Gặp lại đôi mắt ấy

Truyện ngắn của Dinh Dung

19/10/2021 02:41

Theo dõi trên

Có một đôi mắt đã đi qua đời tôi suốt mấy chục năm qua. Dường như, càng lớn tuổi, mỗi lần nghĩ đến đôi mắt ấy, sự thổn thức càng tăng lên gấp bội. Và tưởng sẽ không bao giờ được gặp lại nữa. Vậy mà tôi lại gặp đôi mắt ấy, trong một hoàn cảnh rất gần gũi, ấm cúng đến kỳ lạ. Nó làm cho tôi nhớ về quá khứ, nhớ về một thời Tuổi trẻ. Bởi, đôi mắt ấy đã dẫn dắt, đưa tôi đến những nụ hôn đầu đời…

doi-mat-1634586060.jpg
 

Cuối năm 1975 đơn vị chúng tôi vào đến Vĩnh Linh thì dừng lại, không vào tiếp nữa. Đơn vị tôi đóng quân cạnh một cái giếng, có tên nghe rất âm u: Giếng Trời. Nơi đây, sau những buổi chiều đá bóng về, lũ lính trẻ chúng tôi tranh nhau tắm, giặt. Giếng Trời nằm ở dưới cánh rừng thông rất mộng mơ. Và người dân nơi đây đã thêu dệt nên những mối tình rất đẹp. Giếng Trời nước lúc nào cũng trong vắt và đầy ăm ắp...Ngoài đám lính tuổi học trò chúng tôi, còn có các cô thuộc đoàn văn công đi thực tế về các Làn điệu dân ca Bình Trị Thiên cũng sử dụng. Và giếng Trời là của chung của mấy làng gần đấy. Vậy mà, từ ngày có chúng tôi, nó đã trở thành làn ranh giới nam nữ. Bởi, mấy thằng nhất quỷ nhì ma độc chiếc quần đùi trấn giữ cái giếng Trời, một cách vô tư. Làm cho các cô không dám đến gần, chỉ ngồi từ xa quan sát. Đợi chúng tôi về hết, các cô mới đến giếng.

Nếu không có cái đêm chiếu phim, thì có lẽ giếng trời mãi mãi là ranh giới của lứa đôi...

Lâu rồi mới được xem phim bãi, trời chưa tối mà tiếng loa đã làm bọn trẻ rạo rực. Phim chiếu rồi, nhưng người ở xa vẫn đến rất đông, chật cả cái sân bóng. Chiếu sang tập hai được một nửa thì trời có mưa. Mọi người bảo, mưa bóng mây, nhanh tạnh thôi, nên đề nghị chiếu tiếp. Đang đắn đo, xem tiếp hay đi tránh mưa, chợt có một bàn tay mềm mại nằm lấy cổ tay tôi, kéo ra khỏi đám đông chạy về phía trường học gần đấy. Chưa biết tên, nhưng tôi nhận ra cô ấy là văn công. Vào đến cửa trường thì mưa nặng hạt hơn, vậy mà phim vẫn chiếu. Vội bỏ tay tôi ra, cô hỏi:

- Anh là...?

Tôi giật mình, hỏi lại:

- Sao chị biết?

Cô cười:

- Bọn em vẫn xem trộm các anh đá bóng…thấy gọi tên réo rắt trong sân mà.

Thấy cô hồn nhiên, tôi trấn tĩnh lại ngay, và đùa lại:

- Vậy thì đằng ấy tên gì ấy nhỉ?

- Hà. Lê Lệ Hà. Gớm, từ hồi các anh về đây đến giờ, hôm nào bọn này cũng bị muộn giờ tập. Các bố chiếm giếng lâu quá trời...

-  Sao các chị không nói, thôi để về tôi sẽ bảo ngay với mọi người.

Hà cười, véo vào tay tôi một phát: Các anh nhớ nhé, đừng để bọn em muộn giờ tập nữa…

Tiếng thuyết minh phim vang vang, vậy mà Hà vẫn hỏi tôi đủ thứ chuyện. Lần đầu nói chuyện với một cô gái lạ, tôi như bị thôi miên ấy. Trong đêm, tôi vẫn thấy Hà nhìn tôi cười, càng làm cho tôi bối rối hơn.

Phim hết, không còn tiếng thuyết minh nữa. Không gian tĩnh mịch trở lại, làm cho tiếng nói cứ nghẹn nghẹn. Cũng may Hà cũng giống tôi. Và cái âm thanh loạn nhịp... của hai người khác giới hình như cũng rõ hơn.

Tôi giục Hà ra về, hai đứa đi bên nhau không nói thêm gì, chỉ nghe tiếng bước chân đuổi nhau như đang chạy trốn, sự rạo rực của con tim.  Đến lối rẽ, tôi tiễn Hà đến đầu cổng nhà trọ và hẹn với cô ngày mai gặp lại. Hà chưa kịp nói, tôi đã chạy nhanh về phía trước.

Đêm ấy, nằm mãi mà không sao chợp mắt được, đây cũng là lần thứ hai, tâm trạng giống như cái đêm chia tay với cô hàng xóm để ngày mai nhập ngũ vậy...

Sau cái đêm tôi gặp Hà, đám lính chúng tôi chơi bóng xong, là tranh thủ tắm rồi mặc áo quần chỉnh tề, mới giặt đồ. Các cô văn công vui lắm. Từ đó Hà và tôi cũng gần gũi nhau hơn.

Hà kể, sắp tới đoàn của cô sẽ ra Bắc, và có chương trình biểu diễn ở Nhà hát thị xã Hà Tĩnh. Tôi bảo, nhà tôi ở phía sau nhà hát, cách nơi Hà biểu điễn khoảng năm trăm mét thôi.

Mới thứ ba mà Hà đã hẹn tôi, cuối tuần về nhà Hà chơi. Là cu lính mới được ca sỹ như Hà mời, tôi khoái và rạo rực lắm. Đang trong thời kỳ rạo rực, và chờ đợi, thì đơn vị thông báo: Chuẩn bị quân tư trang để hành quân ra phía Bắc. Tối chủ nhật xe đến là lên đường. Nghĩ, hơi bị đau, và hụt hẫng.

Đã thứ sáu rồi, còn hai ngày nữa là chúng tôi hành quân, và không biết đến khi nào mới có dịp để trở lại nơi đây... Đang chuẩn bị đồ dùng cá nhân, thì nghe tiếng Hà gọi. Chưa thấy mặt, Hà đã hỏi:

-  Sao chuyển đơn vị mà anh không nói?

- Bọn anh cũng vừa được thông báo lúc chập tối mà. Ai nói với em mà nhanh vậy?

- Bạn anh sang bên em chào nhau cả rồi đấy!

Tôi để ba lô lên gác, rồi kéo Hà ra sân. Hà nắm lấy tay tôi cứ bước dài ra ngoài ngõ, đi về phía giếng Trời. Hai đưa vẫn im lặng, đi đến dưới gốc cây đa, Hà dừng lại ôm chặt lấy tôi, như sợ bị gió cuốn bay mất. Tôi như kẻ mộng du ôm chặt lấy Hà. Tôi không rõ, đây có phải là tình yêu hay không, nhưng cái cảm giác ôm người khác giới, khi hai làn da chạm vào nhau, thì dường như con tim không còn nguyên vẹn nữa. Hà quàng hai tay lên cổ tôi, với nụ hôn thật đam mê và quyền lực. Và tôi cũng bị say đắm, cuồng nhiệt. Để đến bây giờ tôi vẫn thổn thức, bởi đó là nụ hôn đầu đời của tôi. Và không bao giờ tìm lại được nụ hôn “bị chiếm đoạt“ nhớ đời như vậy...

Và khi xe chuẩn bị chạy, Hà khóc rất nhiều. Tôi hôn Hà, như một kẻ đòi nợ ân tình...Để đến bây giờ mãi mãi là một ký ức khó quên.

Hôm ấy, trời đất cho tôi cảm giác màn đêm dường như muốn buông xuống sớm hơn thì phải. Hà nắm chặt lấy tay tôi. Khi xe nổ máy chuẩn bị lăn bánh mới buông tay, để tôi lên xe. Hà khóc...Xe chạy và người đưa tiễn vẫn đuổi theo mãi. Đến khi con đường đất đỏ dựng thành một bức tường bụi dày đặc, thì đoàn xe chúng tôi mới ra đến con đường rải nhựa. Xe chạy nhanh hơn để lại phía sau cả một màn đêm, với bao nhiêu kỷ niệm, như một nhà thơ nào đó đã viết: ”Khi ta ở, chỉ là nơi đất ở/ Khi ta đi, đất đã hoá tâm hồn!”

Đêm mùa hè, trời trong xanh vời vợi, xe lắc lư êm ái làm cho mọi người đi vào giấc ngủ. Vậy mà, tôi không tài nào chợp mắt được, bởi vì Hà. Hơn ba ngày hành quân tâm trạng cứ bồn chồn, như bị đánh mất một thứ gì đó...

Sau khi đã ổn định chỗ ở, có địa chỉ tôi mới viết thư cho Hà và gia đình. Chờ mãi mới nhận được thư nhà. Quê tôi đang mùa lụt. Vậy mà Hà vẫn đến thăm gia đình tôi. Nghe các em tôi kể: Vì lụt, đoàn của Hà không biểu diễn được. Và họ chỉ ở Hà Tĩnh hai hôm rồi đi. Hôm Hà đi cũng vào chào gia đình, và tặng nhiều kẹo mè xửng Huế, các em tôi thích lắm. Hà để lại nhiều tình cảm cho gia đình tôi....

Sau lần đi ra Bắc biểu diễn dài ngày trở về. Hà viết thư, kể cho tôi nghe bao nhiêu chuyện...Vậy mà hai đứa vẫn chưa khi nào nói với nhau từ yêu.

Rồi thời gian cứ trôi nhanh, đơn vị lại có nhiều nhiệm vụ mới, cho nên chỗ của tôi ở cũng không ổn định. Cũng may, cuối năm ấy tôi có chuyến đi công tác vào phía Nam với thủ trưởng. Tôi ghé thăm mới biết được, Hà và gia đình đã chuyển vào Sài Gòn gần một năm rồi. Chị Hương cấp dưỡng bảo: Hà mong thư của tôi từng ngày và cũng viết cho tôi nhiều thư lắm. Chị trách, sao tôi không gửi thư trả lời cho Hà?

Tôi kể cho chị nghe về nhiệm vụ của tôi. Bởi vậy, hôm nay tôi mới xin phép thủ trưởng tranh thủ đến thăm Hà. Chị Hương bảo: Hà bị cha mẹ ép duyên, nên Hà mới chuyển vào trong ấy. Hồi mới vào Hà chăm gửi thư cho anh chị em trong đoàn lắm. Rồi bẵng đi một thời gian không thấy gì cả. Tuy nhiên, mới đây nghe đồn đoán, Hà đã theo gia đình chồng sang Mỹ theo diện HO. Cũng có tin, vợ chồng Hà vượt biên, bị cướp. Bây giờ không biết sống chết như thế nào...

Nghe tin tôi về thăm Hà, mấy anh chị trong đoàn đến chơi hát hò vui lắm. Họ kể về Hà rất nhiều, càng làm cho tôi buồn thêm. Chị Hương biết tôi thích món bánh bột lọc nhân tôm, chị làm cả đêm...

Đêm ấy tôi ngủ lai đoàn, đợi xe của thủ trưởng qua đón, rồi ra Bắc luôn.

Mãi đến 9h thủ trưởng mới tới, chị Hương dọn bánh và thức ăn ra mời mọi người. Thủ trưởng hỏi tôi: Cô Hà đâu mà không gọi cô ấy vào ăn cho vui. Tôi chưa kịp phản ứng, thì chị Hương trả lời, và kể tóm tắt cho ông nghe, với lời lẽ có tính trách móc. Ăn uống xong, chúng tôi lên xe ngay. Tôi dặn chị Hương và mọi người, nếu biết tin của Hà thì nhắn tin về địa chỉ gia đình tôi ở Hà Tĩnh ...

Xe chạy hơn cả tiếng đồng hồ mà không ai chuyện trò gì cả. Mãi đến lúc xuống xe đợi phà, thủ trưởng châm thuốc hút, rồi gọi tôi lại hỏi: Cậu và Hà yêu nhau lâu chưa?

Mới 19 tuổi tôi có biết yêu như thế nào đâu mà dám trả lời với thủ trưởng. Tôi chỉ kể lại hết những gì xảy ra cho thủ trưởng nghe. Ông cười; nhìn sang bên phía bờ Bắc, nhả ra một luồng khói nhạt nhòa cuộn theo gió: Chiến tranh và người lính không biết có biết bao nhiêu mối tình lỗi hẹn và khổ đau... Rồi ông định nói tiếp gì đó, nhưng phà đã cập bến. Chúng tôi được ưu tiên lên trước, xe vừa lên khỏi phà, anh bác sĩ hát bài " Hận sông Danh" nghe mà buồn da diết...

Xe chạy được một lúc, thủ trưởng quay lại chọc tôi: Hôm bị cô Hà hôn, sau đó mấy ngày cậu không dám đánh răng, rửa mặt đúng không? Tôi cãi, hôm ấy em đánh răng, rửa mặt ngay, làm cho cả xe cười.

Hơn một năm mặc áo lính rồi, vậy mà cái khoản yêu đương tôi vẫn còn yếu kém lắm. Anh lái xe còn hỏi, khi hôn thì tay làm gì? Thì Hà cầm tay tôi đặt bên ngực trái, hỏi: anh có nghe tim em nói gì không? Tôi không trả lời, nhưng cảm giác ở đó có một thứ gì cứng lắm. Không phải bằng da bằng thịt. Mãi đến sau này tôi mới biết, đó là áo ngực. Họ may bằng vải bạt và ni lông cứng lắm.

Sau chuyển đi công tác trở về, câu chuyện tôi bị Lệ Hà hôn một năm về trước, tưởng đã đào sau chôn chặt mãi, như một ký ức bí mật của riêng mình. Thế nhưng, câu chuyện ấy lại được mọi người thêu dệt thành một mối tình lãng mạn đầy nước mắt. Cũng vì vậy mà khi tôi được bồi dưỡng nguồn để kết nạp Đảng, thì bị thẩm tra và viết tường trình. Cũng may có thủ trưởng bảo lãnh cho...

Năm tháng đã làm cho con người và suy nghĩ già đi theo thời gian...Vậy mà khi gặp lại đội mắt ấy, tôi vẫn như là một cậu lính trẻ của ngày xưa. Vẫn vụng về và khát vọng muốn bị cưỡng ép, với một thứ quyền lực không có ranh giới dành cho nụ hôn... Đôi mắt ấy mãi mãi là đôi mắt đẹp nhất trong tôi.

Berlin, DD

Bạn đang đọc bài viết "Gặp lại đôi mắt ấy" tại chuyên mục Văn hóa - Xã hội. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn