Bài học cảnh tỉnh từ chiến dịch tiêm vaccine ngừa Covid-19 ở Israel và đợt bùng phát mới

Trung Hiếu (biên dịch. Nguồn: Financial Times)

15/08/2021 15:36

Theo dõi trên

VOV.VN - Israel có công nghệ hiện đại và tiên phong trong tiêm chủng ngừa Covid-19, với tỷ lệ tiêm chủng cao, bằng cả vaccine ngoại và nội. Nhưng họ vẫn hứng chịu những tổn thất lớn trong cuộc chiến với dịch bệnh này. Bài học xương máu của họ là gì?

LTS: Israel nổi tiếng về trình độ công nghệ nói chung và y học nói riêng. Trong đợt dịch Covid-19 vừa qua, Israel cũng tiên phong trong cả nghiên cứu vaccine nội địa và nhập các vaccine mới, hiệu quả của nước ngoài để tiêm chủng diện rộng cho công dân nước này. Tuy nhiên, Israel vẫn chưa kiểm soát được dịch bệnh như mong muốn, phải tăng cường trở lại việc giãn cách và đeo khẩu trang. Theo số liệu của trang thống kê toàn cầu Worldometer, tính đến sáng 15/8/2021 (giờ Việt Nam), Israel đã ghi nhận tổng cộng 934.896 ca mắc Covid-19 và 6.622 ca tử vong do bệnh này, trong bối cảnh dân số của Israel hiện nay chỉ tầm 9,3 triệu người (tức là chỉ nhỉnh hơn dân số thành phố Hồ Chí Minh). 

Thực tế trên là một gợi ý quan trọng cho thấy, để đương đầu hiệu quả với "quái vật" Covid-19 và biến thể Delta siêu lây nhiễm, phải cần đến một giải pháp tổng thể, kết hợp nhuần nhuyễn giữa tiêm chủng và các biện pháp phòng ngừa kiểu 5K chứ không thể chủ quan và ỷ lại vào riêng vaccine.

Báo điện tử VOV xin giới thiệu với quý vị phần dịch bài viết của tác giả Israel Mehul Srivastava đăng trên tờ Financial Times của Anh (vào ngày 13/8) về công tác tiêm chủng ở Israel, để từ đó chúng ta có thể rút ra một số bài học nhất định cho cuộc chiến chống Covid-19 hiện nay ở Việt Nam. Các tít phụ do VOV.VN đặt:

***

 

Lạc quan sớm

Hồi tháng 6/2021, khi tôi (tức Mehul Srivastava - ND) chuẩn bị hành lý để bay tới London (Anh), tôi nhận ra rằng mình không tìm thấy chiếc khẩu trang nào trong nhà tôi ở Tel Aviv, thậm chí mấy cửa hàng gần nhà tôi cũng không còn khẩu trang để mà bán.

Lúc ấy, đã nhiều tháng trôi qua kể từ khi ai ở Israel cũng cần có một chiếc khẩu trang. Israel đã trở thành một trong các quốc gia được tiêm chủng nhanh nhất và nhiều nhất thế giới. Vào giữa tháng 3/2021, người Israel tưng bừng tiệc tùng vì việc phong tỏa được gỡ bỏ. Vào tháng 4 thì ít nhiều các khẩu trang đã biến mất, khiến quốc gia nhỏ bé thành tấm gương phản chiếu tương lai hấp dẫn hậu đại dịch.

Cụ bà bán tạp phẩm hàng xóm tôi vừa cười vừa hỏi tôi: "Sao cháu còn muốn mua khẩu trang? Virus corona hết rồi mà". Trong lúc nói vậy, bà trao cho tôi một túi khẩu trang đã trống một nửa mà bà tìm thấy ở phía sau cửa hàng, còn tôi thì đang vội ra sân bay.

Một tháng sau, khi tôi từ London quay về Israel thì khẩu trang lại tràn ngập khắp mọi nơi.

Chỉ có vài chục ca mắc hàng ngày vào đầu tháng 6, thậm chí không có ca mắc nào vào ngày 9/6, thì nay vào giữa tháng 8, số ca mắc Covid-19 mới đã gần 6.000- mức lây nhiễm trong ngày cao nhất trong 6 tháng.

Vaccine chưa phải là tất cả

Israel giành được quyền tiếp cận sớm nguồn cung vaccine của Pfizer/BioNTech, nhưng đổi lại, Israel phải chia sẻ dữ liệu toàn quốc về tác động của các chiến dịch tiêm chủng đại trà lên đại dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19. Vì vậy Israel là một chỉ số được theo dõi sát sao và chỉ số này phản ánh các nền kinh tế phát triển và được chủng ngừa tốt sẽ đi tới đâu.

Sau nhiều tháng hân hoan hạnh phúc, dữ liệu thu được từ Israel thực sự gây bối rối. Bộ Y tế Israel đã hai lần phải hạ thấp mức độ đánh giá hiệu quả bảo vệ lâu dài của các mũi tiêm vaccine - từ mức hiệu nghiệm 94% (theo như quảng bá) trong các ca nhiễm không triệu chứng trước biến thể Alpha phổ biến giai đoạn đầu, xuống còn 64% trước biến thể Delta đang ngự trị hiện nay.

Kế tiếp đợt bùng phát ca lây nhiễm là danh sách dài các trường hợp phải nhập viện. Một mặt, những người đã được tiêm chủng thì nguy cơ bệnh tiến triển nặng giảm đi từ 5-6 lần. Mặt khác, tác dụng bảo vệ của vaccine suy giảm nhanh nhất đối với nhóm cao tuổi nhất - tức nhóm dễ tổn thương nhất, nhóm này được tiêm chủng rất sớm, từ tận tháng 12/2020.

Với tốc độ lây nhiễm Covid-19 như hiện nay, giới chức y tế Israel dự báo ít nhất 5.000 người sẽ phải được điều trị nội trú tại các bệnh viện vào đầu tháng 9/2021 này, và nửa trong số họ là cần chăm sóc y tế đặc biệt, trong khi năng lực thiết bị của Israel chỉ đáp ứng được một nửa.

Trước viễn cảnh phải phong tỏa đất nước Israel trong kỳ nghỉ lễ Do Thái, Thủ tướng Israel Naftali Bennett đã quyết định thực hiện kế hoạch khẩn cấp trị giá 770 triệu USD để nâng gấp đôi công suất của bệnh viện trong việc xử lý các ca bệnh Covid-19 nặng.

Ông Bennett đã rất thành thực với người dân Israel khi công bố giải pháp này vào ngày 11/8 vừa qua: Chính phủ đang cố gắng giảm nhẹ tác động từ đòn đánh của Covid-19.

Vào ngày 1/8, Israel đã khởi động việc tiêm mũi thứ 3 vaccine Pfizer cho những người trên 60 tuổi khi nước này đối diện với làn sóng Covid-19 thứ 4 khó lường. Thủ tướng Bennett nói: "Chúng ta phải nâng công suất bệnh viện để có thêm thời gian quý giá trước khi chiến dịch tiêm chủng có tác dụng đầy đủ và bắt đầu ngăn ngừa dịch bệnh bùng phát".

Phải tiêm mũi tăng cường khi thời gian trôi qua

Cho tới nay (13/8), có 775.000 người ở Israel đã được tiêm mũi thứ 3 và các bác sĩ cho biết, có thể đo được mức kháng thể gia tăng ở nhóm đối tượng này trong vòng vài ngày sau khi tiêm. Và từ kỳ nghỉ cuối tuần này (14-15/8), những người trên 50 tuổi sẽ được tiêm mũi 3.

Nhưng các quan chức y tế và cựu Thủ tướng Benjamin Netanyahu than phiền rằng Israel có lẽ vừa qua đã đợi chờ quá lâu.
Ông Netanyahu là công dân Israel đầu tiên được tiêm chủng Covid-19. Khi còn làm thủ tướng, chính ông là người thúc đẩy Israel tiêm chủng bằng vaccine Pfizer thông qua thỏa thuận đổi dữ liệu lấy vaccine. Tuy nhiên, mức kháng thể của chính ông cũng đã giảm sau 8 tháng kể từ khi tiêm.

Và thế là khi xuất hiện trước Quốc hội Israel, ông Netanyahu đã phải đeo 2 lớp khẩu trang và yêu cầu Israel phê chuẩn các mũi tiêm tăng cường. Khi bản thân tiêm vaccine mũi 3, ông này trăn trở nói rằng "thà muộn còn hơn không".

Các công dân Israel bây giờ trở thành những người đầu tiên trải nghiệm các giới hạn của vaccine và cũng là những người đầu tiên chấp nhận điều đã được thầm thì bao lâu nay: Phải tiêm tăng cường đều đặn thì mới duy trì được trạng thái được bảo vệ.

Quay trở lại cửa hàng tạp phẩm cạnh nhà tôi, giờ tại đó treo tấm biển lớn ở bên ngoài nhắc nhở người đi mua hàng phải đeo khẩu trang. Bà lão tạp hóa phúc hậu mà mấy tháng trước tất tả tìm khẩu trang cho tôi thì nay bán hàng bịch khẩu trang, mỗi bịch chứa 100 chiếc.

Nếu có thể rút ra bài học nào đó từ Israel hôm nay thì đó là: Virus SARS-CoV-2 chưa qua đi. Mùa hè mới chỉ là mùa chuyển tiếp. Mùa đông sắp đến rồi!.

Bạn đang đọc bài viết "Bài học cảnh tỉnh từ chiến dịch tiêm vaccine ngừa Covid-19 ở Israel và đợt bùng phát mới" tại chuyên mục Thời cuộc. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn