Tiếng gà

Muoi Tam Chin

04/09/2021 23:45

Theo dõi trên

Sau nhà tôi có một bãi đất trống, các nhà sống ở đó dùng để nuôi gà. Giữa Sài Gòn tấp nập dễ dàng mua bất cứ thứ gì thì gà nuôi không phải để thịt mà chỉ dành để bắt độ đá nhau.

Lâu lâu nghe ồn ào, mở cửa sổ nhìn xuống tôi vẫn hay thấy một đám đông quây tròn hò reo nhiệt tình, ở giữa là hai con gà trống đang giương oai diễu võ. Xong trận người thua kẻ thắng nhưng đôi bên vẫn hớn hở. Chỉ tội nghiệp con gà trống thua nằm giãy đành đạch một mình, máu từ kẽ miệng tứa ra! Cuộc sống những gia đình này cứ ngày qua ngày thật nhẹ nhàng. Lúc nào tôi cũng thấy họ tề tụ ở nhà, uống cafe, nhậu nhẹt, karaoke liên miên, không hiểu họ làm gì kiếm ra tiền dễ dàng như vậy. Lắm lúc họ cũng hơi gây phiền, nhưng người đô thị mạnh ai nấy lo, có bực thì hạn chế giao du đỡ rầy rà, một điều nhịn hơn chín điều lành! Nhưng cứ mỗi sớm tinh mơ hãy còn ngái ngủ, những tiếng gà quen thuộc từ bãi đất trống đua nhau gáy vang cứ làm tôi lan man giữa cõi mê cõi tỉnh để như lạc về mảnh quê xưa !

ch-que3-1630748667.jpg
Ảnh minh họa do tác giả tuyển chọn.

Làng tôi nhà nào cũng nuôi mấy bầy gà. Lúa thóc nhà quê nhiều, rơm rạ hoặc lúc phơi phóng vương vãi nên gà nuôi rất tiện. Sáng mở cửa chuồng thả đi chiều cúc cúc gọi về, vãi thêm cho nắm thóc là diều căng tròn rồi lững thững leo vào ngủ. Việc quê này nọ phải không, giỗ quảy liên miên; nuôi bầy gà rất chủ động khi cúng kiếng. Tôi thường ngủ chung với cha tôi. Chiếc giường gỗ ọp ẹp của hai cha con kê sát ô cửa sổ gió lùa vào mát rượi. Đêm đêm ngước nhìn ra ngoài thấy trời xanh thẫm, chỉ nghe tàn lá tre cọ vào nhau xào xạc, thỉnh thoảng vọng lên vài tiếng chó sủa vu vơ, tôi thấy làng tôi thật yên bình! Cha tôi nghe tiếng gà có thể đoán biết mấy giờ để dậy vác cuốc ra đồng. Tôi rất say ngủ nên những canh đầu hiếm khi nghe thấy, chỉ đợi lúc tảng sáng, khi tiếng gà gáy dập dồn mới trở giấc.

Con gà thím hai tôi thường gáy sớm nhất, tiếng nó vang to, dõng dạc. Tiếng gà rải rác sang mấy nhà trong ngõ rồi lan dần khắp xóm. Mấy con gà nhà tôi cũng được dịp rân trời. Nghĩ cũng vui, bọn gà hễ không gáy thì thôi, đã gáy thì rất hăng, con nào cũng muốn phô trương giọng mình uy lực nhất. Từ nhà dưới tôi nghe tiếng mẹ tôi trở mình, chiếc giường tre kêu rắc rắc. Rồi ánh lửa bập bùng từ chái bếp, tiếng vung nồi chạm nhau, tiếng dao thớt cạch cạch, tôi biết mẹ tôi đang sửa soạn bữa sáng cho cả gia đình. Trên con đường làng sát mé nhà, tôi bắt đầu nghe tiếng bước chân vội vàng của mấy cô miền biển với đôi vai kĩu kịt gánh cá tôm cho kịp phiên họp chợ. Tiếng nói chuyện với nhau trong làn hơi đứt quãng vì mệt nhọc nhưng ngập tràn sức sống. Tôi lại nghe tiếng móng trâu gõ cồm cộp lên mặt đường, chắc nhà ai cày sớm. Tiếng roi vít lên tấm da dày của nó xem lẫn tiếng cày cuốc chạm nhau khi người nông dân trở vai. Để có một mùa vụ năng suất cao ngoài việc ông trời ban cho mưa thuận gió hòa thì phần lớn ở công sức cấy cày. Cha mẹ anh chị tôi cũng vậy, phải một nắng hai sương trên thửa ruộng bạc màu! Tôi thương họ biết nhường nào! Mặt trời đã ửng hồng phía đầu làng, chút nắng ấm áp đã he hé rọi trên phên cửa. Tôi bắt đầu nghe tiếng xe đạp long cong của mấy anh chị lớp lớn học ở trường huyện. Tiếng cười nói trong trẻo theo mỗi vòng quay, thoảng nghe lời rủ nhau tối nay cùng sang nhà hàng xóm xem TV, nghe nói chiếu vở cải lương gì hay lắm!...

Thế đấy! Những tiếng gà cứ đưa tôi quay về miền ký ức. Tôi đắm chìm trong mơ hồ thực ảo, dù biết chút nữa đây thôi khi thành phố thức giấc, xóm nhà với những tụm ba tụm bảy café sáng, rồi mời mọc những chầu nhậu trong ngày. Tiếng karaoke nhức óc lại ầm ào từ chiếc loa kẹo kéo công suất lớn. Và biết đâu đó một con gà khác lại tiếp tục nằm giãy đành đạch với một dòng máu nhỏ rỉ ra từ kẽ miệng. Tôi quen rồi và tôi cũng không bận tâm điều đó. Tôi chỉ biết đi qua những tháng ngày rong ruổi, tiếng gà vẫn là thứ thanh âm gần gũi và yên bình nhất mà tôi đã từng nghe. Chúng như mạch làng thắm đượm chảy mãi trong tâm hồn tôi, dưỡng nuôi tôi khôn lớn thành người!

Theo Chuyện làng quê

Bạn đang đọc bài viết "Tiếng gà" tại chuyên mục Diễn đàn. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn