Nếu theo "Quẻ dịch" bạn hoàn toàn có thể mở ngẫu hứng một trang "Lục bát mỗi ngày" để tự xem "bói" cho mình và bạn bè!

Doanh nhân, CCB Đồng Văn Bột

28/09/2021 15:32

Theo dõi trên

Trân trọng giới thiệu CCB, Doanh nhân Đồng Văn Bột - Chủ tịch Thép Chính Đại – với bài viết ngẫu hứng, nhưng rất thú vị, nhìn dưới góc độ văn hoá truyền thống, về tác phẩm "Lục bát mỗi ngày".

dang-vuong-hung2-1632626834.jpg
 

Từ hơn 40 năm trước, chúng tôi đã đọc Văn nghệ Quân đội và quen dần với cái tên Đặng Vương Hưng. Nhiều người lính đã chép thơ anh vào sổ tay, gửi cho nhau đọc, gửi cho các cô gái mà họ thích. Và nhiều đôi đã thành vợ thành chồng nhờ bài “Nỗi nhớ”: Bởi vì người ở, người đi.../ Mới thành nỗi nhớ có gì lạ đâu!/ Ngày chúng mình chia tay nhau/ Anh mang nỗi nhớ lên tàu rời ga...// Bao nhiêu ngày tháng đã qua/ Chỉ riêng nỗi nhớ em là vẹn nguyên/ Dẫu cho anh đến trăm miền/ Thì nỗi nhớ vẫn theo liền bên anh.// Khi buồn mà nhớ đã đành/ Lúc vui anh cũng để dành nhớ em/ Đặt tay lên ngực mà xem/ Nỗi nhớ theo nhịp quả tim lại về// Hình như em nói anh nghe/ Hình như có tiếng bạn bè đâu đây/ Áo lính xanh màu lá cây/ Hình như nỗi nhớ ngấm đầy bên trong.// Lắm khi chỉ ước, chỉ mong/ Nhìn em một thoáng thì lòng mới nguôi/ Có tuần vằng vặc trăng soi/ Anh vẫn ngỡ được đứng ngồi bên em// Những ngôi sao sáng nhất đêm// Anh bảo đấy là mắt em đang nhìn/ Anh và đồng đội đều tin/Rằng nỗi nhớ chẳng lặng im bao giờ!// Cho em bao nhiêu trang thư/ Và bao nhiêu những bài thơ anh làm/ Đóng quân xa bản xa làng/ Những đêm khó ngủ lại càng nhớ em...// Ước mình như những cánh chim/ Cứ theo nỗi nhớ mà tìm đến nhau/ Bây giờ em đang ở đâu?/ Thời gian xa vắng bắc cầu cho ta// Nỗi nhớ không có tuổi già// Và em thì mãi vẫn là của anh!

Sau này, khi đã rời quân ngũ, trở về với đời thường và làm công việc kinh doanh, chúng tôi đã gặp lại thơ Đặng Vương Hưng trên mạng xã hội facebook và zalo. Tôi là một trong những fan thường xuyên chia sẻ thơ anh mỗi sáng…

Từng có những năm tháng cùng đồng đội cầm súng sống chết với kẻ thù ngoài chiến trường, chúng tôi đặc biệt ấn tượng với Đặng Vương Hưng qua những bài thơ mang đậm chất lính: Giữa ngàn bia mộ Trường Sơn/ Thấy bao hồn lính cô đơn lên trời…// Ngỡ như máu vẫn còn tươi?/ Trái tim còn đập?/ Tiếng cười còn vang?// Ngỡ như bom đạn vội vàng/ Bao gương mặt lính vẫn đang mỉm cười?// Tuổi thì mãi mãi hai mươi!/ Tình thì mãi mãi là người đang yêu!// Nếu trời cho ước một điều.../ Liệt sĩ sống lại!/ Bao nhiêu Sư đoàn?/ Bỗng nghe ca khúc khải hoàn…// Bước chân rầm rập…/ Quân đoàn diễu binh... (Mãi mãi tuổi 20).

Là một người lính trực tiếp chiến đấu tại Biên giới phía Bắc của Tổ quốc, nên Đặng Vương Hưng có hàng trăm bài thơ viết về đề tài chiến tranh và sự hi sinh mất mát. Khi nhớ về đồng đội mình, trong “Ngày giỗ trận Vị Xuyên” anh có những câu thơ đẫm lệ: Về đây những đồng đội ơi!/ Có nghe mưa đạn pháo rơi năm nào?/ Máu tươi nhuộm đỏ chiến hào/ Bao nhiêu trận địa, điểm cao vẫn còn...// Vẫn còn đó những núi non/ Dấu chân người lính đã mòn tháng năm/ Chỗ nào đồng đội đang nằm?/ Chỗ nào xương trắng hỏi thăm xác người?// Cỏ cây giờ đã xanh tươi/ Màu hoa đỏ tuổi hai mươi vơi đầy/ Nghĩa trang liệt sĩ thêm dày/ Mộ bia đã xếp hàng ngay ngắn rồi// Đồng đội ơi hãy về thôi!/ Nhớ ngày giỗ trận tìm nơi mà về/ Hồn thiêng xin trở về quê/ Trở về đi, hãy trở về cùng nhau!// Nén hương thơm dịu nỗi đau/ Cho bao nước mắt bắc cầu thành mưa./ Gọi hồn lính trận năm xưa... (Gọn hồn lính trận). Và: “Những hồn lính trẻ như cây/ Ngàn năm trận mạc dâng đầy nhớ thương/ Rộng dài suốt dải biên cương/ Núi cao bởi có máu xương bao người” (Trên đỉnh núi Mẹ).

Cũng vì đã nhiều năm mặc áo lính, nên thơ Đặng Vương Hưng hiểu và yêu lính chân thành, không lên gân, không khẩu hiệu: “Thời bom đạn giữa hiểm nguy/ Không ai muốn tự khắc ghi tên mình...// … Những thằng nằm lại nơi xa/ Nhắc tên chúng nó để mà nhớ nhau... // Từ trái tim đến trái tim/ Những kẻ thù cũ đã tìm gặp nhau...

Nhưng trong tuyển tập gần ngàn bài LỤC BÁT MỖI NGÀY, Đặng Vương Hưng không chỉ viết về lính mà đủ các cung bậc tình cảm khác nhau.

Nhiều người thành đạt, kể cả các Doanh nhân, phải qua thuở hàn vi, thậm chí có thể vận hạn bất ngờ trong cuộc sống. Nhiều bài thơ của Đặng Vương Hưng đẫm mồ hôi, nước mắt của một kiếp người, cứ như nói thay lời mình vậy: Tôi đi về phía gió sương/ Nửa đời dằng dặc con đường vẫn xa// Tôi đi về phía phồn hoa/ Nửa đời mới thấy hóa ra mình nhầm// Tôi đi về phía âm thầm/ Nửa đời nước mắt ướt đầm trang thơ… (Đi tìm).

Khó khăn là thế, nhưng cuộc đời vẫn phải bước tiếp, nên vẫn “Hi vọng” và phải vượt qua: Cho dù hy vọng mong manh/ Cho dù mây trắng trời xanh xa vời/ Cho dù còn lại mình thôi/ Cho dù đã cạn tình người trong nhau// Tôi tin rằng có nỗi đau/ Như là điều thiện từ lâu vẫn còn/ Tôi tin rằng có núi non/ Cho dù sông cạn đá mòn vẫn tin// Dù ai giả bộ lặng im/ Tôi tin vẫn có cả nghìn ước mơ/ Dù ai ngoảnh mặt làm ngơ/ Tôi tin và vẫn đang chờ ngày mai…

Có lẽ vì vậy, nên khi đọc Đặng Vương Hưng người ta rất dễ đồng cảm và thấy có mình trong đó! Đặc biệt, là những bài thơ về tình yêu của anh rất tuyệt vời... Từ những lời tình tự ngọt ngào trong “Học quên để nhớ” cho đến nỗi hờn giận vu vơ của một người đã không còn đủ tự tin trong tình yêu nữa: Đàn ông đã cũ như ta/ Làm sao yêu nổi đàn bà mới nguyên?/ Hết thời trong sáng hồn nhiên/ Chỉ còn gàn dở với phiền phức thôi!// Cái cây sắp héo khô rồi/ Làm sao nảy lộc, xanh chồi mà mơ?/ Cuộc tình chỉ có trong thơ/ Đàn ông đã cũ giả vờ đáng yêu...// Đàn ông đã cũ như chiều/ Hoàng hôn đang đợi rất nhiều tâm tư/ Vui buồn lẫn thực với hư/ Em đừng để ý từ từ nhận ra//Đàn ông đã cũ như ta/ Làm sao yêu được đàn bà như em? (Đàn ông đã cũ).

Nhưng bù lại, anh tưởng tượng ra sẽ có những người đàn bà táo bạo kiểu “cọc đi tìm trâu”: Anh về ở với em không?/ Cho dù qua tuổi má hồng, tóc xanh/ Ngượng ngùng gì "chú" với "anh"/ Chỉ yêu là đủ để thành núi sông...// Anh về ở với em không?/ Mùa xuân chưa đến, mùa đông còn dài/ Ngày đừng thấp thỏm đợi ai/ Đêm đừng mơ ước bờ vai bóng hồng...// Anh về ở với em không?/ Để mình sẽ được vợ chồng bên nhau/ Cần gì hẹn đến kiếp sau/ Cần gì cứ phải trầu cau gánh gồng...// Anh về ở với em không?/ Dù em con bế con bồng đã lâu/ Dù anh cũng chẳng sang giàu/ Chỉ cần hai đứa gật đầu là xong...// Anh về ở với em không? (Anh về ở với em không?).

Tình yêu trong thơ Đặng Vương Hưng là như thế, vừa rụt rè vừa cháy bỏng, vừa quê mùa vừa bóng bẩy khiến cho người ta thấy choáng ngợp và... hoài nghi! Cứ như Đặng Vương Hưng tham lam quá! Cứ như Đặng Vương Hưng gặp ai cũng yêu hết! Nhưng đó mới là Đặng Vương Hưng! Và đó là cuộc sống mà anh yêu quý, hết lòng vì nó: sống để yêu, yêu để sống... Lục Bát là một phần không thể thiếu trong tim Đặng Vương Hưng, mỗi ngày, mỗi ngày... Đồng ruộng, sông nước, rơm rạ, cá tôm theo Lục Bát Đặng Vương Hưng để về với cuộc sống mà nhiều người đã lãng quên...

Lục Bát của Đặng Vương Hưng rất gần với ca dao, với Quan họ, với lời ru của bà, của mẹ... Nếu không đem vào sách giáo khoa để dạy cho trẻ con thì cũng nên biến thành nhạc, thành tranh để người ta ghi nhớ, lúc vui cũng như lúc buồn, lúc thành đạt cũng như khi vận hạn... “Dở hay cũng một kiếp người/ Ơn đời còn lại nụ cười, câu thơ...” – Những câu thơ mộc mạc, đầy chất lính, chất nhà quê, có khi tưởng chừng như quá giản dị, quá bình thường, nhưng đó lại chính là hơi thở cuộc sống!

Nhân loại đang sống trong thời đại cách mạng của những thay đổi. Sự phát triển đột phá của công nghệ Internet và kỹ thuật số, trí tuệ nhân tạo, xử lý dữ liệu lớn, điện toán đám mây, và các công nghệ khác... làm cho vạn vật thay đổi theo, tạo ra quan hệ mới trong hệ thống tương tác thực ảo, siêu kết nối, làm chuyển đổi toàn diện trên tất cả các mặt đời sống vật chất, tinh thần con người. Nhu cầu thưởng thức văn hóa, thơ ca, nhạc họa của chính bản thân con người cũng thay đổi và khác với trước đây. Thời đại ngày nay thật tuyệt vời. Trong cái tuyệt vời ấy, cuộc sống luôn có những điều kỳ diệu.

Thơ là sự tưởng tượng kỳ diệu trong cuộc sống thực. Nhà Bác học Einstein đã viết: "Tưởng tượng là tất cả, tưởng tượng là cách nhìn trước cuộc sống". Chúng ta đã biết dòng Thơ Mới ra đời cách đây gần một trăm năm (những năm 30 -45 của thế kỷ 20) đến nay cũng đã cũ và già cỗi. Lục bát là một thể thơ truyền thống dân tộc, có thể nói rất cổ điển. Là thể thơ có cội nguồn từ ca dao, dân ca, ăn sâu bắt rễ trong nhân dân.Tổ tiên ta từ ngàn đời xưa đã tạo ra và còn đang nắm giữ, sở hữu mãi mãi Thơ Lục Bát. Theo tinh thần tạo hóa và di sản, sống là còn mà thác cũng như còn. Tổ tiên chúng ta đã đi về miền cực lạc, nhưng Thơ Lục Bát vẫn trường tồn cho đến ngày nay, như một di sản văn hóa vô giá mà. Lục Bát không chỉ tồn tại mà còn liên tục phát triển trong thời đại 4.0, bởi đó không chỉ là Di sản của Tổ tiên mà còn Tài sản độc đáo. Trong Thơ Lục bát có thế giới tâm linh kỳ diệu, dẫn dắt linh hồn con người, để cân bằng con người, thức tỉnh lòng người vị tha bác ái, trong sự thay đổi thực ảo nhanh và mạnh như vũ bão, trong xã hội hiện đại

dang-vuong-hung1-1632626834.jpg
 

LỤC BÁT MỖI NGÀY của Đặng Vương Hưng đã trở thành món ăn tinh thần bữa sáng của hàng vạn người đọc. Ngôn ngữ thơ của anh dung dị, nhưng tinh túy; thanh nhã mà sâu lắng, tiêu biểu của ngôn ngữ nhân dân. Vốn từ của tác giả rất phong phú và giàu có đến ngỡ ngàng; lại được sử dụng đúng nơi, đúng chỗ, chọn lựa và tiết kiệm. Khi đứng chung trong những câu Sáu và câu Tám, chúng bỗng hợp cảnh, hợp tình và tạo nên một phong cách riêng. Những bài thơ vừa nhã nhặn, vừa lịch lãm, vừa khiêm nhường, nhưng cũng rất hào hoa, hóm hỉnh và không pha trộn. Chúng đã góp phần đã tạo nên hình hài sắc thái, cốt cách Đặng Vương Hưng trong cõi tinh vi của nghệ thuật ngôn từ và cảm xúc.

Tôi và nhiều bạn đọc đều có cảm nhận chung: Phong cách diễn tả trong Lục Bát của Đặng Vương giản dị, nhưng lại hàm súc và chặt chẽ. Nồng nàn, đằm thắm và thiết tha. Hầu hết các bài thơ đều có cách diễn tả cởi mở, dung dị không khiên cưỡng. Nhiều câu Lục Bát của anh mang hơi thở của ngôn ngữ dân gian đáo để mà vẫn tinh tế, táo bạo nhưng không suồng sã. Chúng thể hiện trình độ nghề cao tay, nhưng vẫn nền nã và sang trọng.

Đặng Vương Hưng giống như một “Thiên sứ Lục Bát tài hoa”. Anh khéo gieo tứ, chuyển vần rất tự nhiên trong mỗi cặp Lục Bát, thể hiện trình độ khác biệt với nhiều người quen ghép vần và ngộ nhận với thể thơ này. Mỗi bài thơ Lục Bát của Đặng Vương Hưng là một cách bài trí riêng,đẹp và hấp dẫn. Nhiều bài thơ tình của anh là sự lựa chọn đầy ý nhị vẻ thanh cao, sành điệu và trang nhã khi diễn tả cái tình tứ giao duyên nam nữ.

Qua LỤC BÁT MỖI NGÀY, người đọc không chỉ được trở về với làng quê mà cao hơn là tình quê và hồn quê Việt. Hình ảnh những trai thanh nữ tú thuần hậu,nét quê cùng với tâm hồn quê mang giá trị cổ truyền có rất nhiều trong cuốn sách này. Đọc Lục Bát Đặng Vương Hưng và ngắm nhìn hình ảnh cây đa, bến nước, sân đình… minh họa thật đẹp mỗi sáng đón chào ngày mới,chúng tôi như nghe được tiếng âm vang khúc nhạc tình quê vang vọng ở trong lòng mình. Mỗi câu thơ Lục Bát như sợi tơ mềm mại, thanh mảnh mà lay động lòng người. Chúng tôi hình dung âm thanh reo vui của ngọn gió trời mênh mang, trên cánh đồng lúa xanh và chấp chới cánh cò trắng. Và khi đêm về, có tiếng sáo diều, tiếng sóng sánh trong vắt của ánh trăng rơi xuống đáy chiếc giếng cổ ở đầu làng...

Chúng tôi cảm phục ngòi bút tài hoa, nghiêm túc, cần cù của “Người nhà quê mặc áo lính” Đặng Vương Hưng. Anh đã mang cái tâm, cái tài và cả cuộc đời để cống hiến cho Lục Bát. Người đọc được đắm say cái hay, cái độc đáo riêng có của cái tứ cái tình mang thương hiệu Đặng Vương Hưng. Anh đã góp phần tạo ra giá trị thẩm mỹ lâu bền cho một thể thơ truyền thống. Chúng không hề cũ mà vẫn lấp lánh, óng ánh như viên kim cương, trong không gian thực ảo thời kỹ thuật số. Mỗi câu thơ Lục Bát được Đặng Vương Hưng viết ra hôm nay, dường như đều có sinh mệnh ánh sáng tâm linh rất cao của tổ tiên chỉ dẫn chúng ta, hướng đến cái Thiện và cái Tâm làm cho cuộc sống tốt đẹp và bền vững hơn.

Cũng vì những điều đã kể trên, mà nhiều bạn bè tôi, không chỉ có các cựu chiến binh, mà còn hàng trăm cán bộ công nhân trong Công ty Thép Chính Đại của tôi cũng đã “nghiện” đọc Lục Bát của Đặng Vương Hưng, qua tài khoản chia sẻ của tôi mỗi ngày, nếu chậm chia sẻ là mọi người lại nhắc.

Tôi đã nhận ra một điều: Nhu cầu thưởng thức văn hoá văn nghệ trong đời sống tinh thần của cán bộ công nhân Thép Chính Đại là rất lớn, trong đó có thơ ca. Điều ấy, nó làm mềm mại và cân bằng tâm hồn mỗi người, trái ngược với sự “cứng rắn như thép” trong công việc hàng ngày ở nhà máy. Và rất vui là nhà thơ Đặng Vương Hưng đã giúp chúng tôi làm điều đó. Chúng tôi có một nhóm Zalo Thép Chính Đại với hàng trăm thành viên. Ngoài việc trao đổi công việc sản xuất, kinh doanh, hằng ngày tôi còn thường xuyên chia sẻ Thơ Lục Bát của Đặng Vương Hưng. Khi nhận được, mọi người thường đọc cho nhau nghe và cảm nhận cuộc sống đáng yêu hơn rất nhiều!

Lục Bát Đặng Vương Hưng là vậy, nên từ lúc quen nhau đến giờ tôi góp phần cùng anh thực hiện những ước mơ, những công trình rất lính. Ví dụ, khi anh vừa xuất bản bộ sách “Nhật ký thời chiến Việt Nam”, tôi đã quyết định mời anh tới nói chuyện, để truyền cảm hứng cho cán bộ nhân việt Công ty Thép Chính Đại. Việc làm dù nhỏ thôi, nhưng có lẽ thiết thực và giá trị hơn gấp nhiều lần hô hào khẩu hiệu về đời sống tinh thần của người lao động...

LỤC BÁT MỖI NGÀY là một công trình đồ sộ về Lục Bát Đặng Vương Hưng, hơn thế, nó giống như một cuốn từ điển để người yêu thể thơ Sáu/ Tám có thể dùng để tra cứu về cuộc đời, với vô vàn những cảm xúc buồn vui. Như anh đã thực hiện những công trình đồ sộ về bộ sách “Những lá thư và Nhật ký thời chiến Việt Nam” vậy... Thực chất đây cũng là một bộ sách “Nhật ký cuộc đời” bằng Lục Bát. Và nếu theo "quẻ dich", bạn hoàn toàn có thể mở ngẫu hứng một trang trong cuốn sách này, để tự xem "bói" cho mình và bạn bè; về cảm xúc buồn - vui, may - rủi và số phận con người trong cuộc sống xưa và nay.

 

Hà Nội, năm Tân Sửu - 2021

______

(Bài rút từ tuyển tập “Lục bát mỗi ngày”, dày 1.248 trang khổ lớn, NXB Văn học. Ngoài sách giấy bán với giá 300K/c, còn có bản pdf 4 màu, dành tặng miễn phí cho người yêu thơ. Ai muốn đọc, xin để lại tin nhắn qua facebook, hoặc Zalo với số ĐT: 0913 210 520 - Đặng Vương Hưng)