Chuyện tôi làm trưởng phòng biên tập

Thái Văn Ngụ

07/11/2021 11:03

Theo dõi trên

Ở cương vị trưởng phòng hơn 5 năm, cũng ngần ấy thời gian tôi là người phụ trách nội dung không chính danh, công tuy có nhiều nhưng khuyết nhược điểm cũng không ít. Tôi coi đó là thời kỳ tòng sự công việc quản lý để lại nhiều kinh nghiệm quý báu.

dai-phat-thanh1-1636257432.jpg

Mặc dù đã là Ủy viên Trực BBT, Thư ký tòa soạn kiêm Tổ trưởng tổ Thư ký Biên tập của đài Phát thanh Nghệ Tĩnh từ ngày 5/3/1987, có ít nhiều kinh nghiệm biên tập và tổ chức sản xuất các chương trình phát thanh nhưng tôi chỉ thực sự đảm nhiệm công tác quản lý nhân sự và công việc khối nội dung của một đài PT- TH từ ngày 12/9/1991, ngày đầu tiên toàn thể cơ quan Đài PT- TH Hà Tĩnh họp mặt và đi vào hoạt động sau khi tái lập tỉnh. Đó là thời điểm tôi được giao trách nhiệm làm Trưởng phòng biên tập, anh Trần Văn Chi làm phó phòng chuyên trách mảng văn nghệ. Quyết định chính thức thì mãi đến ngày 2/11/1991, giám đốc Nguyễn Công Tiến mới ký (QĐ số 01). Cùng với 2 chúng tôi còn có các anh chị: Đào Tiến Vinh – Trưởng phòng và Nguyễn Sỹ Ninh – Phó phòng TCHC, Nguyễn Thị Hồng Loan – Trưởng phòng và Đoàn Đình Minh – Phó phòng kỹ thuật. Đó chắc chắn là quyết định hành chính đầu tiên của Đài PT- TH Hà Tĩnh trên danh xưng mới. Trên chúng tôi là giám đốc Nguyễn Công Tiến và phó giám đốc phụ trách kỹ thuật Nguyễn Niêng. Bộ máy quản lý đài lúc bấy giờ vẻn vẹn có vậy, anh Lê Văn Loăng là cán bộ quản lý nghiệp vụ nhưng mới chỉ có một mình...

Phòng Biên tập của chúng tôi, tức là toàn bộ khối nội dung, ban đầu danh sách chia về có 14 người nhưng rồi anh Nguyễn Đình Tân, biên tập viên, cùng trong tổ thư ký với tôi ngày ở Đài phát thanh Nghệ Tĩnh không chịu về Hà Tĩnh làm việc nên chỉ có 13 người, trong đó phóng viên biên tập mảng thời sự có 6 người gồm Tôi và các anh Võ trọng Dinh, Hồ Khánh Long, Đặng Hồng Hiển, Phạm Khắc Nhiệm, Phan Trung Thành, thêm cháu Hoàng Hải Yến, vừa học xong trung cấp truyền thanh, mới được nhận vào tập sự; quay phim chỉ có Trần Kim Quang; mảng văn nghệ duy nhất anh Trần Văn Chi đảm nhiệm; phát thanh viên có 3 người là Võ Thị Hồng Danh, La Phương Lan và Kiều Hồng Sơn

Gần một tháng sau, đội ngũ phóng viên biên tập có thêm Lê Dung và quay phim có thêm Nguyễn Anh Tuấn, con trai giám đốc Tiến, một sỹ quan quân đội xuất ngũ vừa được nhận vào làm việc sau khi tham dự một lớp quay phim ngắn ngày ở Hà Nội về. Anh Tuấn trở thành Kameramen có tay nghề đầu tiên của Truyền hình Hà Tĩnh. Riêng Nguyễn Thừa Tứ, với chức danh họa sỹ trường quay thì phải mất một thời gian rất lâu không sắp xếp được việc phù hợp (bởi vì thời kỳ đầu chưa có trường quay và chưa phải trang trí gì, chương trình TH còn thô sơ, mộc mạc).

 Đội ngũ ít thế nhưng thực sự người làm nội dung Truyền hình lại còn ít hơn, ngoài Trung Thành, Hồng Hiển, Hải Yến, bản thân tôi tuy là trưởng phòng nhưng được giám đốc giao trực duyệt nội dung hàng ngày, lại trực tiếp biên tập và tổ chức sản xuất, kiểm thính, kiểm hình các chương trình TH (các chương trình phát thanh do Đỗ Nhiệm đảm nhận), nhưng cũng vẫn phải tranh thủ tối đa thời gian đi viết những sự kiện quan trọng và những vấn đề thời sự, Kim Quang tuy là chuyên trách quay phim nhưng cũng tham gia viết được nhiều tin.

Công việc dựng băng, chỉ bằng một cái đầu Video dân dụng và một Kamera M7, tuy rất khó khăn, vất vả nhưng nhờ Thanh Hùng chịu khó nên dần dần cũng quen, song để có được 2 chương trình TH và 5 chương trình PT ổn định hàng tuần thì điều quan trọng nhất là nguyên liệu – Phải có đủ tin bài. Phóng viên đã quá ít, lại làm việc không đều tay, Biên tập viên mới nhập cuộc, “vừa chạy vừa sắp hàng”, chưa có điều kiên tổ chức được cộng tác viên, thông tin viên nên thu xếp để có mỗi chương trình phát thanh có được dăm bảy tin + một bài, mỗi bản tin TH đủ 15 phút trở lên là điều không hề dễ dàng.

Tôi nhớ mãi sự kiện này: Hôm đó, đúng vào chiều thứ 2, ngày 2/9, tức là chỉ một ngày sau khi Đài PT- TH Hà Tĩnh xưng danh, Tôi và Kim Quang ở lại để dựng băng bài phát biểu của Bí thư tỉnh ủy vừa ghi hình tối hôm trước, dự định phát sóng ngay tối 2/9, nhưng cả ngày hôm ấy, trời mưa rất to, toàn Thị xã Hà Tĩnh mất điện, công việc bị gián đoạn... Đang ngồi bần thần trong phòng số 9 - Khách sạn Giao tế, muốn về Vinh nhưng không thể, bỗng nhiên Trần Thy Ngọc và sau đó là Nguyễn Huy Hoan gõ cửa xuất hiện. Thật bất ngờ và xúc động, bởi vì ngày đó chúng tôi không có bất cứ phương tiện gì để liên lạc với nhau ngoài việc dò hỏi và lần mò tìm đến. Kim Quang chỉ chào hỏi qua loa rồi ngồi bên cửa sổ nhìn mưa rơi và nghêu ngao hát, còn tôi bập vào trò chuyện với 2 cộng tác viên đầu tiên, vui như bắt được vàng. Thy Ngọc là công tác viên từ hồi Đài Phát thanh Nghệ Tĩnh, chuyên về mảng quân sự, anh em đã là thân tình. Nguyễn Huy Hoan là chàng thanh niên trẻ, nhỏ nhắn, xinh trai, đã tốt nghiệp khoa sử Đại học sư phạm Vinh nhưng rồi đi ngang, không theo nghề dạy học. Hồi tôi làm Thư ký tòa soạn đài phát thanh Nghệ Tĩnh, Hoan đang là sinh viên, lúc đầu tôi chỉ dùng của Hoan những bài viết về những sự kiện và nhân vật lịch sử cho mục “ Quê hương và con người xứ Nghệ”, nhưng sau thấy Hoan năng động, viết được nhiều đề tài nên tôi sử dụng khá nhiều tin bài của Hoan, nhuận bút hàng tháng chúng tôi trả cho Hoan cũng vào hàng cao. Biết tôi về đài Hà Tĩnh, Hoan nôn nóng gặp để sớm được cộng tác, cũng là để có thêm thu nhập, vì cho đến lúc đó, việc làm của anh chàng nhỏ người nhưng nhiều tham vọng này vẫn chưa ổn định? Biết vậy, nên trong câu chuyện với 2 cộng tác viên đầu tiên, tôi không quên tế nhị “ khoanh vùng” đề tài, vì tôi biết Huy Hoan “xông xáo” thích “ khám phá” mọi đề tài và có thể đi đến bất cứ đâu…?

dai-phat-thanh2-1636257432.jpg

Sau cuộc gặp 2 cộng tác viên đầu tiên, hơn 3 tháng nữa, ngày 13/12/1991, Đài PT- TH mới có cuộc họp mặt CTV, TTV, chính thức kết nối được mạng lưới cung cấp tin bài của đội ngũ người viết báo không chuyên khắp cả tỉnh và cũng còn phải đến 5 tháng sau đó, vào ngày 30/5/1992, Đài tỉnh mới có cuộc họp với các đài huyện thị, khởi động cho việc quản lý toàn ngành. Trước đó ,vào đầu tháng 3, giám đốc Nguyễn Công Tiến dẫn một bộ phận, trong đó có tôi cùng đi khảo sát nghiên cứu kinh nghiệm của một số đài khu vực miền Trung. Từ mô hình quản lý của Đài phát thanh Quảng Nam- Đà Nẵng, chúng ta đã xây dựng phương án, cơ chế quản lý đài cấp huyện trình lên và ngày 9/11/1992, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã có QĐ 1189 về Quy chế phân cấp quản lý về tổ chức chuyên môn, nghiệp vụ và ngân sách ngành PT- TH. Kể từ đây, chúng tôi có thêm đội ngũ tin cậy, có thể bám, nắm, giao chỉ tiêu tin bài. Dẫu vậy, thời kỳ này, ở cấp huyện chưa có máy quay phim nên tin bài chủ yếu vẫn chỉ phù hợp với phát thanh.Chương trình truyền hình thời kỳ này dĩ nhiên là không đủ tin hình, thường thì chỉ có tối đa 2/3 tin VHS, còn 1/3 hoặc hơn thế một chút là những tin chay mà PTV phải hiện hình đọc. Cũng thật may, thời kỳ này, chương trình Truyền hình Hà Tĩnh tuy chưa hay, chưa phong phú nhưng lại khá hấp dẫn người xem... nhờ lợi thế có giàn phát thanh viên “bắt mắt”... ban đầu là La Lan, tiếp đó là Phương Hoa (cuối năm 1992) và Bảo Ngọc (1993).  

Đã qua những ngày “trình diện” chương trình mà sự dài ngắn, nhiều ít thông tin còn được người nghe, người xem tặc lưỡi, cảm thông. Sau hơn một tháng kể từ ngày phát sóng các chương trình PT, TH đầu tiên, chúng tôi bắt đầu nhận được nhiều ý kiến của công chúng và cả sự hối thúc của cấp ủy, chính quyền tỉnh yêu cầu nâng cao chất lượng, tăng thời lượng các chương trình phát thanh, truyền hình địa phương.

Muốn có chương trình ổn định, phong phú về nội dung, phải tìm cách quản lý được lượng tin bài. Phải thực hiện khoán định mức và có cơ chế khuyến khích anh em phóng viên viết tin bài và khai thác tin bài của CTV, TTV. Tôi đem ý này trao đổi với giám đốc Nguyễn Công Tiến ngay trong ngày tôi nhận quyết định bổ nhiệm Trưởng phòng và tổ chức họp mặt, phân công phóng viên, chính thức điều hành công việc phòng biên tập. Anh Tiến cũng sốt sắng và giao cho tôi nhanh chóng nghiên cứu, soạn thảo.

 Ngay buổi chiều và đêm hôm đó, thứ 7, ngày 2/11/1991, được phân công ở lại trực cơ quan, sau khi văn thư Hoàng Thị Thanh và mọi người về Vinh, tôi ôm chiếc máy đánh chữ cổ lỗ sĩ, cọc cạch của Đài lên phòng ở của tôi và Phan Trung Thành ở tầng 2, một mình vừa suy nghĩ vừa “mổ cò” bằng một ngón tay trỏ. Vật lộn cả đêm thứ 7, cả ngày và non nửa đêm chủ nhật (3/11), cho đến khi nghe ồn ào chuyện cháy chợ thị xã, cũng vừa lúc tôi kết thúc công việc, nhào ra đường cùng mọi người chạy xuống xem tình hình hỏa hoạn – xem chứ không làm được gì, cũng không có công cụ gì ghi lại cảnh tượng đó, bởi hôm đó là ngày nghỉ, Kamera nằm trong kho...

 Vậy là, rất nhanh chóng, tôi đã cho ra đời 2 văn bản: Kế hoạch khóan của phòng biên tập (bao gồm: Khoán tin bài cho phóng viên – viết và quay phim, Khoán biên tập và xây dựng chương trình, Khoán cho Phát thanh viên) và Hạch toán chương trình và mua tin bài. Hai văn bản này, đơn thuần là văn bản cấp phòng, người soạn thảo không có điều kiện tham khảo các đài bạn nên chưa phải là những văn bản hành chính cấp đài. Song toàn bộ nội dung 2 văn bản này, không lâu sau đó, vào ngày 9/1/1992, tại cuộc họp toàn thể phòng biên tập lần thứ nhất có giám đốc cùng dự đã được bàn thảo ,góp ý và có sự đồng thuận của tất cả mọi người trước khi áp dụng điều hành.

Nguyên tắc của phương thức khoán này là giao định mức tin bài theo mức lương (phóng viên bậc 2 = 8 tin+ 1bài, tương ứng với mức lương dưới 50.000đ.. phóng viên bậc 6 = 10 tin + 3 bài, tương ứng với mức lương 65- 70.000đ). Điểm đặc biệt của kế hoạch khoán này là chế độ khuyến khích vượt khoán, bởi có đủ định mức cũng chỉ mới đủ cân đối nhu cầu tối thiểu của các chương trình, tôi mạnh dạn đưa vào phương pháp khoán lũy tiến: ngoài định mức được giao để hưởng lương, phóng viên viết vượt đến 100% được hưởng nguyên giá trị tin bài, vượt trên 100% thì được hưởng gấp đôi giá trị tin bài. Cùng với việc cho điểm tin bài theo chất lượng, tôi cũng đưa khoán hành trình vào nhuận bút – tức là cho tăng điểm vào các tin bài phóng viên đi cơ sở xa, mục đích là để giảm thủ tục rườm rà về xin chữ ký,đóng dấu, thanh toàn hành trình bằng công lệnh cho phóng viên (chẳng hạn đi các huyện gần thị xã: nếu viết đủ chỉ tiêu, PV sẽ có thêm 24.000đ... đi các huyện xa nhất, nếu đủ chỉ tiêu, phóng viên được hưởng thêm 52.000đ/tháng). Trong văn bản thứ 2, bản chất của nó là xác định giá trị tin bài vừa để giao định mức khoán bằng giá trị vừa làm cơ sở để trả nhuận bút cho CTV, TTV.

dai-phat-thanh3-1636257432.jpg

Lẽ tất nhiên, không phải tất cả nội dung khoán đều hợp lý, công bằng cho mọi người, nhất là trong tương quan chung của cả cơ quan, nhưng áp dụng kế hoạch khoán này, các bộ phận trong khối nội dung đều có động lực làm việc, khối lượng và chất lượng tin bài tăng lên đáng kể và do đó các chương trình hàng ngày cũng phong phú và có chất lượng hơn. Từ chỗ 2 chương trình TH phát vào thứ 3 và thứ 6, kể từ ngày 5/4/1993, mỗi tuần có 4 chương trình TH, trong đó 3 chương trình tự sản xuất phát vào các tối thứ 2, 4,6 và một chương trình khai thác phát vào chủ nhật.Đúng 3 năm sau ngày ra đời TH Hà Tĩnh, từ 2/9/1994, đã tăng lên 5 chương trình TH địa phương, phát từ thứ 2 đến thứ 6 trong tuần – Dĩ nhiên trong thời gian này, đội ngũ phóng viên biên tập cũng được tăng cường đáng kể: Đầu năm 1992, Kiều Sơn được chuyển sang đi viết, giữa năm 1992 bổ sung Lê Minh Ngọc và Phan Quốc Bình và bước sang năm 1993, sau khi có thêm Sinh Hương, Trần Viết Thìn, Dương Thị Đông, Trần Minh Ngọc, Phan Thanh Phong và Lê Thị Thanh Bình (Như Bình) thì phòng biên tập đã có 22 người, trong đó có 13 phóng viên được giao khoán tin bài)

Quãng thời gian từ tháng 12/1991 đến tháng 3/1992, tôi cũng đã trực tiếp tham gia chuẩn bị nội dung để Giám đốc Đài ban hành nhiều văn bản quản lý như: Quyết định một số vấn đề về quản lý nội dung và phát sóng phát thanh - truyền hình, Quy chế hoạt động của phóng viên, Quy chế quản lý máy quay phim và băng hình, Quy định về làm phim quảng cáo, phim tài liệu, phim truyền thống. Cùng với các quy định, quy chế chung, tôi cũng thảo riêng Một số quy định của phòng biên tập, đưa ra bàn thảo thống nhất nhằm xiết chặt quản lý và hướng phóng viên hoạt động theo đúng chức trách, nhiệm vụ.

Trong một thời gian khá dài, từ đầu năm 1992 đến thời điểm ngày 18/9/1999 (thời điểm giám đốc Đài ký ban hành Quy định 192- Quy định tạm thời về chế độ nhuận bút và chi phí nâng cao chất lượng chương trình PT- TH),hoạt động của khối nội dung nói chung, đều thực hiện nghiêm túc những quy định đó. Dĩ nhiên cũng không thiếu những chệch choạc, phá rào. Điển hình như việc Phóng viên Kim Quang làm mất Kamera (ngày 15/10/1992). Thời điểm đó, (từ 12 đến ngày 22/10), tôi đang theo học lớp “Bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước, quản lý nghiệp vụ phát thanh, truyền hình” do Bộ Văn hóa Thông tin chủ trì tại Trung tâm đào tạo PT- TH tại Hà Nội), khi về cơ quan mới được biết mọi việc. Số là hôm đó có việc đột xuất, không có ai ký lệnh xuất máy, Kim Quang yêu cầu chị Hóa cứ xuất máy... thế rồi không hiểu thế nào, đêm đó Kim Quang để mất máy ở đài Nghi Xuân, chuyện cũng mù mờ lắm nên CA điều tra mãi chẳng ra. Cơ quan Đài giải quyết xong vụ này cũng mất một nửa năm trời. Kim Quang đương nhiên phải chịu kỷ luật nhưng phòng biên tập thì gay lại thêm gay, đã thiếu hẳn một kamera lại thiếu luôn người quay trong một thời gian khá lâu (Kim Quang lúc đầu bị “treo tay quay” và sau đó thì nản chí, không còn hứng thú đi làm...) . Rồi chuyện phóng viên viết bài thiếu khách quan, phóng viên sử dụng máy quay phim vào mục đích riêng, gây ảnh hưởng không tốt cũng đã xảy ra. Ngay trong đầu năm 1992, bản thân tôi đã phải trực tiếp giải quyết 2 vụ việc: ngày 9/1, lãnh đạo CA huyện Can Lộc vào gặp tôi phản ánh về việc phóng viên Q. quay tư liệu cho một linh mục ở nước ngoài, quay cảnh nhà thờ xứ Tam Đa với dụng ý không hay - Chuyện này thực ra không có gì nghiêm trọng, chỉ là quay tư liệu phục vụ xin nguồn tài trợ xây mới nhà thờ nhưng lúc đó, các anh an ninh có vẻ bất an nên muốn đề nghị chúng tôi can thiệp với phóng viên cắt bỏ bớt hình ảnh, nhưng đây là việc riêng của PV, máy quay cũng máy riêng, tư liệu không vụ cho Đài nên sự can thiệp của tôi chỉ là thân tình trao đổi?  Rồi việc ngày 31/3: trưởng ban TG và phó chủ tịch UBND huyện Thạch Hà vào tận tòa soạn gặp tôi đề nghị phải có ý kiến cải chính về bài viết của phóng viên D. về trách nhiệm thi công một công trình thủy lợi ở xã Thạch Kênh. Ngoài ra, cũng còn một số ý kiến phản ánh này nọ về phóng viên nhưng không nhiều và công bằng mà nói, ngày ấy, đội ngũ phóng viên đài PT- TH hoạt động nghiệp vụ khá nghiêm túc, cũng nhờ một phần ở sự thường xuyên nhắc nhở của chúng tôi. Tôi thường nói với anh em: nếu cơ sở quý mến, bồi dưỡng anh em bao nhiêu cũng không sao, đó là chuyện tình cảm nhưng tuyệt nhiên, phóng viên Đài PT- TH đừng bao giờ lạm quyền BBT đặt bút làm một văn bản nhằm lấy tiền của cơ sở một cách không chính đáng. Hầu hết anh em phóng viên thực hiện tốt điều này song cũng có người đem lòng oán giận khi tôi phát hiện ra những “phi vụ làm ăn ngầm”kiểu này.

 Còn chuyện khoán tin bài: cái lợi thì quá rõ ràng nhưng cũng lắm tình huống khó xử, cái hay không mấy ai khen nhưng cái dở thì trưởng phòng phải lãnh đủ. Nói chung, người tích cực thì viết được nhiều, có thu nhập cao và ngược lại, người viết ít, không có thu nhập, thậm chí còn bị đề nghị cơ quan trừ lương. Sự đối nghịch này càng biểu hiện rõ giữa 2 thế hệ phóng viên: những phóng viên cao tuổi, thường là bậc lương cao, định mức tin bài cao nhưng năng lực và sức khỏe có hạn,thực hiện chỉ tiêu khoán rất khó khăn, những phóng viên này hầu như chẳng tháng nào có nhuận bút (lương tháng thì cơ quan xem xét, chiếu cố nên không trừ). 

  Thực lòng mà nói, việc tham gia của các phóng viên lớn tuổi như Hồng Hiển, Trọng Dinh, Khánh Long là có chừng mực, gần như là tôi để cho các anh ấy tự giác, làm được bao nhiêu tùy sức, không bắt buộc quá, nhưng với những phóng viên trẻ thì khác, họ thường bị tôi “ bóc lột” nhiều nhất, cần lúc nào là phái đi lúc đó, có những ngày họ phải chạy sô mấy nơi, tất nhiên họ cũng thường có thu nhập hàng tháng cao.

     Cũng chính từ đây bắt đầu có lắm chuyện xì xèo, nào là coi trọng người này, xem nhẹ người kia, thiên vị, định kiến…thậm chí, nói như ngôn ngữ bây giờ là có tình trạng “lợi ích nhóm”, thích ai thì ưu ái kẻ đó…Sự đời là thế, ông cha ta thường nói “đã bỏ giỗ lại còn mắng họ”, quả thật, những người làm ít, ít thu nhập lại ca thán, người trong cuộc, trong phòng còn hiểu được chứ với người ngoài cuộc, ngoài phòng thì người ta cứ nhất quyết đổ lỗi cho trưởng phòng…? Thực tế thì, đâu phải chuyện gì mình cũng giải thích được hết với mọi người, người này có thể thông cảm, người kia thì đem lòng oán trách nhưng cái anh trưởng phòng được giao nhiều quyền và có cả cái quyền cao hơn quyền của trưởng phòng là tôi thì đành…ngậm bồ hòn làm ngọt. Thỉnh thoảng có bức xúc, to tiếng khi điều hành công việc thì lại bị coi là hách dịch…Làm thế nào khác được, làm anh đầu bếp, ai kiếm được gạo để nấu đầy nồi, ai kiếm được nhiều thức ăn ngon thì phải biết mà nhờ cậy, mà sai khiến chứ...

   Cũng phải mất 5 năm, cái phòng biên tập chỉ gồm một trưởng phòng, một phó phòng và hơn hai chục con người ấy mới phương trưởng thành cả một khối nội dung gồm 3 phòng: phòng thư ký biên tập, phòng phóng viên và phòng văn nghệ. Tôi nhớ rất rõ cái ngày BGĐ họp bàn cho “chúng tôi ra ở riêng” đó là ngày 14/9/ 1996 và 2 tháng sau, ngày 12/11, Ban tổ chức chính quyền tỉnh có QĐ số 451, bổ nhiệm tôi làm trưởng phòng và các anh Phạm Khắc Nhiệm, Phan Trung Thành, chị Võ Thị Hồng Danh làm phó phòng TKBT, anh Trần Viết Thìn, làm trưởng phòng phóng viên và anh Trần Văn Chi làm trưởng phòng văn nghệ. Đến lúc này, tôi bớt được một gánh nặng vốn dễ bị thị phi là điều hành phóng viên và chuyên tâm vào việc biên tập và trực duyệt nội dung theo sự phân công của giám đốc.

 Phải thú thật, hồi đó, tôi thường bị chỉ trích là người biên tập khắt khe, khó tính. Chuyện đó tôi tự biết, nhưng không dễ khắc phục. Tính tôi vốn cầu toàn, lại được đào tạo chuyên môn Báo viết – Nhiếp ảnh: mỗi câu chữ trên tin bài đều phải tính, phải đếm: thông tin thiếu phải thêm, thông tin thừa phải lược bỏ, không có thông tin – yêu cầu phải viết lại, thậm chí yêu cầu phóng viên đi lại cơ sở lấy thêm tư liệu, tin bài không có lượng thông tin, nhất quyết không dùng. Thêm nữa, khung thời lượng chương trình PT- TH cần ổn định ở mức nghiêm ngặt, không thể tùy tiện thòi thụt thời gian vì thông tin dài quá hoặc ngắn quá. Tôi tự nghĩ, mình làm nghiêm túc trước hết là vì bạn nghe đài, bạn xem truyền hình, sau nữa là vì phóng viên, cộng tác viên và cũng vì cả chính mình. Thử hỏi, trước một thông tin sai, hoặc giả không sai nhưng ngô nghê, vô thưởng vô phạt, lê thê, dây cà dây muống, người nghe, người xem sẽ chê trách ai?  Mình cứ làm nghiêm túc, hết trách nhiệm, còn ai hiểu sao thì tùy, làm biên tập cũng là nghề “làm dâu trăm họ”, chiều sao hết … 

dai-phat-thanh4-1636257439.jpg

Xin kể hai việc có thật:

   Vào khoảng giữa năm 1993 (sổ ghi chép của tôi ghi, chính xác là ngày 15/4), Phóng viên Hồng Hiển có máy quay riêng và chúng tôi trưng dụng luôn anh bổ sung cho lực lượng quay phim vốn chỉ mới có 2 người (thời điểm này ngoài Anh Tuấn đã có thêm Sinh Hương, còn Kim Quang đang trong thời kỳ bị kỷ luật và cũng không có máy) .

   Làm chủ chiếc M.7 cũ kỹ (không biết anh mua giá rẻ của ai ngoài Vinh?), Hồng Hiển khoái đi quay lắm. Quay nhiều nhưng không mấy khi thấy anh làm được tin bài, cũng không phải anh quay rồi bán tư liệu lấy tiền như một vài phóng viên khác sau này. Tôi biết thế và tôi tin thế. Trong một lần về quê thăm gia đình, tình cờ gặp ngay bí thư đảng ủy lâm trường Vũ Quang giữa đường, vốn đã quen biết nên anh Minh kèo nài tôi vào cơ quan cho bằng được. Sau vài câu chuyện, biết không giữ được tôi ở lại dùng cơm nhưng anh vẫn cố thuyết phục “tối nay rất muốn mời anh xuống nói chuyện thời sự với cơ quan”, Tôi phát hoảng, nói thời sự không phải nghề của tôi rồi? Thấy tôi nêu lý do bận việc gia đình nên anh đành chấp nhận. Trong câu chuyện với nhau, anh bí thư chợt khoe: “Vừa rồi, nhà báo Hồng Hiển về đây cả tuần, chúng tôi bố trí anh em đưa nhà báo đi khắp các đội, anh ấy thích và quay nhiều lắm. Có hôm từ trong đội Công, đang quay thì hết ắc quy, lâm trường không có điện nên tôi cho anh em chở phóng viên vượt hơn 40 cây số xuống thị trấn Đức Thọ để xạc ắc quy. Anh ấy về cũng đã lâu nhưng chưa thấy hình ảnh của lâm trường”? Anh Minh nói thế nhưng không có ý phàn nàn, tôi thầm nghĩ, đúng là bí thư nhà nghề, tế nhị ra phết. Tôi cũng ầm ờ nghe và hứa với anh về xem sao và thực tâm cũng rất muốn tốt đẹp cho việc này. Về cơ quan hỏi Hồng Hiển “phóng sự về Lâm trường Vũ Quang đâu rồi, anh Hiển, sao chưa thấy anh nộp bài? ”, anh vô tư trả lời: “Đã viết đâu? Nói thế rồi anh cười khì. Tôi phát cáu: “anh về ăn ở với người ta cả tuần, làm tội làm nợ người ta như thế mà không có được mẩu tin à, ngay ngày mai anh phải có bài nộp cho tôi”?  Hồng Hiển chỉ gãi đầu, “mai à? để tối nay viết”. Rồi cũng phải 2 lần mai như thế, Hồng Hiển mới đưa cho tôi được 3 trang giấy vở học sinh, mỗi trang của anh chỉ có hơn 100 chữ, lại toàn lời lẽ đưa đẩy, không có số liệu gì. Vừa liếc qua, tôi đã trả lại và giao hẹn: “anh về viết lại, dài bao nhiêu cũng được, có ý tứ số liệu gì cứ đưa vào bằng hết cho tôi”. Vò đầu bứt tai mãi rồi Hồng Hiển cũng đưa cho tôi 2 tờ vê đúp, cũng chỉ khoảng 7- 800 chữ là cùng. Chẳng thể nào khác được? Tôi phải nhập cuộc. Vậy là bằng cuộc trò chuyện bất ngờ với vị bí thư đảng ủy, giở thêm báo cáo tổng kết năm của ngành lâm nghiệp, tôi cũng thu lượm được ít nhiều thông tin về lâm trường, chắt lọc số liệu, cắt xén thêm bớt câu chữ, bằng chính văn phong của mình, tôi cũng nhào nặn lại cho Hồng Hiển một phóng sự không đầy 6 phút cả phát biểu, phỏng vấn - mà của đáng tội, cắt dán được hình ảnh, trích được phỏng vấn trong tư liệu của Hồng Hiển, chỉ có kiên nhẫn như Thanh Hùng mới làm nổi mà thôi.

   Phóng sự được phát sóng, Hồng Hiển cười vui hết cỡ, tôi cũng vui và thanh thản vì đã để lại trong lòng vị bí thư Đảng ủy một ấn tượng tốt về truyền hình Hà Tĩnh.

   Chuyện thứ 2, chuyện này thì có phần đối lập. Trước khi kể chuyện này, tôi muốn thành thật xin anh Khánh Long bỏ qua cho. Không biết bây giờ anh ở đâu, còn hay mất, vì ngày nghỉ hưu anh đã bị huyết áp cao, anh rời Hương Sơn vào với các con trong Phú Yên, cũng đã hơn 20 năm không gặp lại nhau lần nào, chỉ vài lần khi còn làm ở Đài, tôi biết tin anh qua cháu Tuấn Anh, ở Đài phát thanh Phú Yên (Đã có lần, vào tháng 8 năm 2002, tôi từng chấm tác phẩm “Câu chuyện truyền thanh” của Tuấn Anh tham dư liên hoan phát thanh toàn quốc, xin mừng cho anh vì có con trai kế nghiệp xứng đáng) .

   Phải công nhận rằng, trong 3 phóng viên cao tuổi của phòng thì anh Khánh Long là người chăm đi cơ sở và chăm viết nhất. Của đáng tội, anh viết hơi “tạp”, nghĩa là gặp gì viết nấy, đi cơ sở viết từ HTX đến đội sản xuất, chả thế mà trong chuyến đi Nghi xuân dạo đó, có 2 ngày mà anh nộp cho tôi và Đỗ Nhiệm 12 tin bài, chủ yếu là tiến độ và kết quả sản xuất. Chỉ riêng xã Xuân Hội, anh “cua” được 3 tin 2 bài. Dùng hết cả là không thể và quả thật nhiều tin bài không dùng nổi, ngoài chuyện chất lượng ra còn có chuyện cân đối vấn đề, cân đối vùng miền, có những thông tin đưa lên không thuyết phục được người nghe. Người làm biên tập chúng tôi phải có sự đon trước, tính sau … Thế là anh giận chúng tôi: anh chỉ trích chúng tôi coi thường sức lao động của anh… Đỗ Nhiệm thì không sao nhưng tôi thì lãnh đủ …người ngoài phòng lại được dịp chê trách về cách cư xử của trưởng phòng biên tập.

    Lại còn chuyện quan hệ giữa hai anh biên tập chương trình: tôi và anh Đỗ Nhiệm. Chuyện này thì Đỗ Nhiệm không nói vì thực ra không có gì nhưng một cán bộ ngoài phòng trong một lần họp kiểm điểm cuối năm đã gay gắt chỉ trích tôi: “không tôn trọng đồng sự, biên tập trước cả Đỗ Nhiệm”? Ô hay, một trưởng phòng, hơn thế lại là người được giám đốc giao trực duyệt toàn bộ nội dung cả PT và TH, tôi lại không có cái quyền đó sao?  Nhưng thực ra, không phải thế. Ngày đó, chỉ một phòng bá âm chung, chúng tôi phân chia: chương trình văn nghệ thu băng vào đầu buổi sáng (thậm chí là anh Văn Chi còn tổ chức thu vào ban đêm), chương trình phát thanh thu băng cuối buổi sáng hoặc đầu giờ chiều, sau đó là dựng băng chương trình TH, phần này chiếm nhiều thời gian nhất, nhiều bữa phải đến gần 8 giờ tối, sát sạt giờ phát sóng chúng tôi mới giao được băng cho máy phát. Cũng chính vì thế nên có tình trạng: chương trình TH thường được cập nhật sự kiện hơn, vì phóng viên đi buổi sáng là đầu giờ chiều phải có tin nộp trực tiếp cho tôi để cho vào ngay chương trình TH, dĩ nhiên những tin bài tôi biên tập làm chương trình TH hôm trước thì hôm sau anh Nhiệm mới đưa được vào chương trình phát thanh. Chuyện hiển nhiên là vậy nhưng vẫn bị hiểu méo mó. Qua chuyện này cũng có cái hay, từ đó chúng tôi bắt buộc phóng viên phải viết riêng 2 bản, nộp cho 2 biên tập viên, không viết riêng rẽ cho từng loại hình, chí ít, phóng viên cũng phải chép tay hoặc pho to làm 2 bản.

    Thế đấy, công việc của một trưởng phòng biên tập thời kỳ đầu đâu có dễ. 

    Cuối năm 1996 (từ ngày 25 đến 30/11), tôi được cử tham dự khóa học về “Quản lý nhân lực và tài chính trong một đài phát thanh- truyền hình” do HNBVN, trường Đại học báo chí Lille và Đại sứ quán Cộng hòa Pháp phối hợp tổ chức tại thành phố Hồ Chí Minh. Một tháng sau đó (ngày 28/12), Ban cán sự Đài chính thức có tờ trình xin đề bạt tôi làm phó giám đốc và tôi nhận QĐ bổ nhiệm của UBND tỉnh vào ngày 4/2/1997, chính thức được phân công phụ trách nội dung của Đài từ đó đến giữa năm 2001.

    Ở cương vị trưởng phòng hơn 5 năm, cũng ngần ấy thời gian tôi là người phụ trách nội dung không chính danh, công tuy có nhiều nhưng khuyết nhược điểm cũng không ít. Tôi coi đó là thời kỳ tòng sự công việc quản lý để lại nhiều kinh nghiệm quý báu.

  Giờ đây nghỉ hưu, thỉnh thoảng gặp lại đồng nghiệp cũ, có già, có trẻ, anh em nhắc lại chuyện thời ấy và thấy cũng có nhiều người còn quý mến mình, trân trọng việc mình đã làm, đã giúp họ, tôi thấy thật mừng. Phóng viên Hạnh Loan, bây giờ là phó phòng chuyên đề còn nịnh tôi một câu rất mát mặt: “Chú Ngụ mà biên tập thì không ai cãi được, đến như nhà báo Kiều Sơn mà cũng phải tâm phục, khẩu phục, cháu vẫn giữ làm kỷ niệm bản viết chú từng biên tập sửa chữa ngày cháu mới vào cơ quan”.

    Biết là cháu nịnh nhưng cũng cảm thấy cháu thật lòng!

Bạn đang đọc bài viết "Chuyện tôi làm trưởng phòng biên tập" tại chuyên mục Phát triển. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn