc biệt phải dừng ngay việc tập trung đông người, tụ tập ăn  uống; các cơ quan, đơn vị làm việc theo hướng: Những việc gì làm trực tuyến  được thì làm trực tuyến; cuộc họp nào cần thiết thì họp nhưng phải họp nhanh (trừ họp về công tác phòng, chống dịch); các cơ quan bố trí một phần làm việc ở  nhà, một phần trực ở cơ quan (những bộ phận quan trọng, không thể thiếu thì  phải tập trung làm việc, ăn, nghỉ tại cơ quan). Đối với những việc cần huy động  đông người, đã xây dựng kế hoạch, chuẩn bị chu đáo, không dừng được thì cho  thực hiện nhưng phải có biện pháp đảm bảo an toàn phòng, chống dịch; việc gì  mới thì phải cân nhắc.

4. Đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền ý thức tự giác phòng, chống  dịch của Nhân dân cũng như của công chức, viên chức, cán bộ, chiến sĩ lực  lượng vũ trang. Yêu cầu mọi người phải thực hiện nghiêm túc nguyên tắc 5K.

Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị chịu trách nhiệm nếu để cán bộ, công  chức, viên chức, chiến sĩ của mình có biểu hiện sốt, ho, khó thở mà không khai  báo, nếu gây hậu quả sẽ phải xem xét kỷ luật; Chủ tịch UBND cấp huyện, Chủ tịch UBND cấp xã chịu trách nhiệm trong cộng đồng dân cư. 100% người dân,  công chức, viên chức, cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang nếu có biểu hiện sốt,  ho, khó thở, đau đầu phải tự giác khai báo y tế. Các cơ quan, đơn vị, địa phương  phải nghiên cứu, xây dựng các nội dung tuyên truyền, dựa trên những bài học  kinh nghiệm từ thực tiễn để tuyên truyền cho cán bộ, chiến sĩ trong cơ quan, đơn  vị, Nhân dân địa phương thực hiện. Các huyện, thành phố nhân lên kinh nghiệm  của Tổ Covid cộng đồng số 1, Tổ dân phố Hùng Vương, phường Hoàng Văn  Thụ, thành phố Bắc Giang vì đã hoạt động tích cực, trách nhiệm, hiệu quả. 

Ngành Y tế phải đẩy mạnh hơn nữa việc tiêm vắc xin, tham mưu lãnh đạo  tỉnh các giải pháp để có thêm vắc xin phòng Covid-19 cho tỉnh; phối hợp chặt  chẽ hơn nữa với Ban Quản lý các KCN tỉnh để thực hiện tiêm vắc xin cho 100%  công nhân, người lao động trong các KCN trong tháng 8/2021.

5. Thực hiện lập một số chốt kiểm soát “mềm” dịch Covid-19 để bảo vệ,  ngăn chặn dịch xâm nhập từ ngoài vào địa bàn (cho phép các huyện, thành phố chủ động thực hiện, nhưng không được lập chốt kiểm soát trên đường cao tốc).

6. Quản lý thông tin: Yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương phải chấn  chỉnh ngay việc thông tin; những văn bản báo cáo trao đổi công việc nội bộ phải  ghi rõ trên văn bản là “Văn bản này không được thông tin trên mạng xã hội và  đài báo” để sau này ai vi phạm còn có căn cứ để xử lý; đồng thời phải quy định  trách nhiệm, nếu để lộ thông tin ra ngoài thì ai là người chịu trách nhiệm. Việc  thông tin phải đúng thẩm quyền, trách nhiệm, đúng lúc, đúng bản chất, phải có  người chịu trách nhiệm về nguồn thông tin, tránh gây hoang mang trong dư luận. Chấn chỉnh lại công tác cung cấp thông tin cho báo chí để nâng cao hiệu quả

công tác tuyên truyền phòng, chống dịch.

7. Việc chuẩn bị thật kỹ phương án phòng dịch khi học sinh trở lại năm  học mới: Ngành giáo dục và các địa phương phải bàn ngay phương án đảm bảo  an toàn khi đưa học sinh trở lại năm học mới; thực hiện xét nghiệm tầm soát,  thực hiện nghiêm quy định 5K. Giao Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Mai  Sơn chỉ đạo nội dung này.

8. Chuẩn bị phòng dịch cho ngày nghỉ lễ Quốc khánh 2/9: Vận động các  cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tiếp tục duy trì hoạt động trong dịp lễ Quốc khánh 2/9. Đối với các cơ quan, đơn vị nhà nước: Duy trì công việc phục  vụ người dân, doanh nghiệp; đối với các doanh nghiệp: Vận động công nhân ở lại sản xuất, không về quê; thực hiện phương châm “ai ở đâu ở yên đấy”, hạn  chế di chuyển để phòng, chống dịch.

9. Việc đón người từ TP Hồ Chí Minh và các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai về: Tỉnh đã có phương án thực hiện chi tiết, yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa  phương liên quan phối hợp chặt chẽ triển khai thực hiện. Tinh thần là vừa làm  vừa rút kinh nghiệm.

10. Việc thực hiện Nghị quyết 68 và Quyết định 23: các sở, ngành liên  quan, UBND các huyện, thành phố phải quan tâm đẩy nhanh tiến độ thực hiện  chính sách hỗ trợ cho người lao động, nhất là người lao động tự do mất việc,  người là F0, F1; BCĐ tỉnh phải thường xuyên kiểm tra tiến độ thực hiện.

11. Việc phong tỏa các khu vực do Chủ tịch UBND cấp huyện quyết  định (trừ phong tỏa cả huyện thì tỉnh quyết định), nhưng khi phong tỏa các  doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh dịch vụ lớn (siêu thị, trung tâm thương mại) thì phải bàn bạc với chủ doanh nghiệp để tìm hướng sớm đưa doanh nghiệp  trở lại hoạt động.

 

Bạn đang đọc bài viết "Bắc Giang đứng trước những thách thức mới của dịch Covid-19" tại chuyên mục Phát triển. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn