Chút tản mạn với nghề báo

Trần Trung Hiếu - Giáo viên Lịch sử, Trường THPT chuyên Phan Bội Châu, Nghệ An

21/06/2022 13:48

Theo dõi trên

Nhân dịp 21/6 hằng năm, nhiều người chúc mừng tôi. Tôi vui vẻ đón nhận lời chúc này. Còn gọi tôi là với danh xưng nghề nghiệp là NHÀ BÁO thì tôi không dám nhận.

hieu-1-ok-1655794013.jpg
Nhân dịp 21/6 hằng năm, nhiều người chúc mừng tôi. Tôi vui vẻ đón nhận lời chúc này. Còn gọi tôi là với danh xưng nghề nghiệp là NHÀ BÁO thì tôi không dám nhận

 

Tác giả Trần Trung Hiếu hiện là giáo viên Lịch sử, Trường THPT chuyên Phan Bộ Châu (Nghệ An), một nhà phản biện giáo dục, một người đồng hành của giới báo chí cả nước

Tôi chỉ là nhà giáo có tư duy, cách nhìn nhận của báo chí, hay viết bài đăng báo. Điều này thì rất nhiều người làm được, dù họ không có Thẻ Nhà báo.

Quan điểm của tôi khi viết báo, thậm chí đã làm biên tập viên báo chí bất đắc dĩ là gắng lan tỏa những giá trị và thẳng thắn góp ý những bất cập, bất ổn đang tồn tại để mong cho cuộc sống dần trở nên tốt đẹp hơn, tươi sáng hơn.

Đúng thì phải ghi nhận, thừa nhận và lan tỏa.

Chưa đúng thì phải phản biện, góp ý thẳng thắn trên tinh thần thiện chí, xây dựng.

Đã hiển nhiên, đương nhiên là đúng mà người ta vẫn cho là sai thì phải biết lên tiếng bảo vệ cái đúng, cả về con người và sự việc. Không biết bảo vệ cái đúng là hèn.

Một số người hỏi tôi làm sao để viết được báo, có bài đăng báo? Tôi trả lời, nghề gì, việc gì trong cuộc sống muốn làm được thì phải yêu nghề và trách nhiệm với nghề đó. Lúc đó sẽ khơi đam mê, truyền cảm hứng, tạo động lực để có thể sống với nó bằng đam mê.

Tôi chưa 1 giờ được học chuyên môn nghiệp vụ báo chí. Tôi chỉ hay đọc báo và tìm thấy ở đó những sự thú vị. Vậy là viết. Viết bằng cảm xúc, trái tim, bằng những gì mắt thấy, tai nghe. Viết bằng sự tinh tế và sự trăn trở. Viết báo với tâm thế, cách nhìn nhận vấn đề của một nhà giáo.

Đề tài tôi viết từ hẹp đến rộng. Từ những kiến thức lịch sử mà tôi đang giảng dạy và nghiên cứu đến các hoạt động về văn hóa, thể thao, âm nhạc, điện ảnh... Từ những bài viết ngắn, cô đọng, khái quát đến những bài khảo cứu, nghiên cứu chuyên sâu, chuyên đề.

Chiếm số lượng, lưu lượng, thời lượng lớn trong nhiều bài báo và trả lời phỏng vấn báo chí hàng chục năm qua của tôi chính là những bài viết chính luận phản biện thẳng thắn, thậm chí rõ ràng, dứt khoát và đanh thép về những bất ổn của giáo dục như chương trình, sách giáo khoa, đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá, thi cử, văn hóa học đường, phản biện những bất cập của nhiều chủ trương chính sách, thông tư văn bản của ngành...

Có thể, những điều tôi viết, tôi nói là rất nhiều đồng nghiệp đều biết. Nhưng vì nhiều lý do mà họ đều im lặng. Còn tôi thì không.

hieu-2-ok-1655794013.jpg
Tác giả Trần Trung Hiếu nhận giải Khuyến khích giải Báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp giáo dục Việt Nam” năm 2021 (ảnh chụp cùng đồng chí Lê Hải Bình, Ủy viên Dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương)

Quan điểm của tôi khi viết báo là không bao giờ a dua theo kiểu “Ăn theo nói leo”, không bị chi phối, dẫn dắt bởi “hiệu ứng đám đông”.

Khi nhiều người, nhiều đồng nghiệp im lặng, im tiếng (vì nhiều lý do) thì tôi sẽ lên tiếng.

Tôi viết báo chỉ là một sở thích ngoài chuyên môn, không xem đó là nghề để kiếm sống. Vì vậy, quyền lực và tiền bạc khó để bẻ cong ngòi bút của tôi.

Nhiều bài phản biện của tôi trên Facebook và báo chí đó có hiệu quả, nhiều lãnh đạo các cấp đã có tiếp thu và điều chỉnh chính sách theo chiều hướng tích cực hơn.

Vậy là vui.

Từ bài viết chính thức đầu tiên được đăng báo giấy năm 2005, đến nay tôi cũng đã gần 20 năm “hành nghề”. Tôi không thể thống kê nổi là mình đã viết bao nhiêu bài báo ngần ấy thời gian, nhưng nếu vất vả lục lọi, tìm kiếm để photo thì chắc chắn sẽ có 1 tuyển tập rất dày.

Thành quả cho những trăn trở trên những trang giấy đó là tôi cũng đã vài lần được xướng tên trong 1 số sự kiện tôn vinh, khen thưởng về báo chí với sự nghiệp giáo dục.

Lâu nay, khi đọc báo và viết báo, tôi luôn chiêm nghiệm câu nói của chí sỹ Huỳnh Thúc Kháng về nghề báo: “Nếu không có quyền nói tất cả những điều mình muốn nói thì ít ra cũng giữ cái quyền không nói những điều người ta ép buộc nói”.

Gần 20 năm có duyên với báo chí cũng là ngần ấy thời gian tôi đã giành nhiều nỗi lòng, tiếng lòng trăn trở và đầy trách nhiệm trong từng con chữ, trang viết với một ước vọng để nghề báo thực sự là một nghề tử tế và được xã hội trọng thị.

Chúc mừng lãnh đạo các cơ quan báo chí và các phóng viên đón Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam thật ý nghĩa.

 

20/6/2022 - TTH

 

Bạn đang đọc bài viết "Chút tản mạn với nghề báo" tại chuyên mục Phát triển. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn