Lục tỉnh Nam Kỳ khói lửa (Tiểu thuyết Lịch sử) - Kỳ 19

PGS TS Cao Văn Liên

08/06/2024 06:17

Theo dõi trên

Trân trọng giới thiệu tiếp với bạn đọc Tiểu thuyết lịch sử “Lục tỉnh Nam Kỳ khói lửa” của PGS TS Cao Văn Liên do NXB Hồng Đức ấn hành năm 2024.

Kỳ 19.

Còn có những tướng đã hi sinh trong khi chống Pháp xâm lược như ngài Đỗ Trình Thoại, quê quán ở thôn Yên Luông, huyện Kiến Hòa, Tỉnh Định Tường[1]. Năm Quý Mão 1843 Đỗ Trình Thoại thi đỗ cử nhân tại trường thi hương Gia Định, được triều đình bổ làm tri huyện Tân Hòa (Gò Công) nên được gọi là Huyện Thoại. Ngày 17 tháng 2 năm 1859 Pháp tấn công thành Gia Định, sau đó tấn công Đại Đồn Chí Hòa, Đỗ Trình Thoại đã tham gia vào nghĩa quân của chủ tướng Trương Công Định chiến đấu ở Đại Đồn. Sau khi Đại Đồn Chí Hòa thất thủ, Đỗ Trình Thoại về Gò Công chống Pháp. Ngày 22-6-1861 ngài đã cùng 600 nghĩa quân tấn công đồn Pháp ở Gò Công. Nghĩa quân vượt qua phòng tuyến kiên cố. Trong đồn quân Pháp bắn ra dữ dội. Quân ta đánh giáp lá cà với quân Pháp trong đồn. Đỗ Trình Thoại có võ nên dùng gươm tiêu diệt tên lính thủy đánh bộ của Pháp Boziez, đâm trọng thương tên đồn trưởng  kiêm Giám đốc bản xứ sự Gò Công  Paul Vial. Nhưng Đỗ Trình Thoại sau đó đã trúng đạn hy sinh cùng 12 phó tướng.  Một người nữa đã hy sinh là ngài Phan Văn Đạt. Ngài Phan Văn Đạt, hiệu là Minh Trai, sinh năm 1828 tại thôn Bình Thanh, huyện tân Thanh, phủ Tân An[2]. Phụ thân là Phan Văn Mỹ, là một nông dân nghèo, do đó ngày nhỏ Phan Văn Đạt sống trong vất vả nhưng do ham học nên cũng tạm làu kinh sử.

Năm Canh Thân 1860, ngài Phan Văn Đạt thi đỗ cử nhân tại Gia Định. Ngày thân mẫu qua đời phải nhờ bạn bè giúp đỡ mới có tiền mai táng. Vợ mất sớm, vì thế một mình ngài phải làm việc nuôi cha già, nuôi con gái nhỏ. Năm 1861 thân phụ cũng mất. Mai táng thân phụ xong, ngài gửi đứa con gái nhỏ cho anh em nuôi rồi tự cho rằng việc riêng đã xong, từ nay về sau tùy theo tạo hóa vần xoay.

Ngày 25 tháng 2 năm 1861 Đại Đồn Chí Hòa thất thủ. Quan quân triều đình rút về cố thủ ở Tân Bình và Biên Hòa. Để chống Pháp, ngài Phan Văn Đạt cùng tướng Cao Lê Dũng và cậu là Trịnh Quang Nghi khởi binh đánh pháp ở Biện Kiều. 16-7-1861 bị Pháp bắt và ngài hy sinh.

        -Hôm nay tụ hội về đây để có mối liên hệ, sau cuộc hội ngộ này chúng ta phải chia nhau ra đi về các địa bàn mà các quý vị đang hoạt động để thực hiện đánh Pháp khắp 3 tỉnh, buộc quân pháp phải phân tán lực lượng để chúng ta dễ dàng tiêu diệt và cũng là để các địa phương hỗ trợ nhau, liên hệ hợp đồng tác chiến cho thêm phần tăng sức mạnh. Thực hiện kế hoạch này, nay tôi phân công như thế này:

-Tướng quân Nguyễn Trung Trực đánh Pháp ở địa bàn Tân An, sông Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây, ngài Võ Duy Dương đánh Pháp ở Đồng Tháp Mười, ngài Nguyễn Hữu Huân đánh pháp ở Bình Cách (Tân An), ngài Bùi Quang Diệu đánh Pháp ở Cần Giuộc, ngài Nguyễn Nhựt Chi, phó tướng của ta đánh Pháp ở Gò Công, ngài Nguyễn Tấn Kiều cùng đánh Pháp với ngài Võ Duy Dương ở Đồng Tháp Mười, ngài Đặng Khánh Tình đánh Pháp ở Tân Hòa, Gò Công, ngài Trần Xuân Hòa đánh Pháp ở Thành Mỹ Quý, Thuộc Nhiêu, Cai Lậy, Định Tường, ngài Hồ Huân Nghiệp làm tri phủ cho quân ta, giúp căn cứ Gò Công đánh Pháp, ngài Nguyễn Ngọc Chấn đánh Pháp tại Gò Công thuộc quân của Trương Công Định, Ngài Nguyễn Đình Chiểu, Phan Văn Trị là mưu sĩ trong bản doanh Gò Công, ngài Lưu Tuấn Thiện là Bình Tây Tham tán Quân vụ, trong quân của ta đánh pháp ở Gò Công, ngài Huỳnh Công Tấn đánh Pháp ở Gò Công.

Trương Công Định uống ly nước rồi nói tiếp:

-Thưa các quý vị, qua các cuộc giao chiến giữa ta và Pháp, quân Pháp dù quân số ít nhưng đã thắng lợi, quân triều đình tuy đông nhưng liên tục thất bại, nguyên nhân Pháp có vũ khí hiện đại chỉ là một phần, nguyên nhân chính là các tướng lĩnh triều đình hèn nhát, run sợ không dám quyết chiến, chỉ có cố thủ chờ quân Pháp tấn công. Cho nên tại hạ ra lệnh cho các tướng lĩnh phải áp dụng chiến thuật cơ động trong tác chiến, khi quân Pháp hành quân thì phải mai phục, phục kích, truy kích, đánh đồn thì phải tập kích, áp dụng triệt để linh hoạt chiến thuật du kích, đặc biệt đánh chặn những đoàn xe tiếp tế lương thực của địch, làm thế nào đánh được tàu chiến địch trên biển, trên sông, chiến công đốt cháy tàu ”Hi vọng ” của Pháp trên sông Nhựt Tảo Vàm Cỏ của tướng quân Nguyễn Trung Trực là một tấm gương và bài học, trừng trị bọn Việt gian bán nước làm tay sai cho giặc. Pháp không thông thạo địa hình nhưng sử dụng bọn Việt gian dẫn đường, chỉ đường rất nguy hiểm.

Trong phòng họp tất cả đều đồng thanh đáp:

-Xin vâng lệnh và thực hiện lời dạy của tướng quân.

Trương Công Định nói tiếp:

-Xin chúc tất cả các tướng lĩnh mạnh khỏe về căn cứ đẩy mạnh kháng chiến ở địa phương và thu được nhiều thắng lợi. Trước khi chia tay xin mời các quý vị xuống nhà ăn chúc với nhau ly rượu nhạt giao tình với nhau.

-Xin đa tạ tướng quân.

Mọi người đứng dậy đi xuống nhà ăn cạn ly mãi tới chiều mới lên đường tỏa ra ba tỉnh miền Đông đánh Pháp.

(Còn nữa)

CVL

 

[1] . Nay là Gò Công Tây, Tiền Giang.

[2] . Nay Là Châu Thành, Long An.

Bạn đang đọc bài viết "Lục tỉnh Nam Kỳ khói lửa (Tiểu thuyết Lịch sử) - Kỳ 19" tại chuyên mục Nghiên cứu. Hotline: 03 6690 8888 | Email: tapchivanhoavaphattrien@gmail.com