Chiến tranh Việt Nam là thế đó 1965 – 1973 (Kỳ 8): Thượng sĩ cận vệ Côlêxnhích Nicôlai Nicôlaêvích

Nhiều tác giả - Nhà xuất bản ЄKЗAMEH Mátxcơva, 2005/ Phạm Thúy Hậu

09/03/2022 05:18

Theo dõi trên

Ông sinh ngày 28-1-1943 tại tỉnh Khác cốp. Năm 1959 tốt nghiệp trung học phổ thông, năm 1951 tốt nghiệp Trường kỹ thuật sô 15 tại thành phố Gorlốpca, sau đó làm việc tại Sở hiệu chỉnh máy tự động của thành phố Gorlốpca, là thợ hiệu chỉnh điện các máy tự động trong thang máy của mỏ.

Giáo Sư danh dự của RAEN (PAEH)

Từ năm 1963 đến năm 1966 phục vụ trong Quân đội Xôviêt theo chế độ nghĩa vụ.

Từ tháng 7-1965 đến tháng 3-1966 ông đã tham gia chiến đấu tại Việt Nam. ông từng là chỉ huy bệ phóng - phó chỉ huy trung đội, chỉ huy trung đội thuộc đại đội bệ phóng của Trung đoàn tên lửa phòng không số 236, sau đó là Trung đoàn số 261 của Quân đội nhân dân Việt Nam.

to-quoc-khong-quen-chung-toi-1644958887.jpg
 

Năm 1972 ông tốt nghiệp Đại học Năng lượng Mátxcơva, là cán bộ phụ trách cơ khí - năng lượng của phân xưởng, kỹ sư thiết kế chính, phân xưởng trưởng tại các xí nghiệp công nghiệp hàng không và công nghiệp quốc phòng, đồng thời làm công tác giảng dạy.

Từ năm 1994 là chuyên gia chính, sau đó là Trưởng ban Kỹ thuật điện của Đuma quốc gia.

Năm 1994 ông được bầu làm Chủ tịch Đoàn chủ tịch Hội cựu chiến binh liên vùng của các cựu chiến binh đã chiến đấu tại Việt Nam.

Ông được tặng thưởng Huân chương Cờ đỏ và 8 huy chương, trong đó có Huy chương Lão thành lao động, Vì sự củng cố cộng đồng chiến đấu, "Chiến đấu vẻ vang, cũng như Huy chương Hữu nghị của Việt Nam và các huy hiệu Chiến sĩ quốc tế, Cựu chiến binh của Binh chủng phòng không Liên Xô và Việt Nam.

Chuyến công tác bí mật đến Việt Nam

Cuối tháng 3-1965 người ta đã triệu tập chúng tôi - gồm 5 người thuộc khẩu đội bệ phóng của Tiểu đoàn số 3 thuộc Trung đoàn tên lửa phòng không cận vệ Putilốpxcơ - Kirốpxki số 236 - lên phòng tham mưu trung đoàn. Có một người trong số những người tiễn chúng tôi hình như đó là Chuẩn úy Suxtanốp, đã nói đùa :

- Các anh ấy sẽ sang Việt Nam.

Anh ấy nói bâng quơ như vậy...

Chẳng bao lâu sau đó chuyện này đã thật sự diễn ra.

Tại phòng tham mưu, sĩ quan chỉ huy tiểu đoàn chúng tôi Thiếu tá cận vệ Ivan Cônxtantinôvích Prôxcurnin, đã chờ sẵn chúng tôi. Tại đó còn có những binh sĩ và hạ sĩ quan thuộc các tiểu đoàn khác trong cùng trung đoàn chúng tôi. Tất cả gồm 15 người.

Trong tiểu đoàn chúng tôi, trừ viên chỉ huy ra, đã có mặt gần như toàn bộ Trung đội 2 của tôi thuộc các khẩu đội bệ phóng: binh nhất Raphain (Tôlia) Akhunốp, binh nhì Alếchxây Phômisép thuộc khẩu đội 5 và binh nhất Anatôli Psênhisnư và binh nhì Anđrây Xáptrúc thuộc khẩu đội 6. Trong số những người thuộc những tiểu đoàn khác của trung đoàn có các trắc thủ vận hành máy bám sát mực tiêu bằng tay - các binh nhất Alếchxanđrơ Buốcxép, Tácdan Séccơviani, Nicôlai Gavrilúc, trắc thủ vận hành máy bám sát mục tiêu bằng tay - binh nhất Víchto Cubusép và trắc thủ bệ phóng - binh nhì Ivan Agalacốp.

Người ta đã mời Đại tá cận vệ An tôn Xtêpanôvích Pôbôgiacốp đến phòng làm việc của vị chỉ huy Trung đoàn. Đại tá Pôbôgiacốp nói với chúng tôi:

- Dự kiến sẽ có chuyến công tác đến một đất nước có khí hậu nhiệt đới để thực hiện nhiệm vụ quan trọng trong những điều kiện sát với những điều kiện chiến đấu. Cần có những người được đào tạo tốt, nắm vững các phương tiện kỹ thuật chiến đấu. Có những đòi hỏi đặc biệt về kỷ luật. Do vậy các đồng chí được đề cử thực hiện nhiệm vụ này. Trưởng nhóm của các đồng chí sẽ là Thiếu tá cận vệ Prôxcurnin.

Sau cuộc trao đổi ngắn người ta dành cho chúng tôi thời gian suy nghĩ. Dĩ nhiên, chúng tôi đã đoán ngay được đó là đất nước nào.

Khi còn học ở trường phổ thông, tôi chỉ biết về Việt Nam qua sách giáo khoa môn địa lý, như là một nước nhiệt đới xa xôi vừa đánh đuổi được bọn thực dân Pháp. Còn bây giờ mỗi ngày, trong chương trình "Thời sự" buổi tối trên truyền hình, chúng tôi được xem những phóng sự truyền hình về những cuộc bắn phá của không quân Mỹ đánh vào miền Bắc Việt Nam.

Vì những lý do khác nhau đã có vài người từ chối việc đề cử sang Việt Nam (trong danh sách không ghi họ tên của họ). Số anh em còn lại đã phải trải qua đợt giám định y khoa nghiêm ngặt.

Tất cả những người đã qua đợt giám định y khoa thì được gửi đến Hội đồng quân sự của quân đoàn. Tại đó đã diễn ra cuộc trao đổi còn ngắn gọn hơn.

Trước lúc lên đường đi xa

Từ cuối tháng 5 đến đầu tháng 7-1965 chúng tôi gồm khoảng 80 người được tuyển từ các đơn vị khác nhau thuộc Binh chủng phòng không Quân khu Mátxcơva, đã được tập kết tại khu quân sự của Trung đoàn tên lửa phòng không Putilốpxcơ - Kirốpxki, tại làng Mitinô.

Chỉ còn khoảng 3 tuần lễ là đến ngày lên đường...Chúng tôi luyện tập quân sự (nghiên cứu các điều lệnh về tác chiến và những hướng dẫn về khai thác các khí tài), cũng như rèn luyện thể lực.

Trước ngày lên đường mỗi người được phát một chiếc valy, khẩu phần thức ăn khô cho 3 ngày và quần áo dân sự.

Khi mặc "thường phục", chúng tôi - những quân nhân - không còn nhận ra nhau. Chỉ mãi vào ngày lên đường chúng tôi mới được phát hộ chiếu xuất cảnh và được nghe tuyên bố chính thức rằng chúng tôi lên đường sang Việt Nam, nhưng chúng tôi được lệnh tuyệt đối không được viết thư thông báo việc này cho gia đình. Trong thư viết về nhà tôi thông báo rằng kỳ nghỉ mà người ta dành cho tôi sau kết quả kỳ kiểm tra mùa đông đã bị hoãn do có chuyến công tác biệt phái khẩn cấp và lâu dài.

Sau bữa trưa và buổi chia tay ngắn ngủi với bạn bè và với gia đình các sĩ quan - họ tiễn đưa chúng tôi như tiễn đưa người thân, - chúng tôi lên xe buýt và đến sân bay Sơcalốp.

Chúng tôi bay trên loại máy bay AN-10B. Chúng tôi đáp xuống sân bay cuối cùng và ngủ qua đêm tại Iếccút. Đến mờ sáng chúng tôi đáp máy bay rời khỏi Iếccút. Sau hơn một giờ bay chúng tôi bay qua biên giới quốc gia Liên Xô - Mông Cổ, sau 2 giờ nữa thì bay qua biên giới Mông Cổ - Trung Quốc.

Trung Quốc

Chúng tôi hạ cánh ở Bắc Kinh. Qua các ô cửa trên máy bay chúng tôi nhìn thấy những đội thiếu niên Trung Quốc cầm cờ hoa và biểu ngữ xếp hàng trên sân trước tòa nhà chính của sân bay. Từ các loa phóng thanh vang lên điệu nhạc hùng tráng và những tiếng hô chào mừng bằng thứ ngôn ngữ xa lạ mà chúng tôi không hiểu được.

- Chẳng lẽ người ta đón chào chúng tôi một cách long trọng đến thế? - chúng tôi băn khoăn tự hỏi.

Chúng tôi bước xuống máy bay và nhìn thấy đoàn đại biểu Bắc Triều Tiên đang đi tới tòa nhà chính của sân bay. Bấy giờ mọi chuyện mới rõ ràng.

Ra đón chúng tôi có các nhân viên thuộc Sứ quán Liên Xô và các vị đại diện của Trung Quốc. Tại quán ăn chúng tôi được phục vụ một bữa trưa ngon tuyệt. Sau đó chúng tôi được đưa về thành phố. Người ta bố trí chúng tôi nghỉ tại một khách sạn loại sang, trong những phòng có hai giường.

Đến sáng chúng tôi phân thành các tốp nhỏ đi vào phố. Trong các cửa hàng có đầy các loại hàng hóa khác nhau, nhưng không một ai mua sắm thứ gì - mọi thứ đều rất đắt do vậy không hề phải xếp hàng. Trong mỗi cửa hàng đều có treo những bức ảnh của Mác, Ăng ghen, Lênin, Xtalin và bức ảnh to nhất - bức ảnh Mao Trạch Đông.

Đến buổi chiều chúng tôi được đưa ra sân bay. Chúng tôi tiếp tục chuyến bay và có một lần hạ cánh giữa đường, tại sân bay của thành phố Sansa. Tại đó người ta mời chúng tôi tham quan xưởng thêu nghệ thuật của địa phương. Cho đến bây giờ, bức tranh thêu hình con mèo con mầu xám vẫn hiện rõ trước mắt tôi, với từng sợi lông như thật, còn chiếc râu thì động đậy như râu thật.

Cuối cùng, máy bay của chúng tôi bay tiếp về hướng nam.

Trên đất Việt Nam

Chúng tôi đã bay gần nửa giờ trên lãnh thổ Việt Nam. Máy bay hạ độ cao. Qua cửa khoang máy bay, chúng tôi chăm chú quan sát tấm thảm ghép nhiều mảnh được ánh nắng rọi vào - đó là những thửa ruộng hình chữ nhật chủ yếu có mầu xanh ngọc bích.

Trên những thửa ruộng ấy thấp thoáng những chiếc nón mầu vàng nhạt của những người nông dân đang làm việc. Họ ngừng tay và ngoảnh mặt về phía máy bay của chúng tôi, họ vẫy tay chào. Máy bay lượn vòng, rồi hạ cánh. Chúng tôi hạ cánh xuống sân bay Gia Lâm của Hà Nội. Vậy là lần đầu tiên chúng tôi bước chân đến đất Việt Nam, mà với thời gian đất nước này đã trở thành thân thiết đối với chúng tôi.

Ra đón chúng tôi là các chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam. Chúng tôi chăm chú nhìn vào nhau. Điều đập vào mắt chúng tôi là bộ quân phục lạ lẫm, mũ đội đầu, các phù hiệu phân biệt cấp bậc. Những khuôn mặt của các chiến sĩ Việt Nam cũng chưa quen đối với chúng tôi, khiến chúng tôi thấy khuôn mặt của họ đều giống nhau như những anh em sinh đôi.

“Tôi sẽ phân biệt họ bằng cách nào đây” - Tôi chợt nghĩ. Về sau mới rõ, người Việt Nam cũng thấy chúng tôi "có cùng một khuôn mặt", chỉ có tuổi tác là khác nhau và cách ăn mặc có đôi chút khác nhau.

Lễ đón chính thức ngắn ngủi đã kết thúc. Chúng tôi được mời uống trà. Chúng tôi ngồi dưới "những cái ô" to rộng, được làm từ những chiếc dù của Mỹ và được giương lên cao trên những chiếc sào bằng tre. Trong lúc uống trà đã diễn ra những cuộc làm quen ban đầu, nói chuyện với nhau thông qua phiên dịch. Các bạn Việt Nam đưa ra những câu hỏi xã giao truyền thống:

-Tên đồng chí là gì?

- Đồng chí bao nhiêu tuổi?

- Sức khoẻ của đồng chí thế nào?

- Đồng chí có gia đình chưa?

- Đồng chí có bao nhiêu con?.

- …..

Đến cuối buổi dùng trà tôi đã biết câu chào bằng tiếng Việt: "Xin chào" và "Tạm biệt". Vậy là dưới bóng chiếc dù của Mỹ đã diễn ra bài học tiếng Việt đầu tiên của tôi.

Chúng tôi phải đi khá lâu mới đến được nơi ở, vì đường bị cày xới bởi những hố bom sâu và tài xế phải luôn luôn tìm đường đi vòng.

Quang cảnh ở Việt Nam rất độc đáo và nổi bật là cảnh tĩnh mịch và hài hòa. Những thửa ruộng được ngăn cách bằng những bờ ruộng thẳng và những con mương tưới nước bé nhỏ. Mọi cảnh vật tưởng như yên bình và rất xa chiến tranh, nếu không có vô số những hố bom ....

Khi sắp tới Hà Nội, một chốt kiểm soát đã dừng xe chúng tôi. Người ta kiểm tra giấy tờ, nhưng khi biết trên xe là các đồng chí "Liên Xô" vừa từ Mátxcơva tới thì họ ngừng kiểm tra, họ nở nụ cười chào đón và cho hay con đường này đã bị ném bom ban ngày, do vậy chúng tôi sẽ phải đi vòng rất xa.

Hà Nội vào buổi chiều tối đã đón tiếp chúng tôi với đông đảo người qua lại trên những con phố nhỏ. Những dòng người bất tận di chuyển theo các hướng ngược xuôi, làm sôi động không gian bằng tiếng người, thỉnh thoảng lại bị chặn lại bởi những chiếc ôtô rú còi inh ỏi. Đa số họ là những thanh niên. Tưởng chừng như chiến tranh đã không cản trở họ vui chơi giải trí và yêu nhau.

Nhằm mục đích ngụy trang, về ban đêm phố xá Hà Nội không có đèn chiếu sáng. Do vậy, trong bóng tối thật khó ngắm nhìn thành phố này. Tuy nhiên, cũng đã hiện ra những kiến trúc với những hình dáng khác lạ đối với chúng tôi. Khi xe chúng tôi đang chạy trong thành phố thì Hà Nội đã bắt đầu chuẩn bị đi vào nghỉ ngơi có nhiều người chuẩn bị chỗ ngủ ngay trong sân nhà mình và thậm chí trên vỉa hè ở gần nhà. Tôi hỏi anh bạn Tuấn:

- Tại sao họ ngủ trên đường phố?.

- Bởi vì, ban ngày các ngôi nhà xây đã bị hun rất nóng và đến tối thì trong nhà vẫn còn rất ngột ngạt. Hầu như không thể ngủ trong nhà được. Vì vậy, vào lúc nóng bức nhiều người không cần đến mái nhà. Đối với người Việt Nam sân và hè phố là sự tiếp nối của ngôi nhà, - anh bạn Tuấn giải thích như vậy.

Ngay trong đêm ấy tôi đã thấy rõ những lời anh Tuấn nói là đúng. Khi xe còn chạy, ngọn gió nhẹ thổi ngược chiều còn thấy mát đôi chút, cho nên chúng tôi chưa thấy khổ nhiều vì oi bức. Nhưng sau nửa giờ, sau khi chúng tôi đã tới nơi nghỉ qua đêm thì quần áo chúng tôi ướt đẫm mồ hôi, y như chúng tôi vừa giặt quần áo và mặc lên người mà chưa kịp phơi khô. Chúng tôi đã phải phơi quần áo suốt đêm ấy.

Đêm đầu tiên ở xứ sở nhiệt đới

Hầu như chẳng có ai trong chúng tôi ngủ được. Người ướt đẫm mồ hôi, thỉnh thoảng chúng tôi trò chuyện với nhau, chia sẻ với nhau những ấn tượng trong những ngày gần đây. Tôi nằm nhìn qua ô cửa sổ, tôi ngắm bầu trời phương Nam chưa quen thuộc và lắng nghe những âm thanh lạ lẫm của màn đêm nhiệt đới.

Mãi đến gần sáng tôi mới chợp mắt được. Đến sáng, chúng tôi ngạc nhiên phát hiện ra rằng sau cả một đêm quần áo của chúng tôi không hề khô một chút nào... Hóa ra, vào mùa ấy độ ẩm trong không khí quá cao, đến nỗi ngay cả phơi. ngoài nắng chang chang thì quần áo cũng không khô hoàn toàn nếu không có gió thổi. Còn những vũng nước sau trận mưa rào thì vẫn còn nguyên, qua hàng tháng trời vẫn không cạn nước ngay cả vào thời tiết nóng bức nhất.

Đến đêm lũ muỗi đã quấy rầy chúng tôi ghê gớm. Khi bị chúng đốt trên da xuất hiện những nốt sưng và thấy rất ngứa, khiến người ta bất giác phải gãi vào những chỗ bị đốt. Những chỗ ấy biến thành mụn nhọt. Với độ ẩm cao và môi trường có nhiều vi trùng những mụn ấy không lành được trong nhiều tuần lễ. Loài muỗi rất háu ăn, nên chúng đốt xuyên qua cả quần áo và - như chúng tôi vẫn nói đùa - chúng đốt xuyên cả túi sau quần và xuyên thủng cả đế giày. Xin nói thêm rằng chúng tôi đã phải nhanh chóng thay giày và chuyển sang loại mềm chân hơn, đó là những đôi dép cao su của Việt Nam mà đã có người trong chúng tôi gọi bằng một tên gọi chính xác là "dép nhũn". Dùng loại dép này quả thật dễ đi hơn.

Sau đó một ngày người ta đã phát cho chúng tôi một thứ đồ trang bị nữa, rất cần thiết trong hoàn cảnh lúc đó: mỗi người đều nhận được một mũ sắt do Liên Xô sản xuất. Và biết đâu được! Nếu ngày ấy tôi xem thường dụng cụ đội đầu cổ xưa ấy của các chiến binh thì có thể giờ đây tôi đã không còn để viết những dòng hồi ức này. Những chiếc mũ sắt đã bảo vệ chắc chắn những mái đầu của chúng tôi chống lại mảnh bom Mỹ và mảnh rốc két loại "không đối đất”. Việc được phát mũ sắt nhắc tôi nhớ đến chiến tranh... Vả lại, chiến tranh cũng đã ngay lập tức tự nhắc đến sự hiện diện của nó.

Trái tim người lính