Cổ tích - Hồn thơ của một người lính (*)

Trần Đình Việt (Nguyên Giám đốc Nhà xuất bản thành phố Hồ Chí Minh)

28/09/2021 15:40

Theo dõi trên

Có một chút gì ẩn dụ trong tựa đề của tập thơ mang tên bài đoạt giải nhì cuộc thi thơ mừng thành phố Sài Gòn giải phóng 20 năm, vào năm 1995 của quận Bình Thạnh - bài thơ Cổ tích. Bằng cảm xúc từ nguồn thi hứng huyền thoại về mẹ, cha, em, quê hương, tác giả kết lại ở tiêu đề Cổ tích như là kết quả của cảm hứng vượt thời gian lấy từ chất liệu cội nguồn đời sống.

doc-tap-tho-1-1632726484.jpg
 

Với 62 bài thơ và một bài phổ nhạc - tập thơ mỏng của một nhà thơ nghiệp dư qủa khó kéo níu người đọc dừng lâu trên trang giấy. Ấy vậy mà khi đọc một vài bài thì thật khó mà buông tay sách. Nguyễn Ngọc Cơ xuất hiện với khuôn mặt vừa ngây thơ, hồn nhiên, có chút rụt rè nhưng trong giọng điệu, câu chữ, ý tình lại là người từng trải, mà dấu ấn sâu nhất vẫn là tấm lòng.

Khởi đầu, những vần thơ với anh chỉ là ghi lại những kỷ niệm về mẹ, về quê hương, có khi chỉ là mối tình thoảng qua mong manh, tương tư, ao ước của tuổi mới lớn :

Nhà tôi có một cây đàn

Chiều chiều tôi hát cho nàng lắng nghe

Nhà nàng cách một phên tre

Chiều soi nắng lọt qua khe mắt nhìn

Chưa yêu mà đã si tình

Biết đâu mình hát một mình mình nghe...

Thế rồi Nguyễn Ngọc Cơ lên đường, trở thành một chàng lính trẻ. Anh đến Campuchia trong nhiệm vụ giúp bạn thoát nạn diệt chủng của Pônpốt. Đó là những năm tháng gian khổ hy sinh ác liệt. Những bài thơ anh viết ở Stungtreng, Ratanakiri có khói thuốc súng, có mưa chan, nắng lửa, có cả đêm trăng vui điệu Lăm thôn, cùng hát nhịp “xamaki” (đoàn kết). Cũng có lúc “ngồi trên bờ đá thòng đôi chân giỡn nước Mê-kông”. Chất lính được tác giả thể hiện trong các bài Cuộc đời chiến sĩ; Bài thơ viết muộn; Đêm trăng ở Stung treng; Nhớ một thời áo lính; Nhớ đồng đội ở chiến trường... thật đậm đặc. Anh hồn nhiên thể hiện khát vọng, lý tưởng và kể cả việc không che dấu nỗi nhớ quê nhà: “Có những buổi nhớ nhà / Nhận thư mừng quá đỗi / Tay run run nóng hổi / Mắt nuốt từng dòng chữ yêu thương”.

Niềm vui nhận thư đâu chỉ có cho mình. Cuộc đời riêng ở anh đã quyện vào cuộc sống chung với đồng đội. Anh vui cuộc đời chiến sĩ và gửi nhớ thương vào chiếc ba lô. Những vần thơ viết về đồng đội đã hy sinh thật cảm động. Bài thơ viết muộn, nhớ về Cảnh hy sinh ở chiến trường Đông Bắc năm 1979. Biết bao nhiêu đồng đội nữa. Anh nhớ :

Bão lửa chiến trường khét nồng thuốc súng

Lựu đạn bay - Chiều lá rụng

Trăng lên tìm đồng đội không về

Khói hương nào vương lại một miền quê...

Ngay cả khi sống trong hòa bình rồi, ở tại nước mình, anh vẫn khắc khoải nhớ về những năm tháng đầy ắp kỷ niệm, về ngày đầu tập tễnh làm thơ, về những buổi say sưa hát khi ghita còn 3 dây, và thương bạn đường lầy quảy cơm lên chốt...

Tuổi trẻ, lại được luyện rèn trong đời lính chiến đã thổi vào tâm hồn tác giả một sức sống mới mãnh liệt, rõ ràng với một nhân sinh tích cực. Trên nền mạch giàu nhân bản ấy như tiếp sức cho anh viết thành công các bài về đất nước Việt Nam : Thoáng yêu Đà Lạt; Chiều Bến Tre; Lục bát Hà Tiên; Trưa Hội An; Huế ơi; Buổi sáng ở nghĩa trang Hàng Dương; Cảm xúc Hòa Bình; Huyền thoại Bàn Cờ ... Chỉ thoáng đọc tên địa danh, có thể đoán tác giả nói gì những nơi mình đến. Anh quan sát, lắng nghe, vọng tưởng. Nhiều câu thơ gợi nét đặc trưng: “Trưa Hội An nắng dồn xuống phố / Gió Thu Bồn nồng nàn hơi thở / Du khách say tình gõ nhịp lang thang...” hoặc khi viết về Củ Chi đất thép, anh đặt tên bài thơ là Hồn đất “Tôi lại về Củ Chi / Trưa tháng tư trời nhuốm màu lịch sử / Hồn đất gọi anh linh người bất tử”, hoặc khi đến Huế, chốn kinh kỳ, cố đô “Em lại cùng anh đi khắp Huế / ấm tình nhân thế chuyện buồn vui...”.

Thật cảm động có những vùng đất nước còn nghèo như khúc ruột miền trung Nghệ Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị với “đồi sim ăn độc gió Lào; những ruộng đói mùa, những đồng đói cỏ” (Chế Lan Viên) vẫn hằn nhớ trong anh : “Ngun ngút đồng xa lúa úa màu / Kỳ Anh qua đó chạnh niềm đau”. Đó là Kỳ Anh, huyện tiếp giáp giữa Hà Tĩnh với Quảng Bình của năm 1991. Bây giờ, năm 2004, thì khác rồi:

Xe tới đèo Ngang bóng chửa tà

Ruộng vàng ươm lúa nắng thêu hoa

Ầm ào dưới núi công trường đá

Lấp lánh bên sông ngói đỏ nhà.

Viết về những vùng đất đã đi qua nhưng Ngọc Cơ vẫn không quên dành cho quê mẹ Quảng Ngãi một tình yêu tha thiết nhất. Nơi đó có núi Ấn, sông Trà, Cổ Lũy, Dung Quất, Ba Tơ, Sơn Mỹ...

Chiều vàng rung một tiếng chuông

Mây giăng Thiên Ấn, cánh buồm Trà Giang

Vui nhất vẫn là những ngày Tết ở quê trong khung cảnh : “ Mẹ ngồi lau lá bên hiên cửa, chú khuyển nằm im hé mắt dòm”, tiếng trẻ đùa ngoài ngõ và  rộn rịp bước chân người đi chợ.

Tháng Chạp nôn nao trời nhớ đất

Mưa xuân lất phất gọi xuân về.

Quê hương, tình yêu, gia đình, bạn bè kể cả tình thầy trò, mối giao cảm với thi nhân tiền chiến Nguyễn Bính, Hàn Mặc Tử, Huy Cận... đã gợi cho anh bao đề tài và niềm thương mến.

*

*   *

Kể từ khi viết bài thơ đầu, đến nay Ngọc Cơ đã có trên 20 năm cầm bút. Anh đi nhiều viết khỏe, cảm xúc chân thật. Nhưng điều đó chưa đủ làm nên tên tuổi ở người sáng tác. Anh đã thử sức trên vài biến tấu của thể loại: thơ tự do, thơ văn xuôi, lục bát, thất ngôn bát cú... hoặc lối xếp chữ (Trưa hè) hoặc gieo vần cặp đôi (Thoáng Sapa). Đó là điều đáng mừng. Bời vì anh đang tìm cho mình một hình thức thể hiện sở trường. Thơ là tiếng nói của lòng, của ý, của sáng tạo. Phải chăng anh thành công nhất trong thể thơ tự do, lục bát. Ở đó, chất nhựa tràn đầy, hồn hậu, đằm thắm, có lúc day dứt, khắc khoải, hoài niệm không cứ là trăng thanh, xứ lạ mà kể cả chiến tranh, mất mát, chuyện đời, chuyện người.

Ở anh bước đầu phát lộ khả năng quan sát tinh tế và tìm tòi. Qua phà Bình Khánh là một bài thơ hay, điển hình. Chuyện có gì đâu, rất đỗi bình thường khi “lên phà chân nối bước chân”. Nhưng cái hay là ở sự liên tưởng với ý thơ của thi nhân Thôi Hiệu, bên Trung Quốc và Huy Cận ở Việt Nam, trong cảnh trời nước mênh mông cây cỏ :

Dẫu còn củi một cành khô,

Mà không lạc giữa lô xô sóng dồn.

Dẫu còn khói sóng hoàng hôn,

Nhớ câu thơ cũ chẳng buồn vu vơ.

Vui sao một chuyến Cần Giờ,

Qua phà Bình Khánh tiếng thơ gọi tình...

Tiếng thơ gọi tình. Vâng, tình người sẽ được hồn thơ chắp cánh. Bởi vì anh, ngoài công việc, nghĩa vụ của công dân, còn có một miền vùng đang đợi:

Miền tình lay ánh trăng mơ

Say mùa hoa chữ miền thơ tôi về...

 

TP. Hồ Chí Minh, TĐV

________________________

(*) Nhà xuất bản Trẻ, 2005.

Bạn đang đọc bài viết "Cổ tích - Hồn thơ của một người lính (*)" tại chuyên mục Nghiên cứu. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn