Sớm quán triệt, triển khai các luật, nghị quyết được thông qua tại Kỳ họp thứ 5 của Quốc hội đi vào cuộc sống, phát huy hiệu quả

Xuân Vũ (tổng hợp)

24/06/2023 21:21

Theo dõi trên

Sau 23 ngày làm việc, chiều 24/6, Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV đã kết thúc tốt đẹp hoàn thành toàn bộ chương trình đề ra.

Phát biểu tại phiên bế mạc Kỳ họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh: Tại Kỳ họp này, Quốc hội đã xem xét kỹ lưỡng, biểu quyết thông qua 8 luật, gồm 6 luật đã cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 4, bao gồm: Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; Luật Đấu thầu; Luật Giá; Luật Giao dịch điện tử; Luật Hợp tác xã; Luật Phòng thủ dân sự. Quốc hội cũng cho ý kiến và thông qua theo quy trình tại một kỳ họp đối với 2 luật là: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam. 

b1-qh246a-1687616417.jpg

Toàn cảnh phiên bế mạc Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV. Ảnh: TTXVN

 

Quốc hội cũng đã thông qua ba nghị quyết quy phạm pháp luật gồm: Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn; Nghị quyết Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023; Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh.

Quốc hội đã nghe Chính phủ báo cáo kết quả lấy ý kiến nhân dân về dự án Luật Đất đai (sửa đổi) với hơn 12 triệu lượt ý kiến, cho ý kiến lần thứ hai, hoàn thiện một bước cơ bản đối với dự án Luật Đất đai (sửa đổi); cho nhiều ý kiến lần đầu rất quan trọng đối với 8 dự án luật khác, gồm: Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi); Luật Căn cước công dân (sửa đổi); Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi); Luật Nhà ở (sửa đổi); Luật Tài nguyên nước (sửa đổi); Luật Viễn thông (sửa đổi); Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự; Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định: Với kết quả công tác lập pháp tại Kỳ họp này, Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan, tổ chức hữu quan đã hoàn thành 112/137 nhiệm vụ nghiên cứu lập pháp của cả nhiệm kỳ, đạt tỷ lệ 81,8%. Trong đó, có 32 nhiệm vụ đã được ban hành thành luật, pháp lệnh, nghị quyết quy phạm pháp luật; 29 dự án luật, pháp lệnh, nghị quyết đã được đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023 và năm 2024. 

Từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đến nay, mặc dù gặp rất nhiều khó khăn do tác động của đại dịch COVID-19, diễn biến phức tạp, khó lường của tình hình thế giới, khu vực, nhiều vấn đề mới phát sinh, nhưng Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan, tổ chức hữu quan đã bám sát thực tiễn, quyết liệt chỉ đạo, chủ động, linh hoạt, có nhiều cách làm mới, sáng tạo, hiệu quả, đề cao trách nhiệm với tinh thần chủ động, vào cuộc “từ sớm, từ xa”, đạt được nhiều kết quả quan trọng trong công tác lập pháp. 

Trong thời gian còn lại của nhiệm kỳ, khối lượng công việc rất lớn, yêu cầu rất cao cả về chất lượng và tiến độ. Đề nghị Chính phủ, các cơ quan của Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán nhà nước, các cơ quan, tổ chức hữu quan tập trung chỉ đạo hoàn thành Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, các nhiệm vụ lập pháp còn lại của nhiệm kỳ đã có trong kế hoạch và nghiên cứu, đề xuất bổ sung thêm các nhiệm vụ lập pháp cần thiết để tiếp tục hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển, đảm bảo quyền con người, quyền công dân, đáp ứng yêu cầu phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, hội nhập quốc tế, tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Đồng thời, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, tăng cường phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật; tuyệt đối không để xảy ra tình trạng “tham nhũng chính sách”, lồng ghép “lợi ích nhóm”, lợi ích cục bộ của cơ quan quản lý nhà nước trong văn bản quy phạm pháp luật hoặc chỉ thiên về tạo thuận lợi cho cơ quan quản lý mà chưa xem xét thỏa đáng các quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân, doanh nghiệp.

Chủ tịch Quốc hội cho rằng, để giải quyết căn cơ những bất cập của cơ chế, chính sách, Quốc hội quyết định giao Chính phủ chủ trì, phối hợp với các cơ quan của Quốc hội, cơ quan hữu quan, các địa phương tổ chức rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, trọng tâm là pháp luật về đấu thầu, đấu giá, quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai, tài sản công, ngân sách nhà nước, tài chính công, hợp tác công tư, xã hội hóa các dịch vụ công, đầu tư, môi trường, xây dựng, kinh doanh bất động sản, ngân hàng, tài chính, tự chủ tài chính, chứng khoán, trái phiếu, doanh nghiệp, giám định, định giá…; xác định cụ thể những quy định chưa rõ ràng, có mâu thuẫn, chồng chéo, sơ hở, bất cập, những vấn đề vướng mắc trong các luật, nghị định, thông tư, văn bản hướng dẫn…, báo cáo kết quả rà soát tại Kỳ họp thứ 6 (tháng 10/2023); kịp thời chỉ đạo sửa đổi, bổ sung theo thẩm quyền các văn bản dưới luật không còn phù hợp, kiến nghị Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các luật, nghị quyết có liên quan.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, tại kỳ họp này, Quốc hội cũng đã xem xét, quyết định công tác nhân sự đối với chức danh Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường nhiệm kỳ 2021 - 2026, phê chuẩn đề nghị bổ nhiệm 1 thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị, để các luật, nghị quyết của Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 5 sớm đi vào cuộc sống và phát huy hiệu quả, bảo đảm yêu cầu “gắn kết chặt chẽ giữa xây dựng pháp luật với thực hiện pháp luật, bảo đảm pháp luật được thực hiện công bằng, nghiêm minh, nhất quán, kịp thời, hiệu lực, hiệu quả”; Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ phối hợp với Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, các cơ quan, tổ chức hữu quan sẽ tổ chức hội nghị toàn quốc để quán triệt và triển khai các luật, nghị quyết được thông qua tại Kỳ họp này trong Quý III/2023, đồng thời rà soát, đôn đốc việc thực hiện các luật, nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội được ban hành từ đầu nhiệm kỳ khóa XV và sẽ đưa nội dung này thành hoạt động định kỳ của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sau mỗi kỳ họp của Quốc hội.

Hội nghị giữa nhiệm kỳ Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII vừa qua đã đề ra những phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm trong nửa cuối của nhiệm kỳ. Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, trên cơ sở kết quả của Hội nghị, được tiếp nối và phát huy qua thành công tốt đẹp của Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, chúng ta tin tưởng rằng, dưới sự lãnh đạo đúng đắn, sáng suốt của Đảng, sự phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng và vào cuộc tích cực, chủ động của các cấp, các ngành và cả hệ thống chính trị, sự ủng hộ, đồng lòng, nỗ lực và tâm huyết của Nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp, chúng ta sẽ vượt qua được khó khăn, thách thức, nắm bắt được thời cơ, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 và giai đoạn 2021 - 2025, từng bước hiện thực hóa các mục tiêu đề ra trong Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng.