Việt Nam diễn nghĩa - Tập 4B: Bí sử Nhà Lê Sơ (1428-1527) - Kỳ 27

PGS TS Cao Văn Liên

31/08/2023 06:04

Theo dõi trên

Trân trọng giới thiệu tiếp với bạn đọc tiểu thuyết lịch sử “Việt Nam diễn nghĩa - Tập IV B: Bí sử Nhà Lê Sơ (1428-1527) của PGS TS Cao Văn Liên do NXB Hồng Đức ấn hành năm 2023.

Kỳ 27

Tháng 12 năm 1424, Lê Ngân cùng Lê Sát, Lê Vấn, Lưu Nhân Chú, Lê Lễ, Lê Văn An, Lê Bôi, Lê Chiến, Lê Tuy Kiều đánh tan quân Minh ở Khả Lưu (Nghệ An), bắt sống Đô đốc Chu Kiệt, chém chết Đô Ty Hoàng Thành, bắt sống hàng nghìn tù binh, thu được vật tư khí giới thuyền bè không sao kể xiết. Sau trận này quân Minh tháo chạy vào thành Nghệ An cố thủ.

Tháng 7 năm Ất Tỵ 1425, nghĩa quân giải phóng hết Nghệ An (trừ thành Nghệ An). Lê Lợi và Nguyễn Trãi cho rằng cần phải giải phóng Tân Bình- Thuận Hóa để mở rộng vùng giải phóng, để khi tấn công ra miền Bắc, giặc Minh không thể mở mặt trận thứ hai đánh nghĩa quân từ phía Nam. Lê Lợi sai Tư đồ Trần Nguyên Hãn, Thượng tướng Lê Nỗ, Lê Đa Bồ đem 1 vạn quân và 1 thớt voi đánh Tân Bình-Thuận Hóa. Trần Nguyên Hãn đánh bại quân Minh ở sông Chính nhưng lực lượng quân Minh Đông, Lê Lợi sai Lê Ngân, Lê Bôi, Lê Văn An đem 70 thuyền và 1 vạn thủy binh vượt biển tiến vào tiếp viện. Hai đạo quân của Trần Nguyễn Hãn và của Lê Ngân phối hợp. Quân Minh thua trận phải rút vào thành Tân Bình cố thủ. Tân Bình-Thuận Hóa được giải phóng, nối liền với vùng giải phóng Hà Tĩnh- Nghệ An.

Năm Bính Ngọ, Lê Lợi cho quân tiến ra giải phóng Thanh Hóa và tiến quân ra giải phóng miền Bắc. Lê Ngân, Lê Văn An, Lê Bôi, Lê Điền, Lê Lĩnh, Lê Văn Linh, Bùi Quốc Hưng được lệnh bao vây thành Nghệ An. Tháng giêng năm Đinh Mùi 1427, Lê Ngân đánh chiếm thành Nghệ An, bắt viên tướng Thái Phúc và kéo quân ra Đông Quan.

Năm 1428, Lê Ngân được phong Suy trung tán trị Hiệp mưu công thần, nhập nội Tư mã, tham dự triều chính. Tháng 5 năm thứ hai Thuận Thiên 1429, Lê Lợi ban biển ngạch công thần cho 93 viên tướng, Lê Ngân được phong tước Á Thượng hầu, đứng hàng thứ 2, tước này chỉ ban cho mỗi Lê Ngân.

Năm Thuận Thiên thứ 2, Lê Ngân cùng 6 vị trọng thần mang kim sách lập Quốc vương: “ Ngày 7 sai Nhập nội kiểm hiệu bình chương Lê Vấn, Nhập nội Đại tư mã Lê Ngân, Nhập nội Thiếu phó Lê Văn Linh mang kim sách lập Hữu tướng quốc, Khai quốc công thần Lê Tư Tề làm Quốc vương, giúp coi việc nước”.  Ngày 22 tháng 8 năm 1433, vua Lê Thái Tổ băng hà, Thái tử Lê Nguyên Long kế vị mới 11 tuổi , tức Lê Thái Tông, niên hiệu Thiệu Bình.

Năm 1434, dưới triều vua Lê Thái Tông, Lê Ngân làm chức Tư khấu Đô tổng quản hành quân Bắc Đạo, cùng Đại tư đồ Lê Sát làm phụ chính.

Năm 1437 vua Lê Thái Tông đã lớn tuổi, quyết đoán được mọi công việc. Lê Văn Linh gỡ tội cho Lê Sát, vua không nghe, cách chức một loạt đại thần, bãi chức Lê Sát và cho chết tại gia, ban cho Lê Ngân giữ chức Nhập nội Tư Khấu Bắc đạo hành quân, làm nhập nội đại đô đốc Quy Hóa, Trấn phiêu kỵ Đai Thượng tướng quân đặc tiến Khai phủ nghi đồng tam ty thượng trụ quốc, tước Huyện thượng hầu và ban cho chế văn.

Tháng 7 năm 1437, Chiêu nghi Lê Nhật Lệ, con gái của Đại Đô đốc Lê Ngân được làm Huệ Phi, phế bỏ chính phi của Lê Thị Ngọc Giao, con gái Lê Sát.

Quyền cao chức trong tuột đỉnh như vậy nhưng Ông lại nghe lời thầy bói, thờ tà đạo đồng bóng trong nhà. Thì cha nào chả thương con, chả vì con. Ông chỉ muốn nhà vua sủng ái con gái của mình hơn các cung phi khác. Nhưng ông không hiểu được trong triều đình có bao nhiêu lực lượng đấu tranh với nhau, tìm cách hãm hại nhau, từ trong hậu cung, cho đến nội cung cho đến triều đình bao nhiêu kẻ nhìn ông, bao nhiêu kẻ nhìn con gái ông dưới con mắt căm thù ghen ghét. Ông đã quên bài học của Trần Nguyên Hãn, Phạm Văn Xảo, đến như đại quý tộc như Quốc vương Lê Tư Tề. Ông thường chê Lê Sát không biết mình, không biết vua, lộng quyền đến nổi hại mình, hại nhà, nhưng giờ đây ông thấy ông ngu ngốc không kém gì Lê Sát, lại chết bởi một tay lão thầy bói dở hơi điên khùng.

Trời đã chuyển canh năm, gần sáng, ông kêu lên: “Ta đã làm hại ta rồi, làm hại cả đời con gái và con trai của ta rồi. Than ôi!!!

Lê Nho Tông thấy cha thức suốt đêm liền ra an ủi cha:

-Cha ngủ đi cha, cha đã thức trắng đêm rồi.

 Lê Ngân nói:

 -Con cũng không ngủ à? Sau khi cha mất, con hãy đem thi hài về táng ở quê nhà, trong khu mộ tổ nhà ta. Sau này con cố liên hệ với chị của con nhưng là sau này, còn bây giờ thì không được. Trong cung không được ra ngoài, cũng không được liên hệ với bên ngoài dù là với người nhà, nhất là trong tình hình khó  khăn ngày nay của chị con.

-Con xin tuân lời dặn của cha.

Trời vừa sáng đã thấy quân triều đình do Giám quan Đỗ Khuyển kéo đến. Đỗ Khuyển nói:

-Tội đồ Lê Ngân nghe khẩu dụ:

Lê Ngân và Lê Nho Tông quỳ xuống, Đỗ Khuyển nói:

-Hoàng thượng khẩu dụ Lê Ngân phải  uống hết bát thuốc này. Thứ hai tài sản nhà cửa ruộng đất bị sung công.

Lê Ngân nói:

-Thần tuân chỉ.

Một người lính đưa cho Lê Ngân bát thuốc. Lê Nho Tông bò lại gần cha khóc nói:

-Cha, Cha không được uống.

Võ sĩ giữ Lê Nho Tông lại. Lê Ngân nâng bát thuốc lên cao và nói:

-Vĩnh biệt Hoàng thượng, Hoàng thượng bảo trọng, thần đi trước đây.

Lê Ngân dốc cạn bát thuốc vào mồm trong tiếng gào khóc của Lê Nho Tông. Vài khắc sau ông ứa máu ở miệng ngã ra và chết, năm đó ông khoảng gần 50 tuổi.

Đỗ Khuyển nói:

-Nhà cửa không còn là của công tử nữa, mời công tử ra ngoài để chúng tôi niêm phong còn về kịp báo tin cho Hoàng thượng.

Lê Tông Nho lấy hết nghị lực đứng dậy, lấy chiếc tay nải để bên cạnh, lại đỡ cha dậy và cõng. Hai võ sĩ lại giúp chàng và hỏi:

-Đưa ra đâu?

Lê Nho Tông ngẹn ngào không nói được chỉ tay ra ngõ. Hai võ sĩ khênh thi hài Lê Ngân ra ngõ, Lê Nho Tông chỉ tay vào chiếc xe ngựa bên đường, hai người lính đặt thi hài Lê Ngân vào xe ngựa. Lê Nho Tông lấy chiếc chăn màu nâu đắp cho cha, buông vải che của xe màu nâu xuống. Lê Nho Tông đứng nhìn lại lần cuối phủ đường nhà ở, nơi ghi dấu biết bao kỷ niệm thời thơ ấu của chàng với chị Lê Nhật Lệ (Lê Tu Dung), với cha, với quản gia với các gia nhân. Chàng gạt lệ, lên xe và nói trong nước mắt:

-Vĩnh biệt phủ đường thân yêu, Đông Kinh thân yêu, Tạm biệt chị yêu.

-Ta về nhà thôi cha.

  Rồi chàng ra cương cho ngựa chạy, bắt đầu cuộc hành trình hơn 300 dặm về quê nhà Lam Sơn, Thọ Xuân Thanh Hóa. Ra khỏi Đông Kinh, một xe, một con ngựa màu nâu, một thi hài của một đại công thần nay là tội đồ, một chàng thanh niên ôm nỗi đau buồn đi vào gió bụi phong trần trên con đường thiên lý.

(Còn nữa)

CVL

Bạn đang đọc bài viết "Việt Nam diễn nghĩa - Tập 4B: Bí sử Nhà Lê Sơ (1428-1527) - Kỳ 27" tại chuyên mục Nghiên cứu. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn