Báo chí với di sản văn hóa

Phương Lan (TTXVN)

16/06/2022 10:29

Theo dõi trên

Ngày 15/6, tại Hà Nội, Hội Di sản Văn hóa Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học - thực tiễn "Báo chí với di sản văn hóa" nhân kỷ niệm 97 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam.

Chú thích ảnh  PGS.TS Đỗ Văn Trụ, Chủ tịch Hội Di sản văn hoá Việt Nam phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: PV

 

Hội thảo có sự tham gia của các nhà nghiên cứu, quản lý văn hóa và đại diện một số cơ quan báo chí.

Phát biểu tại hội thảo, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Đỗ Văn Trụ, Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam cho rằng, trong những năm qua, báo chí Việt Nam luôn đồng hành cùng sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hoá dân tộc.

Hơn 800 cơ quan báo chí, phát thanh, truyền hình từ Trung ương đến địa phương đã và đang trở thành phương tiện truyền thông chủ lực, góp phần tích cực, hiệu quả vào việc tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước trên lĩnh vực di sản văn hóa. Báo chí đã góp phần tích cực quảng bá tinh hoa văn hoá dân tộc với nhân dân trong nước, bạn bè quốc tế, giới thiệu những việc tốt, người tốt trong hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ Đỗ Văn Trụ, thời gian qua, báo chí cũng phản biện, phản ánh về hiện tượng xâm hại di sản văn hoá xảy ra tại một số địa phươn. Có thể kể đến vụ việc về công trình Panorama tại đèo Mã Pì Lèng (huyện Mèo Vạc, Hà Giang) năm 2018; một công trình du lịch mọc lên ngay vùng lõi Khu Di sản văn hóa và Thiên nhiên thế giới Tràng An (Ninh Bình); pho tượng Bà Chúa Xứ thứ hai được doanh nghiệp thi công "chui" trên núi Sam (An Giang);

Di tích cấp quốc gia đặc biệt Ngũ Hành Sơn (Đà Nẵng) bị xâm hại nghiêm trọng do sự khai thác quá mức của làng nghề đá mỹ nghệ Non Nước… Những phản ánh này đã giúp cho cơ quan quản lý Nhà nước có cơ sở xử lý, giải quyết kịp thời các vi phạm theo quy định Luật Di sản văn hóa.

Tuy vậy, dung lượng, thời lượng dành cho di sản văn hóa ở không ít cơ quan báo chí còn khiêm tốn; có một số tờ báo chưa thực sự quan tâm hoặc "mạnh tay" trong việc lên tiếng bảo vệ di sản của dân tộc. Thậm chí còn có một số tờ báo bộc lộ khuynh hướng thương mại hóa, theo thị hiếu, câu khách mà làm mờ đi bản sắc văn hóa dân tộc… Nhận thức, kiến thức của một số ít phóng viên về lĩnh vực này còn hạn chế, phiến diện nên việc biểu dương hay phê phán còn hời hợt, công thức, ít hiệu quả, tính chiến đấu chưa cao.

Các ý kiến tại hội thảo đã tập trung khẳng định vai trò, trách nhiệm của báo chí nước ta trong bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa; những thuận lợi, khó khăn trong công tác này. Bên cạnh đó, các đại biểu đã đánh giá những mặt làm được, mặt còn hạn chế của báo chí trong bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa; qua đó trao đổi kinh nghiệm hoạt động báo chí của cơ quan và cá nhân trong việc tuyên truyền về di sản văn hóa.

Nhiều ý kiến cũng đề xuất kiến nghị tăng cường phối hợp, trao đổi thông tin giữa các cơ quan quản lý về văn hóa, cơ quan nghiên cứu về văn hóa,  hội chuyên ngành với cơ quan báo chí về chương trình mục tiêu quốc gia, đề án, dự án bảo tồn di sản văn hóa dân tộc; kết quả nghiên cứu về di sản văn hóa dân tộc; xã hội hóa trên lĩnh vực bảo tồn di sản văn hóa dân tộc... cũng như các giải pháp nhằm tăng cường hơn nữa chất lượng, hiệu quả tuyên truyền của báo chí trong sự nghiệp bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa…

Phó Giáo sư, Tiến sỹ Đỗ Văn Trụ khẳng định, "Báo chí với Di sản văn hóa" là một chủ đề rất lớn, nội hàm rất rộng, không chỉ nói một chiều từ phía báo chí, mà còn cần phải nói đến cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan, tổ chức, đơn vị hoạt động trong lĩnh vực di sản văn hóa trong mối quan hệ hữu cơ, tương tác lẫn nhau vì sự nghiệp chung, góp phần tích cực vào sự nghiệp bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc.

Bạn đang đọc bài viết "Báo chí với di sản văn hóa" tại chuyên mục Văn hóa - Xã hội. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn