Những ngày ở Nam Lào

Triều Dâng - Truyện & Thơ

12/09/2022 10:07

Theo dõi trên

Chia tay đồng đội ở tiểu đoàn bộ. Chúng tôi về lán của tổ đài. Đi qua bìa rừng một đoạn rồi mà vẫn thấy đi. Tôi hỏi sao lán của mình ở xa D bộ thế. Có bộ phận nào ở cùng chúng ta không.

Thì đài trưởng Khoa giải thích: “Ông Nhượng tham mưu trưởng vừa họp ở đoàn 559 về bảo các đơn vị Trường sơn phản ảnh, có nhiều đài 15w bị đánh do lộ sóng. Nên không cho tổ đài ở cùng D bộ, cũng không có bộ phận nào dám ở gần tổ đài.

Tôi bảo bậy nào. Ở trường đài trưởng tôi vừa được một chuyên gia cao cấp về vô tuyến điện của bộ quốc phòng là đại uý Thái Bá Chương, đã từng làm báo vụ viên của Pháp ở Điện Biên Phủ, là chuyên gia giỏi, giảng giải chi tiết về việc lộ sóng VTD...

dvh2q2-1662951853.jpgẢnh do tác giả cung cấp.

 

Cả cuộc chiến tranh chống Pháp có duy nhất một đài của Sư Đoàn 308, quả đấm thép của quân đội ta bị phát hiện do lộ sóng 15w. Nguyên nhân là đài có một báo vụ viên cố tật (tức là phát tín bị hỏng một chữ). Hơn nữa Sư 308 là đơn vị quan trọng số một của quân đội ta thời chống Pháp, nên chúng bố trí theo dõi vị trí phát sóng của đài bằng máy định vị để biết Sư 308 đang ở đâu mà đối phó.

Còn trong chiến tranh chống Mỹ có trường hợp cũng một báo vụ viên cố tật, về phục viên 1963 thì năm 1965 lại lên máy 15w. Chúng xác định như vậy anh này đã tái ngũ. Nghĩa là quân đội Bắc Việt có lệnh tổng động viên.

Trong đội ngũ tình báo thông tin Mỹ bố trí rất nhiều người. Mỗi người chỉ phụ trách một dải tần ngắn, để theo dõi các đài của ta rồi đặt tên cho từng báo vụ. Chủ yếu xác định tổng số đài, để nắm bắt quân số của ta chứ không phải theo dõi định vị nơi phát sóng. Nên lộ sóng 15w hầu như là không có.

Còn lý do vì sao đài 15w hay bị đánh ở Trường Sơn là do lộ anten. Nên các đài phải nguỵ trang anten cẩn thận, sẽ không sợ bị máy bay phát hiện. Còn nguỵ trang có nhiều cách...

Ông đã cải tiến cách mắc anten theo nhiều kiểu như mắc anten hình chữ L, hình chữ V, hình chóp nón... mà công suất vẫn tốt. Hãy chọn địa hình thích hợp để dấu anten hết mức có thể.

Khi chúng tôi về khu trống trải nơi tổ đài ở. Đây là nhà hầm đầu tiên tôi được biết. Nhà đào sâu xuống đất hơn 1 mét để tránh bom. Quả quá tuyệt vời. Chỉ loại trừ quả bom rơi trúng hầm, còn cứ vô tư mà ngủ.

Tôi quan sát chỗ tổ đài thấy rất nguy hiểm. Vì ở nơi vắng vẻ, lại trống trải, thám báo nó chỉ nhìn dây anten đã biết ngay đài 15w. Còn máy bay OV10 hay thằng L19 phát hiện thì chẳng biết đường nào mà thoát thân.

Liền bàn với anh Khoa từ đêm nay cử người thay nhau gác, anten nối dây hai đầu thả xuống. Lúc nào phát sóng mới kéo lên. Khi có máy bay phải hạ ngay anten xuống. (vì ở trên binh trạm tôi nghe nói khu vực gần ta ở nó mới thả thám báo xuống)

Mấy ngày sau dân bản săn được con bò rừng to khoảng hơn hai tạ đã báo tiểu đoàn bộ cho người theo vào rừng mang thịt về ăn.

Bữa trưa hôm ấy lần đầu tiên được ăn thịt thú rừng sao mà ngon đến thế. Nó vừa mềm, không dai, thịt rất đậm đà và ngọt. Ăn xong vẫn thòm thèm. Anh nuôi thấy vậy liền cắt cho một tảng bảo mang về chiều xào ăn cho đã thèm!

Mấy ngày liền ít máy bay quần đảo. Chúng tôi rủ nhau đi bắn chim. Đến bìa rừng nơi lưng chừng núi nhìn về chỗ lán ở, thấy dây anten rõ mồn một. Tôi bảo mọi người: “Thấy chưa, mình ở xa hơn cây số mà nhìn bằng mắt thường vẫn thấy dây anten, thì máy bay nhìn qua ống kính phát hiện đài 15w là cái chắc”. (vì dây anten có màu vàng nhạt)

Thế rồi có lệnh cơ động về bản La Vang - Tà Ôi - Xa Ra Ha Van bảo vệ đường tuyến. Chúng tôi khiêng máy thu phát, vẫn bỏ trong hòm đạn 100 như ngày ngoài Bắc. Quay lại chuyến thứ hai rồi cùng lên xe.

Chiều nay vẫn im ắng, lại không mưa, có trăng nên nhìn hai bên đường khá rõ. Đường gập gồ, cây cối xác xơ. Vẻ hoang tàn nơi những cung đường là trọng điểm đánh phá của máy bay Mỹ. Nên ngồi trên xe bị xóc cứ như xóc ốc...

Đi được một đoạn thì mảnh bom nó cứa buốt nhói không thể chịu nổi. Đầu thấy đảo điên, mắt nẩy hàng nghìn con đom đóm. Làm tôi xỉu đi lúc nào không hay.

Khi đến La Vang hai người phải cáng tôi vào chỗ ở, rồi lấy võng trải tạm ra đất để tôi nằm. Lúc sau mới tỉnh lại.

Tôi gọi anh Khoa lại bảo: nếu lần này ông Nhượng không cho tổ đài ở cùng D bộ thì anh cứ bảo như tôi đã nói hôm ở viện về, là ở trường đài trưởng, Liệu nó được nghe chuyên gia của bộ giải thích không có lộ sóng 15w (cả trong chống Pháp và chống Mỹ) mà chủ yếu lộ anten thôi. Mà anten Liệu nó có cách khắc phục được. Thủ trưởng cứ yên tâm không lo gì cả... Còn nếu thủ trưởng không cho tổ đài ở cùng D bộ, thì chúng tôi giao lại đài 15w cho tham mưu trưởng, rồi cùng xuống đại đội nhận một khẩu pháo.

Thấy tổ đài cương quyết, ghe cũng có lý nên ông đồng ý. Còn bảo nếu có hiện tượng để lộ là lần sau không được ở cùng D bộ nữa...

Anh Khoa về, nhìn vẻ mặt thấy hớn hở, đoán là ông Nhượng đã chấp nhận. Tôi ra chỗ bờ suối có dẫy tre cao vút, cành lá xum xuê, uốn vòm đủ cho anten chui vào dấu an toàn, lại đúng hướng đông tây kéo anten hai râu, thì sóng phát bắc nam quá chuẩn, đài của bộ quốc phòng nằm ở Hoà Bình, đài của tôi ở Trường Sơn. Còn đài của Đoàn 559 ở gần nên không cần hướng. (theo tính năng của máy 102E sức phát sóng tối đa 500 km. Vậy mà đài của bọn tôi cách đài của bộ trên nghìn km, lúc nào lên máy cũng bắt được ngay, có khi chui giữa thung lũng, chỉ bắt được sóng trời, còn sóng đất và sóng trực tiếp không đến được, vậy mà vẫn bắt sóng tốt. Tôi để hai đầu dây dài, khi nào có máy bay thì hạ cho an toàn. Tổ đài tranh thủ đào nhà hầm để tránh bom. Vì xác định sẽ cắm chốt lâu dài ở đây.

Khi chưa có nhà tổ đài mắc võng ở bờ tre để ngủ. Mấy hôm nay thằng sốt rét nó lại hành làm tôi rét run bần bật. Đắp mấy cái chăn cũng không hết rét, vì rét từ trong ruột rét ra.

Đang nửa đêm bỗng nghe tiếng bom toạ độ ngay trên đầu, rồi tiếng máy bay, ánh chớp cùng tiếng nổ ngay bên kia bờ suối. Khi hết tiếng bom, gọi nhau thì tất cả đã nằm lăn dưới đất rồi, đúng là phản xạ tự nhiên của lính cao xạ có khác.

Với cảm xúc của mình khi nửa đêm bị bom toạ độ. Tôi viết bốn câu thơ như sau:

BOM TOẠ ĐỘ

Re re bom réo giữa đêm thâu

Toạ độ cắt ngang giữa đỉnh đầu

Nghe bom lòng thấy bồn chồn quá

Giấc ngủ cũng căng tựa phiên toà...

Mấy ngày sau thì đào xong hầm nhà. Sáng sớm mọi người lên rừng chặt vầu về làm mái. Còn mình tôi đang sốt co ro trên võng. Nhiều lúc còn lảm nhảm nói một mình (gọi là sốt rét ác tính thể tâm thần). Đang mê man thì một ông già Lào đến gạ đổi mấy thứ. Tôi bảo không có gì để đổi... Nhưng ông vẫn cố nài nỉ, tôi liền lấy mấy viên đá lửa bảo cho ông dùng vậy. Ông nhận và cảm ơn rối rít. Rồi hỏi tôi tên gì... liền tự giới thiệu ông tên là Cà Nà Té.

Khi hết sốt tôi viết bài thơ trong nhật ký:

CÁI MÀY CÁI TAO

Rét từ trong ruột khiếp ghê

Làm cho tàn tạ ê chề tấm thân

Sốt cao lảm nhảm tâm thần

Người run bần bật...chả lần nổi đi

Có người Lào đến nằn nì

Gạ tôi đem đổi thứ gì giúp cho

Đang khi nằm liệt co ro

Mấy viên đá lửa “tao cho mày”* dùng

Đổi trao là chuyện thường chung

Tặng cho quả thật vô cùng quý thay

Cà Nà Té nắm chặt tay

“Cái mày tốt bụng cái mày cái tao”

*(người Lào già trẻ đều xưng mày tao)

Làm nhà xong mấy người rủ nhau vào bản chơi. Gặp phò bản (trưởng bản) là Cà Nà Té. Ông hỏi sao không thấy thằng Liệu vào bản. Hưng bảo anh Liệu bị ốm không đi được. Ông liền lấy nải chuối bảo tao gửi về cho Liệu nó ăn... thì ra người Lào sử sự rất khác. Nếu đổi, trao là sòng phẳng. Còn tặng, cho thì quý vô cùng...

Trường Sơn vào mùa mưa đường tuyến ô tô không đi lại được, nên đơn vị được lệnh ra Quảng Bình tránh đói, vì gạo dự trữ không đủ nuôi quân. Mỗi bộ phận để mấy người ở lại trông máy móc khí tài. Tổ đài có tôi và anh Liêm.

Mưa Lào thật ghê gớm. Cả tuần không thấy ông mặt trời ló mặt ra... đêm buồn không ngủ nghe nước chẩy, chuột đào hang nên tôi viết mấy câu thơ sau:

ĐÊM KHÔNG NGỦ

Róc rách thâu đêm nước chẩy qua

Lục sục đào hang chú chuột ta

Không ngủ nằm yên mà suy nghĩ

Thật là khác biệt đất quê nhà...

Khi mọi người đi cả. Còn ít người tự nhiên thấy buồn ghê gớm. Đã bắt đầu vào mùa mưa. Trời mọng mây thấp tè. Ngày đêm rả rích, không nhìn thấy ánh mặt trời. Quần áo phơi cả tuần vẫn ướt mèm, ngửi hôi mù.

Bỗng dưng mảnh bom dở chứng, cựa quậy, lại thêm sốt rét nó hành làm tôi tàn tạ thảm hại, buộc phải đưa đi viện. Nhưng đợi ngớt mưa mới cáng đi được. Trên đường thỉnh thoảng có những gốc cây nhô cao đập trúng lưng làm tôi đau điếng. Đi đến quá trưa thì vào bệnh xá ở trong hang đá dưới dốc 28.

Bác sĩ bảo hồng cầu của đồng chí còn một triệu bẩy đơn vị (tức là ngưỡng yếu lắm rồi) như ở ngoài Bắc đi lại phải có người dìu...

Sau hai tuần điều trị thì hết sốt, ăn tốt nên chóng khoẻ trở lại. Ở gần đây có con suối, đáy toàn đá cuội nước trong mát lắm. Tôi theo mấy người cùng ra tắm.

Gần đến nơi đã nghe tiếng suối réo ào ào. Nước chẩy qua các tảng đá cứ như cái thác. Thả mình dưới dòng nước mới sướng làm sao...

Nghe mấy hôm im ắng. Tầm buổi đang ngồi chơi ngoài cửa hang, thấy chán liền về. Gần đến hang bỗng nghe thấy tiếng réo của bom xé gió lao xuống. Rồi ánh chớp liên tằng...Mọi người trong hang cùng kêu lên. Bom B52 rải thảm đấy. Chạy mau vào hang đi...

Tôi chỉ còn cách hang hơn mét mà bỗng thấy người mình cứ đơ ra, tay chân không nhúc nhích được. Thì ra sức ép bom B52 đã tràn tới... thật khủng khiếp. Đến khi hết tiếng bom tôi mới cựa quậy được chân tay, vội lao vào trong hang ngay. Đây cũng là lần đầu nếm mùi sức ép bom B52.

Sau 15 phút nó giội tiếp loạt hai. Kéo dài ba ngày liền. Đánh từ dốc 28 vào ngã ba Đông Dương. Ban ngày ai có việc phải ra ngoài thì cứ đến phút thứ 13 ở trong hang đã gọi chạy vào mau lên. Nó rải tiếp đấy...

(Khi mới vào đây chúng tôi được phổ biến là, nếu dính B52 đợi hết loạt bom phải chạy ngược chiều nó vừa đánh. Vì một lần rải thảm rộng 500 mét dài 1.500 mét)...

Chính vì cảm xúc gặp B52 rải thảm nên tôi có bài thơ:

TRƯỜNG SƠN NGÀY ẤY

Chiến tranh lùi đã xa rồi

Trường Sơn ngày ấy trong tôi vẫn còn

Mưa như tưới mỡ đường mòn

Cả tuần chống chọi mấy lon gạo vàng

Hè về đỏ lửa chói chang

Xuyên rừng ra trận nối hàng quân đi

Nào là mìn lá bom bi

Từ trường nổi chậm lợm lỳ bủa vây

Phát quang toạ độ pháo bầy

Bom B...rải thảm đó đây nát nhừ

Nếu gần giời đất lắc lư

Toàn thân bất động cứ thừ cả ra...

Ruồi vàng bu kín quanh ta

Vắt vươn dài cổ từ xa đón đường

Bị thương lại cõng bị thương

Cơm ăn chả đủ vẫn nhường nhịn nhau

Chớp bom xé toạc đêm thâu

Tiếng OV...vọng nát nhàu không gian

Lời thề ai tạc vào gan

Đạp lên lửa khói hoang tàn mà đi

Máu xương đổ xuống cũng vì

Tự do-độc lâp...những gì hôm nay!

Giờ đang mùa mưa. Tôi thấy đã khá, nên bảo với bác sĩ mấy hôm nữa bớt mưa cho em về đơn vị nhé. May sao ít hôm sau trời tạnh, tôi xin ra viện về đơn vị.

Lấy giấy tờ xong liền khoác ba lô, chào mọi người rồi xuyên rừng về bản La Vang nơi D bộ cùng mọi người ở lại trông khí tài. Khi một mình cuốc bộ thì gặp một O giao liên trên đường, về cùng thì vui quá. Nhưng được một đoạn thì O lại xuyên rừng đi tiếp...

Tới chiều về tới lán ở bản La Vang. Nằm ngủ trong nhà hầm tôi có cảm xúc viết bài thơ về những O gái giao liên như sau:

TRƯỜNG SƠN VẪY GỌI

Trường Sơn vẫy gọi em đi

Tuổi xuân dâng trọn cũng vì nước non

Đá mềm dưới gót chân son

Ba lô trĩu nặng vín mòn hai vai...

Quân đi chẳng ngại chông gai

Núi cao như ngã xõng xoài dưới chân

Xuyên rừng dẫn lối đoàn quân

Suối trong veo nắng trắng ngần da ai

Đung đưa bím tóc hoa cài

Đường xa em vẫn dẻo dai quá chừng

Trường Sơn thăm thẳm núi rừng

Rau măng môn thục đã từng trải qua

Đường mòn bom giội nát ra

Xé gai xuyên giữ rừng già em đi

Hiến dâng trọn tuổi xuân thì

Làm nên huyền thoại nữ nhi anh hùng!

Cuộc sống vẫn bình thản cuối mùa mưa. Nhưng mảnh bom nó lại hành, với những trận sốt cao mỗi ngày một trận, vào khoảng 11 giờ kéo dài trên 30 phút làm tôi bỏ bữa luôn.

Chính vết thương ở khoang bụng liên tục gây buốt nhói, mà không biết nguyên nhân sốt do đâu...

(Năm 2011 tôi bị sốt 41 độ, mỗi ngày rét giật hai lần, vào 9 giờ và 21 giờ, ngày nào cũng như ngày nào... Ba lần cấp cứu tại bệnh viện tỉnh Hải Dương, đều thử máu không tìm ra bệnh gì, vì không thấy vi trùng lạ hay vi rút lạ, nên cả ba lần đều bị đưa vào phòng cấp cứu khoa truyền nhiễm...

Tôi có cháu là tham mưu phó, phụ trách hành chính bệnh viện quân y 108, nên nhờ cháu dẫn vào chụp X quang. Khi cầm phim tôi nhận ra mảnh bom nhỏ bằng hạt tấm, nằm giữa khoang bụng. Nó có vòng tròn hoại tử bằng đồng xu quanh mảnh bom.

Liền bảo cháu dẫn lên trưởng khoa nội, đề nghị mổ lấy giúp mảnh bom. Bác sĩ nhìn kỹ phim liền bảo, (mảnh bom nhỏ quá, khi mổ máu me ra không thể tìm thấy để lấy ra được, và khuyên tôi 99 % không nghe ai xui đi mổ vết thương này.)

Thất vọng với lời căn dặn của bác sĩ, tôi liền nhờ bạn đồng môn, có người quen là phó giám đốc bệnh viện Việt Đức xem phim hộ. Thì chú ấy bảo 108 họ nói đúng đấy. Nếu mổ nửa ngày cũng chưa chắc đã tìm thấy mà lấy được mảnh bom. Tôi bảo với chú ấy: “hay là chú kiếm cái kim bằng sắt, rồi X quang, hay siêu âm, xác định vị trí mảnh bom. Hãy xuyên kim vào đúng chỗ mảnh bom, đầu ngoài kim đặt thanh nam châm cực mạnh để kéo nó ra”... chú ấy cười bảo: “ai lại làm thế bao giờ. Bác hãy chung sống hoà bình với nó, đến khi nào một sống, hai chết thì mổ”...

Lại nói vết thương nó lại hành hạ kéo dài, nên đơn vị đành cho tôi đi viện của binh trạm 34 điều trị, may ra kịp khỏi trước khi đơn vị tránh đói từ Quảng Bình vào...

Trái tim người lính

Bạn đang đọc bài viết "Những ngày ở Nam Lào" tại chuyên mục Văn hóa - Xã hội. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn