Gặp ma?

Phạm Thoa

18/09/2021 10:20

Theo dõi trên

Ai tin hay không thì mặc. Thấy mọi người đăng hoài chuyện ma, tôi chợt nhớ mình cũng có chuyện ma, xin kể mọi người cùng nghe.

gap-ma-1631935176.png
 

Ngày đó còn chưa hết bom đạn, cả  tổng đội thanh niên xung phong chuyển về vùng mỏ làm xây dựng. Lũ thanh niên ngày trước đã ghép đôi nên vợ nên chồng gần hết.

Trong đội có anh chàng Trung cao ráo đẹp trai, hát hay, người phủ Nam, lấy nàng Trinh cùng quê vừa tròn 18 cũng lí lắc hát hò hay đáo để, mỗi tội ruột để ngoài da, chăm chỉ làm lụng chẳng nề hà việc gì, kể cả việc đàn ông. Anh chồng thì như công tử, làm thợ mà cứ như bàn giấy, quần áo lúc nào cũng phẳng phiu. Khi ở nhà anh ta hay mặc một bộ pho màu kem thời đó thì là quá ngầu. Chẳng bù cho cô vợ quần thì cũn cỡn nhăn nheo, áo vạt cao vạt thấp vì đôi vú quá cỡ cứ căng lòi cúc áo.

Rồi cô nàng mang thai. Nghe các cụ bảo là làm khỏe đẻ mau. Vậy mà thế quái nào đẻ khó thế.

Ngày đẻ, đau ba ngày ba đêm, chồng nghe người ta trèo mái nhà nhảy xuống, cắt trộm thừng buộc mũi trâu... nấu cháo vừng... Vợ ôm chân chồng cào nát cả nền nhà trạm xá... Rồi mới đẻ được.

Đang hạnh phúc thì anh chồng bị đau lưng, đi bệnh viện.

Lại nói về anh chồng mà buồn cười. Cái hôm vợ đau đẻ, không những bị cào cấu nát cả người, còn bị chưởi thậm tệ. Chẳng biết còn cái câu nào tệ hơn không chứ nghe ra chả còn cái từ "độc đáo" nào trong làng chửi Việt Nam mà không được nàng vợ lôi ra té tát vào mặt anh chàng... Từ thằng mặt... đến thằng ăn... thằng úp... rồi bà... rồi mẹ... ai là đàn bà đến rát mặt, rát tai.

Nhưng các cụ nói rồi

   Thứ nhất đau đẻ

   Thứ nhì ngứa ghẻ

   Thứ nữa  đòn ghen

Nên chả ai nói gì. Người nghe lắc đầu, kẻ nhìn tủm tỉm... cũng bởi cái sự...

Nàng đau quá chửi chán, cào chán, tụt cả quần ra rồi cứ vậy ôm cái ghế đẩy quanh hành lang trạm xá, mồ hôi nhễ nhại... Anh chồng vừa chạy theo vừa phe phẩy cái quạt cọ ba hào. Nhìn vậy, hẳn chẳng ai nhớ mấy, bởi cái sự đau đẻ còn khối kẻ bi hài. Nhưng thật ấn tượng bởi câu nói của chàng ta mỗi khi phẩy quạt cho vợ:

- Khổ, từ bé tới giờ đã đau như thế này đâu! Khổ quá... khổ...

Mỗi phẩy quạt là một lần than thở của anh chàng... Nó xua đi những câu chát chúa của vợ... Bù vào là cái tình mà anh chàng gói ghém trong sự nhẫn nhịn, sự yêu thương, chăm chút đau, lo cùng cái đau của vợ...

Hiếm có… hiếm có....

 Mặn nồng như đụn trấu mới nhen trong mùa đổi gió... Đôi trai xinh, gái đảm cho ra đời bốn năm, ba mụn con gái. Đứa nét của cha, đứa duyên của mẹ. Hàng xóm kháo nhau:

- Thể nào mà chẳng đẻ thêm cho có cái mậm. Cậu Trung con cả họ, trưởng nghề tổng đó...

 Đùng một cái anh chồng ra đi. Cái sự ra đi cũng hệt như ngày hai người lấy nhau, chóng vánh đến nỗi cả làng xóm, bà con, cả quê hương, họ mạc chẳng ai dám ngờ.

Anh kêu đau sút lưng. Cái nghề thợ cắm cúi ngồi lâu, đứng nhanh nó vậy là lẽ thường.

Anh đi viện... Một tuần, cơ quan nghe bệnh viện báo anh chết. Ngày đó, bệnh viện của công ty ở mãi trên Việt Bắc. Xa lắm.

Chị đi rồi về, khăn trắng đội đầu. Đôi mắt to tròn ngây thơ như nai con ngày nào, giờ thẫn thờ ngơ ngác. Một nách ba con thơ, mới vừa 27 tuổi, cái tuổi mà giờ ối gái còn chưa muốn lấy chồng.

 Lương tạp vụ, tem phiếu hạng E gạo 13 kg, họ nhà chồng lơ đãng vì... sinh toàn gái không người nối nghiệp, cả họ nhà chồng chẳng ai ngó ngàng. Cơ man là khổ.

Sự ra đi của anh, mọi người kể rằng đó là cái số.

Anh đau lưng đã gần khỏi, sắp ra viện (Thư anh viết về sau cái chết một tuần).

 Nhưng! Cái từ nhưng oan nghiệt!

Anh bị ho. Bệnh viện cấp cho anh một lọ thuốc ho bổ phế. Anh ghét cay ghét đắng cái sự uống thuốc.

Trưa đi ngủ, anh với lọ thuốc trên tủ, bịt mũi há mồm dốc thẳng vào họng.

Người nằm kế bên thấy anh quằn quại, với tay trợn mắt kêu cứu... Bác sĩ đến, tay anh vẫn còn cầm vỏ lọ thuốc xoa bóp.

Anh uống nhầm thuốc. Hai lọ thuốc cùng màu, chỉ khác công dụng. Anh không nhìn? Hay anh cố tình? Chẳng ai lý giải được.

Lọ thuốc xoa bóp cực mạnh đã làm cháy cổ họng, đốt gan ruột anh. Các bác sĩ đã làm hết cách, đã rửa ruột, đã dùng mọi biện pháp nhưng anh đã ra đi...

Đường xá xa xôi, nhà neo quẫn. Chị đành nghe theo sự sắp đặt của mọi người. Để anh lại trong nghĩa trang vùng quê, nơi bệnh viện anh nằm.

Bẵng đi một vài tuần, sau ngày anh mất. Làng xóm quen với dáng tất tưởi, lầm lũi đi về của chị. Chẳng ai còn để ý đến câu chuyện ra đi của anh nữa.

Bỗng một đêm, cô gái cạnh nhà chị đi học bổ tú, về gần đến nhà, thì nhìn thấy anh mặc bộ pho kem, đứng cạnh bờ rào giữa nhà anh và nhà cô như chờ đợi ai.

Không hiểu sao cô lại quên mất rằng anh ta đã chết, rằng trước mặt cô chỉ là...

Cô  cất lời hỏi:

- Anh Trung về bao giờ đấy? Không trả lời..

- Anh Trung về bao giờ đấy? Im lặng.

- Anh... A...

Cô vừa định cất lời hỏi tiếp, thì bỗng văng vẳng tiếng trống, tiếng kèn từ bên nhà anh vọng ra, đập vào tai cô gái.

Cô không còn hồn vía.

Cũng chẳng thể chạy tọt vào ngõ nhà dù chỉ hai bước chân.

Chẳng thể kêu lên được.

Cô quay đầu chạy thục mạng. May mà cô cũng còn đủ nhớ lời bà ngoại dặn: “Đi đêm, về hôm, nhỡ gặp ma chớ có chạy thẳng mà phải chạy chữ chi (hình chữ z) tay bắt quyết...

Chạy qua đồng, qua suối, lên bờ, xuống ruộng...

Đang lúc tột cùng của sự sợ hãi, cô lại thấy phía trước mặt mình hai bóng đen đang đi cùng chiều. Sắp ngã ngửa vì không dừng được, thì cô thấy hai bên tay mình như có ai nắm lấy...

Tim sắp ngừng đập. Hai mắt nhắm nghiền.

- Này! Này! Cô bạn sao thế! Bị lay lắc một hồi.... tỉnh lại , thấy hai bàn tay ấm nóng, nhìn lên cô thấy hai anh bạn cùng cơ quan, định thần, thở dốc, đứng dậy, nhìn lại lần nữa, lắc lắc đầu thấy hai tay mình mỗi tay nắm tay một anh chàng mới tin là sự thật.

- Tôi! Tôi gặp... cô há mồm định nói nữa mà không dám thốt ra.

Ngượng nhưng sợ hơn cả (ngày đó đố ai khác giới dám cầm tay nhau) nên cứ vậy cầm tay hai chàng hai bên lôi đi bảo: "Đưa tớ về nhà".

Hẳn là biết cô bạn run lắm nên hai chàng cứ thế quay lại. Chẳng ai nói với ai câu nào.

Cô lôi hai anh chàng theo đến cổng, mặc hai chàng mở (cổng ngày xưa chỉ là cái phên tre đan cài lấy lệ).

Vào đến tận cửa, cô cũng mặc cho hai chàng gõ cửa mà không cất nổi lời.

Nghe tiếng gõ cửa, bố cô ra mở. Mới đầu ông mở to mắt ngạc nhiên định hỏi. Nhưng sau đó ông bảo:

- Mấy đứa vào nhà.

Hai anh bạn xin phép ra về, ông gật đầu rồi lôi cô gái vào.

Ông nhìn thoáng qua cô rồi bảo

- Mày nhìn thấy nó hả? Cô còn đang lơ mơ gật đầu theo quán tính thì ông đã nói tiếp:

- Mẹ nó! Tao cho nó  biết!... Rồi ông phăm phăm ra đằng sau nhà, lát sau, cầm một chiếc cọc chuồng lợn ra đóng thẳng xuống chỗ anh ta vừa hiện về (Sớm sau cô mới biết).

Mãi sau này bố cô mới kể, anh ta mấy lần về đó đứng. Hình như muốn về mà không vào được nhà, vẩn vơ ở ngõ, nếu hợp ai thì theo về. May mà cô cao số. Sau đó nghe đâu chị vợ đã làm lễ kiệu hồn nên anh đã siêu thoát và về nhà mình, không còn lang thang nữa.

 

Theo Chuyện làng quê

 

Bạn đang đọc bài viết "Gặp ma?" tại chuyên mục Văn hóa - Xã hội. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn