Bạn anh tôi là họa sĩ

Nguyễn Đăng Dung

19/09/2022 08:56

Theo dõi trên

Năm 1966, tôi mới biết anh Hoạ sĩ ấy, anh là bạn của anh cả tôi. Các anh quen biết nhau từ đầu những năm sáu mươi của thế kỷ trước.

Anh cả tôi là thợ cắt tóc và chỉ có anh tôi hớt tóc là anh ưng hơn cả, cũng từ đó hai người quen nhau và trở nên thân thiết. Thấy anh cả tôi cũng yêu thích hội hoạ, anh giới thiệu cho anh tôi mấy ông họa sỹ về hưu dạy thêm ngoài giờ hành chính. Vậy là anh tôi theo học mấy ông thầy đó và đã trở thành Họa sỹ nghiệp dư.

Hết giờ làm là hai anh em lại dong chơi, đến các tiệm cà phê giải khát, tìm cảm hứng cho tranh.

dvh1abc-1663552518.jpg
Thu Muộn- Tranh Sơn Dầu của họa sĩ Lê Văn Hiệp (1964).

 

Anh cả tôi kể về người bạn Hoạ sỹ. Một lần anh đến thăm cô bạn gái, anh mang theo bức tranh để tặng cô ta. Ban đầu bạn gái đón tiếp anh niềm nở, đến khi anh giở món quà ra thì cô hờ hững, còn nói: "Tưởng anh mang theo cái gì, thì ra cái này"- nói bức tranh của anh. Anh tức quá, mang bức tranh ra ban công thả xuống đường. Rời khỏi nhà Nàng, chẳng còn gì để nói... Nàng đã xúc phạm vào nghề nghiệp- đam mê của Chàng.

Anh thường đạp xe ra phố, vào từng con ngõ nhỏ, quan sát cuộc sống diễn ra hàng ngày. Xem các công việc của mọi người, để phác họa các động tác thực tế cho sinh động. Anh còn đạp xe ra ngoại thành, đến các làng quê, để vẽ cảnh cánh đồng, cây đa bến nước, chùa cổ. Anh bảo: "Vẽ chỉ được mười năm hai mươi phút lại về, hôm sau đúng giờ mới vẽ tiếp". Một bức tranh quả là công phu.

Anh Cả tôi kể rằng: Có hôm chủ nhật, anh cùng họa sĩ, đạp xe về quê hương quan họ chơi. Đang lúc trời có cơn mưa to, hai anh tạt vào nhà ven đường ở đầu làng. Nhìn ra bờ đê, cảnh mây đen cuồn cuộn, có cô bé chăn bò đang dắt bò tránh mưa. Cảnh đẹp quá, hai anh em chớp thời cơ mang đồ nghề ra vẽ. Kết quả được một bức ký họa bằng màu rất đẹp.

Khi thuê một cô diễn viên vũ ba lê làm người mẫu để vẽ, anh hoạ sỹ kể rằng: "Tháng lương chỉ được vài chục, riêng thuê cái cô diễn viên vũ ba lê này mất một phần ba". Mà thuê một tháng có mấy ngày, một ngày chỉ vài ba tiếng.

Cô này được cái dáng đẹp, người đẹp, tính hơi đỏng đảnh. Lắm khi đang ngồi vẽ, đến các bộ phận quan trọng như mắt- miệng thì cô ta lại kêu: "Em khát"! Thế là lại phải đặt bút, lấy nước cho cô ta uống. Uống xong lại mất thời gian sửa lại dáng ngồi, hướng nhìn, chỉnh đốn trang phục, mất thời gian. Bực mình cũng phải nhịn, vì cô ta đẹp, tự ái bỏ cuộc thì mất một người mẫu như ý.

Trong những bức tranh vẽ về cô diễn viên vũ ba lê này, anh có tặng anh Cả tôi một bức. Bức này là cô dung dị mặc áo len đen, quần đen, khăn quàng huyết dụ, tóc, tóc vắt qua bờ vai trái rủ xuống ngực trái. Hai tay đang vờn hoa cúc, mặt cúi xuống cành hoa... đẹp chân phương.

Năm 1966, một ngày mùa hạ anh về nhà tôi chơi. Nghe anh Cả kể về anh nhiều mà nay mới được gặp. Anh có dáng cao, da bánh mật, tính tình rất vui. Anh khoe với anh Hai tôi ) tấm ảnh người yêu sắp cưới mười chín tuổi, tôi cũng được coi, xinh lắm.

Hôm đó khi bactôi đi làm về, anh nói: "Con kỷ niệm ông một bức chân dung". Nói rồi anh để ông ngồi trên tràng kỷ, sửa dáng ngồi ngay ngắn. Anh bắt đầu dùng bút lông, thuốc nước vẽ, khoảng hai mươi phút là xong. Vẽ ở dạng ký họa nên trông tranh rất sinh động. Hiện rõ một lão nông, nhưng lại mang dáng dấp một nhà trí thức.

Buổi chiều anh ra sân, ngồi đối diện với ngôi nhà năm gian nhà tôi. Anh ký họa để làm tư liệu cho những sáng tác, về những ngôi nhà cổ ở nông thôn. Anh cũng ký họa cho tôi một bức, kỷ niệm chàng trai mười sáu tuổi.

Anh nói chuyện rất vui và hấp dẫn, anh có biệt tài giả giọng nói của Bác Hồ.Bác tôi khen anh: "Giống giọng Cụ Hồ thật. Cái ngày mồng Hai tháng Chín năm Bốn lăm, tôi được dự mít tinh, Cụ nói y như thế".

Buổi chiều các anh về Hà Nội, tôi tiễn hai anh đến đầu làng. Anh đứng chờ anh cả tôi đi mua con gà trống để ra Hà Nội các anh liên hoan. Đứng đầu làng, nhìn xuyên qua cánh đồng, mặt trời hướng tây sắp lặn, hắt ánh vàng lên quầng mây tím, anh nhún chân cất tiếng hát: "Màn đêm xuống không trăng sao, đời tôi nhớ tới hôm nào. Bà mẹ già đang ru cháu, một đời người đã thấu gian lao...". Anh quay lại tôi: "Sáu biết bà mẹ già làm gì không"? Tôi nói: "Dạ trông cháu, cho bố mẹ cháu đi làm ạ". Anh cười: "Đúng lắm..." và anh nhìn xa xa: "Cảnh nông thôn thật kỳ diệu". Cuộc gặp gỡ ngắn ngủi với anh mở ra trong tôi bao cảm xúc.

Anh cả tôi cũng vừa xách con gà trống tới. Hai anh lên xe về Hà Nội trong chiều hoàng hôn.

Một thời gian sau, anh cả tôi thôi nghề cắt tóc, xin về làm ở Ty giao thông Hà Tây. Tôi cũng xa nhà đi kháng chiến. Các anh vẫn gắn bó với nhau khi có công việc gắn bó đến hội họa. Khi có những cơ quan, đại hội, khai trương, khánh thành. Cần các anh vẫn giúp kẻ vẽ pano, áp phích, quảng cáo.

Trong chiến tranh chống Mỹ, các anh cùng nhóm họa sĩ Tạ Lựu, Nguyễn Nghiêm vẽ tranh đả kích trên các mặt báo, góp phần vào cuộc kháng chiến chống Mỹ.

Anh đã tặng anh cả tôi những bức tranh: Bức tĩnh vật, vẽ ba vật tựa vào nhau như hình một tam giác. Một quả mít chín, tựa vào một bình đồng cổ, dưới là một bông sen chưa nở nằm ngang, tác phẩm này là bài thi tốt nghiệp của anh sau bảy năm miệt mài đèn sách. Bức thứ hai là cô diễn viên vũ ba lê, như đã kể trên. Bức thứ ba "Chiều mưa Bắc Ninh". Bức này do hai anh chủ nhật đi thăm miền quan họ, đã ký họa và về chuyển thể thành tranh sơn dầu. Bức thứ tư là tranh phong cảnh, vẽ cảnh làng Bưởi. Có những hàng bạch đàn vươn trong nắng. Trên cao có mây trắng vờn bay, dưới chân là những hàng cây con tỉa thành những ô hình chữ nhật bao quanh, và bức chân dung vẽ cho bác tôi năm 1966, lúc ông tròn năm mươi tuổi.

Sau này anh hợp tác với báo, báo Công an nhân dân, Hà Nội mới, Công ty xổ số kiến thiết Thủ Đô.

Những năm 1980-1981 Tôi có dịp đi qua Hà Nội, qua các đại lý bán xổ số dịp xuân Tân Dậu. Những tấm vé số Tết đó có hình cảnh đào đỏ thắm, vươn xa, nổi bật trên nền Tháp Rùa Hồ Gươm. Tấm vé số trị giá một đồng (1đ), vàng lúc đó hai trăm đồng một chỉ (200đ). Đó là bút tích của anh hợp tác với Công ty xổ số kiến thiết Thủ Đô.

Anh đã xa anh em tôi và mọi người hơn một thập niên, nhưng những bức tranh, những câu chuyện về anh, vẫn trường tồn mãi mãi. Anh là Họa Sỹ Lê Văn Hiệp.

18/9/2022

Trái tim người lính

Bạn đang đọc bài viết "Bạn anh tôi là họa sĩ" tại chuyên mục Văn hóa - Xã hội. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn