Trước tết đi hoang

Phạm Hồng Chi

04/10/2021 19:49

Theo dõi trên

Non xanh nước biếc bao la, trên cao chập trùng mây trắng. Giang sơn huyền bí của nữ chúa Hồ Ba Bể không tiếng quân reo ngựa hí. Voi rừng, hổ báo, chó sói, đười ươi không thấy bóng. Con người xây dựng xã hội văn minh để thú dữ không còn đe dọa, đâu ngờ con người mới là mối đe dọa lớn nhất.

243014060-292012155796448-7232648127387438280-n-1633334483.jpg

Lâu nay cứ nghĩ không đến nỗi nào, ai ngờ buổi sáng lên xe thấy hơi khó chịu. Có gì đấy ấm ách không yên, rồi quả nhiên có chuyện. Tới nơi đếm số lần dừng lại, quá mất một bàn tay. Phí hoài bát phở, ly nâu nóng và bữa trưa thịnh soạn. Chết oan một con dế ven đường. Tiện đây xin hiến nén tâm nhang tiễn nó rời cõi tạm. Thêm cảm nhận về phận giun dế. Dù rằng đường đi Hồ Ba Bể quanh co uốn khúc, sự cố sức khỏe là lời nhắn cho tuổi già, thời vô tư hết rồi. Cũng may rồi mọi sự ổn cả, không gian mát mẻ Vườn Quốc gia khiến người nhẹ bỗng, tỉnh lại thấy con đường xuyên sơn tuyệt đẹp lượn lờ trong mưa bay mù mù. Một quang cảnh đẹp, một quãng đường đưa các bà các cô lên Phây, chỉ cần thêm tý nắng xuyên qua tán lá. Bến thuyền vắng tanh, chỉ có hai đoàn khách ra hồ ngày này giờ này. Cuối năm trời xấu ngày đầu tuần, trải nghiệm phong vị của miền danh thắng ế khách, mỗi mình ta với ta.

Non xanh nước biếc bao la, trên cao chập trùng mây trắng. Giang sơn huyền bí của nữ chúa Hồ Ba Bể không tiếng quân reo ngựa hí. Voi rừng, hổ báo, chó sói, đười ươi không thấy bóng. Con người xây dựng xã hội văn minh để thú dữ không còn đe dọa, đâu ngờ con người mới là mối đe dọa lớn nhất. Rừng đóng cửa, bà chủ quán ở điểm tham quan đầu tiên cho biết, thỉnh thoảng người Mèo vẫn săn được, thú nhỏ thôi. Đêm hôm trước họ vừa ghé thăm quán, lúc đó không có người, dùng một ít đồ uống. Người Mèo ở trên đỉnh cao, nắm giữ bí ẩn của rừng núi đại ngàn. Chính họ cũng mang sắc thái huyền bí khiến người khác e dè. Đối với hành vi của họ, bất kể thời nào, chính quyền địa phương thường chọn lựa thái độ nhắm một mắt mở một mắt. Bọn họ có văn hóa, tín ngưỡng riêng, từng có những ông vua địa vị còn to hơn ông tổng. Để dạy họ học cái chữ phổ thông, còn phải cử cô giáo Tày lên tận bản Mèo gảy đàn, vất vả lắm, thương lắm.

243835467-279215224021181-8391228440786863380-n-1633334510.jpg

Quanh vùng này người Tày sinh sống nhiều. Làm dịch vụ cũng họ là chính. Mỗi người một điện thoại, toàn điện thoại thông minh nói được tiếng Tày. Chuyến đi này cải biến nhận thức của tôi về một tộc dân. Có vẻ như người Tày về xuôi làm việc thanh danh không quá tốt. Lên đây thấy họ thật đáng yêu. Khi họ còn chưa rời bỏ núi rừng của họ. Con thuyền gắn máy bằng sắt lao đi trên mặt nước phẳng lặng. Nước trong mà không thấy đáy, có lẽ vì quá sâu. Người lái thuyền bảo 27m. Nước sâu dễ có cá to, thuỷ quái còn chưa thấy. Nhưng ai biết lúc nào đó bỗng dưng giữa hồ nổi lên một con quái, khi đó thì lớn chuyện rồi. Ngồi thuyền nghe tiếng máy ầm ầm, mất hứng quá. 400K một chuyến, có lẽ nhiều người sẽ chịu trả giá cao cho cái thuyền không tiếng ồn. Cổ điển thì thuyền gỗ tam bản. Hiện đại thì dùng điện Mặt Trời, đều là lựa chọn không tồi.

Điểm dừng đầu tiên trong hành trình tham quan là Ao Tiên, một cái hồ nhỏ ở cao trên núi, nơi ngày xưa có Tiên xuống tắm. Theo truyền thuyết có bảy cô con gái nhà trời hay rủ nhau xuống đây tắm rửa giặt giũ. Rồi một ngày đẹp trời, họ gặp một chàng thợ săn cũng đến đấy. Rồi không biết nữa, truyền thuyết dừng lại vì nghĩ chưa ra happy ending. Ngày xưa không cấm đa thê, nhưng một chàng bảy nàng thì hơi quá. Mấy anh lính già nhà này lên đấy rất nhanh, thu hoạch lại không có gì, trừ một pô ảnh nhờ cô gái Tày tình cờ có mặt chụp hộ. NVN vốn có duyên với phái đẹp, được em bán cho chai mật ong rừng 180k. Nếm thử một chút, khẳng định là mật thật, chỉ không biết hoa gì. Mật rừng thơm ngát, sơn nữ chân dài, tiền tiêu quá xứng đáng. Về chuyện ao Tiên, bà chủ quán bảo ngày trước một vị quan chức cho thả cá xuống đó với ý đồ tốt, ai ngờ nước ao đục ngầu, không sao chữa được. Từ đó Tiên chê không xuống. Dân chúng chẳng tắm Tiên nữa. Nếu quả thật như vậy thì cũng là chuyện đáng tiếc.

Điểm tham quan thứ hai là một hòn đảo, trên có ngôi đền cổ An Mạ không hiểu xây từ bao giờ, nhưng cái cổng và đôi câu đối mới tô quét lại. Đền thờ đủ hết, thường ngày cũng nhiều người đến cầu cúng. Dịp này du khách không tới, kiosk cửa đóng then cài, sân vườn vắng vẻ, chỉ thấy tấm biển quảng cáo cho thuê trang phục chơ vơ trong gió lạnh.

243906699-1025673264849256-3889787153744537905-n-1633334595.jpg

Chiều cuối đông âm u chóng tối. Lên bờ mới gần 5 giờ, trời tạnh ráo nhưng gió lạnh hơn. Mua làm quà mấy xâu cá mương nướng chưa kỹ. Nhẹ nhàng chối những cơm lam bánh ngải, kiên quyết không nhìn xuân dược đóng bao Mú Từn, đến lúc lên xe đi tìm nơi ăn ngủ rồi. VAN đúng là bậc thầy đi phượt, quyết rất nhanh, lại hợp lý. 300k phòng hai giường đơn, dịch vụ đầy đủ, chưa đến Z. Ăn ngon, rẻ, mỗi tội phải cố cho hết. Đón khách là một thiếu phụ trẻ quê Vĩnh Yên, lấy chồng cùng học lớp nấu ăn. Xinh xắn dễ chịu, tháo vát như những người quê ông bạn ở SG của tôi. Bố mẹ chồng người Tày, chủ khách sạn. Có một cơ ngơi như thế, chuyện áo cơm chẳng lo. Chỉ lo quá no ấm. Nhìn cậu con trai và con chó béo tốt mượt mà, tự dưng có chút băn khoăn mơ hồ. Không lẽ hậu duệ của hiệp sĩ rừng xanh và chúa sói hung tàn ngày nào lại tiến hóa thành ra như vậy.

Một đêm ngủ ngon, đường về êm ả, kỳ ngộ không thiếu, đi một quãng dài mới thấy nhân duyên mỗi người một khác. Ông bạn tôi sau lần cho đi nhờ xe, đã nhanh chóng tạo nên một nỗi nhớ da diết. Rồi biết đâu một ngày có cô giáo Tày cầm đàn xuôi về thành phố để tìm ai giữa đám đông xa lạ.

 

Theo Chuyện Làng quê

Bạn đang đọc bài viết "Trước tết đi hoang" tại chuyên mục Văn hóa - Xã hội. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn