Các vấn đề cần quản lý và bảo tồn lễ hội

Trần Hữu Sơn

18/02/2024 06:18

Theo dõi trên

Sau 3 ngày Tết, hầu khắp các bản làng vùng cao đều tổ chức lễ hội. Có hai loại lễ hội: thứ nhất là lễ hội truyền thống, thứ hai là lễ hội theo kiểu festival – người dân thường gọi là lễ hội mới ở các vùng du lịch. Trong bài viết này, tôi đi sâu phân tích về việc quản lý lễ hội truyền thống.

 

dt1akls-1708179020.jpg

Ảnh minh họa do tác giả cung cấp.

 

Trong một số năm qua, Chương trình mục tiêu quốc gia và các chương trình của Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch đều dành một phần kinh phí đầu tư cho việc “Tổ chức bảo tồn lễ hội truyền thống tại các địa phương khai thác, xây dựng sản phẩm phục vụ phát triển du lịch” của dự án số 06 trong Chương trình mục tiêu Quốc gia giai đoạn I từ năm 2021 đến 2025. Các tỉnh, các huyện đều đầu tư một phần không nhỏ kinh phí cho việc tổ chức lễ hội truyền thống. Người dân rất phấn khởi được bảo tồn di sản lễ hội của dân tộc mình. Bên cạnh một số lễ hội được bảo tồn mang tính bền vững, có sự tham gia của người dân, giữ được các nét đẹp truyền thống thì còn nhiều lễ hội bảo tồn chưa đúng, cộng đồng không đồng ý.

Lễ hội là một sự kiện văn hóa đặc biệt diễn ra trong một thời gian thiêng, không gian thiêng, thu hút đông đảo người dân tham gia, lễ hội luôn gắn chặt phần nghi lễ với phần vui chơi. Sự hòa quyện này mang đặc trưng của lễ hội truyền thống. Một số nhà khoa học, các nhà quản lý không hiểu rõ các đặc trưng chỉnh thể nguyên hợp đó nên chia lễ hội thành hai phần: phần lễ và phần hội. Thậm chí, có địa phương lại chủ trương coi phần nghi lễ là lạc hậu, chỉ tổ chức phần hội với một phần nghi lễ mới (lời khai mạc của lãnh đạo cơ sở). Việc xóa bỏ hoặc giảm vai trò của nghi lễ làm giảm chất thiêng của lễ hội, mất sự thu hút của cả cộng đồng. Trong phần mà cán bộ gọi là hội thì chỉ tổ chức các cuộc thi do Phòng Văn Hóa hoặc do Ban Văn Hóa cơ sở đứng ra chịu trách nhiệm như thi các trò chơi thể thao, biểu diễn văn nghệ của các đơn vị cấp huyện, cấp tỉnh, thậm chí mời cả nước ngoài biểu diễn. Người quản lý không hiểu rằng dù chỉ đơn thuần là biểu diễn văn nghệ hay trò chơi thì các tiết mục đó đều gắn liền với phần nghi lễ, có quan hệ hữu cơ với nghi lễ, mang chủ đề giá trị của nghi lễ. Mặt khác, điểm vui chơi cộng đồng phải do người dân tự tổ chức nhằm đáp ứng nhu cầu sáng tạo của người dân. Người dân đến dự hội có nhu cầu chủ yếu là được trải nghiệm lễ hội, tham gia trình diễn trong lễ hội, đây là nhu cầu lớn nhất của người dân đi dự hội chứ không phải nhu cầu được xem, được nghe về trình diễn văn nghệ của các đội văn nghệ cấp huyện, cấp tỉnh hay cả hiện tượng thuê các ca sĩ đến hát trong lễ hội. Vì vậy, chương trình văn nghệ thể thao cần phát huy các di sản truyền thống và quan trọng hơn là để người dân tham gia.

Hoạt động lễ hội được coi là hoạt động thiêng của cả cộng đồng. Trước hết là nơi dựng cây nêu, bàn dâng đồ cúng cùng đôi quả còn dưới gốc nêu ở hội xuống đồng của người Tày, người Giáy hoặc một không gian thiêng ngay dưới gốc cây nêu trong hội Gầu Tào của người Mông…v.v. Trong bất cứ lễ hội truyền thống nào, không gian thiêng luôn được cộng đồng coi trọng có nhiều nghi lễ, tục hèm liên quan. Nhưng thực tế, ở một số địa phương của các tỉnh miền núi phía Bắc, không gian thiêng lại trở thành nơi vẽ biểu trưng của lễ hội, ghi tên cơ quan tổ chức lễ hội và tên lễ hội. Lễ hội là của cộng đồng nhưng lại ghi Ủy Ban Nhân Dân xã A/xã B tổ chức.

Đây là một số điểm hạn chế trong việc bảo tồn, phát huy di sản lễ hội. Nguyên nhân do cán bộ ngành Văn hóa Thể thao Du lịch và chính quyền các cấp không hiểu rõ đặc trưng của lễ hội. Vì thế, vấn đề gọi là bảo tồn, phát huy lễ hội lại làm mai một tính truyền thống của lễ hội, gạt cộng đồng ra khỏi việc tổ chức lễ hội. Đây là hạn chế nghiêm trọng. Để khắc phục vấn đề này cần có chính sách, thể chế, hướng dẫn về tổ chức lễ hội đầu xuân của ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Đồng thời, cũng tập huấn cho các Ban văn hóa cơ sở về vấn đề nguyên tắc tổ chức lễ hội truyền thống.

Bạn đang đọc bài viết "Các vấn đề cần quản lý và bảo tồn lễ hội" tại chuyên mục Diễn đàn. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn