Việt Nam diễn nghĩa - Tập 4B: Bí sử Nhà Lê Sơ (1428-1527) - Kỳ 13

PGS TS Cao Văn Liên

17/08/2023 06:03

Theo dõi trên

Trân trọng giới thiệu tiếp với bạn đọc tiểu thuyết lịch sử “Việt Nam diễn nghĩa - Tập IV B: Bí sử Nhà Lê Sơ (1428-1527) của PGS TS Cao Văn Liên do NXB Hồng Đức ấn hành năm 2023.

Kỳ 13

-Tề nhi tuân chỉ.

-Quan Tư khấu Lê Sát nghe chỉ.

Lê Sát bước ra:

-Bẩm Hoàng thượng, thần nghe chỉ.

-Khanh đem 100 chiến thuyền, 1 vạn thủy binh đi lên Phục Lễ bằng đường thủy, từ sông Hồng đi vào sông Đà lên Phục Lễ, phối hợp với Lê Tư Tề bao vây tiêu diệt Đèo Cát Hãn.

-Thần tuân chỉ.

-Tướng Nguyễn Chích nghe lệnh.

-Có thần.

-Khanh cùng ta đem 2 vạn kỵ binh thiết đột, loại binh chủng tinh nhuệ bậc nhất của quân ta nhanh chóng tấn công Mường Mỗi tiêu diệt Kha Đốn và phản tặc Đinh Quế.

-Thần tuân chỉ.

Quan Hành Khiển Thượng thư Bộ lại bước ra:

-Thần có tấu.

-Khanh tấu gì?

-Dạ muôn tâu, Hoàng thượng mới đi chinh chiến dẹp phản loạn ở Cao Bằng vất vả và mệt nhọc, ngọc thể năm nay cũng không được như trước, xin Hoàng thượng cử một Đại tướng đi thay thì vẫn đem về chiến thắng.

Lê Thái Tổ nói:

-Khanh nói có cái phải có cái không phải, phải vì sức khỏe của ta trong năm nay đã không còn tráng kiện như xưa, biên ải xa xôi hiểm trở, khanh biết lo cho trẫm, đó là cái nghĩa tri ngộ quan tâm của bề tôi, trẫm thật là cảm kích. Cái không phải là các bậc quân vương, kể cả các ái khanh không được coi nhẹ miền biên cương xa xôi, nơi đó bách tính ngày đêm trông chờ ơn mưa móc, uy vũ của triều đình, của Hoàng đế đem lại bình yên no ấm cho họ. Không để cho bọn phản loạn cậy đường sá xa xôi, núi non hiểm trở mà tác oai, tác quái. Ta muốn bách tính thấy trẫm quan tâm tới họ bằng sự có mặt ở biên cương không ngại xa xôi gian khổ hiểm nguy để tăng sức mạnh phòng thủ biên giới không chỉ bằng sức mạnh quân sự mà bằng sức mạnh lòng dân nhớ về trẫm. Ý ta đã quyết, các khanh đừng khuyên can nữa. Ta không phải là người ham chinh chiến mà ta muốn chuyến đi này chinh phục lòng dân ở miền xa xôi biên viễn. Ngày mai đại quân xuất phát.

Bá quan văn võ vội quỳ xuống:

-Chúc hoàng thượng bình an, chúc Hoàng thượng chiến thắng trở về.

-Bình thân, hãy đợi tin chiến thắng của trẫm. Bãi triều.

Ngày hôm sau đạo thủy binh gồm 100 chiến thuyền chở 2 vạn thủy binh từ sông Hồng xuất phát lên sông Thao và rẽ vào sông Đà lên miền Tây Bắc. Cùng lúc 2 vạn thủy binh tinh nhuệ đầy dũng khí do Quốc vương Lê Tư Tề chỉ huy hành quân theo đường bộ tiến lên Lai Châu. Cờ vàng bay phấp phới, gươm giáo sáng lòa, bụi bay mù mịt. Sớm hôm sau nữa 2 vạn kỵ binh thiết đột, loại binh chủng tinh nhuệ bậc nhất trong quân đội Lam Sơn do Lê Thái Tổ chỉ huy theo đường bộ Đông Kinh-Sơn La xuất phát. Lê Thái Tổ đi xe màu vàng 4 bánh có 2 ngựa đen khỏe mạnh kéo, trên có lọng vàng, trên lọng vàng có ngọn cờ vàng lớn có chữ soái màu đỏ. Cờ tung bay phần phật theo bước đi của ngựa, tiếng khua vang rừng núi, bụi bay mù trời. Để bảo đảm tốc độ hành quân phần lớn thời gian dọc đường Lê Thái Tổ cưỡi ngựa cùng đi với tướng sĩ, cũng là để đề phòng bọn phản loạn mai phục nhằm xe bắn tới. Xe chỉ là đề phòng lúc nhà vua mệt mỏi, lúc đường sá bằng phẳng và không nguy hiểm.

Trong khi đó 2 vạn kỵ binh đi không nghỉ ngơi, cần ăn uống thì binh sĩ ngồi trên lưng ngựa mà ăn lương khô là bánh chưng, bánh đa, giò lợn, giò bò, gạo hấp chín, nước uống thì mỗi binh sĩ đều mang bầu bằng da bò khô khâu kín đeo bên hông cùng vũ khí, cung tên. Chỉ nghỉ hai lần cho ngựa uống nước, ăn thóc hoặc cỏ do chính nó mang theo trên mình. Khi cách Thuận Châu khoảng 20 dặm trời đã gần tối, gặp con suối dọc đường, Lê Thái Tổ cho nghỉ cho ngựa ăn và uống nước. Trời đã về chiều muộn, hoàng hôn tím ngắt ở trời tây. Bóng đêm bắt đầu bao phủ, rừng núi Sơn La mênh mông, gió lạnh khua cây cối xạc xào, tiếng vượn hú voi gầm vang lên trong không gian âm u huyền bí của núi rừng. Lê Lợi ra lệnh:

-Tướng quân Nguyễn Lý nghe lệnh.

-Thần nghe chỉ.

-Tướng quân đem 100 quân kỵ đi tiên phong, có nhiệm vụ dò xem tổng hành dinh của Kha Đốn và Đinh Quế ở đâu, thứ hai là xem có mai phục không, thứ ba nếu có thám mã của Kha Đốn phải bắt hết hoặc giết nhưng phải bắt một tên, không để tên nào sống sót chạy về. Tốt nhất bắt sống chúng về để chúng dẫn đường cho quân ta. Thứ tư, nếu không bắt được do thám, tướng quân phải biết rõ đường lối để dẫn đường cho đại quân.

-Hạ thần tuân chỉ.

Nguyễn Lý dẫn 100 kỵ binh đi trước, một lát 2 vạn kỵ binh cũng đi theo. Lê Lợi hạ lệnh:

-Tháo nhạc ngựa và cuốn hết cờ để giữ bí mật cho cuộc tập kích vào doanh trại địch.

-Xin tuân lệnh.

Canh giờ sau hai lính kỵ binh áp giải một tên lính của Kha Đốn về:

-Bẩm hoàng thượng, đội thám mã của Kha Đốn 5 tên bị giết chỉ còn một tên đây ạ.

Lê Thái Tổ hỏi:

-Nhà ngươi tên gì?

-Dạ tiểu nhân tên là Kha Đại ạ.

Lê Thái Tổ nói:

-Nhà ngươi hãy dẫn đường cho ta đến doanh trại của Kha Đốn, ta thưởng cho 100 lạng bạc và cho làm chức Tri châu. Ta là Hoàng đế Đại Việt đây.

Kha Đại vội quỳ xuống vái lạy:

-Xin Hoàng thượng tha mạng, tiểu nhân xin dẫn đường.

Lê Thái Tổ nói:

-Để đề phòng nhà ngươi bỏ chạy, ta tạm trói hai tay nhà ngươi và buộc vào ngựa của một lính, nhà ngươi tạm thời chịu thiệt một chút.

-Dạ bẩm Hoàng thượng, xin trói tiểu nhân lại ạ.

Kha Đại bị trói hai tay và đặt lên yên ngựa. Một người lính ngồi sau kìm chặt. Kha Đại đi trước dẫn đường. Đoàn kỵ binh chỉ toàn bóng đen người ngựa như quỷ thần đi xuyên rừng. Hai canh giờ sáng đến một thung lũng, từ trên cao nhìn thấy một cái thành đất rào chắn sơ sài. Kha Đại chỉ tay nói:

-Dạ bẩm Hoàng thượng, kia là doanh trại của Kha Đốn và Đinh Quế. Lê Lợi hỏi Kha Đại:

-Chung quanh thành có hào nước và chông chà không?

-Dạ bẩm Hoàng thượng không có ạ.

-Có mấy cổng?

-Dạ, chỉ có cổng trước và cổng sau ạ.

Lê Lợi nói:

-Chuẩn bị hai khúc gỗ nhọn phá thành.

Nguyễn Lý nói:

-Tuân lệnh Hoàng thượng.

Lê Lợi cho quân tiến xuống thung lũng bao vây thành. Trong thành còn sáng đèn nhưng lính tráng uống rượu say ngủ như chết. Bốn người lính khênh hai khúc gỗ to, nhọn lao vào tông mạnh vào cửa thành, cửa thành bật mở, quân Hậu Lê tràn vào chém giết. Có hai bóng người chạy ra chuồng ngựa định lên ngựa tháo chạy. Kha Đại chỉ cho Lê Lợi:

-Bẩm Hoàng thượng, đó chính là Kha Đốn và Đinh Quế.

Lê Lợi sai Nguyễn Xí:

-Tướng quân đem quân bắt sống, nếu chống cự thì giết, đừng để chúng trốn thoát lên miền cao hơn nữa, đường rừng núi ta không thể bắt được đâu.

-Tuân lệnh Hoàng thượng.

(Còn nữa)

CVL

Bạn đang đọc bài viết "Việt Nam diễn nghĩa - Tập 4B: Bí sử Nhà Lê Sơ (1428-1527) - Kỳ 13" tại chuyên mục Nghiên cứu. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn