Ngày Xuân nói chuyện Tết xưa - Tết nay ở nông thôn

Tản văn của Đặng Văn Hương

13/02/2024 15:00

Theo dõi trên

Những ngày cuối năm, mọi người đều tích cực chuẩn bị Tết, còn mấy ông hưu trí vẫn bình chân như vại, nhân dịp không khí Tết để bàn luận về Tết xưa, Tết nay. Ông Nhinh mở đầu: Chú thấy Tết nay có hơn Tết xưa không? Tôi bảo: mình phân tích, so sánh thì mới kết luận được.

dt2aq-1707810790.jpg

Ảnh minh họa do tác giả lựa chọn.

 

Theo tôi có 3 giai đoạn: chuẩn bị Tết, trong ngày Tết và sau dịp Tết. Ông Nhinh khen: Em là ông giáo toán nên bài bản, khoa học, chặt chẽ, kết luận là chính xác. Trước hết mình nói về công tác chuẩn bị Tết. Tôi cười: Anh dùng từ "công tác chuẩn bị" Tết nghe như văn bản nhà nước. Quả thật, Tết vui, rạo rực là lúc chuẩn bị, ngày xưa cái gì tốt, hay, đẹp, quý hiếm... đều dành đến Tết. Có vài yến thóc nếp, đỗ xanh ngon là dành gói bánh chưng. Nuôi được con gà, nhất là con lợn nuôi cả năm trời cũng chủ định dành cho Tết. Mua manh áo mới cho con cháu cũng không dám mặc, dành đến Tết. Ông Nhinh bảo: dân nông thôn gần Tết được nhà nước bán cho nửa lít nước mắm (loại đựng trong thùng), ít mỳ chính, hộp mứt, chai rượu cam (thùng), bao thuốc lá Đồ sơn, bánh pháo tép và HTX cho "ăn đụng" vài cân thịt lợn. Hôm nhận hàng Tết vui hơn ngày hội, ai cũng tươi cười phấn khởi. Trên bàn thờ cúng gia tiên có hộp mứt, quả bưởi, bánh chưng, bánh tẻ, nải chuối tiêu. Tôi bảo: nhà nào cũng chuẩn bị gạo nếp gói bánh chưng thật nhiều, luộc chín bánh, treo lủng lẳng trên sào cho khô nước, bánh lâu hỏng. Gần Tết lo nhất là xay lúa giã gạo "ăn Tết" và xay bột làm bánh tẻ. Nhà nào cũng làm hơn 10 chiếc bánh tẻ, gói dài như bánh tét, nhân bánh là mộc nhĩ, hành khô, mỡ nước. Trong năm đã chuẩn bị nguyên liệu làm bánh gai, bánh mật, bánh nẳng, bánh chè lam và gần Tết là làm mấy loại bánh này. Nhà đầy củi khô để nấu bánh chưng, bánh tẻ và nấu ăn trong dịp Tết nhưng vẫn phải lấy củi nứa khô để đun lúc khuấy bột tẻ để làm bánh tẻ, rất cầu kỳ! Vừa chuẩn bị Tết nhưng người dân quê vẫn lo cấy xong lúa chiêm, cắt cỏ cho trâu bò ăn trong mấy ngày Tết. Việc cành đào nhỏ thờ cúng được chặt từ cây đào trồng ở vườn, Ông Nhinh bảo: Bây giờ người ta chơi cả gốc đào "khùng ", không đúng với ý nghĩa của cành đào ngày Tết. Rồi ông sốt ruột: chú kể đến mai, không hết công tác chuẩn bị, thôi chuyển sang ngày Tết đi. Rồi ông nói: vào 26 Tết là dân làng làm cây đu, mỗi xóm có một cây đu, sân chơi cờ tướng (lấy người đứng làm quân cờ), gà chọi. Rồi trong làng bắt đầu mổ lợn, eng éc vang trời, luân phiên nhau mượn cân về cân lợn, chia phần thịt lợn, về nhà chế biến các món ăn ngon, còn dư lại cho ướp muối, băm muối sườn để dành làm thức ăn sau này. Tôi nói: nhà nào cũng làm bánh chưng cho nên lấy lá cỏng (lá cây chít) gói bánh chưng, dễ bóc bánh, không gói bằng lá dong. Phải luộc chín lá, ngâm cọ rửa sạch, bó lá lên cột nhà cho khô nước, rồi giúp nhau gói bánh. Nhà tôi có chiếc nồi đồng rất to, cả xóm mượn nấu bánh, nên phải đăng ký trước, sắp xếp lịch nấu bánh cho từng nhà, liên tục cả ngày, cả đêm, nấu xong trả công nồi là một cái bánh nhỏ. Có một phong tục Tết rất đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam là con cháu lễ Tết "bề trên" bằng bánh chưng, bánh tẻ, bánh mật, bánh gai, thể hiện tấm lòng hiếu thảo, biết ơn!

Ông Nhinh bảo: chiều 30 Tết nhà nào cũng có mâm cỗ cúng gia tiên, sau khi cúng xong là đốt pháo mừng, thông báo cho làng xóm là nhà tôi đã xong thủ tục và sắp ăn cỗ uống rượu. Trẻ con tranh nhau nhặt chiếc pháo chưa nổ và tiếp tục đốt đùng đoàng vui vẻ, báo hiệu Tết. Mâm cỗ Tết ngày ấy gồm: đĩa thịt gà, 2 đĩa thịt lợn luộc nhiều mỡ ít nạc, có vài miếng nội tâm đặt lên trên, đĩa thịt nướng, đĩa sào su hào, hai bát canh măng khô, dưa hành, đĩa bánh chưng, bánh tẻ, cơm tẻ, bát nước mắm và cút rượu trắng. Gia đình nào mổ lợn to, có kinh nghiệm mới giã giò nạc, gói giò sỏ, chân lợn, đây là món sang trọng, ít có! Đêm giao thừa mọi người mong chờ phút giao thừa nghe Bác Hồ đọc thơ chúc mừng năm mới qua đài Tiếng nói Việt Nam. Một số gia đình khá giả có cúng trời đất lúc chuyển giao năm cũ sang năm mới và chọn người xông đất đầu năm mới. Tôi luôn được chọn đi xông đất đầu năm mới cho nhà bác họ, được mừng tuổi 2 hào, như 200K bây giờ, vui lắm. Sáng mùng 1 Tết mọi nhà đều làm cỗ cúng gia tiên, cầu mong sao có một năm mạnh khỏe, may mắn, trồng trọt, chăn nuôi, học hành phát triển hơn năm trước. Sau khi cúng xong là đốt pháo mừng năm mới, làm làng xóm sốt ruột, giục con cháu nấu nướng nhanh lên cho kịp, trước nhà khác! Sau khi ăn cỗ xong, con cháu chúc mừng ông bà, bố, mẹ bằng những lời chúc sức khỏe, vui vẻ, đoàn kết, thành công, hạnh phúc (không mừng tiền như bây giờ), rồi người trẻ đi chơi Tết. Trẻ con đến bãi chơi đu, xem chọi gà, cờ tướng hoặc đi cùng người lớn chúc Tết gia đình anh em nội ngoại xa gần, ăn cỗ, uống rượu, bánh kẹo... đông vui, tấp nập với những tấm áo mới. Tết là vui chơi nơi công cộng, sân kho HTX, bãi cỏ xanh sạch. Ông Nhinh lắc đầu: Bây giờ Tết là hầu hết ở nhà, trẻ con xem điện thoại, người lớn cũng xem điện thoại, tivi, muốn đi chơi cũng chẳng biết chơi ở đâu?! Nông thôn bây giờ chẳng còn những trò chơi cổ truyền dân tộc nữa. Nhà văn hóa khu dân cư vắng teo, treo khẩu hiệu "chúc mừng năm mới" và cờ Tổ quốc tung bay trong gió. Đường xá ồn ào xe máy ô tô, tai nạn giao thông chết người, bị thương, cao hơn ngày thường. Nếu xét về cảm giác, niềm vui của mọi người trong Tết ngày xưa hơn Tết bây giờ.

Sau Tết ở vùng nông thôn ngày ấy không khí Tết vẫn còn nhiều niềm vui ở cây đu, ríu rít trẻ em, người lớn đánh đu, kéo dài cho đến khi cây đu khô, hỏng mới thôi. Tết người dân đến lễ chùa lúc giao thừa và những ngày đầu năm mới, cầu mong cho quê hương bình an, may mắn, hạnh phúc. Sau Tết hương vị ngày Tết đậm đà ở bánh chưng rán, bánh kẹo, bánh nẳng giúp cho việc tiêu hóa chất mỡ, nếp tốt hơn. Mọi người cùng nhau lao động chăm sóc lúa chiêm, trồng cây đầu xuân, trẻ em vui vẻ đến trường. Kết thúc một Tết vui vẻ, tràn đầy niềm tin vào những ngày năm mới thành công hạnh phúc! Tôi và ông Nhinh chúc mừng năm mới mọi người mạnh khỏe, may mắn, mọi sự tốt lành, hạnh phúc!

Đ.V.H

Trái tim người lính

Bạn đang đọc bài viết " Ngày Xuân nói chuyện Tết xưa - Tết nay ở nông thôn" tại chuyên mục Diễn đàn. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn