Chiến dich Hồ Chí Minh trong ký ức của người chiến sĩ đặc công

Hồng Hạnh/Thành Đô (Biên tập có chỉnh sửa)

03/04/2024 08:16

Theo dõi trên

Những ngày tháng 4 lịch sử, ông Nguyễn Quang Vinh, cựu chiến binh ở tổ 17, phường Sông Cầu (TP. Bắc Kạn) lại nhớ về những ngày tháng hào hùng của đất nước. Tuổi trẻ của ông là những năm tháng chiến đấu trong lòng địch với những kỷ niệm không bao giờ quên.

Là 1 trong 7 học sinh giỏi của Trường THPT Định Hóa (Thái Nguyên) năm 1972, ông là một trong những trường hợp sau khi tốt nghiệp lớp 10 thời ấy sẽ được cử đi du học nước ngoài (Trong 7 học sinh giỏi của trường có 4 người tham gia quân ngũ và 3 người đi du học nước ngoài). Thế nhưng, khi biết tin có cán bộ về địa phương tuyển bộ đội đặc công, với ước mơ của tuổi trẻ được cống hiến cho Tổ quốc, ông đã tình nguyện viết đơn xin được tham gia quân ngũ. Khi đó ông chưa tốt nghiệp lớp 10 nhưng được đặc cách tốt nghiệp và tham gia quân ngũ.

dt2hhv2-1712106759.jpg

CCB Hoàng Trọng Thoan người thay mặt chi bộ tuyên bố kết nạp đồng chí Ngô Sỹ Nguyên vào Đảng tại mặt trận - ảnh do CCB Hoàng Trọng Thoan cung cấp

 

Được huấn luyện tại Chương Mỹ, Hà Tây (nay là Hà Nội) 1 năm, ngoài huấn luyện lính chiến đấu, ông còn được huấn luyện lớp Tiểu đội trưởng về kỹ, chiến thuật binh chủng, công tác dân vận, công tác chuẩn bị, điều nghiên, trinh sát để tổ chức chiến đấu. Năm 1973 ông được tham gia chiến đấu trực tiếp tại chiến trường B2 miền Đông Nam bộ và đóng quân tại Củ Chi thuộc C59, Đoàn Đặc Công 115, Sư đoàn 2 ( Đặc Công Quân Giải phóng ). Nhiệm vụ chính là làm đường dây giữa vùng giải phóng đến Sài Gòn như đưa lực lượng biệt động, đưa các lực lượng tinh nhuệ xâm nhập vào Sài Gòn để hoạt động bí mật trong đó. Chuyển vũ khí đạn dược từ vùng giải phóng xuống Sài Gòn để ém sẵn. Ngoài ra còn tập trung đánh địch ở một số đồn, bốt chắn trên đường đi, nhiệm vụ chủ yếu là tiêu diệt lực lượng địch và gây tiếng vang trong lòng địch, làm cho chúng hoảng sợ.

dthhk3-1712106830.jpg

Ông Nguyễn Quang Vinh (người ngồi bên trái) và đồng đội thắp hương cho các liệt sĩ tại Nghĩa trang Liệt sĩ TP. Hồ Chí Minh.

 

Cả đơn vị của ông chỉ khoảng hơn 30 người, những trận đánh chủ yếu theo lối đặc công lấy ít đánh nhiều, mỗi trận đánh chỉ 5-7 người tham gia, đột nhập vào trong lòng địch, đi điều nghiên, trinh sát các mục tiêu như căn cứ Đồng Dù, Tân Quy, Kho xăng Nhà Bè, Đài Phát thanh Quân đội Ngụy, Sân bay Tân Sơn Nhất. Đi điều nghiên để cung cấp tài liệu cho cơ quan cấp trên.

Những ngày hoạt động trong lòng địch rất khó khăn. Đơn vị hoạt động chủ yếu ở gần kênh rạch, không có nhà, lều, mỗi người chỉ có một cái võng, một cái tăng để che mưa che nắng và một chiếc màn võng, khi ngủ dọc theo bờ rạch thì kiếm hai cái cây để mắc võng. Ban ngày gói gọn tất cả quân tư trang trong một cái “bồng” (Một dụng cụ đựng dạng như balo, ngoài là lớp vải ni lông, bên trong là một túi ni lông), vũ khí trong tay sẵn sàng chiến đấu chống trả bọn địch đi càn, hoặc phải ngồi thum, chém dè (mỗi người ngồi một góc, ngồi im, ngồi bó gối) sẵn sàng chiến đấu để bảo toàn lực lượng. Đại đội ông Vinh ém quân trên bờ các con rạch, ngay cạnh sông Sài Gòn, xung quanh là bãi sình lầy, cỏ lúp xúp, kế đến là ruộng cấy lúa, trồng màu của dân. Còn trên gò trắng bốc, không có một cây, cỏ nào kịp mọc vì hàng ngày đạn pháo, đạn cối... trong các căn cứ Đồng Dù, Tân Quy, Bến Cát... thay nhau cày xới ngày đêm để uy hiếp lực lượng cách mạng.

Giọng ông trầm buồn khi kể về những đồng đội đã hi sinh khi làm nhiệm vụ, khi đó họ còn rất trẻ, đang sống những tháng năm đẹp nhất của cuộc đời, những người lính tuổi 20. Đó là đêm 7/12/1974 tại chốt Bầu Giang, hai đồng chí bị địch bắt và hi sinh. Đêm 11 rạng sáng ngày 12/12/1974 có 3 đồng chí hi sinh, đó là các chiến sĩ Nông Thế Huyến (Đội Cấn, thị trấn Bắc Kạn), Nguyễn Văn Thả (Ninh Bình), Nguyễn Ngọc Khuê (Tuyên Quang), Dương Đình Toản (Sông Công, Thái Nguyên), Nguyễn Ngọc Vân (Bắc Ninh).

Ông Vinh kể: "Vào đầu mùa xuân Ất Mão 1975, đơn vị chúng tôi đã tổ chức một đợt sinh hoạt hết sức quan trọng. Rút kinh nghiệm các trận chiến đấu đã qua, kiểm điểm đánh giá kết quả của từng cá nhân, từng tiểu đội, trung đội, từng trận đánh, tìm ra những bài học xương máu trong chiến đấu... để bước vào một chiến dịch quy mô toàn mặt trận. Đó là nhiệm vụ chiến đấu chiếm giữ cầu Bình Phước, đón Đại Quân tiến vào giải phóng Sài Gòn. Vì ngay cửa ngõ Sài Gòn nên sau khi Lữ đoàn tăng cường bảo vệ cầu Bình Phước bị tấn công, địch đã dồn lực lượng chi viện, có cả xe tăng, xe bọc thép yểm trợ để giữ bằng được cầu Bình Phước, bảo vệ vành đai Sài Gòn. Sau khi tập hợp tình hình diễn biến trận đánh, đơn vị đã chiến đấu tiêu diệt hầu hết các mục tiêu ở hai đầu cầu, quan trọng nhất là tổ đặc công nước đã tháo được ngòi nổ của bom cài ở mố cầu để phá hủy cầu khi địch thất thủ, nhằm chặn đường tấn công của quân ta vào Sài Gòn".

Để thực hiện nhiệm vụ này đồng đội của ông đã anh dũng hi sinh trước giờ chiến thắng, đó là liệt sĩ Ngô Sỹ Nguyên, người cắm cờ trên cầu Bình Phước để đón Đại quân vào giải phóng Sài Gòn. Ông Vinh kể Chi bộ nhất trí kết nạp đồng chí Ngô Sỹ Nguyên vào Đảng cộng sản Việt Nam. Giao cho đồng chí Hoàng Trọng Thoan là chi ủy viên, Tổ trưởng Đảng, vừa là mũi trưởng mũi thọc sâu sẽ thay mặt Chi bộ tuyên bố kết nạp Đảng cho đồng chí Nguyên sau khi cắm cờ trên cầu Bình Phước. Sáng 30/4/1975 khi trời đã sáng hẳn, bất ngờ một lá cờ xanh đỏ, ngôi sao vàng đang di chuyển rất nhanh từ phía đầu cầu ra giữa cầu, theo sau là đồng chí Thoan và một số đồng chí yểm trợ. Tay phất cờ với tư thế hiên ngang, Nguyên hô thật to : “Chúng ta đã chiếm được cầu rồi các đồng chí ơi... ơi...!...”. Ngay sau đó Thoan và đồng đội cũng có mặt và đồng thanh hô vang: “Chúng ta đã làm chủ được cầu rồi các đồng chí ơi!”. Nhớ nhiệm vụ Chi bộ giao, Thoan quay lại với đồng đội Nguyên đang phất cờ, dõng dạc hô: Tất cả chú ý. Tôi Hoàng Trọng Thoan, Chi ủy viên Chi bộ C 59, thay mặt Chi bộ tuyên bố kết nạp đồng chí Ngô Sỹ Nguyên vào Đảng nhân dân cách mạng Miền Nam kể từ hôm nay 30 tháng 4 năm 1975, thời gian dự bị là 12 tháng...

Phía mố cầu bên kia vẫn có tiếng AK điểm xạ, thỉnh thoảng vẫn còn tiếng súng đại liên của địch cầm cự, chúng tôi chạy sang để chi viện cho đồng đội. Bỗng “Oành” tiếng nổ ngay sau lưng chúng tôi, quay lại không thấy lá cờ đâu nữa chúng tôi lặng người đi vì một mảnh đạn đã cắt ngang ngực anh, máu phun ra thêm đỏ thẫm lá cờ mà Nguyên vẫn cầm chắc trong tay... Lá cờ lại được trao cho đồng chí khác tiếp tục tung bay báo hiệu cầu Bình Phước đã thuộc quyền kiểm soát của quân Giải Phóng, mở đường cho Đại quân thẳng tiến vào giải phóng Sài Gòn.

Đúng 8 giờ 30 phút ngày 30 tháng 4 năm 1975, cầu Bình Phước đã chứng kiến một đội quân hùng dũng, với vũ khí hiện đại, ào ào như vũ bão, rầm rập qua cầu tiến vào giải phóng Sài Gòn. Đơn vị của ông Vinh hòa nhập với Đại quân tiến thẳng vào Sài Gòn, chiếm được dinh Độc Lập, kết thúc thắng lợi chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

49 năm trôi qua, nhiều lần ông Vinh đã trở lại chiến trường xưa, tìm lại nơi đồng đội đã anh dũng hi sinh để thắp nén hương tưởng nhớ, những chàng trai của tuổi 20, đầy sức trẻ và nhiệt huyết, sẵn sàng hi sinh cho Tổ quốc vì lý tưởng cao đẹp. Vì độc lập tự do, biết bao xương máu của các anh đã hòa vào đất mẹ, tấm gương của các anh là khúc trường ca hùng tráng cho thế hệ mai sau tự hào và noi theo./.

Trái tim người lính

Bạn đang đọc bài viết " Chiến dich Hồ Chí Minh trong ký ức của người chiến sĩ đặc công" tại chuyên mục Văn hóa - Xã hội. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn