Năm mới Nhâm Dần sắp đến, nói chuyện về hoa và đời sống tình cảm của con người

Tien Vu Tat

08/01/2022 08:55

Theo dõi trên

Nữ hoàng của sắc và hương/ Đẹp sao chiếc lá dễ thương hoa hồng

Từ xa xưa con người đã coi hoa như như một kỳ quan của thiên nhiên ban tặng cho mình, vì thế đã biết cách dùng hoa để biểu lộ tình cảm qua việc cắm hoa, ngắm hoa, tặng hoa. Người Hy Lạp được coi là người biết cắm hoa sớm nhất, và biết sử dụng hoa vào việc riêng tư cũng như trong những dịp đặc biệt quan trọng. Người La Mã  từ hơn 600 năm trước Công nguyên đã có tục lệ đội vòng Nguyệt quế cho các nhà thơ được giải thưởng, vì hoa Nguyệt quế là biểu tượng của sự danh tiếng. Người La Mã hàng năm đã tổ chức Lễ hội tôn vinh các loài hoa, Thời Trung cổ chàng hiệp sĩ thể hiện tình cảm của mình với một cô gái bằng cách cài những bông hoa do nàng tặng lên mũ sắt. Còn các cô gái cũng cài hoa trên người mình để tỏ tình với các chàng trai.

doi-hoa-1641606846.png
Ảnh minh họa do tác giả chọn lựa

 

Người phương Đông cũng như phương Tây đều quan niệm mỗi loài hoa, sắc hoa, thậm chí cả hương thơm của hoa đều có một ý nghĩa nào đó để thể hiện tình cảm của con người. Vì thế người ta tặng hoa cho nhau không chỉ để chia sẻ niềm vui, mà còn để thể hiện nỗi buồn nhớ, tiếc thương. Hoàng đế Pháp Napoleon Bonaparte (cuối thế kỷ 18-đầu 19) rất thích hoa Violet. Vì thế khi ông bị đầy ra đảo Corse ngoài Đại Tây Dương, những người mến mộ ông đã chọn hoa Violet cắm trong nhà, hoặc cài một bông Violet trên ve áo để thể hiện lòng trung thành của mình với ông vua thất thế!

Như vậy hoa cũng góp phần quan trọng trong đời sống xã hội, đời sống tình cảm của mỗi người. Hoa còn làm tăng thêm không khí tưng bừng trong những ngày lễ tết, hội hè…Mỗi dịp Tết đến Xuân về, người Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng có tục lệ cắm hoa, bầy hoa trong nhà: Hoa cắm thường là hoa cúc, hoa lay ơn hoặc một cành đào; hoa bầy thường là một chậu quất, chậu mai…Tục lệ này đã có từ lâu và không thể thiếu được với người Thăng Long xưa và Hà Nội ngày nay. Thành Thăng Long xưa có cả một chợ hoa lớn (ở khu phố cổ Hàng Lược, Hàng Giấy bây giờ).

 Những loài hoa Tết được người Thăng Long xưa và người Hà Nội bây giờ ưa chuộng, yêu thích nhất vẫn là hoa đào, thủy tiên, cúc đại đóa, trà my, phong lan…Đúng mùng một Tết, trong nhà có treo giò phong lan,có bát thủy tiên thì không gì quý bằng. Tuy nhiên hoa đào Nhật Tân vẫn chiếm ưu thế đặc biệt trong các loài hoa Tết đất Thăng Long xưa và Hà Nội ngày nay.        Đón Tết có thể thiếu các loài hoa khác, nhưng không thể thiếu cành đào Nhật Tân xum xuê khoe sắc…

              Người am hiểu về hoa đều biết có một loài hoa được coi là “Bà Chúa” của muôn hoa, là hoa đẹp nhất trong các loài hoa. Đó là hoa hồng, được tất cả các nước trên thế giới coi là biểu tượng của tình yêu và sắc đẹp phụ nữ, vì thế mới có những câu thơ:

Nữ hoàng của sắc và hương

Đẹp sao chiếc lá dễ thương hoa hồng

Lá xanh và nụ chen nhau

Hoa hồng xinh đẹp đứng đầu loài hoa

(William Brome)

Chàng tặng nàng bông hồng đỏ để thay lời nói: “Anh yêu em”. Còn tặng bông hồng trắng là để nói: “Trái tim anh đang yêu”. Tuy nhiên còn có một số loài hoa khác cũng được coi là “Hoa hậu” của các loài hoa, hoặc được dùng làm biểu tượng của tình yêu: Người Trung Hoa xưa coi hoa nguyệt quế là “Hoàng hậu” của các loài hoa. Hoa păng-xê cung biểu lộ tình yêu, nhưng chỉ sự nhớ nhung, hoài niệm:

Với păng-xê xin được nói cùng em

Hoa thanh thản một trái tim thi sĩ

Hoa khơi gợi một hướng về suy nghĩ

Hãy nhận và trao yêu quý ngọt ngào

(Saran Dowdney)

Sở dĩ có những câu thơ trên vì tên hoa trùng với từ pense trong tiếng Pháp, có nghĩa là “tư tưởng-ý nghĩ”. Vì thế gửi một bông hoa păng-xê tặng người yêu có thể thay cho cả một bức thư tình dài dài, để nói: “Em (Anh) đã chiếm lĩnh hồn tôi”.

Người La Mã trước đây dùng hoa sim dâng thần Vệ nữ (Venus) là thần của tình yêu và sắc đẹp. Họ còn trồng hoa sim xung quanh đền thờ nữ thần. Cho nên hoa sim cũng được dùng làm biểu tượng của tình yêu, tuy không phổ biến bằng hoa hồng:

Thánh nữ, người con gái tôi yêu

Răng trắng ngọc và môi hồng đỏ

Rất chân tình tôi xin bày tỏ

Vớ riêng Người, tha thiết lòng tôi

Dâng tặng Người biểu tượng lứa đôi

Những bông sim tình yêu diễm tuyệt

(Robert Henrick)

 Nhiều nước phương Đông, trong đó có Việt Nam, coi hoa đào tượng trưng cho người con gái đẹp. Trong Truyện Kiều của thi hào Nguyễn Du có câu tả Thúy Kiều là: “Hoa đào năm ngoái còn cười gió đông”. Người phương Đông coi hoa sen là biểu tượng của sự thanh nhã, thuần khiết (tượng đức Phật bao giờ cũng ngự trên tòa sen) hoặc là biểu tượng của người quân tử:

Trong đầm gì đẹp bằng sen

Lá xanh bông trắng lại chen nhị vàng

Nhị vàng bông trắng lá xanh

Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn

(Ca dao Việt Nam) 

Nhưng người phương Tây lại coi hoa huệ trắng là biểu tượng của sự thanh khiết. Từ rất lâu, trước khi Chúa Jesus ra đời (năm thứ 7 trước CN), người La Mã và Hy Lạp đã tôn vinh hoa huệ trắng lên ngôi cao nhất của các loài hoa. Loài hoa này được dâng lên đức Mẹ Đồng Trinh và được dùng để trang trí bàn thờ đức Mẹ.

Theo Chuyện làng quê

Bạn đang đọc bài viết "Năm mới Nhâm Dần sắp đến, nói chuyện về hoa và đời sống tình cảm của con người" tại chuyên mục Văn hóa - Xã hội. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn