“Bạn đến chơi nhà” - Một tứ thơ hay về tình bạn

Nhà thơ Nguyễn Khuyến (1835 – 1909) tên thật là Nguyễn Thắng, hiệu Quế Sơn, tự Miếu Chi quê ở thôn Vị Hạ, xã Yên Đổ (nay là Trung Lương) huyện Bình Lục, Tỉnh Hà Nam.

tac-gia-cung-cac-dong-nghiep-chup-hinh-luu-niem-ben-cong-nha-nguyen-khuyen-1713850210.jpg

Tác giả (ngoài cùng bên trái) cùng các đồng nghiệp chụp hình lưu niệm bên cổng nhà nhà thơ Nguyễn Khuyến

Ông vốn thông minh, học giỏi, đi thi từng đứng đầu ba kì: Hương, Hội, Đình nên được mọi người gọi là Tam  Nguyên Yên Đổ. Ông có phẩm chất trong sạch. Mặc dù ông có làm quan khoảng mười năm nhưng nổi tiếng là thanh liêm, chính trực. Ông là một nhà thơ lớn của dân tộc, có tâm hồn rộng mở, giàu cảm xúc trước thiên nhiên và sống gắn bó với cuộc sống của nhân dân. Các sáng tác của ông chủ yếu được viết chủ yếu sau ngày cáo quan về ở ẩn ở quê nhà. Nguyễn Khuyến để lại khoảng gần 400 tác phẩm viết bằng chữ Hán và chữ Nôm bao gồm nhiều thể loại như văn tế, câu đối, thơ … Tác phẩm chính của ông gồm có: “Quế Sơn thi tập”, “Yên Đổ thi tập”, “Bách Liêu thi tập” … Sáng tác của Nguyễn Khuyến chủ yếu tập trung vào ba nội dung chính: bộc bạch tâm sự của mình; phản ánh về con người, cảnh vật, cuộc sống của quê hương; chế giễu, đả kích những kẻ tham lam, ích kỉ, cơ hội. Trong số các sáng tác để lại của Nguyễn Khuyến, bài thơ “Bạn đến chơi nhà” là một tác phẩm Đường luật có cấu tứ khá độc đáo. Nhà thơ đã lấy rất nhiều cái không có để thể hiện một cái có: tình bạn.

Tình bạn là một đề tài quen thuộc trong văn học Việt Nam. Ở mảng đề tài này Nguyễn Khuyến có hai bài tuyệt bút là “Khóc Dương Khuê” và “Bạn đến chơi nhà”. Hai bài thơ ấy mỗi bài một vẻ và được thể hiện theo một phong cách riêng nhưng đều là những bài thơ viết về tình bạn hay nhất của Nguyễn Khuyến nói riêng và thơ Việt nói chung. Ở bài thơ “Khóc Dương Khuê” nhà thơ thể hiện nỗi đau đớn, xót xa một cách thống thiết, nghẹn ngào khi nghe tin bạn mất. Còn trong bài thơ “Bạn đến chơi nhà” ông lại bộc lộ một niềm vui khôn xiết cùng nụ cười hóm hỉnh khi bạn đến thăm mình. Về bài thơ “Bạn đến chơi nhà”, căn cứ vào nội dung bài thơ, chúng ta có thể đoán định được hoàn cảnh ra đời. Đó là khi cụ Tam Nguyên Yên Đổ đã cáo quan về ở ẩn ở quê nhà. Đây là một bài thơ viết theo thể thơ thất ngôn bát cú Đường luật. Bằng những từ ngữ hết sức bình dị, tự nhiên và giọng thơ hóm hỉnh, trào lộng nhưng ý tứ lại rất sâu xa, nhà thơ đã cố tình dựng lên một tình huống trớ trêu, khó xử khi có bạn quí đến chơi nhà để gửi đến người đọc một thông điệp về tình bạn: tình bạn đẹp đẽ, cao cả là tình bạn được xây dựng trên một cơ sở là tình cảm chân thành, vượt lên mọi thứ vật chất, vượt qua mọi thủ tục nghi lễ tầm thường.

Hai câu đề: Nhà thơ mở ra một tình huống đặc biệt:

“Đã bấy lâu nay, bác tới nhà

   Trẻ thời đi vắng, chợ thời xa”

Để hiểu rõ bài thơ này, thiết nghĩ chúng ta phải biết qua về cái ăn trong quan niệm của người Việt Nam. Dân tộc ta vốn gắn liền với nền kinh tế nông nghiệp, thiên về tự cung tự cấp nên thường hay túng thiếu do vậy rất coi trọng miếng ăn. Trong tâm thức dân tộc ta thường thấy những câu như “Có thực mới vực được đạo”, “Trời đánh còn tránh bữa ăn” ... Và theo Nguyễn Như Ý (chủ biên) thống kê trong cuốn “Đại từ điển tiếng Việt” (Nhà xuất bản Văn hóa Thông tin – 1999), người ta thấy có tới 551 mục từ liên quan đến từ ăn. Như vậy khác với người phương Tây coi cái ăn như một điều kiện cần thiết hay là một phương tiện để hoạt động (triết lí phương Tây có câu “Người ta ăn để mà sống chứ không phải sống để mà ăn”) thì với người Việt Nam “ăn uống là cả một nền văn hóa”. Đặt bài thơ trong không gian văn hóa này chúng ta mới thấm sâu hơn cái tình bạn của nhà thơ. Bạn bè chơi thân với nhau lâu ngày không gặp vốn đã rất nhớ. Ấy thế, hôm nay bạn đến tận nhà để thăm mình thì còn gì vui bằng. Bởi vậy, câu thơ mở đầu không chỉ đơn thuần là một lời thông báo mà còn thể hiện một tiếng reo mừng vui của tác giả khi được gặp lại bạn. Tiếng reo ấy vượt qua mọi nghi lễ khách sáo thường ngày nhưng cũng rất trang nhã. Nó thể hiện được sự tự nhiên nhưng cũng  rất chân thành của nhà thơ với bạn. Tuy nhiên đến câu thơ thứ hai, Nguyễn Khuyến bắt đầu dẫn dụ người đọc vào một tình huống khó xử đồng thời cũng là mở đầu cho sự xuất hiện một cấu tứ nghệ thuật rất độc đáo. Như bao người Việt khác, khi có bạn đến thăm, nhà thơ phải nghĩ ngay tới bữa ăn để “thết đãi” bạn. Biết vậy đấy, nhưng với nhà thơ lúc này là một điều rất khó khăn. Bởi lẽ mình tuổi cao mà trẻ không có nhà (đi vắng), chợ lại ở xa (mình già, ở nhà một mình không đi được). Như thế là cái khó khăn trong việc tiếp bạn của nhà thơ được đặt ra ngay trong phần đề.

Hai câu thực: Người Việt vốn hiếu khách. Khi có khách, người Việt thường nghĩ ngay tới việc làm cơm đãi khách. Bởi thế, dân tộc ta thường có những câu nói như thể “Khách đến nhà không gà thì vịt”, “Khách đến nhà chẳng gà thì gỏi”, “Khách đến nhà không gà thì bát tép” ... Nguyễn Khuyến cũng vậy. Khi có bạn đến thăm, sau tiếng reo vui mừng, ông nghĩ ngay đến việc tiếp khách. Có điều lần tiếp khách này nhà thơ gặp phải không ít những khó khăn như đã nêu ở phần đề. Vượt qua khó khăn ấy tác giả nghĩ ngay đến nguồn thực phẩm “tự cung tự cấp” để tiếp đãi bạn thân. Nhưng hỡi ôi!

“Ao sâu nước cả, khôn chài cá

 Vườn rộng rào thưa, khó đuổi gà”

Trong hai câu thơ này tác giả đã sử dụng nghệ thuật đối rất chỉnh để phủ định hết mọi ý tưởng của gia chủ. Sơn hào hải vị có đấy nhưng không thể thực hiện được bởi ao sâu nước đầy, vườn rộng rào thưa mà thân già thì không thể nào bắt được cá, gà để thết đãi bạn thân. Thật là “lực bất tòng tâm”. Câu thơ ở đây được ngắt nhịp 4/3 nên đã tạo ra một âm điệu chậm rãi, nhịp nhàng. Hình ảnh và nhịp thơ dễ gợi cho người ta liên tưởng đến chủ nhân của bài thơ đang hóm hỉnh, nhẹ nhàng phân bua, giải thích với bạn về hoàn cảnh éo le của mình trong việc đón bạn. Cái hóm hỉnh ấy được nhà thơ triển khai ở những câu thơ tiếp theo.

tac-gia-va-cu-nguyen-thanh-tung-hau-due-doi-thu-nam-cua-nguyen-khuyen-truoc-tu-duong-tam-nguyen-yen-do-1713850264.jpg

Tác giả và cụ Nguyễn Thanh Tùng, hậu duệ đời thứ năm của Nguyễn Khuyến trước từ đường Tam nguyên Yên Đổ

Hai câu luận: Người Việt tiếp khách, sang thì cơm gà cá gỏi; đạm bạc thì cũng phải có ngọn rau, quả cà. Tình thế của Nguyễn Khuyến lúc này quả là éo le; bữa cơm tiếp bạn cá, gà bây giờ đều không thể thực hiện được. Thôi, không có cá, không có gà, ông cũng phải lấy lá rau, quả cà ... đạm bạc để đón bạn vậy:

“Cải chửa ra cây, cà mới nụ

  Bầu vừa rụng rốn, mướp đương hoa”

Ở phần luận này nhà thơ người Yên Đổ tỏ ra rất cao tay khi sử dụng một loạt các phó từ chỉ quan hệ thời gian chưa, mới, vừa, đương để diễn tả những thứ có mà lại hóa không. Nhà thơ định tiếp bạn một bữa cơm đạm bạc bằng rau, quả trong vườn nhà. Tất cả những thứ rau, quả ấy đều có sẵn trong vườn rồi nhưng hóa ra vẫn không thể dùng được. Thế là bữa cơm đạm bạc cũng bất thành. Mọi thứ có lại trở thành không: không cải, không cà, không bầu, không mướp. Nhịp thơ 4/3 của hai câu thơ tiếp tục gợi cho người ta liên tưởng tới cái hóm hỉnh trong nụ cười của nhà thơ. Bên cạnh việc sử dụng đắc địa các phó từ, Nguyễn Khuyến cũng khai thác triệt để lợi thế của nghệ thuật đối của thơ Đường luật. Ông đã kết hợp nghệ thuật tiểu đối: cải - cà; bầu – mướp (trong một dòng thơ) với nghệ thuật trường đối: cải - bầu, cà - mướp (dòng trên với dòng dưới) để làm nổi bật cái hoàn cảnh oái oăm, cái tình huống khó xử của mình. Cái khó khăn ấy của nhà thơ tiếp tục được trào lộng, đẩy lên tới cực điểm trong hai câu cuối của bài thơ.

Hai câu kết: Dân ta trân trọng nhau ở cái tình chứ không phải ở mâm cao cỗ đầy. Bữa cơm cá, gà không có, bữa cơm rau quả cũng không có. Vậy phải đón bạn ra sao?

“Đầu trò tiếp khách, trầu không có

  Bác đến chơi đây, ta với ta”

Nói tới cách tiếp khách của người Việt Nam xưa không thể bỏ qua tục ăn trầu. Văn hóa tiếp khách của người Việt Nam có lệ “Miếng trầu là đầu câu chuyện”. Trong hoàn cảnh này Nguyễn Khuyến cũng nghĩ đến miếng trầu. Nhưng khổ thay với vị đại quan nhà Nguyễn lúc này tối thiểu đến miếng trầu để đón bạn cũng lại không có. Tình huống nhà thơ dựng lên quả là éo le. Cái khó ở đây được đẩy lên tới tột cùng. Trong hoàn cảnh đó nhà thơ lấy gì để tiếp bạn đây? Giữa lúc khó khăn ấy nhà thơ bỗng phát hiện ra có một thứ để đón bạn, thậm chí còn hay hơn cả mọi thứ mâm cao cỗ đầy. Đó là tình bạn. Bởi vậy câu thơ “Bác đến chơi đây, ta với ta” ở cuối bài thơ giống như thể một tiếng reo vui vì phát hiện thú vị. Cụm từ “ta với ta” ở đây làm ta nhớ đến câu thơ của Bà Huyện Thanh Quan: “Một mảnh tình riêng ta với ta”. Nhưng cụm từ “ta với ta” của nhà thơ Yên Đổ nghĩa không giống như cụm từ “ta với ta” trong bài thơ “Qua Đèo Ngang” của Bà Huyện Thanh Quan. “Ta với ta” trong câu thơ của nữ sĩ Thanh Quan là mình đối diện với mình, với bóng của mình. Đó là nỗi buồn, nỗi cô đơn đến tột cùng. Còn “Ta với ta” ở bài thơ “Bạn đến chơi nhà” là có hai người, nhà thơ với bạn. Hai người nhưng gần gũi, thân thiết tới mức như một. Vậy là cái tình bạn đậm đà, thắm thiết vượt lên hết thảy mâm cao cỗ đầy, xóa tan đi mọi thiếu thốn, khó khăn của Nguyễn Khuyến khi đón bạn đến thăm nhà.

Có thể thấy, trong bài thơ này, Nguyễn Khuyến đã sáng tạo một cấu tứ rất độc đáo: dùng cái không để thể hiện cái có. Qua đó để thể hiện một tiếng nói, một quan niệm về tình bạn. Thực ra, sau khi cáo quan về ở ẩn ở quê nhà, dù cuộc sống có vất vả đến đâu hẳn là vị đại quan nhà Nguyễn như Nguyễn Khuyến cũng không nghèo tới mức chẳng có gì để tiếp đón bạn cả. Đến đây người đọc sẽ nhận thấy cách nói bông đùa, trào lộng với bạn của nhà thơ. Bông đùa được như thế thì phải là bạn rất thân, rất hiểu nhau mới nói với nhau được những lời như vậy. Hóa ra những điều tưởng chừng như phi lí ấy lại rất có lí: tình bạn đẹp là tình bạn vượt lên mọi thiếu thốn về vật chất, vượt qua mọi thủ tục của nghi lễ.

Bài thơ “Bạn đến chơi nhà” của Nguyễn Khuyến không chỉ hay trong việc thể hiện một quan niệm về tình bạn mà còn thành công trong việc sử dụng ngôn ngữ thuần Việt; rất giản dị, tự nhiên, gần gũi với ngôn ngữ ở làng quê và đạt đến trình độ trong sáng, nhuần nhuyễn. Bài thơ đã thể hiện tài năng bậc thầy trong việc sử dụng ngôn ngữ dân tộc, dùng ngôn ngữ dân tộc để sáng tác thơ Đường luật. Hơn thế, không chỉ là bậc thầy trong việc sử dụng ngôn ngữ, Nguyễn Khuyến còn thể hiện là một bậc thầy trong việc tạo dựng tình huống trào lộng, hóm hỉnh để xây dựng một cấu tứ rất độc đáo cho bài thơ. Có thể thấy, qua những tình huống có mà không, qua những vần thơ Nôm hết sức giản dị, bài thơ đã đem đến cho người đọc một quan niệm rất đúng về tình bạn của Nguyễn Khuyến: cái quí giá nhất trên đời là tình bạn, tình bạn chân thành không phụ thuộc vào sự giàu - nghèo, sang - hèn, không cần sự hào nhoáng giả dối bề ngoài, không phải câu lệ bởi những lễ nghi quan cách ...