Chiến tranh Việt Nam là thế đó 1965 – 1973 (Kỳ7)

Nhiều tác giả - Nhà xuất bản ЄKЗAMEH Mátxcơva, 2005/Phạm Thúy Hậu

26/02/2022 08:11

Theo dõi trên

Tôi bừng tỉnh khỏi trạng thái yên bình ấy khi nghe thấy giọng nói khe khẽ của người lái xe. Hình như anh ta cũng đang suy nghĩ điều gì đó rồi nhìn lên vầng trăng, nói to.

- Ngày trước các cụ già của chúng tôi thường nói: gấu ăn trăng và coi đây là điềm xấu.

Khi tôi hỏi điều đó có nghĩa là gì thì người lái xe trả lời rằng có thể thời tiết sẽ xấu hoặc sẽ xảy ra điều bất hạnh. Các cụ bô lão đã giải thích như vậy.

Câu chuyện ấy đưa tôi trở lại hiện tại. Tôi nghĩ, họ làm tất cả những cái đó để làm gì? Vì điều gì mà ngày mai phi công Mỹ phải bay đến nơi này và ném bom xuống mảnh đất xa lạ đối với người phi công ấy, một mảnh đất đang đem lại nước uống và thức ăn cho một dân tộc tốt bụng, dũng cảm và yêu chuộng hòa bình? Vì sao mà các em bé hiện đang đứng bên đường và tò mò nhìn theo xe của chúng tôi, nhưng ngày mai chúng sẽ lại phải ẩn nấp trong hầm trú ẩn khi có báo động? Vì sao và trên cơ sở luật pháp nào mà tên phi công Mỹ ấy lại có thể cướp đi tuổi thơ và cuộc sống của các em đó?

to-quoc-khong-quen-chung-toi-1644958887.jpg
Ảnh do tác giả lựa chọn

 

Chúng tôi đã bắt đầu thấm mệt, trong xe mọi người không còn chuyện trò nữa. Khi đến gần Nam Định, một đồng chí Việt Nam ngồi cạnh tôi hỏi xem trước kia tôi đã có lần nào đến thành phố này chưa? Tôi trả lời rằng đã đến đó vài lần, đã đến thăm Nhà máy dệt Nam Định nổi tiếng trên toàn Việt Nam. Đáp lại, đồng chí ấy bảo:

- Vậy thì anh đã biết khách sạn lớn của thành phố này. Khách sạn này được xây dựng từ những năm 30 của thế kỷ XX. Chúng ta sẽ nghỉ tại đó, tắm rửa, ăn sáng và sẽ nghỉ ngơi. Sau bữa trưa chúng ta sẽ tham quan nhà máy dệt.

Tôi nhớ lại khách sạn cổ duy nhất và khá tiện nghi của thành phố này. Quả thật ở khách sạn này có thể nghỉ ngơi tốt.

Đến rạng sáng chúng tôi tới thành phố Nam Định. Chỉ còn cách thành phố ấy khoảng 3 - 5 km thì bỗng nhiên nghe thấy còi báo động rú lên và một đội tuần tra của thanh niên bước ra từ bụi cây và dừng xe chúng tôi lại. Trong khoảnh khắc xe của chúng tôi đã ngoặt vào bóng cây chúng tôi được đưa đến một căn nhà tranh tuềnh toàng. Đấy là nhà khách địa phương ở nơi sơ tán. Bên trong là một căn phòng lớn có chiếc bàn lớn đặt ở giữa. Dọc theo tường là những chiếc giường được sắp đặt gọn gàng.

Bất giác tôi muốn trở lại những dòng nhật ký cũ. Những dòng ấy ghi như sau:

"... tôi viết những dòng này nhờ ánh sáng đèn dầu của nhà khách ở nơi sơ tán. Nhà khách này tọa lạc trong một hợp tác xã nông nghiệp".

Chúng tôi đã ngạc nhiên không ít khi nhìn thấy dưới bàn có một đường hào khá sâu. Có thể đi theo cái hào ấy để nhanh chóng rút ra khỏi đó và chạy đến một hầm trú ẩn cách đó không xa.

Nhân thể xin nói thêm rằng cả phía bên dưới chiếc giường mà người ta dành cho tôi để nghỉ ngơi cũng có một cái hầm cá nhân. (Theo lời của người cán bộ đại diện cho tỉnh ủy đón tiếp chúng tôi thì một người phải mất nửa ngày mới đào xong chiếc hầm cá nhân có ống thông hơi. Nói cách khác, trong một ngày lao động một người có thể đào được hai cái hầm trú ẩn cá nhân. Theo lời người cán bộ ấy, năm 1966 đã có hơn 100 héc ta được dùng vào các công trình quốc phòng. Việc đó được thực hiện trong điều kiện diện tích ruộng đất cày cấy rất có hạn ở Việt Nam Dân chủ Cộng hòa!) Chung quanh nhà khách ngẫu nhiên ấy của chúng tôi có những cây anh đào Nhật Bản, với thân cây mảnh mai vươn lên cao. Mùi hương thoang thoảng của hoa anh đào gợi cho tôi nhớ đến ngôi nhà của chúng tôi ở Xibiri. Tại đó hồi còn thơ ấu tôi đã cùng mẹ tôi trồng vài bụi tử đinh hương.

Khi chúng tôi ngồi vào bàn ăn, mỗi người đều được phát một hộp nhỏ chứa những thức ăn đơn giản - gà rán, khoai tây luộc cả vỏ và mấy quả trứng. Giống như thể chúng tôi đang ngồi không phải cạnh thành phố bị tàn phá, đến đó thật nguy hiểm, mà giống như là một cuộc du ngoạn dã ngoại ra ngoại thành. Nhưng chúng tôi không muốn ngồi lỳ trong căn nhà tranh ấy. Chúng tôi bước ra ngoài, bất chấp những lời can ngăn của các vị chủ nhà và ngồi dưới tán lá cây quan sát cuộc oanh tạc của không quân Mỹ vào thành phố này (về sau người ta cho chúng tôi biết rằng đến thời điểm ấy thành phố Nam Định đã bị đánh phá 68 lần và gần một nửa thành phố này đã bị phá huỷ. Còn các công trình thuỷ lợi của tỉnh Nam Định thì bị đánh phá gần 170 lần).

Khi quan sát cuộc bắn phá, tôi bỗng nhớ lại cuộc trò chuyện trước đó không lâu tại Hà Nội rằng Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đề ra những biện pháp bảo vệ sức khoẻ của bà mẹ và trẻ sơ sinh. Báo "Nhân Dân" số ra ngày 5-3-1967 đã đăng tin cho biết tỉnh Quảng Bình đã được ủy ban bảo vệ sức khoẻ bà mẹ và trẻ sơ sinh Trung ương thưởng Cờ đỏ luân lưu và bằng khen về hoạt động tốt trong lĩnh vực này. Vâng... tình hình là như thế đó. Có những người tìm mọi cách tiêu diệt cuộc sống, nhưng có những người khác lại tìm cách bảo vệ và duy trì cuộc sống.

Cuộc oanh tạc thành phố Nam Định đã nhanh chóng kết thúc. Máy bay Mỹ đã bay đi. Thế là chúng tôi lại lên xe và đi tiếp. Dưới ánh sáng ban ngày, những khuôn mặt của các đồng chí Việt Nam tháp tùng chúng tôi như thể được tạc từ loại cẩm thạch xám, không còn những dấu vết của những nụ cười ngày hôm qua. Họ chỉ nhìn vào con đường, và có cảm giác là họ không nhìn thấy chúng tôi. Tâm trạng của chúng tôi cũng u sầu hết chỗ nói.

Chúng tôi vào thành phố giữa làn khói. Chung quanh hai bên đường các ngôi nhà vẫn cháy, đâu đâu cũng nghe thấy những tiếng la hét và nước mắt. Về sau chúng tôi được biết là do cuộc oanh tạc xảy ra vào sáng sớm, khi mọi người sửa soạn đến nơi làm việc, cho nên có nhiều thương vong. Khi chúng tôi tới gần nhà khách thì thật ra chúng tôi chỉ thấy đống đổ nát - khách sạn ấy đã bị phá huỷ nghiêm trọng. Anh bạn Việt Nam mới hồi tối hôm trước còn mơ mộng nói đến khả năng chúng tôi nghỉ tại khách sạn ấy thì nay đã bước ra khỏi xe, lánh sang một bên và hoàn toàn im lặng hồi lâu. Anh bạn ấy nghĩ gì thì chỉ có Thượng đế mới biết. Nhưng khi quay trở lại xe, anh ấy đã trở nên già đi rõ rệt.

Chúng tôi được đưa đến một nhà khách khác. Tại đó chúng tôi nghỉ ngơi chút ít và ăn sáng. Sau đấy theo chương trình, chúng tôi đến thăm Nhà máy dệt Nam Định. Đến đây tôi lại muốn trở lại một đoạn viết tay trong nhật ký. Đoạn nhật ký này có đầu đề "Bông màu đen" và được tôi ghi lại mấy ngày sau khi thực hiện chuyến đi nêu trên:

"Trên tay tôi là một vốc những sợi bông bị cháy sém. Tôi không biết nó được chở từ đâu đến nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - từ Liên Xô hay là từ Cộng hòa Ảrập thống nhất. Vả lại, đó không phải là điều chủ yếu. Điều quan trọng là những sợi bông ấy được sản xuất ra bởi những bàn tay cần cù của người nông dân và được các thuỷ thủ Liên Xô chở tới hoặc được một con tầu của nước khác chở tới để những người thợ dệt Việt Nam có thể cung cấp cho nhân dân nước mình những thước vải đẹp.

Nhưng lần này những thợ dệt đang thận trọng lựa chọn những đống bông đã cháy sém còn đang nóng bỏng. Họ gỡ những sợi bông đã cháy sém và cố cứu vãn phần còn lại của kiện bông. Họ chẳng cần có thêm ánh sáng, ánh sáng như vậy đã đủ ánh sáng đến từ nguồn sáng chung - mặt trời, ánh sáng ấy đã dễ dàng xuyên qua những mái nhà bị phá huỷ để chiếu rọi cho họ. Những phần mái nhà còn sót lại nằm vương vãi trên sàn nhà, đôi chỗ những mảnh mái nhà ấy đã che đỡ cho những đường hào được đào ngay giữa phân xưởng.

Tưởng chừng như phân xưởng bị phá huỷ và trơ trọi ấy, với những chiếc cột cô quạnh của mình, đã cầu xin mọi người hãy giúp nó che đậy sự trơ trọi của nó. Thế nhưng những người nữ công nhân ngồi quanh những kiện bông lớn đã bị cháy sém thì tuồng như họ không cảm nhận thấy những sự bất tiện ấy và hồ hởi làm việc bằng đôi tay của mình".

Tuy nhiên, tại nhà máy dệt này, cũng như ở khắp nơi tại Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, giờ đây phần lớn công nhân là phụ nữ. Đã có nhiều bài viết về chủ nghĩa anh hùng của họ. Tuy vậy, tại đây, tại nhà máy này tôi lại nghĩ suy về gánh nặng to lớn mà chiến tranh đã trút lên những bờ vai mảnh mai ấy. Thật ra, đã có lần tôi thử kiểm tra độ bền của những đôi vai ấy, khi tôi quẩy trên vai chiếc đòn gánh với hai thúng lúa. Ối chao ôi? Quả thật rất bất tiện. Nhưng tôi phải công nhận rằng tôi đã không thể di chuyển một cách dễ dàng và uyển chuyển với tải trọng nặng gần 60 kg như một phụ nữ có tuổi đã làm, người mà tôi đã yêu cầu để tôi gánh hộ.

Song điều tôi muốn nói lại hoàn toàn không phải như vậy. Kiện bông bị cháy sém đã làm trỗi dậy trong tôi những ký ức hoàn toàn khác. Trước mắt tôi là những phân xưởng bị phá huỷ của Nhà máy dệt Nam Định, nơi đã lộ ra bầu trời xám xịt ảm đạm được chiếu rọi qua những mái nhà bị tàn phá. Nhân thể xin nói, nếu bầu trời xanh thì có nghĩa là hãy chuẩn bị chờ đợi sự có mặt của những vị khách không mời...

Không lâu trước ngày chúng tôi đến thăm thành phố Nam Định, tại trung tâm thành phố này đã dựng đài tưởng niệm những nạn nhân của khu tập thể công nhân. Chúng tôi đứng cạnh đài tưởng niệm này. Ngước nhìn tấm bia khiêm tốn ấy tôi nghĩ rằng cũng như ngày hôm nay, tại đài tưởng niệm ấy những đóa hoa thể hiện tình thương yêu và quý trọng của nhân dân sẽ đời đời xanh tươi và lấp lánh trong ánh mặt trời nhiệt đới. Nhưng, như dòng nhật ký ngày ấy của tôi đã ghi, tôi không tin chắc rằng sẽ có những bông hoa trên mồ tên phi công Mỹ đã theo mệnh lệnh của các viên tướng của mình đến oanh tạc và ném bom thành phố này. Dĩ nhiên, đã mấy chục năm qua đi từ sau sự kiện ấy, giờ đây tôi đã có những suy nghĩ khác, bình thản hơn. Trong trường hợp này tôi quyết định không đụng vào những dòng ghi trong cuốn nhật ký ngày xưa. Hãy để cho bạn đọc phán xét xem những suy nghĩ của chúng tôi lúc đó có đúng hay không.

Tôi có ấn tượng đặc biệt về chuyến đến thăm một bệnh viện sơ tán ra khỏi thành phố và được đặt dưới lòng đất, cách thành phố Nam Định không xa. Chỉ có vài phòng nhỏ, nếu có thể gọi như vậy về những căn buồng ấy dưới lòng đất. Tại một phòng như thế, dưới ánh sáng của bóng đèn điện phía trên chiếc bàn, đã diễn ra cuộc phẫu thuật. Chúng tôi không vào đó mà chỉ nhìn vào qua tấm phông màu trắng. Ở trong một phòng khác, còn nhỏ hơn, có một ông trung niên, vã mồ hôi, ngồi trên một chiếc xe đạp và guồng pêđan làm quay đinamô phát điện cho phòng mổ. Phái đoàn chúng tôi không thể lưu lại đó lâu được. (sau đó nhiều năm tôi nhớ lại bệnh viện ấy khi tôi có mặt tại khu tam giác thép" Củ Chi cách Sài Gòn không xa. Tại đó tôi đã xuống những ngách hầm địa đạo để xem trước kia các du kích Nam Việt Nam đã sống và chiến đấu như thế nào.)

Tôi không thể không dẫn ra đây một đoạn ghi chép nữa trong cuốn nhật ký:

"Chu Thị Hoa - cô gái thuộc một gia đình theo đạo Thiên Chúa. Trước kia cô vẫn đều đặn đến nhà thờ và là một giáo dân mẫu mực. Giờ đây cô ấy là chỉ huy phó của đội dân quân, đã nhiều lần tham gia chiến đấu chống không quân Mỹ.”

Sau khi trở về Hà Nội chúng tôi được mời tới dự buổi trình diễn văn nghệ. Buổi văn nghệ này diễn ra tại Nhà hát thành phố và giữa những hồi còi báo động phòng không và tiếng máy bay từ xa vọng lại. Nhưng hội trường vẫn đông nghịt người và không một khán giả nào muốn xuống hầm tránh bom ở bên cạnh. Trong cuốn nhật ký có ghi lại một số tiết mục mà tôi thích. Ví dụ, ca khúc hát về người nữ anh hùng dân tộc của Việt Nam Võ Thị Sáu, do nhạc sĩ Nguyễn Đức Toàn sáng tác.

"Phải nghe giai điệu của bài hát này mới hình dung được đầy đủ tinh thần bất khuất của người nữ anh hùng, nỗi đau mất mát và lòng khâm phục trước chiến công của người nữ anh hùng ấy".

Đã có nhiều bài ca và điệu múa được trình diễn trong buổi văn nghệ ấy. Tất cả những tiết mục ấy đều ngợi ca tinh thần dũng cảm và chủ nghĩa anh hùng của nhân dân trong cuộc đấu tranh chống bọn xâm lược ngoại bang, ca ngợi vẻ đẹp thiên nhiên của Việt Nam.

Buổi biểu diễn văn nghệ hôm ấy phục vụ những đại biểu tham dự hội nghị cán bộ ngành vận tải của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Ngày 29-3-1967 tờ báo thanh niên "Tiền Phong" đã viết như sau: "Ngày 27-3 đã có hơn 600 đại biểu của đội quân 100 nghìn nam nữ thanh niên công tác trong ngành vận tải về Hà Nội tụ hội để kỷ niệm 36 năm ngày thành lập Đoàn Thanh niên Lao động Việt Nam".) Trong quyển nhật ký có đoạn viết:

"Tôi không biết tại sao, nhưng tôi ví buổi biểu diễn văn nghệ ngày hôm nay với cuộc trình diễn lần đầu bản giao hưởng số 7 hoặc số 9 của Sôxtacôvích tại thành phố Lêningrát lúc ấy đang bị bao vây.

Có thể sự so sánh ấy là không đạt cho lắm, nhưng trong lúc diễn ra buổi biểu diễn văn nghệ trong tôi đã xuất hiện một cảm giác đúng là như vậy. Nên nhớ rằng một nửa miền Bắc Việt Nam đã bị phá huỷ một cách căn bản, vẫn đang diễn ra cuộc chiến tranh ác liệt. Vậy mà tại đây, tại Hà Nội, lại đang diễn ra buổi biểu diễn văn nghệ tràn đầy tinh thần lạc quan. Chúng tôi xem vở vũ ba lê của Thuý Quỳnh - phiên bản Việt Nam của vở "Hồ Thiên nga". Sau đó nam ca sĩ nổi tiếng của Việt Nam Trần Hiếu đã hát bài hát Liên Xô mà chúng ta đã quen thuộc "Đất nước tôi bao la" đã có thời được nam ca sĩ Mỹ nổi tiếng Pôn Rốpxơn trình bày. Giai điệu Nga êm đềm ấy đã vang lên dưới bầu trời nhiệt đới của Hà Nội".

Sau đấy lại diễn ra những cuộc hội đàm, thường bị cắt ngang do những cuộc báo động phòng không và do phải xuống hầm trú ẩn. Tiện đây xin nói rằng trong hầm trú ẩn không khí thật nóng bức và ngột ngạt. Vì vậy, tuy có sự phản đối của các đồng chí Việt Nam, chúng tôi vẫn đứng ở cửa hầm thôi. Chúng tôi không nhịn cười được khi thấy anh chàng phóng viên Nhật Bản, với chiếc micrô giơ xa ra phía trước, cứ chạy quanh chiếc hầm trú ẩn để ghi lại toàn bộ "cuộc trình diễn" trận chiến đấu trên bầu trời Hà Nội.

Ngày 30-3-1967 đồng chí Lê Duẩn, Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam đã tiếp phái đoàn chúng tôi. Trong cuộc trao đổi với phái đoàn chúng tôi, đồng chí Lê Duẩn cho biết: Báo chí Việt Nam đưa tin rộng rãi về các chuyến viếng thăm của các đoàn Việt Nam sang Liên Xô và các đoàn Liên Xô sang thăm Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Đồng chí nói: "Chúng tôi cố gắng làm sao để nhân dân chúng tôi biết rõ về sự giúp đỡ mà Liên Xô dành cho chúng tôi trong cuộc đấu tranh chống cuộc xâm lược của ngoại bang. Hiện nay, khi đất nước chúng tôi đang trải qua thời kỳ rất khó khăn, ở đất nước chúng tôi đã phổ biến rộng rãi các sách báo của Liên Xô kể về cuộc Chiến tranh vệ quốc vĩ đại, về Cách mạng tháng Mười. Chúng tôi giáo dục nhân dân, đặc biệt giáo dục thanh niên, thông qua những truyền thống anh hùng của nhân dân Liên Xô và của các lực lượng vũ trang Liên Xô. Chúng tôi biết rằng trong những năm Chiến tranh vệ quốc, Liên Xô đã chịu những tổn thất lớn lao. Vì vậy chúng tôi nói với nhân dân nước mình rằng nền độc lập của chúng tôi giành được có sự đóng góp, khích lệ bởi những hy sinh và chiến công của nhân dân Liên Xô".

Tôi thiết nghĩ, hồi đó đồng chí Lê Duẩn đã trình bày một suy nghĩ thú vị. Đồng chí nói rằng các sinh viên Việt Nam, khi theo học ở Liên Xô, không những thu nhận kiến thức, mà còn hấp thụ nền văn hóa Xôviết mà họ có nhiệm vụ phải truyền lại cho nhân dân nước mình và qua đó góp phần phát triển các quan hệ văn hóa giữa hai nước chúng ta.

Ngày hôm sau chúng tôi rời Hà Nội. Sau khi trở về Mátxcơva, đã có không những báo cáo chính thức, mà đã diễn ra nhiều cuộc gặp gỡ, nhiều buổi trao đổi kể về cuộc chiến tranh tại Việt Nam, về hoạt động của các chuyên gia quân sự Liên xô ở đó.

Vào những năm tiếp theo đã có nhiều chuyến công tác đến Việt Nam trong thời chiến. Những chuyến công tác ấy đã để lại những kỷ niệm sâu sắc trong ký ức tôi. Tôi sẽ không viết về tất cả những chuyến công tác ấy. Nhưng tôi cần phải kể về một chuyến công tác. Tôi muốn nói về chuyến công tác hồi tháng 9-1969 của phái đoàn Liên Xô, do Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô A. N. Côxưghin dẫn đẩu, đến Hà Nội dự tang lễ của người con vĩ đại của dân tộc Việt Nam, một chiến sĩ quốc tế xuất sắc - Chủ tịch Hồ Chí Minh. Hồi đó các đoàn đại biểu từ khắp thế giới đã đến Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Sau này tôi đã không có dịp nào được chứng kiến một sự hội tụ các vị khách cao cấp ngoại quốc đông như vậy. Tôi cũng không có dịp nào được nhìn thấy một sự tập trung đông đảo như thế của dân chúng trong thời gian tang lễ. Tưởng chừng như cả nước đã về Quảng trường Ba Đình lịch sử để vĩnh biệt lãnh tụ của mình. Sau này cũng tại quảng trường này và cũng với một số lượng người rất đông đã tiến hành buổi lễ khánh thành Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Cơ duyên là như vậy đó: tôi cũng có cơ hội chứng kiến tại Hà Nội ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam Việt Nam vào mùa Xuân năm 1975. Nhưng đó là một mùa Xuân khác biệt - mùa Xuân Đại thắng, chiến thắng đó đã thật sự hiện diện trước ngưỡng cửa của mỗi gia đình Việt Nam. Chiến thắng ấy đã rọi ánh sáng rực rỡ lên tất cả những sự kiện trong cuộc sống của chúng tôi ở Hà Nội, trong đó ngày kỷ niệm đầy ý nghĩa đối với quan hệ song phương của hai nước chúng ta - đó là Lễ kỷ niệm 25 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao (tháng 1-1975). Chiến thắng ấy đã đem lại sắc thái đặc biệt, tràn đầy không khí ngày hội cho những sự kiện ấy.

Người Hà Nội yêu mến thành phố của mình (cũng giống như chúng tôi yêu mến thành phố Mátxcơva của chúng tôi). Ngay cả vào thời kỳ ấy, vào thời kỳ chiến tranh gian khổ, người ta đã cố gắng tô điểm cho Hà Nội đẹp hơn và sạch hơn. Đó là lý do tại sao tôi muốn kết thúc những dòng ghi chép về quãng đời của tôi sống ở Hà Nội ngày xưa bằng những câu thơ của nhà thơ trứ danh Tế Hanh được đăng từ lâu lắm trên báo "Nhân Dân".

Hà Nội ơi! Trong trái tim mỗi người chúng ta

Người bừng lên ngọn lửa không bao giờ tắt.

Trái tim người lính

Bạn đang đọc bài viết "Chiến tranh Việt Nam là thế đó 1965 – 1973 (Kỳ7)" tại chuyên mục Văn hóa - Xã hội. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn