Nghệ Nhân, Đồng thầy Maria Nhu (Hiệu Diệu Tùng Sơn) – Tấm lòng với di sản văn hóa dân tộc

Xuân Huy - Ngọc Tuấn

02/10/2021 16:48

Theo dõi trên

Bất kỳ tôn giáo hay tín ngưỡng nào tốt đẹp đều xứng đáng được giữ gìn và phát triển. Là một người đồng hành cũng những giá trị ấy, bà không chỉ thực hiện cái duyên trời ban cho mình mà còn thực hiện bằng tất cả sự chân tình, lòng yêu mến, sự trân trọng những giá trị văn hóa phi vật thể của dân tộc. Bà là nghệ nhân, đồng thầy Maria Nhu (Hiệu Diệu Tùng Sơn) - Chủ tịch Trung tâm bảo tồn và phát triển Đạo Mẫu Việt Nam tại Úc – Đồng đền Quan lớn Tuần tranh tại Úc Châu.

e27d3a78000ec950901f-1633079002.jpg

Nhân duyên…

Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất kinh kỳ nghìn năm văn hiến, có thể nói Hà Nội là một trong những cái nôi của những giá trị văn hóa phi vật thể của người Việt. Những giá trị văn hóa đặc sắc của mảnh đất kinh đô trải qua hàng nghìn năm đã góp phần hình thành và tạo nên tính cách con người Tràng An anh dũng, quật cường, giàu tính nhân văn, giàu đức hy sinh vì sự trường tồn của dân tộc. Và tục thờ Mẫu là nét văn hóa đặc trưng, phổ biến, thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn của người Việt.

Chia sẻ với chúng tôi về căn duyên đến với thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu, nghệ nhân, đồng thầy Maria Nhu cho biết: Tạo hóa sinh ra con người ai cũng có căn số, đây là nghiệp chọn người chứ không phải người chọn nghiệp. Trong cuộc sống, mọi người có thể lựa chọn cho mình một nghề để theo đuổi và mưu sinh, nhưng với nghiệp Mẫu thì không phải, phải là người được bề trên lựa chọn thì mới có thể bước chân vào con đường hành đạo đúng đắn. Ngay từ khi còn nhỏ, bà đã biết bản thân mình có căn duyên với Mẫu. Suốt những năm tháng tuổi thơ, bà thường ăn không ngon ngủ không yên, khi ngủ thường mơ thấy mình gặp các vị Thánh dạy học cho mình, khi thì gặp các vấn đề về tâm lý. Trong thời gian đó, bà cảm thấy người có giác quan khác, nhưng đó chỉ là những cảm nhận chưa rõ ràng. Năm bà 26 tuổi, cố thủ nhang Trang Công Thịnh – Đền Dâu Hàng Quạt là người thầy mẫu mực đã chỉ đường dẫn lối cho bà ra thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu, tiếp nối cái tâm cái đức cái tài của người thầy tâm đức. Cố đồng đền Trang Công Thịnh đã dành cả cuộc đời để thờ phụng cũng như bảo vệ, gìn giữ Tín ngưỡng thờ Mẫu. Cụ đi khắp các đền các phủ, đóng góp, công đức và cùng các Thủ nhang, Đồng đền xây dựng nơi thờ cúng các vị Tiên Thánh, đặc biệt cụ đã cùng cụ cố thủ nhang Trần Viết Đức (thủ nhang Phủ Chính Tiên Hương, Phủ Giầy, Nam Định) tổ chức và tham gia các cuộc Hội thảo, gặp gỡ các cơ quan ban ngành để vận động cho Tín ngưỡng được hoạt động công khai dưới sự chỉ đạo của Nhà nước, giúp người dân hiểu biết hơn về tín ngưỡng cũng như thực hành tín ngưỡng. Tấm lòng nhất tâm với Thánh Mẫu của các cụ cố đồng đền thật đáng quý, thế hệ con cháu chúng ta sau này luôn coi các cụ là tấm gương để học tập, noi theo.

Sống vì đạo – kế thừa tinh hoa dân tộc

Hơn 20 năm sinh sống và làm việc tại nước Úc, Đồng thầy Maria Nhu chia sẻ: “Số trời đã định cho mình, Phật Thánh điểm chỉ cho mình theo như thế nào thì mình theo như thế, ăn cơm trần làm việc âm; Phật ở trong tâm; cứu người trần gian; tôn vinh người có công; thờ cúng tổ tiên, ông bà, cha mẹ và làm việc thiện cứu dân, cứu người qua khỏi bể ải”. Đến nay đã hơn 50 năm, bà ra trình đồng mở phủ giúp đỡ mọi người theo trách nhiệm bản thân và theo căn nguyên mà các Ngài đã lựa chọn. Khi có duyên trở về Việt Nam, nghệ nhân Maria Nhu cảm nhận mọi thứ dường như đã thay đổi choáng ngợp, đặc biệt tín ngưỡng thờ Mẫu không còn bị coi là mê tín dị đoan như ngày xưa nữa. Việc thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại đã góp phần tăng cường vị trí, vai trò của di sản văn hóa đối với xã hội, làm giàu thêm bức tranh đa dạng văn hóa của Việt Nam và nhân loại. Bản thân bà nhận thức được vai trò của mình là người đồng thầy, phải có trách nhiệm hơn nữa trong việc dìu dắt, truyền tải, hướng dẫn cho các đệ tử, con hương của mình.

Trở về quê hương chỉ ít ngày, nhưng bà luôn dành thời gian để gặp gỡ, giao lưu, học hỏi kinh nghiệm với các bạn đồng, các thủ nhang, đồng đền, các cơ quan ban ngành cùng bảo tồn và giữ gìn tín ngưỡng thờ Mẫu Việt Nam. Bà chia sẻ về những người Việt đang sống và làm việc tại Úc, họ cũng nhất tâm và một lòng hướng về quê hương, về đạo Mẫu, luôn hy vọng được tham gia các hoạt động thực hành tín ngưỡng, đi tham quan các đền trong cả nước, công đức tiền để trùng tu, tôn tạo các di tích góp phần bảo tồn các giá trị lịch sử văn hóa.

Hiện tại, bên Úc bà là thủ nhang điện Quan Lớn Tuần Tranh, ngôi điện do bà cùng gia đình xây dựng, nơi đây đã được chính quyền công nhận. Tháng 5 năm 2019, bà cũng những người con của Mẫu chung tay cùng xây dựng Trung tâm Bảo tồn và phát triển đạo Mẫu Việt Nam tại Úc, nghệ nhân đồng thầy Maria Nhu là Chủ tịch. Trung tâm hoạt động theo đường lối chính phủ Úc ban hành, đây là một địa điểm tâm linh cho Việt kiều thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu để mọi người luôn nhớ về cội nguồn, nền văn hóa thờ Mẫu của nước nhà.

Và những trăn trở….

Nghệ nhân đồng thầy Maria Nhu luôn trăn trở rằng đã nhiều năm tín ngưỡng thờ Mẫu từng bị kỳ thị và được xem là một hình thức mê tín dị đoan. Cũng bởi vì, có một số người hành Đạo nhưng không hiểu Đạo, không hiểu về tín ngưỡng thờ Mẫu hoặc cố tình “lợi dụng” Thánh để trục lợi cá nhân. Bùng phát các ông đồng, bà đồng “khóa học ngắn ngày” tự xưng và nghi lễ hầu đồng ngày càng biến tướng, trở thành dịch vụ, làm mất đi giá trị văn hóa tốt đẹp. Họ làm việc Thánh không có tâm thì đạo chưa yên, không thể dạy đời được. Thực tế đã cho thấy, hầu đồng, hát chầu văn là một phần không thể thiếu trong sinh hoạt tín ngưỡng của người Việt, mang trong đó những giá trị văn hóa, đạo đức, tinh thần đậm đà bản sắc dân tộc. Chính vì vậy, các nghệ nhân, đồng thầy cần phải “như con 1 nhà”, đoàn kết lại, bảo vệ và phát triển, làm sao để những nét văn hóa thờ Mẫu được đi đúng hướng của nó.

Tấm lòng của người con xa quê…

Là một người làm việc Thánh, bà luôn cố gắng giúp đỡ người nghèo khó, đem hết tài, đức cống hiến cho nhân dân, giữ gìn và phát huy văn hóa tâm linh Việt Nam. Hàng năm, bà cùng gia đình cũng như Trung tâm Bảo tồn và phát triển đạo Mẫu Việt Nam tại Úc thường xuyên đóng góp, hỗ trợ vào các hoạt động thiện nguyện tại quê hương, như giúp đỡ các gia đình không may gặp nạn, ủng hộ đồng bào miền Trung gặp lũ lụt, ủng hộ người nghèo, nạn nhân chất độc da cam… Với bà đó chính là niềm vui, niềm hạnh phúc vô tận khi được giúp đỡ mọi người, được cống hiến cho quê hương cũng như góp một phần công sức bảo vệ, phát triển di sản đất nước. Qua cuộc trò chuyện ngắn ngủi với bà, bài học lớn nhất mà chúng tôi học được chính là một thái độ “trọng đạo”. Đó chính là cái Tâm và cái Tầm của một người đồng thầy luôn kính trọng mọi tôn giáo, mọi tín ngưỡng. Thấm nhuần tư tưởng của chủ tịch Hồ Chí Minh, đoàn kết tôn giáo chính là góp phần xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết dân tộc xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc trong mọi tình huống.

Trong chặng hành trình hơn 50 năm ấy, với những gì bà đã “cho” đi thì ngoài những niềm vui, sự hạnh phúc thì bà còn nhận được sự tin tưởng, tín nhiệm của những người xung quanh, và được sự công nhận của các Ban ngành, chính quyền địa phương. Chúc bà cùng những người con xa quê luôn mạnh khỏe, luôn kiến đức hành thiện, phát huy và đóng góp hơn nữa để xứng đáng những ghi nhận công lao to lớn của Nhà nước thông qua các giải thưởng, bằng khen, đó cũng là nguồn động lực lớn lao cho quá trình nỗ lực không mệt mỏi của bà, cũng là cơ sở cho niềm tin về đạo Mẫu ngày càng được công nhận và phát triển.

222-1633079236.jpg

 

Bạn đang đọc bài viết "Nghệ Nhân, Đồng thầy Maria Nhu (Hiệu Diệu Tùng Sơn) – Tấm lòng với di sản văn hóa dân tộc" tại chuyên mục Văn hóa - Xã hội. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn
Vân Anh

Vân Anh

21:27 02/10/2021

Bài viết hay

Vân Anh

Vân Anh

21:27 02/10/2021

Cảm ơn bà với những đóng góp cho nước nhà nói chung và cho ngành đạo mẫu nói riêng