Tuổi thơ cơ cực & giấc mơ nghệ sĩ
Nghệ sĩ Đức Long sinh năm 1960 tại Quảng Ninh, nhưng ít ai biết quê gốc của anh lại ở huyện Nghi Lộc (tỉnh Nghệ An). Nếu như nhìn vào con đường hoạt động nghệ thuật của Đức Long, ít ai biết anh đã trải qua một tuổi thơ cơ cực, mồ côi cả cha lẫn mẹ khi mới 8 tuổi. Cậu bé Đức Long gầy gò, gương mặt khắc khổ đã từng phải làm đủ thứ nghề: đóng gạch thuê, kéo xe bò, bốc vác... vượt quá sức khỏe và cả lứa tuổi của mình để sống. Khó khăn là vậy, nhưng dường như nỗi đau lớn nhất là mất người thân thì anh đã vượt qua và cả 3 chị em yêu thương và cùng vực nhau, mạnh mẽ bước vào đời đầy tự tin.
Quả thực, “ông trời chẳng lấy hết của ai thứ gì?”, cơ duyên đến với Đức Long. Mang tiếng là làm công nhân ở Xí nghiệp Tuyển than Hòn Gai, nhưng chủ yếu là hát biểu diễn phục vụ công nhân vùng mỏ. Thế rồi cái duyên, cái nghiệp cứ thế đeo bám vào anh như hơi thở cuộc sống, để rồi khát khao cháy bỏng trở thành nghệ sĩ cứ lớn dần. Năm 1978, Đức Long đã đánh dấu tên mình bằng Huy chương Vàng ngay lần đầu xuất hiện trong Hội diễn nghệ thuật quần chúng ngành Than. Điều đó càng thôi thúc ý chí và khát vọng vươn lên, trở thành ca sĩ chuyên nghiệp trong anh. Và rồi, trong buổi giao lưu giữa công nhân mỏ và Đoàn Nghệ thuật Phòng không - Không quân, Đức Long thể hiện ca khúc Chiều trên bến cảng và ngay lập tức được Ban Lãnh đạo mời về làm diễn viên của Đoàn.
Năm 1982, là một năm đánh dấu bước ngoặt cuộc đời khi Đức Long theo học âm nhạc chuyên tại Nhạc Viện Hà Nội (nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam). Thời gian này, anh vừa học, vừa tham gia hoạt động biểu diễn của Đoàn, đi biểu diễn phục vụ bộ đội, chiến sĩ và nhân dân khắp các mặt trận từ chiến trường Vị Xuyên, biên giới phía Bắc, miền Trung cho tới các vùng miền của Tổ quốc và sau này là biểu diễn phục vụ cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài. Năm 1988, Đức Long giành Huy chương Vàng tại Liên hoan Ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn quốc và được điều chuyển công tác về Đoàn Ca múa Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam. Anh tâm sự: “Môi trường quân đội đã rèn luyện anh có một sự kiên định, bản lĩnh, công tư phân minh trong cả sự nghiệp lẫn cuộc sống”. Từ bỏ mức lương quân nhân chuyên nghiệp với hệ số lương và chế độ đãi ngộ khá cao để sang môi trường dân sự cũng cho thấy Đức Long chấp nhận thiệt thòi về vật chất chỉ với mong muốn mở rộng hoạt động nghề nghiệp, thỏa sức trải nghiệm với nhiều dòng nhạc. Bởi với anh, được làm nghề, được sống với nghề bằng tất cả đam mê - đó là hạnh phúc không gì so sánh.
Được trải nghiệm và thể hiện ở nhiều dòng nhạc khác nhau cũng đã mang lại cho nghệ sĩ Đức Long những thành tựu đáng kể. Năm 1992, Đức Long quyết định đầu quân về Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam. Năm 1995, trong Cuộc thi hát Opera Thính phòng toàn quốc - lần thứ nhất, nghệ sĩ Đức Long đoạt Giải thưởng “Người hát ca khúc Việt Nam hay nhất” với tác phẩm: Trường ca sông Lô. Năm 1999 anh tiếp tục đoạt Huy chương Vàng Hội diễn Ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn quốc ở dòng nhạc dân gian.
Sống hồn hậu, giản dị, nhưng nghệ sĩ Đức Long cũng là người vui tính, và cũng là người rất thích chuyện tếu, nhưng ẩn sâu trong anh là một tâm hồn đa sầu, đa cảm. Có đôi khi, tôi như thấy chính anh trong những câu chuyện âm nhạc mà anh đồng cảm cùng các nhạc sĩ để bộc bạch về nhân tình thế thái ở đời. Anh tâm sự: “Chưa có nỗi khổ, nỗi buồn nào mà tôi chưa trải qua. Những ngày tháng ngụp lặn, neo mình vào nhiều nơi để mưu sinh đã in hằn lên trí nhớ!, nhưng rồi cuộc sống cũng đã cho tôi rất nhiều. Tôi hài lòng với những gì mình đang có. Tôi hát về những nỗi buồn đau trong cuộc đời, bằng những trải nghiệm của chính cuộc đời mình, bằng những mất mát, bằng nỗi cô độc. Nhưng tôi luôn muốn mang đến cho khán giả một không gian âm nhạc thuần khiết, đẹp ngay cả khi buồn, để mang đến cho công chúng một thế giới trong trẻo nhất, không vướng bận tị hiềm”.
Một Đức Long riêng có
Trước khi trở thành một nghệ sĩ được đào tạo opera chuyên nghiệp, Đức Long hát bằng bản năng của một người yêu, say mê âm nhạc đến tận cùng bằng giọng hát như lửa cháy, hừng hực khí thế và khát vọng của tuổi trẻ qua hàng loạt những ca khúc cách mạng; Khi đã nắm bắt được những kỹ thuật khó của nghệ thuật opera, Đức Long vận dụng một cách khéo léo, tìm cho mình một cách xử lý tác phẩm tinh tế ở mỗi dòng nhạc. Nếu như sự tươi mới, hào sảng được thể hiện ở dòng nhạc Cách mạng thì ở thể loại thính phòng với những Aria, romance hay những tác phẩm chính ca, Đức Long lại đưa người nghe vào một không gian âm nhạc đẹp, hoàn hảo, đôi lúc khiến ta choáng ngợp như bước vào thánh đường nghệ thuật. Bởi ở đó, Đức Long đã phô diễn được kỹ năng, kỹ xảo của nghệ thuật thanh nhạc đỉnh cao một cách điêu luyện, tinh tế, nhất là việc luyện tập để giữ cho mình một tâm thế quân bình, cột hơi thẳng, đặc biệt là cách ém hơi, để nhả khẩu hình sao cho tròn vành, rõ chữ, nhưng cũng không quên bỏ nhỏ ở những chỗ cần thiết, để thể hiện rõ sắc thái và và màu sắc trong giọng hát. Anh có cách tiếp cận tác phẩm cũng rất khác biệt. Với mỗi tác phẩm, cùng với việc đọc để thẩm thấu nội dung ngôn từ, là phải hiểu thật sâu về đường tuyến phát triển giai điệu. Với mỗi một dòng nhạc, ở mỗi một thời kỳ âm nhạc khác nhau, anh không bao giờ bỏ qua cơ hội tìm hiểu về lịch sử âm nhạc của giai đoạn đó; về tác giả - tác phẩm đó, để nắm bắt được tinh thần, hiểu được ngữ nghĩa ẩn dụ mà tác giả gửi gắm trong tác phẩm để anh có thể biểu đạt tới tận cùng cảm xúc truyền tải tới công chúng một cách trọn vẹn cảm xúc. Chính vì thế, có những tác phẩm tưởng chừng xưa cũ, nhưng qua tiếng hát Đức Long và qua mỗi lần hát, anh đều mang đến cho người thưởng thức những cung bậc cảm xúc trong những không gian âm nhạc khác nhau.
Có thể thấy, trong suốt 4 thập kỷ ca hát, Đức Long luôn giữ được cột hơi thẳng và trường hơi để anh thỏa sức phiêu mà không bao giờ khiến người nghe phải hụt hẫng khi rơi vào sự cố về sức khỏe hay thời tiết làm ảnh hưởng tới giọng hát. Cũng chính bởi đã đạt ở đỉnh cao của kỹ thuật thanh nhạc nên việc anh chuyển hóa những kỹ thuật kinh điển để thể hiện những ca khúc thuộc dòng tân nhạc thời kỳ đầu hay những sáng tác mới mang phong cách trữ tình luôn khiến người nghe thấy nhẹ nhàng, thoải mái - Hát mà như “chơi” không bị bó buộc hay lệ thuộc vào bất cứ điều gì, mà chỉ “phiêu” cùng những thanh âm. Nghệ sĩ Đức Long tâm sự: “Làm nghệ thuật, bên cạnh niềm đam mê thì người nghệ sĩ phải nỗ lực, hy sinh bản thân để dấn thân cho nghệ thuật, không toan tính. Phải tự nghiêm khắc với chính bản thân mình trên mọi phương diện từ công việc, cuộc sống”. Là người có giọng hát kén khán giả, nhưng mỗi đối tượng khán giả, anh đều có cách tiếp cận khác nhau bằng tiếng hát của mình, bởi với anh: Hát là hơi thở cuộc sống, là mạch máu chảy trong huyết quản. Có lẽ, chính những tháng ngày cơ cực và cả thời gian hoạt động nghệ thuật trong quân đội là những trải nghiệm quý báu mà nhờ đó đã hình thành trong Đức Long một lối sống chừng mực, giản dị, một tấm lòng bao dung, độ lượng, luôn yêu tha thiết cuộc đời này. Vì thế, được hát phục vụ công chúng thì dù sân khấu lớn, hay nhỏ, dù là căn nhà tạm hay ở thánh đường nghệ thuật anh đều trút tiếng lòng mình như “con tằm rút ruột nhả tơ” - đó là những kén tơ vàng óng, lấp lánh ánh kim.
Với những lao động nghệ thuật miệt mài để tạo dựng cho mình một phong cách lịch lãm, riêng có, năm 2007, Đức Long vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu NSƯT.
Được sống và làm nghệ đúng nghĩa - đó là đặc ân
Cùng với công việc của Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam, nghệ sĩ Đức Long còn tham gia công tác giảng dạy tại Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam, Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội, Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương, Trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội... Anh đã góp phần đào tạo nhiều thế hệ ca sĩ trở thành những NSƯT, NSND ở Đoàn nghệ thuật trong cả nước.
40 năm cống hiến, lương hưu cũng chỉ 5 triệu đồng, nhưng kể cả thời trẻ cho tới bây giờ anh cũng không thích nhận nhiều show mà nhiều người từng bảo anh không thức thời, còn anh thì đơn giản nghĩ: “Nhà nước đào tạo ra những người nghệ sĩ thì chúng tôi luôn đặt nhiệm vụ phục vụ Nhà nước và nhân dân là trên hết. Chế độ đãi ngộ của Nhà nước dành cho chúng tôi cũng rất lớn. So với bây giờ có thể không đáng là bao nhưng so với thời chúng tôi những năm 70-80 của thế kỷ trước như vậy đã là quá nhiều”.
Thuộc lớp nghệ sĩ sống hoài cổ, sống bằng những hoài niệm của một thế hệ, mà âm nhạc đối với họ là cuộc sống nên đôi khi bị cảm xúc chi phối. Vì vậy, đôi khi trong những tranh luận của anh em, bạn bè, anh thường ở giữa làm hòa, anh: “AQ” và câu nói cửa miệng của anh thường là “Kệ”, nhưng không phải vậy. Chỉ là anh muốn mọi người vui vẻ và tự nhìn nhận vấn đề riêng, chứ không nên áp đặt suy nghĩ của mình lên người khác. Và khi mọi chuyện tranh luận qua đi thì anh lại nhẹ nhàng gợi lại như hóa giải… bởi thế, trong bất cứ cuộc tranh luận nào thì sau câu “Kệ” của anh, chúng tôi lại cười xòa… tự hiểu mình phải làm gì. Chính vì thế mà ai gặp anh, gặp ở bất cứ đâu cũng thấy anh nhẹ nhàng, thoải mái, với nụ cười đầy an yên. Anh sống và hát “nhẹ tênh” trong cõi người vốn sóng ngầm, nổi loạn - nhất là trong giới showbiz. Nhiều người không hiểu thì chia sẻ đầy thương cảm: “Đức Long đi hát bao năm, người yêu nhạc và học trò khắp năm châu mà sao vẫn nghèo thế!”, còn tôi thì thấy Đức Long thật giàu có, cái giàu có của anh không thể mua bằng tiền hay hiện vật, bởi anh là người luôn cho đi và không mưu cầu nhận lại, nhất là đối với học trò của mình. Anh tâm sự: “Người nghệ sĩ muốn đạt được trình độ nghệ thuật nhất định, phải là một quá trình khổ luyện; phải có vốn sống, có phông văn hóa được tôi rèn qua năm tháng. Nghệ thuật là lao động, là học hỏi mỗi ngày. Nhưng khi làm Thầy thì phải truyền được tình yêu, sự đam mê. Bài học đầu tiên Đức Long nói với học trò của mình là về đạo đức nghề nghiệp. Nghệ thuật là món ăn tinh thần, nó sang trọng chứ không tầm thường. Nghệ thuật là khó khăn, là chông gai chứ không hào nhoáng như vẻ bề ngoài ta nhìn. Tiếng hát cất lên từ trái tim đam mê, từ tinh thần cống hiến, mang cái đẹp đến cho đời - đó mới là sứ mệnh của người nghệ sĩ. Chúng tôi làm nghề chỉ mong được cống hiến hết mình cho nghề, không thích nổi tiếng nhờ truyền thông”.
Thực vậy, những người trân quý giọng hát Đức Long, có lẽ ai cũng vài ba lần dùng cơm trong căn nhà nhỏ của anh ở ngõ 274 Lê Duẩn. Căn nhà chỉ vỏn vẹn chưa đầy 20m2 nhưng lại là nơi mà ai đã ghé một lần chỉ muốn ghé lại nhiều lần để được cảm nhận trọn vẹn không gian âm nhạc ấm áp, một năng lượng sống tích cực, một thứ tình cảm vô hình cứ níu giữ ta xích lại gần nhau.
Theo đuổi sự nghiệp ca hát từ khi 21 tuổi, đến giờ là tròn 40 năm, nhưng NSƯT Đức Long mới thực hiện được 2 liveshow và 8 Album của riêng mình. “4 Thập kỷ Đức Long… Hát” là một không gian âm nhạc đa sắc, sống động và đầy cảm hứng bởi theo NSƯT Đức Long “Âm nhạc là một cách cứu rỗi tâm hồn người nghệ sĩ, nhất là khi dư chấn của đại dịch covid đã để lại nhiều hệ lụy gây ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý, đến đời sống dân sinh, mà người làm nghề như Đức Long muốn hát để tri ân khán giả trong thời khắc khó khăn này”.