Hai lăm con Hạc giấy

Trần Thành Vinh

18/09/2021 09:39

Theo dõi trên

Và năm năm như thế cứ trôi qua dần. Anh chưa bao giờ ước hẹn về một tương lai xa xôi cùng ai cả. Chỉ tội em, như cô Tấm đẹp xinh bước ra từ quả Thị nhưng kết cục lại không hề giống như câu chuyện cổ tích ngày xưa.

lang-que-1631932748.jpg
 

Mùa Hè năm ấy anh mười tuổi, còn em lên năm. Nhà cách nhau chỉ một tường gạch cũ rêu bám đầy. Cả bố mẹ anh và bố mẹ em đều là những người nông dân chính hiệu. Nhàn rỗi hai ông lại rủ nhau lên Hà Nội làm thuê theo những công trình. Mẹ anh và mẹ em thì ở nhà nuôi lợn, bò bê, gà qué. Rồi chăm nom mỗi bên là hai đứa con còn nhỏ dại.

Năm tuổi em vẫn còn chưa đi học, anh đã vào lớp bốn. Những chiều rảnh rỗi anh hay đi chăn bò hoặc tát cá. Em thường lẽo đẽo theo sau. Nhớ có lần vì anh mải chơi để bò ăn lúa của làng bên và bị bắt, em thì bị ngã xuống mương toàn thân lấm đầy bùn rồi khóc. May thay người bắt bò nhà anh lại là bạn đồng ngũ ngày xưa của bố. Nhưng cũng không thể nào tránh được việc đã để em ngã dính đầy bùn, hết mẹ anh rồi lại đến mẹ em ngồi khiển trách.

Sáu tuổi em vào lớp một, anh lại chuyển trường. Nhưng ngày nào em cũng mè nheo bắt anh phải đưa đến lớp dù hai trường ở khoảng cách khá xa. Không đưa đi thì em khóc cả ngày, cơm chẳng buồn ăn, cứ lầm lũi như người tự kỉ. Mẹ em đưa sang, anh lại miễn cưỡng phải nhận lời.

Mười hai tuổi em vào lớp sáu, anh lại chuyển trường. Ngày ấy anh bắt đầu dạy em đạp xe ngoài đường đê, sân bóng muộn hơn nhiều đứa trẻ khác. Tóc em bắt đầu dài ra, đã biết ngại và không còn theo anh đi chăn bò nhiều như xưa nữa.

Mười tám tuổi anh vào đại học, em vẫn còn là cô bé học cấp hai tóc buộc đuôi gà cũn cỡn. Hôm nhà anh liên hoan, vẫn còn nhớ như in cái khoảnh khắc em cầm trên tay chiếc oản (bà đi lễ chùa về) dúi vào balo anh rồi khóc thút thít. Anh xoa đầu, em nũng nịu. Với anh em vẫn chỉ như là cô em gái bé bỏng mà anh thương yêu nhất.

Ngày tháng trôi qua, một ngày kia anh giật mình chợt nhớ ra mình đã là chàng trai hai mốt tuổi. Lên mười sáu, em trổ mã cực kỳ xinh đẹp với đôi má lúm đồng tiền, mái tóc dài qua hông và nụ cười có thể khiến bao gã đàn ông đổ gục. Anh bị một chút xao lòng nhưng vẫn luôn thầm tự nhủ với bản thân "đó chỉ là khoảnh khắc".

Mùa Hè năm đó anh trở về nhà. Buổi chiều như thường lệ lại ra bờ sông hóng gió. Em mặc áo dài trắng tinh khôi ngồi bên hàng Phượng Vỹ ai đó đã trồng nhiều năm trước đây, tay cầm những viên sỏi ném về phía đám lục bình trôi lan man theo dòng nước. Thi thoảng lại ngước nhìn anh thở dài. Mắt ướt nhòe đi khi thấy anh cười mỉm. Anh chẳng hỏi, cũng không tiến đến gần vì biết cô bé ngày xưa ở cạnh bên nay đã thành thiếu nữ.

Buổi tối trước hôm anh lên đường, em nhờ Mai (đứa em gái học lớp bảy) cầm sang đưa cho anh một mảnh giấy hơi nhàu. Bức ảnh vẽ một chàng thanh niên trạc ngoài hai mươi tuổi đang cầm tay một thiếu nữ đi dưới hàng cây xanh rì. Ở dưới là dòng chữ thật xinh và nắn nót: “Anh đi bình yên và nhớ quay trở về. Em sẽ đợi”. Buồn thay, ngoài hai mươi tuổi anh vẫn là một cậu thanh niên ham chơi giống thuở nào dù đôi lúc vẫn vùi đầu vào công việc nếu bị thời gian chi phối. Em cũng lên Hà Nội học, trường cách nhà trọ anh hơn mười lăm cây số nhưng cuối tuần nào cũng bắt xe sang thăm. Anh ở một mình, thường xuyên đi theo những công trường xa đầy nắng gió. Em có chìa khóa riêng nhưng không bao giờ ở lại. Chỉ đến giặt quần áo, dọn dẹp xong xuôi cắm một bó hoa theo đó của bốn mùa vào bảng gỗ khô rồi ra về lặng lẽ.

Và năm năm như thế cứ trôi qua dần. Anh chưa bao giờ ước hẹn về một tương lai xa xôi cùng ai cả. Chỉ tội em, như cô Tấm đẹp xinh bước ra từ quả Thị nhưng kết cục lại không hề giống như câu chuyện cổ tích ngày xưa.

Rồi em đi lấy chồng. Ngày anh nghe được tin mà hai tai ù đi, đất trời như tối sầm lại. Cảm giác về sự mất mát đang bao trùm. Hôm đám cưới anh về nhưng chẳng dám sang. Chỉ đứng tựa bên bức tường cũ, kết thành hai lăm con Hạc giấy đủ màu - là năm em vừa hai lăm tuổi. Mua thêm một chiếc thuyền nan thả xuống con sông trước nhà. Những giọt nước mắt cuối cùng của em lúc đi ngang qua khóc thương cho người cũ.

Mùa Hè năm nay anh lại trở về. Con sông tuổi thơ của anh và em thì vẫn còn ở đó. Nhà anh, nhà em vẫn còn chung bức tường rêu dạo nào...

 

Bạn đang đọc bài viết "Hai lăm con Hạc giấy" tại chuyên mục Văn hóa - Xã hội. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn