Cắm trại bằng bè tre thả trôi sông, chân lội xuống dòng nước trong veo tận đáy. Nước chưa sâu tới đầu gối, bàn chân còn được massage bởi những hòn cuội to nhỏ. Trên bờ, hàng tre xanh quyến rũ và ngay phía sau là dãy núi cao xanh thẳm bao bọc một vùng trời.
Đắm chìm vào thiên nhiên
Chỉ hơn 1 giờ đồng hồ lái xe từ Hà Nội, chúng tôi đã có mặt ở Champing Đồng Chờ, xã Sào Báy, huyện Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình. Cảnh sơn thủy hữu tình hiện ra trước mắt, những chiếc bè mảng lợp cọ như đang vẫy gọi sự tò mò của du khách.
Càng vào sâu bên trong, sự nhộn nhịp càng tăng dần, bãi đậu xe đã kín mít. Dưới sông, khách du lịch đã phủ kín bè mảng. Những chiếc bè tiếp nối nhau, thiết kế hai sàn bằng những cây bương to như bắp chân người lớn.
Sàn dưới dập dìu dưới mặt nước, vừa giữ thăng bằng vừa để bè khỏi chìm. Sàn trên kê qua khỏi mặt nước khoảng 30cm, khách có thể ngồi, nằm thư giãn hoặc tụ tập bạn bè, gia đình vui liên hoan.
Nếu để ý, bạn có thể nhìn thấy những điều thú vị đang diễn ra ở Champing lúc này. Bên cạnh bánh xe vòng quay nước, nhóm phụ nữ trung tuổi mặc váy hoa mềm mại đang xếp hàng tạo đủ kiểu dáng để chụp hình.
Những đứa trẻ đang trầm mình dưới làn nước xanh mát, cười khúc khích. Bé ít tuổi thì có bố mẹ đứng cạnh giám sát, dù nước sông đủ an toàn. Các bé lớn tuổi hơn thì rủ nhau bơi trên chiếc bè nhỏ, chỉ ba cây bương chắp lại.
Nhóm bạn trẻ thì đặc biệt hơn. Có nhóm dựng hẳn một chiếc bàn trên mặt nước, bắc ghế ngồi kiểu cắm trại xung quanh, bên cạnh bếp nướng thịt khói nghi ngút. Hoa quả tươi, bia lon được ngâm trong nước mát ngay cạnh chỗ ngồi. Tất cả đều diễn ra trên mặt nước.
Trai gái thích thú xắn quân ngồi xung quanh, vừa trò chuyện, thưởng thức đặc sản, vừa ngâm chân trong làn nước mát lạnh.
Nhóm khác thì đặt bếp nướng trên bè, chân chỉ chạm nước và bè có thể trả trôi trên sông. Mỗi bè được trang bị một dây thừng vài chục mét, níu giữ bằng một cọc gỗ đóng ở đáy sông. Nếu thích di chuyển bè có thể thu dây, dùng sào để chống.
Nhóm thanh niên nam, nữ tụ tập trên bè, uống bia, hát karaoke nhưng được yêu cầu volum không quá to để giảm tiếng ồn. Trên một bè khác, gia đình gồm ông bà, bố mẹ trẻ và em bé cùng quây quần bên mâm đặc sản Đồng Chờ. Tận hưởng khoảnh khắc đoàn tụ, hòa mình với thiên nhiên.
Thi thoảng những chiếc bè lại khẽ chạm nhau, du khách hai bên có thể làm quen, giao lưu văn hóa giữa không gian văn hóa Đồng Chờ.
Vượt qua dãy nhà sàn trên cạn, chúng tôi cũng kiếm được một chiếc bè ở chỗ thưa bè nhất. Bắt đầu cuộc khám phá bằng bè mảng độc đáo trên dòng sông cạn, nước trong xanh tận đáy khiến nhiều người lầm tưởng đang trên một con suối giữa đại ngàn.
Thưởng thức văn hóa Sông Bôi- Đồng Chờ
Camping Đồng Chờ nằm trong Hợp tác xã (HTX) du lịch Sông Bôi- Đồng Chờ, một mô hình du lịch cộng đồng mới nổi ở vùng nước khoáng Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình.
Dòng sông Bôi, tên gọi khác là Hoàng Long, phủ dài hai tỉnh Hòa Bình và Ninh Bình, có chiều dài tới 127km. Có hai nguồn nước khoáng đổ vào thượng lưu và hạ lưu sông Bôi, một trong số đó tạo ra thương hiệu nước khoáng Kim Bôi (Hòa Bình).
Du khách từ Hà Nội lên, từ các tỉnh thành khác tới, đều bày tỏ sự thích thú với mô hình cắm trại bằng bè mảng trên sông. Bên cạnh đó còn được thưởng thức văn hóa ẩm thực cá suối, rau rừng, cơm lam và tìm hiểu truyền thống dệt vải “Chuông Bải” lâu đời.
Chị Lê Thị Kim Nguyệt, trong nhóm du khách tới từ Thường Tín, Hà Nội khoe về đi bất ngờ thú vị này: “Chúng tôi không nghĩ nơi đây lại có cảnh cắm trại bằng bè trên sông đẹp như vậy. Nước trong tận đáy, mát rượi, có thể xắn quần lội qua dòng. Cảnh sông núi ở đây cũng rất đẹp, thể nào cũng được một tệp ảnh đẹp mang về nhà đăng facebook”.
“Tôi đi cùng chồng con, họ đang ở trên bè kia. Chúng tôi đi nhiều nơi nhưng chưa có nơi nào vừa lạ, vừa vui như ở đây. Chắc chắn chúng tôi sẽ quay trở lại, vì nơi đây cách Hà Nội không xa”- chị Nguyễn Thị Thanh Hoa, bạn trong nhóm của chị Nguyệt vui vẻ góp lời.
Nhóm bạn trẻ đến từ thành phố Hòa Bình và nhóm bạn sinh năm 2004 tới từ Hà Nội, đều thích thú trải nghiệm Camping Đồng Chờ. “Tụi em thích kiểu vào rừng cắm trại, cắm trại bên suối nhưng mô hình cắm trại trong nước, hay trên bè tre thả trôi theo dòng nước như ở đây thì chưa. Khi lướt facebook, em thấy quảng cáo hay nên nhắn các bạn vào xem, rồi rủ nhau cuối tuần vào”- Khu Thị Ngọc Bích ở Hà Nội cười nói.
Bích mong kéo thêm điện, wifi ra bè để các bạn vừa tám chuyện, vừa điện thoại lướt facebook, tiktok. Nhưng vì an toàn và sự yên tĩnh khi trở về với thiên nhiên là quy định của khu du lịch nên mong muốn của Bích có thể không được đáp ứng.
Mô hình camping bằng bè tre được người quản lý HTX du lịch Sông Bôi- Đồng Chờ, Bùi Hải Dính sáng tạo từ mô hình bè tre của cha ông ngày xưa làm nghề chài lưới. Bè có thể chở được khoảng 20 người lớn và trẻ em, bên trên lợp lá cọ dân giã.
Hải Dính là một người trẻ, anh có tình yêu đặc biệt đối với những giá trị truyền thống và muốn giữ lại cho thế hệ sau để không bị mai một. Bè tre, nghề dệt vải, câu hát, điệu múa và các món ăn truyền thống của dân tộc mình đều được Dính khôi phục, giữ gìn trong HTX du lịch.
Gặp Hải Dính không khó, anh cứ áo phông nhã nhặn, quần jeans, dép tổ ong hòa vào dòng người ở bãi sông. Vừa xắn tay làm, hướng dẫn nhân viên, vừa trò chuyện với du khách. Đôi khi khách không biết mình đang trò chuyện với ông chủ khu du lịch. Tôi thích sự gần gũi, giản dị ấy và cả ước mơ lớn của đời Dính: “Tôi muốn làm một điều gì đó cho quê hương. Hiểu được nơi mình sinh ra và biết cách khai thác giá trị vốn có của nó để làm giàu chính đáng cho bản thân và giúp đỡ người dân quê mình để họ cùng làm, cùng giữ gìn, cùng hưởng lợi”- Dính vui vẻ tâm sự.
Những điều thú vị bất ngờ khác
Làm việc cùng với “sếp” trẻ, những nhân viên trong HTX du lịch Sông Bôi- Đồng Chờ đều là người dân địa phương của 94 hộ gia đình ở thôn Đồng Chờ. Nhân viên lớn tuổi nhất đã 79 tuổi, nhân viên trẻ nhất đang ở tuổi đôi mươi.
Nhân viên chính thức có 7 người, còn nhân viên cộng đồng có cả trăm người. Anh Dính xây dựng mô hình du lịch cộng đồng theo nghĩa đen, để người dân bản tham gia làm du lịch. Mỗi người dân sẽ có một ki-ốt riêng, giới thiệu sản phẩm du lịch tới du khách cũng theo cách riêng của mình.
“Ban đầu bà con ai cũng sợ, nghĩ rằng bãi đất ven sông này chỉ hợp với thả trâu, thả bò, chẳng có khách du lịch nào tới đây đâu. Số tiền đầu tư ban đầu cũng lớn, đối với mỗi hộ dân bản vài triệu đồng là lớn lắm rồi. Khi bắt đầu có khách tới, đông dần, người dân trước đây còn phản đối nay cũng muốn ra làm du lịch. Tôi rất vui”- anh Dính kể.
Giá vé vào cổng chưa có, du khách chỉ bỏ tiền thuê bè. Giá bè thời điểm hiện tại từ 300.000- 500.000 đồng một ngày, tùy số lượng khách. Giá lưu trú tại nhà sàn khoảng 600.000-700.000 đồng một đêm cho một nhà sàn. Nếu khách ngủ ở nhà sàn cộng đồng chỉ mất 70.000 đồng một khách. Khách có thể mang đồ ăn rồi thuê bếp nướng, hoặc đặt mâm cơm đặc sản lợn mán, nếp nương, cá suối, ốc núi, rau rừng nóng hổi.
Ngủ lại nhà sàn qua đêm, theo dõi lịch đốt lửa trại, đêm hội văn hóa mường. Tìm hiểu nghề dệt vải lâu đời và những tập quán sinh hoạt của người dân bản địa nơi đây.
Dù chỉ mới mở cửa đón khách vừa tròn một năm, từ tháng 3 năm 2023 tới nay nhưng HTX du lịch đã vượt kỳ vọng của Dính và bà con Đồng Chờ.
“Khách tới vào cuối tuần và ngày lễ đông nhất, có khách đi ngày thường vì sợ ngày lễ đông. HTX du lịch vẫn đang hoàn thiện để phục vụ du khách được tốt nhất”- quản lý Bùi Hải Dính chia sẻ.
Dự định sắp tới của Dính sẽ mở rộng du lịch cộng đồng lên từng hộ gia đình, để khách khám phá văn hóa sinh hoạt của người dân bản địa. Cải tạo hang Dạ, nơi từng là điểm sản xuất vũ khí thời chiến của quân đội ta, để du khách được tham quan. Tìm kiếm, kết nối điểm tắm khoáng nóng cho du khách khi tới địa bàn của suối nước khoáng Kim Bôi.
Chúng tôi để ý, rác thải nhựa không xả bừa bãi trong khu du lịch. Những mái nhà lợp tôn cũng đang thay sang lợp lá cọ, cho gần gũi với thiên nhiên. Đó là một tín hiệu đáng mừng, đó mới đúng là tiêu chí du lịch cộng đồng xanh sạch.
Là khách du lịch ở khoảng cách gần, chúng tôi đã quá hài lòng với những gì khám phá ở champing Đồng Chờ hôm nay. Nhưng với khách ở xa hơn thì cần điều Hải Dính đang dự định làm để khám phá thêm cho bõ chuyến đi dài.