Lục tỉnh Nam Kỳ khói lửa (Tiểu thuyết Lịch sử) - Kỳ 16

05/06/2024 06:06

Theo dõi trên

Trân trọng giới thiệu tiếp với bạn đọc Tiểu thuyết lịch sử “Lục tỉnh Nam Kỳ khói lửa” của PGS TS Cao Văn Liên do NXB Hồng Đức ấn hành năm 2024.

Kỳ 16.

Trương Công Định dừng lại bê ly nước uống và nói tiếp:

-Trong những ngày khói lửa vừa qua, tình hình rất nguy khốn. Các vị đã trực tiếp tham chiến ở Đại Đồn Chí Hòa, Gia Định và các nơi khác. Các vị không khỏi lo lắng cho vận mệnh của đất nước. Hôm nay chúng ta tụ nghĩa về đây để giúp triều đình, sau nữa là giúp dân cứu nước, cứu lục tỉnh Nam Kỳ.

Chúng ta có lẽ đã quen biết nhau nhưng có thể chưa biết nhau nhiều. Bây giờ mời quý vị kể qua quê quán nghề nghiệp, tên tuổi để tiện lợi cho việc phối hợp với nhau chống giặc.

Nguyễn Trung Trực đứng dậy nói:

-Xin kính mời chủ tướng Trương Công Định nói trước.

Cả hội nghị tán thành:

-Kính mời chủ tướng.

Trương Công Định chắp tay và nói:

-Đa tạ các quý vị đã nhường cho tại hạ nói trước. Tại hạ tên là Trương Công Định, còn gọi là Trương Định, sinh năm 1820 tại làng Tư Cung, phủ Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi. Thân phụ là Trương Cầm, từng là Hữu thủy vệ ở Gia Định dưới thời vua Thiệu Trị. Năm 1844 tại hạ theo cha vào Nam. Sau khi thân phụ mất, tại hạ trú ngụ tại nơi thân phụ đóng quân rồi kết nghĩa phu thê với phu nhân Lê Thị Thưởng, con gái một nhà hào phú ở huyện Tân Hòa-Gò Công thuộc tỉnh Gia Định. Năm 1850 hưởng ứng chính sách khai hoang của Đại Thần Nguyễn Tri Phương, tại hạ xuất tiền chiêu mộ dân nghèo lập đồn điền ở Gia Thuận, Gò Công, vì thế được triều đình bổ làm Quản cơ, hàm Chánh lục phẩm. Năm 1859, khi Pháp tấn công Gia Định lần thứ nhất, tại hạ đem quân bản bộ lên Gia Định đánh Pháp và sau đó tham gia trận Đại Đồn Chí Hòa. Khi Đại Đồn thất thủ, tại hạ  cùng các quý vị về Gò Công xây dựng căn cứ chuẩn bị kháng chiến.

Trương Công Định dừng lại và nói:

-Xin mời ngài Nguyễn Trung Trực.

Nguyễn Trung Trực đứng dậy chắp tay cúi chào:

     -Xin kính chào chủ tướng, kính chào các quý vị, tại hạ tên là Nguyễn Văn Lịch, còn có tên là Nguyễn Trung Trực, sinh năm 1838 tại xóm Nghề, thôn Bình Nhựt, tổng Cửu Cư Hạ, phủ Tân An, tỉnh Gia Định [1]. Nguyên quán của tại hạ là xóm Lưới, thôn Vĩnh Hội, tổng Trung An, huyện Phú Cát, tỉnh Bình Định. Ông nội tại hạ là Nguyễn Văn Đại, thân phụ là Nguyễn Văn Phụng, thân mẫu là Lê Kim Hồng. Khi chiến tranh giữa Tây Sơn với các chúa Nguyễn nổ ra, ông nội tại hạ di cư vào Nam và định cư ở thôn Bình Nhựt, sống bằng nghề chài lưới ở hai con sông Vàm Cỏ Đông và Vàm Cỏ Tây. Tại hạ được học văn võ tại Bảo Định, Định Tường. Trong cuộc thi năm 1858-1859 tại hạ đoạt giải quán quân võ đài tại tại Cai Tài, Phủ Lý Tân An. Các võ sinh tham gia võ đài tôn tại hạ làm thủ lĩnh đánh Pháp.

Tháng 2 năm 1859, Pháp tấn công thành Gia Định, tại hạ chiêu mộ quân và về chiến đấu ở Đại Đồn Chí Hòa, sau đó tại hạ về Tân An. Ngày 10-3 năm Canh Thân 1860 tuyên thệ làm lễ xuất quân, về thành Kỳ Hòa dưới quyền chỉ huy của ngài Trương Công Định, được phong Quyền Quản binh đạo. Khi thành Kỳ Hòa thất thủ, tại hạ lui về phủ Tân An và đi theo tướng quân Trương Công Định. Khi ở Tân An, ngày 10 tháng 12 năm 1861 nghĩa quân của tại hạ đã đốt cháy chiến hạm “Hi Vọng” Pháp trên sông Nhật Tảo (một nhánh của Vàm Cỏ Đông), là một sự kiện làm quân Pháp khiếp sợ, cổ vũ lòng yêu bước của nhân dân Nam Kỳ.

Nguyễn Trung Trực chắp tay vái chào và ngồi xuống. Trương Công Định nói:

-Ngài Nguyễn Trung Trực vừa lập chiến công xuất sắc, gợi ý cho chúng ta đốt cháy nhiều tàu Pháp hơn nữa để hạn chế sự hoành hành của chúng trên các con sông của ta. Xin mời ngài Võ Duy Dương.

Một người dáng võ quan đứng dậy vái chào mọi người:

-Xin kính chào chủ tướng Trương Công Định, chào các quý vị, tại hạ là Võ Duy Dương sinh năm 1827 tại thôn Cù Lâm Nam, xã Nhơn Tân, huyện An Nhơn, tỉnh Bình Định. Thân phụ qua đời sớm cho nên hoàn cảnh gia đình khó khăn, tại hạ phải đi chăn trâu cho nhà giầu để sinh sống. Năm 1857, hưởng ứng chính sách đồn điền của ngài Nguyễn Tri Phương, tại hạ đã vượt biển đến Nam Kỳ, định cư ở đất Ba Giồng, ven Đồng Tháp Mười[2] chiêu dân lập ấp. Tại hạ đã giao lưu với ngài Nguyễn Hữu Huân và trở thành một hào phú ở địa phương.

Tháng 2 năm 1859, Pháp tấn công thành Gia Định, tháng 4 năm 1861 chúng đánh thành Mỹ Tho. Tại hạ cùng Nguyễn Hữu Huân kéo lực lượng về Gia Định đánh Pháp, vì thế tại hạ được phong chức Chánh quản đạo. Sau khi thành Gia Định thất thủ, tại hạ vượt biển về kinh đô Huế gặp vua Tự Đức hiến kế chống Pháp. Sau đó tại hạ được điều về Quảng Nam dẹp loạn Thạch Bích, được phong hàm Chánh bát phẩm thiên hộ vào năm 1860 nên người ta gọi tại hạ là Thiên Hộ Dương. Tháng 5 năm 1861, tại hạ được sung vào phái bộ của Khâm Phái quân vụ Đỗ Thúc Tĩnh vào Nam để chiêu mộ nghĩa quân chống Pháp. Tại hạ chiêu mộ được 1.000 lính. Hiện nay nghĩa quân của tại hạ đang đóng ở Bình Cách. Nay tại hạ về đây để liên kết với ngài Lãnh binh Trương Công Định, với tất cả các ngài để cùng nhau chống ngoại xâm cứu nước. Xin đa tạ ngài Trương Công Định và các ngài.

Thiên Hộ Dương cúi đầu chào và ngồi xuống bê ly nước uống. Trương Công Định nói:

-Xin kính mời ngài Nguyễn Hữu Huân.

Một người dáng dấp nhà Nho đứng dậy cúi chào và nói:

-Xin kính chào quý vị, tại hạ sinh năm 1830 tại làng Tinh Hà, huyện Kiến Hưng, tỉnh Định Tường [3]. Năm Nhâm Tý 1852 tại hạ thi hương và đỗ đầu nên người ta gọi là Thủ Khoa Huân, làm chức Giáo thụ phủ Kiến An. Khi Pháp đánh chiếm 3 tỉnh miền Đông, trong đó có tỉnh Định Tường quê hương của tại hạ, tại hạ đã ra chống Pháp tháng 5 năm 1859 và được giữ chức Phó Quản đạo. Năm 1861 nghĩa quân của tại hạ hoạt động từ Tân An đến Mỹ Tho và hợp tác, gia nhập với lực lượng của ngài Trương Công Định. Xin cảm tạ ngài Trương công Định và các quý vị.

Nguyễn Hữu Huân ngồi xuống và bê ly nước uống. Trương Công Định nói:

-Thưa quý vị, tham gia chống Pháp không chỉ có võ tướng văn quan mà còn có thi sĩ dùng văn thơ kêu gọi lòng yêu nước và chống pháp. Kính mời Nhà Thơ nổi tiếng của chúng ta Nguyễn Đình Chiểu.

(Còn Nữa)

CVL

----------------------

[1] .Nay là Bến Lức, Tỉnh Long An.

[2] .Nay là Châu Thành, Cai Lậy, Cái Bè, Tiền Giang.

[3] .Nay là Chợ Gạo, Tiền Giang.

Bạn đang đọc bài viết "Lục tỉnh Nam Kỳ khói lửa (Tiểu thuyết Lịch sử) - Kỳ 16" tại chuyên mục Nghiên cứu. Hotline: 03 6690 8888 | Email: tapchivanhoavaphattrien@gmail.com