Bộ đội Lê Tích – Bun Chăn – Giúp nước Lào kháng chiến

Đặng Sỹ Ngọc

15/11/2021 12:33

Theo dõi trên

Thượng tá Lê Xuân Tích sinh năm Canh Ngọ (1930), quê xã Liên Hương, huyện Đức Thọ (nay là huyện Vũ Quang), tỉnh Hà Tĩnh.

 

viet-lao-1636954371.jpg

 

Năm 1949, ông Tích nhập ngũ vào Trung đoàn 120, hoạt động tại Trung Lào. Ông đã cùng đơn vị từng bôn tập giải phóng Na Pê, đánh chiếm sân bay Lạc Xao. Năm 1952, ông chuyển thành bộ đội tình nguyện Việt Nam giúp nước Lào chống Pháp. Năm 1959, ông được biên chế vào đoàn chuyên gia quân sự 959, giúp Bộ Quốc phòng Lào xây dựng chính quyền, thành lập các đơn vị vũ trang. Tính ra, ông đã đồng cam cộng khổ với nhiệm vụ quang vinh giúp nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào suốt 22 năm (6 năm chống Pháp và 16 năm chống Mỹ).

Khi Việt Nam được thông nhất (30/4/1975), đồng thời, nước bạn Lào cũng hết bóng quân xâm lược (2/12/1975), ông Tích được về nước (1978). Chưa kịp khắc phục hết hậu quả chiến tranh do Mỹ gây ra cho gia đinh, quê hương tổ quốc. Ông lại được Ban Tổ chức Trung ương và Quân khu 4 gọi gia nhập đoàn quân tình nguyện B68, rồi trồ thành đoàn chuyên gia quân sự 478 do ông Lê Đức Thọ làm Trưởng đoàn giúp nhân dân Campuchia chống họa diệt chủng Pôn Pốt, 7 năm nữa.

Ông được Chính phủ nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào tặng thưởng Huân chương Ítxala hạng Nhất, hạng Nhì; Chính phủ nước Campuchia tặng huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhất, cùng nhiều phần thưởng cao quý khác của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.

Suốt 45 năm xa quê, ông Tích có vô vàn những kỷ niệm trong cuộc đời quân ngũ. Ông sẵn sàng kể những ký ức vui, buồn của mình cho mọi người, mọi lứa tuổi cùng nghe. Đồng đội cũ, ông ôn lại quá khứ với nhau, chuyện như không bao giờ dứt. Với tôi, thuộc lứa tuổi con em, ông gọi bằng đồng chí, ông lại hay kể về kinh nghiệm tổ chức giúp bạn xây dựng cơ sở cách mạng mà ông đã có nhiều năm tháng trải qua.

Để được bí mật hoạt động chuyên gia quân sự, ông Lê Tích mang tên Bun-Chăn-vung-chi-chít, thường gọi tắt là Bun Chăn.

Bước đầu Bun Chăn được phân công cùng một số ít đồng đội về hai huyện Căm Cớt và Hin Bun của tỉnh Khăm Muộn, cùng ăn, cùng ở với dân bản, hòa mình vào cuộc sống của nhân dân để hiểu biết, đồng cam chia ngọt, sẻ bùi, học tiếng và tìm hiểu những phong tục tập quán của họ để tranh thủ nhiệm vụ.

Với bản chất hiền lành, phúc hậu, trung trực và nhiệt tình, Bun Chăn sớm được nhân dân địa phương cảm mến, yêu thương giúp đỡ nhanh chóng. Vậy là anh lính Bun Chăn nhen nhóm được tình yêu thương làng bản đến với mọi người, sẵn sàng chống giặc đến phá hoại cuộc sống của họ. Hạn chế rồi dần hết hẳn tình trạng thanh niên ở đó bị lừa gạt theo địch chống phá cách mạng, Bun Chăn vận động được nhân dân đoàn kết, ra sức tăng gia sản xuất, giảm bớt các tục lệ mê tín dị doan và các hủ tục lạc hậu, tích cực rào làng chống muông thú. Bun Chăn còn hướng dẫn dân bản biết sử dụng các loại vũ khí tự tạo như ná, bẫy, chông, giáo, mác, gậy gộc... giúp họ vừa sản xuất vừa sẵn sàng chiến đấu. Họ còn tự giác nộp những loại vũ khí mà họ có cho cách mạng.

Đến khi thành lập được các đội vũ trang, Bun Chăn hướng dẫn họ biết sử dụng súng đạn, lựu đạn, các loại mìn... để bảo vệ lực lượng sẵn sàng tiêu diệt kẻ thù.

Bun Chăn phấn khởi được nhân dân địa phương xem như con đẻ, càng tích cực cùng đồng đội thành lập trọn vẹn 2 đại đội quân sự địa phương cho 2 huyện Căm Cớt và Hin Bun, mỗi đại hội có khoảng 40 người tiêu biểu. Qua đó, ông Tích còn thấy được nhân dân, các bộ tộc Lào vô cùng yêu chuông hòa bình. Họ hiểu rằng tham gia vào lực lượng vũ trang là phải chịu khổ, phải chiến đấu đầy ác liệt, hi sinh. Cũng như người dân Việt Nam: “Được đi bảo vệ Tổ quốc là tình cảm và nguyện vọng thiêng liêng cao cả, không xâm lược ai. Không nghĩ gì để hưỏng thụ. Còn phải tự cung, tự cấp bởi lòng yêu quê hương, đất nước”. Mỗi người được xét vào đội ngũ vũ trang, phải tự viết đơn tình nguyện, có lời hứa danh dự rồi cán bộ tổ chức mới kết nạp từng người.

Trong xây dựng cơ sở thanh niên là lực lượng khỏe nhất vào các đội vũ trang. Phụ nữ cũng xuất hiện phong trào quyên góp giúp nuôi bộ đội yêu nước. Khi có các đoàn thể này, lực lượng vũ trang không lo đói, luôn vững tin ở lòng dân.

Ông kể chuyện vui: Có một đồng chí tên Thước, quê huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh mới sang. Lúc đi công tác vận động phong trào, do chưa hiểu hết ý nghĩa của ngôn từ, anh Thước gặp một bà mẹ từng quen, anh nói bằng tiếng Lào: “Khẩn ni hãy thà hán non dụ hươn mẹ đay bọ”. Nghĩa là: “Đêm nay cho bộ đội ngủ với mẹ ơi, thấy bà mẹ lúng túng. Lắng đi một lúc rồi trả lòi: “Bò đạy ơi, mẹ thẩu lẹo bò đạy”. Nghĩa là: “Không được, mẹ già rồi con ơi!

Sau đó anh em về kể với nhau mà buồn cười mãi. Như vậy trong 2 năm đầu (1952-1954), Bun Chăn cùng anh em đã hoàn thành nghĩa vụ tốt đẹp, thành lập được 2 đại đội vũ trang. Lấy thành tích đó làm kinh nghiệm về sau, tiếp tục thành lập nhiều đơn vị khác ở các huyện, các tỉnh.

22 năm làm chuyên gia quân sự cho Lào, Bun Chăn đã được đi nhiều tỉnh của đất nước Triệu Voi tươi đẹp. Từ Bắc chí Nam, từ Đông sang Tây, ông hiểu nhiều rừng săng lẻ, nhiều hang lèn lớn bé, nhiều bản làng đầy cây trái và hoa Chăm Pa thơm nức cùng nhiều chùa chiền. Dưới những đêm trăng dịu hiền và quyến rũ... trong ông chỉ có nỗi nhớ quê hương, Tổ quốc và lời dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh trước khi lên đường. Bởi vậy, Bun Chăn luôn giữ mình phải trong sáng, thủy chung, son sắt.

Khi được lệnh về nước, Bun Chăn chỉ để lại một bộ quần áo trong ba lô, còn lại các trang bị vũ khí, chăn màn... cá nhân, ông đều nhường lại cho bạn vì nước bạn còn quá nghèo.

Khi chia tay với nhân dân nơi ông công tác, họ đã ôm ông đến nghẹt thở, khóc lưu luyến, có bố mẹ còn nói:

- Nếu chưa có vợ, ở lại bố mẹ lo cho!...

Ngày ấy Bun Chăn quen một gia đình tên là Khăm- Chăn. Họ có 3 người con gái: Noọng Là 16 tuổi, Noọng Bẹt 18 tuổi và Noọng Bun My đã 21 tuổi. Cả gia đình yêu quý Bun Chăn lắm. Bun Chăn đi công tác vài ngày hay một tuần về là họ như tranh nhau buộc chỉ trắng vào cổ tay Bun Chăn để cầu phúc. Có khi còn mời sư sãi từ chùa về làm lễ cầu phúc cho Bun Chăn, làm thịt gà, thịt lợn liên hoan. Bàn tay Bun Chăn lật ngửa, họ đặt vài đồng tiền kíp vào lồng bàn tay rồi buộc chỉ. ông đã cùng gia đình ăn những con nhái kho đậm đà muối ớt với xôi. Tình cảm quân dân như cá với nước. Bun Chăn ngỡ ngàng, bối rối... song ông luôn nghĩ đến quốc thể, đến chính sách dân vận mà bản thân là người lính Cụ Hồ phải thực hiện. Chỉ riêng cái khoảng cách tình yêu đôi lứa ấy (Ị), cũng là một mặt trận thầm lặng, quyết liệt mà ai cũng biết nhưng không được gọi thành tên. Cuối cùng thì Bun Chăn đã chiến thắng, chiến thắng cả với bom đạn quân thù, 3 lần ông bị thương, mang thương tật 21%, rồi bệnh sốt rét ác tính làm ông suýt chết nhiều trận... Cuối cùng, ông đã trở về với quê hương, Tổ quốc.

 Bun Chăn cũng đã được gặp Bác Hồ 1 lần, gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam, người anh cả Hội Cựu chiến binh Việt Nam 2 lần. Các lần ấy, không bao giờ ông quên, lần gặp nào ông cũng nhận được sự thăm hỏi, động viên, mong ông giữ gìn sức khỏe để hoàn thành nhiệm vụ quốc tế nước bạn láng giềng, cũng là bảo vệ Tổ quốc Việt Nam..

Giữa năm 1988, khi ông đã nghỉ hưu, Chính phủ nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào mời ông cùng 14 đồng chí trong đoàn chuyên gia 959, những người đã giúp họ suốt hai cuộc kháng chiến trường kỳ chống Pháp và Mỹ, thăm lại đất nước Lào thân yêu. Họ đón ông và đồng đội từ Thủ đô Hà Nội bay sang Thủ đô Viêng Chăn. Đến một số thủ phủ của đất nước Triệu Voi, ngồi trên máy bay, ông xúc động nhìn xuống đất nước Lào một màu rừng xanh tươi đẹp, Con sông Xê Pôn hiền hòa uốn lượn, sáng ngời những làng bản và những khu vực có chùa chiền... Tất cả nơi ấy, ông đã từng đặt chân đến, đã từng có những niềm vui nỗi nhớ, đã từng múa hát những điệu lăm tơi, lăm vông với các cô gái, chàng trai trong từng bản. Cũng có những trận địa mà Bun Chăn đã để lại bao giọt mồ hôỉ, nước mắt và nhớ cả máu xương của những đồng đội mãi nằm lại không về.

Khi Bun Chăn trỏ lại thăm Viêng Chăn gặp Trung tướng Bun Niên - là đồng đội, cùng lứa tuổi, từng kết bạn vong niên (tiếng Lào là “xiêu”) hiện làm Chủ tịch tập đoàn Chấn Hưng, ông xúc động ôm nhau thắm thiết. Trung tướng Bun Niên liền gọi Noọng Bun My nay đã là bà, có con trai đang làm Chủ tịch huyện Căm Cớt. Bà Bun My khóc, còn Bun Chăn thì nhớ lại tất cả. Một ông 1 bà, 2 người của 2 nước, 2 mái đầu đã bạc hỏi thăm nhau cặn kẽ, kể chuyện quá khứ... tình cảm đúng như câu thơ Bác Hồ đã viết:

“Việt - Lào hai nước chúng ta. Tình sâu hơn nước Hồng Hà, Cửu Long”.

Theo Trái Tim Người Lính

Bạn đang đọc bài viết "Bộ đội Lê Tích – Bun Chăn – Giúp nước Lào kháng chiến" tại chuyên mục Diễn đàn. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn