Điện Biên: Người giữ hồn dân tộc

Tú Anh

07/09/2021 05:53

Theo dõi trên

Đã qua vài thập kỷ, ông Lò Văn Keo, bản Cha Nọ, xã Ẳng Tở (huyện Mường Ảng) miệt mài với cây đàn nhị, tính tẩu và kèn lá, trình diễn và truyền thụ những âm điệu độc đáo cho các thế hệ con cháu. Tâm nguyện của ông là những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc được lưu giữ và phát triển!

giu-hon-dan-toc-1630968799.jpg
Ông Lò Văn Keo truyền dạy cho con cháu kỹ thuật vừa chơi nhị vừa thổi kèn lá

Ông Keo là người thích ca hát, đam mê với các nhạc cụ dân tộc từ nhỏ. Giờ đây dù tuổi đã cao nhưng ông Keo vẫn dành tình cảm đặc biệt với những nhạc cụ dân tộc, đặc biệt là đàn nhị, tính tẩu và kèn lá. Kể về mối “lương duyên” với nhạc cụ dân tộc, ông Keo cho biết, ngày xưa khi còn bé, trong bản có một vị cao niên tên là Lò Văn Khoán chơi tính tẩu, đàn nhị và kèn lá rất giỏi. Có cảm giác dường như mỗi lần những âm điệu vang lên là làng bản như bừng sáng, vui tươi, rộn rã, khiến dân bản yêu quê hương mình nhiều hơn. Cứ thế ngày này qua tháng khác, những giai điệu âm nhạc đó ngấm vào cậu bé Keo từ khi nào cũng không rõ. Để rồi những lời ca, tiếng hát, nhịp đàn, điệu kèn đã theo ông suốt cả cuộc đời.

Về cách sử dụng, biểu diễn sao cho hay và đúng, ông Lò Văn Keo say sưa nói: Đối với đàn nhị hay tính tẩu, khi biểu diễn phải tì sát mạn sườn trái, tay phải cầm cung nhị kéo tác động vào dây và ống, tay trái bấm phím tạo ra âm điệu, cung bậc. Còn kèn lá thì biểu diễn khác với 2 loại nhạc cụ trên. Lá được kẹp vào môi theo chiều ngang, dùng 2 tay giữ 2 đầu lá và giữ cho mép lá cong nhẹ áp sát vào môi, dùng hơi tác động vào lá tạo ra âm điệu.

Hát hay, đàn giỏi, ông Keo còn biết chế tác đàn nhị, tính tẩu từ năm 12 tuổi. Để có cây đàn đẹp, âm hay, khi chế tác đòi hỏi sự tinh tế, khéo léo, cầu kỳ. Đàn nhị gồm: Ống nhị, cần nhị, trục dây, cử nhị và cung vĩ. Ống nhị được làm bằng gỗ cứng, dài khoảng 13cm, một đầu được bịt kín bằng da con cóc, đầu còn lại đục thành nhiều lỗ nhỏ để âm thanh thoát ra, đây là bộ phận có tác dụng khuếch đại âm thanh của đàn. Cần nhị (cán nhị) dài 80cm, được cắm xuyên qua ống nhị. Có 2 trục dây, gắn xuyên qua cần nhị và nằm cùng hướng với ống nhị; muốn tạo âm cao hay trầm bằng cách vặn trục dây. Có 2 dây nhị được làm bằng dây cước, dây lớn nằm trong và dây nhỏ nằm ngoài... Còn tính tẩu có 3 bộ phận chính: Bầu vang, cần đàn và dây đàn.

Bầu vang được làm bằng nửa quả bầu. Nghệ nhân lựa chọn quả bầu già, lấy ruột ra và ngâm nước 1 tuần rồi rửa sạch, phơi khô, sau đó ngâm vôi khoảng 2 - 3 ngày để không bị mọt. Kích cỡ tùy theo quả bầu lớn hay nhỏ (đường kính từ 15 - 25cm) để có độ vang, âm sắc chuẩn người ta thường chọn quả bầu tròn và dày đều. Mặt đàn thường làm bằng gỗ cây ngô đồng xẻ mỏng và được khoét 2 lỗ nhỏ để thoát âm. Cần đàn được làm bằng gỗ nhẹ và thẳng (dài khoảng 1,3m), phần dưới của cần đàn xuyên qua bầu vang, còn phần trên cùng là đầu đàn uốn cong hình lưỡi liềm và có 2 dây đàn bằng dây cước... “Làm nhị mất khoảng 2 ngày, còn tính tẩu khoảng một tuần; muốn có được cây đàn tốt, âm chuẩn thì người thợ phải biết hát các điệu then, những quãng âm cơ bản. Sau khi hoàn thiện cây đàn, tôi lại kéo một điệu then và hát để kiểm tra chất lượng âm thanh của đàn” - ông Keo vui vẻ tiết lộ “bí kíp” làm đàn của mình.

Theo ông Keo thì thổi kèn lá không khó, mình thuộc bài nào thì thổi bài đấy. Với người thạo thổi thì lá nào cũng thổi được; ông Keo thì thường lấy lá nhãn để thổi vì lá nhãn chắc, khi thổi chỉ cần dùng môi, còn loại lá khác thường mềm khi thổi phải lấy tay giữ, sẽ rất khó trong việc vừa chơi đàn vừa thổi kèn. Đặc biệt, nên chọn lá không quá già cũng không quá non, vì nếu dùng lá non khi thổi dễ bị rách, còn già quá thì không thổi được.

Bây giờ không chỉ ở huyện Mường Ảng mà tại nhiều địa bàn khác trong tỉnh, danh tiếng nghệ nhân Lò Văn Keo rất nhiều người biết, bởi ông là người hiếm khi vắng mặt trong các ngày hội lớn của huyện, của tỉnh. Với những đóng góp trong gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc, năm 2019, ông Lò Văn Keo đã được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú. Đam mê nghệ thuật trình diễn dân gian từ khi còn nhỏ, ông dành cả cuộc đời để nghiên cứu chế tác và sử dụng tính tẩu, đàn nhị và cách thổi kèn lá truyền thống. Ông nằm trong số hiếm người am hiểu, chế tác thành thạo, đồng thời sử dụng và trình diễn thuần thục các loại nhạc cụ này. Ông vừa có thể thổi kèn lá, vừa có thể kéo nhị tạo nên một màn trình diễn độc đáo, đặc sắc, góp phần quảng bá rộng rãi hơn hình ảnh, bản sắc văn hóa dân tộc Thái tới bạn bè gần xa. Giờ đây, khi tuổi đã cao ông đang dốc tâm huyết cả đời để truyền dạy cho con cháu với mong muốn sẽ lưu truyền, phát triển mãi mãi với thời gian giá trị văn hóa đặc sắc của dân tộc Thái.

Nguồn: http://www.baodienbienphu.info.vn

Bạn đang đọc bài viết "Điện Biên: Người giữ hồn dân tộc" tại chuyên mục Văn hóa - Xã hội. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn