Lục tỉnh Nam Kỳ khói lửa (Tiểu thuyết Lịch sử) - Kỳ 17

PGS TS Cao Văn Liên

06/06/2024 06:13

Theo dõi trên

Trân trọng giới thiệu tiếp với bạn đọc Tiểu thuyết lịch sử “Lục tỉnh Nam Kỳ khói lửa” của PGS TS Cao Văn Liên do NXB Hồng Đức ấn hành năm 2024.

Kỳ 17.

Cả gian phòng vang lên:

-Kính mời tác giả  “Lục Vân Tiên” nổi tiếng.

Nguyễn Đình Chiểu đứng dậy giọng run run vì cảm động:

-Đa tạ chủ soái, đa tạ các vị, tại hạ tự là Trọng Phủ, làm nghề dạy học nên gọi là Đồ Chiểu, sinh ngày 13 tháng 5 năm Nhâm Ngọ 1822 tại quê mẹ là làng Tân Thới, phủ Tân Bình, huyện Bình Dương, tỉnh Gia Định [1]. Thân phụ tại hạ là nhà Nho Nguyễn Đình Huy, người huyện Phong Điền, Tỉnh Thừa Thiên. Đầu mùa thu năm 1820, thân phụ đi theo tả Quân Lê Văn Duyệt, Tổng Trấn Gia Định thành, tiếp tục làm thư lại ở Văn Hàn Ty thuộc dinh Tổng Trấn Gia Định. Thân phụ lấy thêm thân mẫu là Trương Thị Thiệt người làng Tân Thới và sinh ra tại hạ là con đầu lòng, dưới tại hạ còn 3 em trai và 3 em gái.

Năm 1832 Tả Quân Lê Văn Duyệt mất. Năm 1833 con nuôi ngài là Lê Văn Khôi nổi dậy chiếm thành Phiên An ở Gia Định rồi chiếm cả Nam Kỳ. Thân phụ đem tại hạ ra Huế gửi người bạn đang làm Thái Phó để tiếp tục học tập, đó là năm 1838 tại hạ mới 16 tuổi. Năm 1840 tại hạ về Gia Định. Năm Quý Mão 1843 tại hạ đỗ tú tài ở trường thi Gia Định. Năm 1847 lúc 25 tuổi tại hạ ra Huế để thi khoa Kỷ Dậu 1849, đi theo có em trai là Nguyễn Đình Tựu, khi đó mới 10 tuổi. Ngày 5 tháng 11 Mậu Thân 1848 thân mẫu của tại hạ qua đời ở Gia Định. Tại hạ bỏ thi dẫn em về Nam chịu tang. Trên đường đi quá gian nan vất vả nên đến Quảng Nam thì tại hạ ốm nặng, quá thương thân mẫu nên khóc nhiều mù cả hai mắt. Tại nhà thầy thuốc vốn là ngự y, tại hạ đã học được nghề thuốc. Trước đó một nhà họ Võ hứa gả con cho tại hạ nhưng tại hạ bỏ thi, lại mù lòa nên hôn thê bội ước. Tại hạ đóng cửa chịu tang thân mẫu đến năm 1851 mới mở trường dạy học và làm thuốc ở Bình Vi, Gia Định. Tại hạ đã viết truyện thơ "Lục Vân Tiên" vào thời gian này.

Năm 1854 một học trò của tại hạ là Lê Tăng Quýnh vì cảm thương cho hoàn cảnh của tại hạ đã xin gia đình cho tại hạ tác hợp với em gái thứ 5 của anh ta là Lê Thị Điền (1835-1886) ở huyện Cần Giuộc, Gia Định [2]. Thời gian này tại hạ viết tác phẩm ”Dương Từ Hà Mậu”. Từ đó tại hạ dạy học, làm thuốc và sáng tác thơ văn.

-Năm 1858 Pháp đánh Đà Nẵng mở đầu cho chiến tranh xâm lược Việt Nam. Năm 1859 Pháp đánh Gia Định, thành Gia Định thất thủ, tại hạ đem gia đình về quê vợ ở Cần Giuộc, tại đây tại hạ viết bài "Chạy giặc”. Tại hạ nghe nói chủ soái Trương Công Định đang tụ hội anh hùng để hợp tác đánh Pháp nên tại hạ cũng về đây góp chút sức nhỏ mọn vào công cuộc cứu nước. Đa tạ chủ soái Trương Công Định, đa tạ quý vị.

Nguyễn Đình Chiểu chắp tay vái và ngồi xuống. Các tướng lĩnh im lặng và thán phục. Dù không thấy được nhưng Đồ Chiểu vẫn dạy học, vẫn làm thuốc, vẫn sáng tác những tác phẩm đầy tính nhân văn, vẫn một lòng cứu nước, xứng đáng là tấm gương muôn đời cho những kẻ sáng mắt. Trương Công Định cũng cảm động nói:

-Chúng tôi xin cảm tạ và bái phục ngài Nguyễn Đình Chiểu. Ngài là một tấm gương cho chúng tôi noi theo về lòng yêu nước, về nghị lực phi thường.

Nguyễn Đình Chiểu đứng dậy chắp tay:

-Đa tạ, đa tạ chủ soái, không dám, không dám.

          Trương Công Định mời tiếp:

-Xin mời ngài Bùi Quang Diệu.

Bùi Quang Diệu đứng dậy vái chào và nói:

-Kính chào chủ tướng, chào các quý vị, tại hạ tên là Bùi Quang Diệu, người ta thường gọi là Đốc binh Là vì còn có tên là Bùi Quang Là, sinh năm 1820 tại làng Mỹ Lệ, tổng Lộc Thành Trung, huyện Phước Lộc, tỉnh Gia Định [3]. Tại hạ vốn là  cai tổng huyện Phước Lộc. Khi Pháp tấn công Đại Đồn Chí Hòa, tại hạ đã cùng Nguyễn Tri Phương chống Pháp, được phong Quản Cơ nên người ta còn gọi là Quản Là. Khi Đại Đồn thất thủ, tại hạ lui về đất quen thuộc của mình là Cần Giuộc và nay về hợp sức với quý vị và với chủ soái Trương Công Định để chống Pháp. Xin đa tạ chủ soái và các quý vị.

Bùi Quang Diệu vái chào và ngồi xuống. Trương Công Định nói:

-Đa tạ ngài Bùi Quang Diệu. Xin mời ngài Nguyễn Nhựt Chi.

Nguyễn Nhựt Chi đứng dậy chắp tay vái chào:

-Kính chào chủ tướng, xin chào các quý vị, tại hạ Nguyễn Nhựt Chi quê ở vùng Bến Chùa bên dòng Cửa Tiểu, thuộc Gò Công, Định Tường. Khi quân Pháp đánh Gia Định, Lãnh binh Trương Công Định mộ binh đánh giặc, nghĩa binh kéo về đông khoảng 6.000, tại hạ cũng trong số đó, cũng theo chủ tướng Trương Công Định tham gia chiến đấu ở Đại Đồn Chí Hòa. Sau khi Đại Đồn thất thủ, tại hạ cùng chủ tướng và nghĩa quân lui về Gò Công cùng các quý vị lập căn cứ chống Pháp. Đa tạ chủ tướng, đa tạ các quý vị.

Khi Nguyễn Nhựt Chi ngồi xuống, Trương Công Định nói:

-Đa tạ tướng quân Nguyễn Nhựt Chi, một tướng lĩnh có tài năng xuất sắc. Xin mời ngài Nguyễn Tấn Kiều.

Nguyễn Tấn Kiều đứng dậy vái chào mọi người:

-Kính chào chủ soái, chào các quý vị, tại hạ là Nguyễn Tấn Kiều, còn có tên là Lê Công Kiều. Tại hạ là người miền Trung, di cư vào định cư ở huyện Kiến Đăng, tỉnh Định Tường [4]. Sau khi thành Gia Định thất thủ năm 1859, tại hạ vào quân đội triều đình chống Pháp. Nhờ giỏi võ nghệ được cử chỉ huy một đội dân dũng. Sau khi Đại Đồn Chí Hòa thất thủ, tại hạ không theo quân triều đình rút về Biên Hòa mà dẫn quân về lập căn cứ ở Sầm Giang, thuộc huyện Kiến Đăng để tiếp túc chiến đấu.

Sau khi Trương Công Định về lập căn cứ ở Gò Công, Võ Duy Dương về lập căn cứ ở Bình Cách, Mỹ Quý thuộc Ba Giồng, Kiến Đăng, vì thế tại hạ đem quân về hợp tác với chủ tướng Võ Duy Dương, được phong là Đốc binh và là phó tướng của Võ Duy Dương. Xin đa tạ chủ soái Trương Công Định và các quý vị.

Nguyễn Tấn Kiều chào các tướng lĩnh và ngồi xuống. Trương Công Định nói tiếp:

-Xin mời ngài Đặng Khánh Tình.

Đặng Khánh Tình đứng dậy chắp tay vái chào:

-Kính chào chủ tướng, chào các quý vị, tại hạ tên là Đặng Khánh Tình, quê ở tỉnh Quảng Ngãi, đồng hương với chủ soái Trương Công Định, vào định cư ở Giồng Xoài, Gò Công. Quá trình tham gia chống Pháp, tại hạ được chủ tướng Trương Công Định giao cho chức đội, sau lên chức Đốc binh, hiện tại hạ đang chiến đấu dưới cờ của chủ soái. Xin đa tạ chủ soái, đa tạ các quý vị.

Trương Công Định mời tiếp:

-Xin mời ngài Trần Xuân Hòa.

Trần Xuân Hòa đứng dậy chắp tay vái chào:

-Kính chào chủ tướng, kính chào các qúy vị, tại hạ là Trần Xuân Hòa, còn gọi là Phủ Cậu, quê gốc ở Quảng Trị. Thân Phụ tại hạ là Trần Tuyên (1801-1841), Bố Chánh Vĩnh Long nên tại hạ theo thân phụ vào Nam. Năm Tân Sửu 1841, tại hạ thi đỗ Cử nhân nhưng do bị bệnh phong nên chỉ làm Tri Phủ Kiến Tường. Khi Pháp đánh Gia Định, do tàn tật nên tại hạ phải nhờ người cõng ra ứng nghĩa, sau đó mới đứng ra chiêu mộ nghĩa quân đánh Pháp.

(Còn nữa)

CVL

 

[1] .Nay là Quận I, Thành phố Hò Chí Minh.

[2] .Nay thuộc Long An.

[3] . Nay là xã Mỹ Lệ, huyện Cần Đước.

[4] .Nay là Cai Lậy, Tiền Giang.

Bạn đang đọc bài viết "Lục tỉnh Nam Kỳ khói lửa (Tiểu thuyết Lịch sử) - Kỳ 17" tại chuyên mục Nghiên cứu. Hotline: 03 6690 8888 | Email: tapchivanhoavaphattrien@gmail.com